Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Người vãi linh hồn

Nhân chuyện Thiếu tướng Anh hùng Lê Mã Lương kể “10 phút gặp Đại tướng, tôi ấn tượng suốt đời", mình nhớ lại chuyện câu chuyện hay của Vũ Bão, nên đọc lại:
Người vãi linh hồn
Nếu mọi chuyện trên đời đều diễn biến đúng như ta dự định thì đến bây giờ tôi chẳng còn gì mà viết về trận đánh bốt Chè năm ấy nữa. Công tác chuẩn bị chiến trường tiến hành đúng tinh thần chỉ đạo của phòng tham mưu. Số liệu biến động về quân số và vũ khí của địch được điểm từng ngày. Sơ đồ phòng ngự bốt Chè được vẽ đi vẽ lại đến độ tin cậy gần như tuyệt đối. Trinh sát hoả lực kiểm tra đi kiểm tra lại toàn bộ hoả điểm, đánh dấu bằng đủ các loại lý hiệu trên sơ đồ. Thế là chắc quá chứ gì !


Nhà văn Vũ Bão
Chiến tranh không phải trò đùa, chỉ có một bên bắn súng và một bên chỉ được quyền ăn đạn. Phải công nhận tên đại uý chỉ huy trưởng bốt Chè là một tay cáo già trong chiến trận, biết giấu chủ bài. Mặc cho mỗi lần trinh sát hoả lực, quân ta nhử thế nào, hắn vẫn ghìm không cho hai ổ đại liên găm ở hầm ngầm phát hoả.

Chính vì thế, khi đại đội chúng tôi bung hàng rào tiến vào trung thâm theo đội hình đầu nhọn đuôi dài, hắn mới cho hai ổ đại liên ở hầm ngầm bắn chéo cánh sẻ. Ðợt tiến công của chúng tôi bị chặn khựng lại. Cả đại đội nằm dán bụng xuống đất, không ngóc đầu lên được. Giá có phép gì dũi được đất, dìm cả người xuống, chúng tôi mới hy vọng giữ được cả gáo lẫn càng. Tình huống bất ngờ này không hề được tính đến trong phương án tác chiến. Các cấp chỉ huy không kịp phản ứng, cứ đâu nằm yên đấy. Mọi lần trước, đại đội bị vấp, chi uỷ thường hội ý cấp tốc rồi vạch chủ trương, nhưng lần này Luật, đại đội trưởng nằm ngay vị trí tiểu đội mũi nhọn chúng tôi, chính trị viên ở cuối đội hình, chính trị viên phó đang lo kéo một số thương binh ra ngoài hàng rào kẽm gai băng bó. Chính trị viên rút khẩu Xmít Oétxon, bắn một phát lên trời rồi bật dậy lao về phía trước hô lớn :
- Các đảng viên cộng sản tiến...
Một viên đạn đã cắt ngang khẩu hiệu tiến quân. Luật bò lùi xuống bên tôi, hất đầu về phía hoả điểm trước mặt.
- Cậu diệt thằng trái, còn thằng phải để mình.
Tiểu đội mũi nhọn chia đôi hàng chữ V, một nửa bò theo Luật, một nửa bò theo tôi. Thằng Vĩnh nằm bẹp lại. Tôi bò lùi xuống :
- Sao ?
Giọng Vĩnh lạc hẳn đi :
- Ðạn nó bắn như mưa, lên sao được.
- Mày nằm đây chờ chết à !
- Lên cũng chết.
Không sao ép một thằng hèn thành người lính dũng cảm trước làn mưa đạn được, tôi quát lên :
- Ðưa băng đạn cho tao. Cả hai quả lựu đạn nữa.
- Thế nó phản kích, tôi chết à.
Tôi lộn tiết, giằng luôn khẩu tiểu liên của nó :
- Tao phải lên, mày giữ lá cờ đại đội cho tao.
Bò dưới làn đạn, tôi vẫn quan sát hoả điểm. Tự dưng đốm lửa tắt lịm ở lỗ châu mai. Bọn địch đang thay băng đạn. Tôi bật dậy lao lên áp sát hầm ngầm. Bọn giặc ẩy lựu đạn ra. Tôi chộp ngay lấy, nhét vội vào lỗ châu mai rồi lùa nòng tiểu liên lia một băng. Tiếng reo hò ở phía sau vang dội bên tai tôi. Ðại hội bốn đã tràn ngập căn cứ giặc. Chưa trận nào chúng tôi vất vả như lần này. Chúng tôi phải vật nhau với từng lô cốt con, đến gần sáng mới đánh sập sở chỉ huy của giặc. Luật nhảy bổ lên ôm chầm lấy tôi. Tiểu đoàn trưởng chạy ào đến :
- Nhanh lên các bố ơi. Gần sáng rồi, thu dọn chiến lợi phẩm nhanh lên. Hencát nó cù cho dài rốn, lại iarơcu(1) bây giờ.
(1. IRQ : ỉa ra quần.)
Tôi quay lại thấy thằng Vĩnh vừa chạy đến. Ống quần bên trái bám chặt vào bắp đùi nó. Tôi giật vội băng cứu thương vẫn cài ở thắt lưng. Luật giơ tay cản lại :
- Nó vãi linh hồn toé ra quần đấy.

