Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Chợ trời ở Pháp và Thụy Sĩ

Bài viết cũ của tôi, viết cách đây chắc 3-4 năm rồi, sau đó đã bổ sung 1 lần tháng 9 năm 2013. Thời tiết châu Âu ngày càng kỳ lạ. Năm nay ở Thụy Sĩ đến đầu tháng 7 tuyết vẫn rơi ở vài nơi, còn ở chỗ mình thì trời vẫn hơi lạnh. Ngược lại, mới cuối tháng 8 mà thời tiết đã như mùa thu, đêm ngủ phải đắp chăn, nhiệt độ sáng sớm khoảng 10°C. Vậy là mùa hè ngày càng ngắn, mùa đông ngày càng dài. Chuyện biến đổi khí hậu rất rõ qua các năm tháng, kèm theo đó là bao nhiêu chuyện phát sinh: Ruồi, muỗi, gián, động vật ôn đới và nhiệt đới xuất hiện và tăng nhanh. Nhiều lúc mình nghĩ mới hơn 20 năm qua mà đã thay đổi lớn như vậy (mình sống ở Pháp khá thường xuyên kể từ năm 1989) thì không biết tương lai trái đất, châu Âu sẽ thế nào. Biết đâu trăm năm nữa châu Âu quanh năm sẽ chìm trong đêm tối, lạnh lẽo, chẳng còn mùa hè tươi đẹp và rực rỡ như ngày xưa nữa. Nhiều lúc cứ mong bao giờ cho đến ngày xưa. Tự nhiên hai hôm cuối tuần vừa qua trời Genève nắng rất đẹp; thế là mọi người lại rủ nhau đi chợ trời, mình cũng đi và nhớ lại bài viết cũ dưới đây, lôi ra đọc lại. Mình mới chụp thêm một số ảnh ở chợ trời, lúc khác sẽ đưa lên.
Chợ trời ở Pháp và Thụy Sĩ
Đọc bài "Chợ trời ở Pháp" vừa đưa lên mạng, tự nhiên có cảm hứng viết vài dòng về kinh nghiệm đi chợ trời của bản thân.
Nơi tôi có 5 năm học và nghiên cứu tại Clermont Ferrand, Pháp:
Centre d'études et de recherches sur le developpement international (CERDI).
Chợ trời nằm ngay cạnh và phía sau CERDI, họp sáng chủ nhật hàng tuần.


Vì đây là một trong số ít các trung tâm nghiên cứu sử dụng mô hình toán trong kinh tế trên thế giới nên CERDI rất tự hào về phương pháp nghiên cứu rất hiện đại của mình. Các phòng học, hội thảo của CERDI đều được mang tên các nhà toán học đồng thời kèm theo các ký hiệu toán học như phòng lamda (λ), phòng omega (ω)...

Trước đây ở Pháp, hồi đi thực tập, rồi ở lại làm thạc sĩ, tiến sĩ... tôi rất thích đi chợ trời. Cái thú lớn nhất khi vào chợ là không khí vui tươi sinh động, mọi người cười nói, trao đổi rất tự nhiên, bình dân, khác hẳn không khí hàn lâm nghiêm túc tại trường đại học và cơ quan nghiên cứu khoa học hay trong các siêu thị; hàng hóa ở đây cũng rất bình dân, phù hợp với đám sinh viên và gia đình nghèo; đi chợ thỉnh thoảng vẫn gặp một số cán bộ cơ quan tôi học ra lượn lờ ở đây.



Năm 2009, trở lại thăm CERDI, tôi đã đứng trong phòng làm việc cũ của mình và nhìn xuống bãi đất trống này, thời tôi học ở CERDI, đây là khu đỗ xe buýt đường dài của thành phố nhưng riêng chủ nhật thì dùng làm một khu của chợ trời. Hiện nay khu đất này không biết được dùng làm gì, còn chợ trời được chuyển sang khu công viên rộng hơn ngay đằng sau khối nhà CA Centre trong ảnh, tức là cách chợ trời cũ chỉ khoảng 200-300m. Đối diện chợ trời cũ này (bên kia con đường nhỏ trong ảnh) là bể bơi ngoài trời lớn nhất thành phố. Ngày hè nóng nực, dạo chơi chợ trời xong thì có thể thư giãn bằng cách nhìn qua hàng rào bể bơi ngắm các thiếu nữ Pháp nằm phơi nắng la liệt xung quanh bể.

Đặc biệt, tại chợ trời, chúng ta có thể tìm thấy vô khối những thứ mà siêu thị không có, ví như những đồ chơi, vật trang trí cổ hoặc từ nước khác mang sang. Tôi thì thích sửa chữa, táy máy nên vào chợ trời hay nhìn những thứ mà mình đang cần để sửa đồ đạc trong nhà, từ đoạn dây điện, cái vít để chữa các dụng cụ điện hỏng... tới các dụng cụ đóng bàn ghế gường tủ.


Đưa người nhà đi chợ trời Pháp tại Ferney Voltaire

Cái thú thú hai là giá cả; đúng là giá trên trời, mỗi chủ hét một giá, cùng một cái đĩa nhạc, có chủ đòi 10 euro, có chủ bảo chỉ 1 euro. Nếu gặp phải sinh viên túng tiền đem đồ ra bán thì thôi rồi, họ chỉ muốn tống đi cho nhanh rồi về nên giá nào cũng được. Hoặc 1 số người sắp chuyển nhà cũng vậy. Thông thường, trước khi trả nhà cho chủ, người thuê nhà phải dọn sạch sẽ mọi thứ trong nhà, kể cả các đui đèn cũng phải tháo ra để trả lại nguyên trạng khi tới. Do đó, ngoài việc vứt đi, 1 số người đã khuân ra chợ trời bán với giá cực kỳ khuyến mại. Thậm chí cuối buổi không bán được, họ vứt lại luôn; nếu không ngại, nhằm lúc tan chợ, cứ ra đó sẽ nhặt được khối thứ giá trị mà họ bỏ lại.

Thứ ba là dân bán hàng ở chợ trời đều là người lao động nghèo, ít học nên họ sống rất vô tư, thân thiện, hiếu khách; ra chợ trời tán chuyện với họ rất vui. Năm 2009, trở lại thành phố Clermont Ferrand, thủ phủ miền Trung nước Pháp nơi tôi đã sống ở đó 5 năm, gặp lại những người bán hàng quen ở đó, thấy họ đã già đi ghê gớm, thế mới biết cuộc sống lao động chân tay vất vả, thức khuya dậy sớm và thường xuyên đứng trong