Chúng tôi rút về thôn Nội, cách bốt Chè bốn kilômét. Dân quân đã đào sẵn hầm hố tránh máy bay. Các đơn vị ở thê đội hai đêm qua, bây giờ đã chia nhau bảo vệ vòng ngoài cho chúng tôi. Các gia đình ở nông Nội đã chia nhau mỗi nhà nấu sẵn nồi cháo gà, nhưng sau một đêm vừa bận tập vừa lăn lê bò toài, đứa nào đứa ấy chỉ húp qua loa. Ăn là phụ, ngủ là chính, nằm lăn trên ổ rơm chẳng đứa nào biết đất là gì, trời là gì nữa. Ðột nhiên tôi bị dựng dậy. Mắt nhắm mắt mở, tôi nghe lõm bõm lệnh của Luật :
- Ði công tác đột xuất. Cả tiểu đội chỉnh đốn quân trang, lên tiểu đoàn nhận nhiệm vụ.
- Rõ !
Lên tiểu đoàn trưởng, chúng tôi mới biết có đồng chí Bạn về quay phim. Trận đánh đã kết thúc, chúng tôi phải diễn lại. Cảnh đồng chí Bạn cần quay đầu tiên là cảnh cắm cờ trên bốt Chè.
Tôi ngơ ngác hỏi lại :
- Báo cáo tiểu đoàn trưởng, đánh xong, thu dọn chiến trường rồi về đây ngay, chúng tôi không kịp cắm cờ.
- Thì lên phim, các đồng chí phải đóng lại.
- Báo cáo tiểu đoàn trưởng, chúng tôi có cờ đâu mà cắm.
- Lá cờ Quyết Thắng, trung đoàn trưởng giao cho tiểu đội mũi nhọn trước giờ xuất kích đâu ? Ðồng chí là tiểu đội trưởng nhận cờ trước hàng quân, tại sao đồng chí lại nói là không có cờ ? 
- Báo cáo tiểu đoàn trưởng, lúc đại đội trưởng ra lệnh cho tôi lên, tôi giao cờ cho đồng chí Vĩnh. Lúc tôi bịt mồm được thằng đại liên, cả đại đội xông lên, đồng chí Vĩnh cũng ào theo, bỏ quên cờ ở trận địa.
- Tại sao các đồng chí không đi tìm ?
- Báo cáo tiểu đoàn trưởng, tôi quay lại tìm nhưng ở chỗ ấy, tôi chỉ ba hố cối 81, chẳng thấy lá cờ đâu cả.
Tiểu đoàn trưởng quay sang bảo liên lạc viên xuống đại đội ba lấy lá cờ Quyết Thắng khác lên.
Cũng may cho thằng Vĩnh lại lấy cháu tham mưu trưởng trung đoàn nên việc này đã được tiểu đoàn trưởng cho qua. Chuyện này thôi không nói nữa.
Vừa gặp chúng tôi ở sở chỉ huy trung đoàn, đồng chí Bạn tươi cười bắt tay chúng tôi :
- Vĩnh quang Việt Nam. Tôi tự hào chúng mày !
Chúng tôi mím môi lại không dám cười.

Dựng lại cảnh cắm cờ không đơn giản như chúng tôi đã tưởng. Ðại đội tiểu pháo 20 ly dàn ở vòng ngoài, đại đội trọng liên trợ chiến bố trí ở vòng trong, bốn đài quan sát phòng không dựng ở bốn hướng, một đại đội bộ binh bố trí quanh bốt Chè sẵn sàng đánh quân nhảy dù định vồ mồi. Còn chúng tôi, theo lệnh của đồng chí Bạn, chúng tôi cứ phải diễn đi diễn lại cảnh diệt hầm ngầm cho đến khi thấy đạt yêu cầu, máy quay phim mới bắt đầu quay. Thật hại cho tôi, khi thử pháo nổ, một mảnh bê tông trong hầm ngầm văng vào đầu gối tôi làm ngã dúi xuống. Tôi định chồm dậy nhưng chân không đủ lực làm điểm trụ được nữa rồi. Y tá chạy vào dìu tôi ra băng bó cho cầm máu. Thế là tôi không được đóng tiếp cảnh sau nữa. Luật đến gặp anh phiên dịch, nhờ anh báo cáo với đồng chí Bạn cho thay người cắm cờ. Ðồng chí Bạn gật đầu, vừa lững thững đi trước tiểu đội chúng tôi đang xếp hàng ngang vừa ngắm nghía từng đứa. Khi quay trở lại đồng chí Bạn dừng chân trước mặt Vĩnh, trỏ ngón tay vào ngực cậu ta :
- Tốt. Người lính này cầm cờ.
Trước khi chúng tôi đi, tiểu đoàn trưởng nhắc đi nhắc lại : Bộ phim này rất quan trọng, cả thế giới sẽ xem bộ phim này. Mỗi ý kiến của đồng chí Bạn là một mệnh lệnh, các đồng chí phải nghiêm chỉnh chấp hành. Chính vì thế, Luật vừa giơ tay định nói câu gì đó phản đối nhưng anh vội bỏ tay xuống. Từ đó anh mất vui, đóng cảnh cắm cờ chẳng lấy gì làm hào hứng. Công binh điểm hoả tám cái bánh khảo (1) xung quanh sở chỉ huy bốt Chè cho đồng chí Bạn thu cảnh khói lửa vào ống kính.
(1. Bánh khảo : bộc phá.)

Ðến cảnh cắm cờ, theo sự chỉ dẫn của đồng chí Bạn, Luật vung khẩu Xmít Oétxơn vọt lên trước, Vĩnh giương cao cán cờ chạy theo anh, cả tiểu đội chạy theo sau. Cắt cảnh. Tiếp đó, Vĩnh chạy lên nóc sở chỉ huy, co chân đạp cán cờ cho lá cờ tam tài đổ xuống đất, Vĩnh đứng xoạc chân phất cao lá cờ Quyết Thắng, cả tiểu đội chia nhau đứng hai bên, Vĩnh vừa giơ cao khẩu tiểu liên K50 băng cối vừa hết thật to. Cả tiểu đội phải diễn đi diễn lại cảnh quay này đến ba lần để đồng chí Bạn quay phim. Thấy chúng tôi có chiều uể oải, anh phiên dịch phải giải thích thêm : Theo tiêu chuẩn quốc tế thì quay ba dựng một. Các đồng chí đánh bốt Chè đã vất vả rồi, bây giờ cố vất vả thêm chút nữa để phản ánh khí thế xung trận của quân đội chúng ta cho toàn thế giới biết. Kết thúc chầu quay phim đến tái mào, chúng tôi mới được quay về thôn Nội. Trước khi đóng máy, đồng chí Bạn lần lượt bắt tay chúng tôi :

- Vĩnh quang Việt Nam. Tôi tự hào chúng mày.


Ðời lính chiến vùi đầu trong trận mạc, thì giờ đâu mà nghĩ đến những thước phim đã quay. Sau mỗi trận đánh, nhìn thấy nhau đủ càng đủ gáo là lính mừng rồi. Ðến khi chiến tranh kết thúc, chúng tôi lần lượt trả súng quay về kiếm sống, quên cả cái chuyện cảnh phim cắm cờ trên bốt Chè. Một hôm đi cắt tóc, tôi vơ một tờ báo xem cho đỡ buồn. Dòng chữ đậm đập ngay vào mắt tôi loan tin bộ phim tài liệu Dặm đường máu lửa vừa hoàn thành. Tôi sực nhớ đến đồng chí Bạn : "Tôi tự hào chúng mày". Tôi xem tiếp tấm ảnh ở cuối bài. Ơ thằng Vĩnh đang xoạc cẳng đứng trên nóc chỉ huy, hay tay phất cao lá cờ Quyết Thắng, lũ bạn tôi, nhặt mỗi thằng ở một tiểu đội đứng dàn hàng ngang hai bên thằng Vĩnh, súng giơ cao, miệng đang gào. Tuy biết đây chỉ là cảnh diễn lại sau trận đánh, nhưng tim tôi vẫn cứ đập rộn lên khi đọc đến dòng chú thích : "Cảnh cắm cờ chiến thắng trên nóc sở chỉ huy bốt Chè trong phim Dặm đường máu lửa".

Câu chuyện nếu chỉ đến thế cũng chẳng có gì mà bàn nữa. Chuyện kiếm miếng ăn hàng ngày choán ngợp hết cuộc sống đời thường của người lính đã giã từ vũ khí. Bằng khen không treo, huân chương không đeo, miễn là kiếm được cái gì đó đổ vào nồi là nhất. Vả lại, điện ảnh, còn gọi là xinêma, họ tha hồ mà diễn nhiều trò ma trước mắt chúng tôi. Cần quay phim chuồng lợn tập thể làng tôi thì người ta đi khiêng những con lợn súc của xã viên về trại lợn. Sợ lũ lợn cắn nhau người ta sát tỏi vào mồm chúng. Cần quay phim ao cá điển hình của làng tôi, người ta đã đi mua hàng xảo cá chép cỡ xắt ba xắt tư đổ vào thuyền nan cứ như họ vừa kéo được mẻ cá dưới ao lên. Chiến thắng bốt Chè không còn là niềm tự hào riêng của tiểu đoàn chúng tôi nữa mà còn là niềm tự hào của cả sư đoàn, nên ở bức tường chính giữa ngay ở cửa nhìn vào phòng truyền thống, chính uỷ sư đoàn đã duyệt cho treo tấm ảnh cắm cờ trên bốt Chè phóng to bằng cái chiếu. Loại cựu chiến binh biết thừa là các cụ diễn, còn cánh lính mới toe cứ nghênh mắt nhòm thằng Vĩnh trong ảnh đang phất cao lá cờ Quyết Thắng và cứ tưởng đấy là tấm ảnh được chụp giữa lúc tơi bời khói lửa. Gặp gỡ nhau có một ngày ở doanh trại sư đoàn, anh em còn mê mải hỏi thăm chuyện làm ăn, nên cái cảnh diễn cắm cờ trên bốt Chè cũng qua đi. Phải công nhận tấm ảnh trích ở cảnh phim rất đẹp. Tư thế chiến sĩ quân đội nhân dân đứng trên đầu thù trông rất hiên ngang. Một hoạ sĩ đã phỏng theo tấm ảnh ấy vẽ mẫu tem phát hành trong dịp kỷ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân. Công ty phát hành sách lại in tấm ảnh cắm cờ trên bốt Chè vào bìa lịch. Cánh cựu chiến binh bắt đầu xì xào và đến ngày hội truyền thống của sư đoàn, anh em đưa vấn đề đó chất vấn chính uỷ. Chính uỷ đành phải giải thích theo kiểu thích đến đâu giải đến đấy : Các nghệ sĩ phải chọn hình tượng, chọn điển hình chứ làm sao đưa được cả sư đoàn vào một tấm ảnh. Lúc ở doanh trại sư đoàn, cánh lính cựu cứ ngậu xị lên nhưng về đến nhà, chuyện cắm cờ cũng nhạt dần. Ðại tá bơm xe, trung tá bán chè đỗ đen, thiếu tá buôn kem... tiếng gọi của cái bao tử làm chúng tôi quên hết chuyện hoa lá cành. 

Hai mươi năm sau... Ðạo diễn Xtivenxơn sang Việt Nam quay bộ phim Máu và hoa. Ông đến các cơ sở sản xuất phim xem những thước phim đã quay trong thời kỳ kháng chiến và ông yêu cầu Bộ Văn hoá cho phép được gặp và phỏng vấn một số người có mặt trong những thước phim tư liệu ông đã chọn mua. Bộ Văn hoá điện sang Cục Chính trị, Cục Chính trị điện xuống sư đoàn. Bấy giờ lớp chỉ huy cũ đã về hưu. Lớp chỉ huy mới ở trường sĩ quan ra hoặc ở các đơn vị khác mới bổ sung về, ai nấy đều tin Vĩnh đã vượt qua lửa nhảy lên cắm cờ ở bốt Chè. Sư đoàn trưởng cử sĩ quan chính trị đi tìm bằng được Vĩnh về doanh trại sư đoàn gặp đạo diễn Xtivenxơn. Bộ phim máu và hoa được chiếu rộng rãi trong cả nước. Tôi cũng được giấy mời đi xem phim. Những chuyện Vĩnh kể với đạo diễn Xtivenxơn đều đúng như trong cảnh diễn cho đồng chí Bạn quay phim. Nó kể diễn biến trận đánh y như thật, có quên chăng chỉ là đoạn nó nằm bẹp xuống đất, sợ đến vãi linh hồn. Luật đến tìm tôi. Anh thở dài :
- Thằng Vĩnh nó tưởng anh em ta chết hết cả rồi.
Tôi an ủi Luật :
- Dù cắm cờ thật hay cắm cờ diễn trên phim, cánh lính chiến có được ăn cái giải gì đâu.
- Sự việc chúng mình tận mắt còn bẻ quẹo đi như thế huống chi là những sự việc đã xảy ra từ 50 năm, 100 năm. Mình viết cái giấy lên Trung ương khẳng định không có chuyện cắm cờ trên bốt Chè. Cậu ký vào đây xác nhận hộ mình.
- ừ thì ký. Ðược chưa ?
- Tốt lắm. Phiền cậu ghi rõ chức vụ, phiên hiệu đơn vị hồi đó.

Tôi ghi hết. Sau này tôi mới biết chị Luật đã bán con lợn 50 ký lấy tiền cho chồng đi tìm các bạn đồng đội để khẳng định không có chuyện cắm cờ trên bốt Chè. Anh sao bức thư ấy làm mấy chục bản, anh đem từng bản sao lên nộp các cơ quan có trách nhiệm. Thế là câu chuyện đó rùm beng trong sư đoàn nhưng ai dám hạ tấm ảnh Vĩnh phất cờ ở bức tường giữa phòng truyền thống. Ai dám huỷ hàng triệu con em, hàng chục vạn bìa lịch có in ảnh Vĩnh phất cờ nữa chứ. Sư đoàn trưởng phải gặp riêng mấy anh em chúng tôi đề nghị đừng "chiếu bí" sư đoàn. Trận tiêu diệt bốt Chè là trận lớn nhất trong lịch sử sư đoàn, là vinh dự của cả sư đoàn, ông không thể hạ ngay tấm ảnh cắm cờ được, ông sẽ đi tìm tấm ảnh khác. Một trăm năm nữa cũng chẳng ai tìm được tấm ảnh khác ấy đâu. Một hôm, con trai Luật đến tìm tôi :
- Chú ạ, bố cháu sắp mổ dạ dày. Bố cháu muốn gặp chú trước khi lên bàn mổ.
Tôi phóng xe đến bệnh viện.
Luật vẫy tôi đến bên giường, nắm chặt tay tôi :
- Cậu là nhà văn, đừng bao giờ chỉ viết một nửa sự thật và đừng bao giờ viết những chuyện không có thật thành chuyện có thật. Cậu hãy viết những điều cậu đã nghe thấy : không có chuyện cắm cờ trên bốt Chè, cậu viết ngay đi và đem đến đây đọc cho mình nghe.
- Anh đừng nói gở. Sửa một chuyện tưởng là có thành một chuyện không hề xảy ra đâu phải ngày một ngày hai. Tôi sẽ viết. Ca mổ đã thành công. Vết mổ chóng liền sẹo. Luật vẫn sống. Tấm ảnh thằng Vĩnh phất cờ vẫn treo trong phòng truyền thống sư đoàn. Gần đây, đạo diễn Xitivenxơn đã mời Vĩnh sang Anh bốc phét về chuyện cắm cờ để quảng cáo cho bộ phim Máu và hoa. Thằng con Trời ấy, số nó đỏ thật. Giá lúc tôi bảo nó đưa băng đạn và cả hai quả lựu đạn cho tôi, nó tự ái khi thấy danh dự bị xúc phạm, nó liền leo lên lấy thân mình lấp ngay lỗ châu mai thì bây giờ làm sao còn sống mà sang Anh bốc phét nữa. Ở bên Anh, làm sao người ta biết được nó đã vãi linh hồn trong trận đánh bốt Chè. Cái quần trong phim là cái quần khác đấy.

Vũ Bão

**********
Đọc thêm một tiểu thuyết của Vũ Bão:

Vũ Bão
Rễ bèo chân sóng 
Hồi ký
Tôi là dân Thái Bình. Thiên hạ đã làm vè giễu dân tỉnh tôi: "Thái Bình là đất ăn chơi, tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành", cũng không bao giờ nghĩ rằng các bác, các chú tôi thường giáo dục truyền thống cho con cháu: dân Thái Bình anh hùng lắm, năm 1954, người Thái Bình cắm cờ trên nóc hầm tướng De Castries ở Mặt trận Điện Biên Phủ; năm 1980 người Thái Bình lái tàu lên vũ trụ; ngày 30 tháng 4 năm 1975, người Thái Bình lái xe tăng húc đổ cánh cổng sắt dinh Độc Lập. Tôi cũng tin như thế. Thời gian tôi bị đánh đuổi khỏi Hội Văn nghệ Hà Nội, đành chạy tị nạn sang ngành điện ảnh. Nhờ đó tôi mới biết chuyện khi đạo diễn Liên Xô Roman Karmen làm bộ phim Việt Nam trên đường thắng lợi vừa đến những cảnh cuối cùng, cuộc tổng công kích trên toàn mặt trận Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi. Ông ta đành phải dựng lại cảnh cắm cờ trên nóc hầm De Castries để tăng khí thế chiến thắng cho bộ phim, làm cho 70 triệu đồng bào ta tưởng nhầm rằng có chuyện cắm cờ thật. Trò xilama này tôi đã viết trong truyện ngắn Người vãi linh hồn. Theo tất cả những sách viết về mặt trận Điện Biên Phủ, không hề có chuyện cắm cờ trên nóc hầm De Castries. Thầy Trần Cư tôi khi đó là phóng viên mặt trận trên Điện Biên Phủ cho tôi biết quân ta chiếm được hầm ngầm De Castries lúc 17h00 ngày 7 tháng 5 năm 1954, vì vội giải tướng De Castries lên sư đoàn bộ nên chẳng ai nghĩ đến chuyện cắm cờ. Mãi đến ngày 13 tháng 4 (lỗi đánh máy ?) năm 1954, trong lễ mừng công tổ chức ở Mường Phìn, ông Tạ Quốc Luật, người chỉ huy đơn vị đã đánh chiếm hầm De Castries mới lên kéo cờ đỏ sao vàng giữa tiếng nhạc Tiến quân ca hùng tráng trong giờ khai mạc Lễ Mừng công Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông Tạ Quốc Luật là người Thụy Anh (Thái Bình), sau khi xem phim Việt Nam trên đường thắng lợi, ông Luật đã viết thư lên các cấp khẳng định không có chuyện cắm cờ trên nóc hầm De Castries.
Suốt từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến ngày 30 tháng 4 năm 1995, báo chí, phim ảnh ở nước ta cứ diễn đi diễn lại màn kịch xe tăng 843 do ông Bùi Quang Thận người Thái Bình chỉ huy đã húc đổ cổng sắt của dinh Độc Lập. Ngày 8 tháng 3 năm 1995, bà Francoise Demulder, phóng viên thường trú của hãng thông tấn AFP (Pháp) đã có mặt ở dinh Độc Lập sáng 30 tháng 4 năm 1975, nay bà trở lại Việt Nam sưu tầm tư liệu viết về bốn chiến sĩ trên xe tăng 390 bà đã gặp ở thềm dinh Độc Lập đang sống ra sao khi chiến tranh đã kết thúc. Bà Francoise Demulder có đem theo một số ảnh chụp ở dinh Độc Lập sáng 30 tháng 4 năm 1975 tặng Viện Bảo tàng Quân đội. Lúc bấy giờ đồng bào cả nước mới vỡ lẽ ra rằng chính xe tăng 390 mới là xe tăng duy nhất húc đổ cánh cổng sắt dinh Độc Lập trong lúc xe tăng 843 của ông Bùi Quang Thận còn mắc kẹt ở ngoài cổng phụ. Người chỉ huy xe tăng 390 là ông Vũ Đăng Toàn, người xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, chiến sĩ lái xe là ông Nguyễn Văn Tập, người xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, pháo thủ số 1 là ông Ngô Sĩ Nguyên thường trú tại phố Khương Trung, quận Đống Đa (Hà Nội), dạo ấy đang đi lái xe lam, pháo thủ số 2 là ông Lê Văn Phượng thường trú tại phố Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây, dạo ấy đang đi cắt tóc ở Bờ Hào gần thành cổ Sơn Tây. Cả bốn ông ấy không có ông nào là người Thái Bình cả. Còn chuyện người Thái Bình lái con tàu vũ trụ là do các đội văn nghệ xã ở Thái Bình cứ cao hứng hát điệu xẩm xoan "... đất nước Liên Xô phóng lên trên trời một ông trung tá tên là Phạm Tuân..." làm bà con quên mất phi công vũ trụ Liên Xô lái con tàu vũ trụ Phương Đông II chở nhà du hành vũ trụ Thái Bình thăng thiên tên là Gorơbátkô.
Bạn bè tôi thường tự hào dân tôi có những hai tỉnh Thái Bình: một Thái Bình nằm gọn trong vòng tay Biển Đông, sông Luộc, sông Hồng và một Thái Bình hòa tan trong 60 tỉnh thành phố khác. Tôi đã xuôi Nam ngược Bắc kiếm sống, đi đến đâu tôi cũng gặp người Thái Bình. Người Thái Bình vào tỉnh Dak Lak đông đến mức có người đã đề nghị phải đổi tên tỉnh Dak Lak thành tỉnh Dak Thái. Tôi lên Tây Bắc, trước đây vùng Tây Bắc chỉ có người Thái Đen và người Thái Trắng còn bây giờ lại có thêm người Thái Bình. Trong ba dòng người Thái đó, người Thái Bình phá rừng khỏe nhất. Tỉnh Thái Bình vốn không có rừng. Muốn dựng một ngôi nhà, người Thái Bình dưới quê phải bỏ ra 10 năm trồng xoan rồi mới hạ vườn xoan làm cột cái, cột quân. Còn lên Tây Bắc, người Thái Bình ra ngõ là đã thấy những cây to như bắp đùi, cứ việc thả cửa cưa cắt bằng thích để làm cột cái, cột con, đóng giường, đóng tủ. Những thứ trời cho ấy không bền. Rừng kiệt hết sạch cây hứng nước, hút nước, nước lũ ống cứ việc cuốn trôi bản làng. Trồng rừng thì lâu, phá rừng thì chóng, chết vì lũ lại càng nhanh.
Bạn bè tôi thường chê dân Thái Bình lành. Phàm cái anh lành thường hay cục. Khi cơn cục đã nổi lên rồi, cái anh lành đến mấy cũng coi trời chỉ là cái vung đất. Năm 1930, một số đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam ở huyện Tiền Hải đã gióng trống ngũ liên kêu gọi nhân dân trong huyện nổi lên chống sưu cao thuế nặng. Nhạc sĩ Thái Cơ, người Thái Bình trong cơn cảm hứng sáng tác đã viết "Nghe tiếng trống năm ba mươi còn vang vọng đến bây giờ..." Chỉ mới hơn sáu mươi năm thôi, 281 xã trong tỉnh đã phát huy khí thế cách mạng tiếng trống Tiền Hải giương cao biểu ngữ "Triệt để chống bọn tham nhũng", xếp hàng đi lên trụ sở tỉnh ủy vạch mặt bọn cường hào mới chui vào Đảng ủy, ủy ban nhân dân hà hiếp dân, bóc lột dân, ăn cắp tài sản của dân. Các bà mẹ Việt Nam anh hùng đi đầu rồi đến các ông cựu chiến binh huân chương đỏ ngực, tiếp đó là đại biểu nông dân xếp hàng trật tự đội đơn lên gặp tỉnh ủy. Lại có cả những người đeo bị đi theo nhặt lá bánh, tóp thuốc lá, giấy bọc kẹo không để rác rưởi vương vãi trên đường. Một vài nhà cầm quyền cay mũi quá định giở trò đàn áp vội đi cầu cứu bộ đội nhưng anh em bộ đội người tỉnh tôi đã trả lời thẳng thừng: "Quân đội đi đánh giặc, không đi đánh dân". Tổng bí thư Đỗ Mười, chủ tịch Trần Đức Lương phải thân chinh về tận Thái Bình có lời với nhân dân. Trung ương Đảng và Chính phủ phải cách cổ bí thư tỉnh ủy và chủ tịch tỉnh cho yên dân và từ đó mới đề ra quy chế dân chủ ở cơ sở cho cả nước làm theo. Tỉnh Thái Bình cũng có thanh tra như các tỉnh thành khác nhưng trục những bộ bánh răng ở tỉnh tôi đã bị khô dầu thường quay ngược chiều kim đồng hồ. Nhân dân đã viết "thiên trảm sớ" tố cáo bọn tham nhũng nhưng thanh tra ở tỉnh tôi lại thuộc loại "Thanh cha, thanh mẹ, thanh dì. Hễ có phong bì thì lại thanh kiu (thank you, cảm ơn)" nên các xã phải thành lập thanh tra nhân dân đi đào đường tính lại từng mét đất, mét đá, lục lại các chứng từ, sổ sách, kiểm tra lại nhà kho, tính chẻ hoe xem bọn cường hào mới đã ăn cắp của nhân dân bao nhiêu tiền trong các công trình "điện, đường, trường, trạm" để xây nhà lầu, để mua con Dim phóng vè vè khắp thôn xóm, để biếu các thầy bà trên huyện, trên tỉnh. Từ đó trở đi, tôi không thấy ai dám khen là dân Thái Bình "lành" nữa....

http://www.viet-studies.info/VuBao_HoiKy.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét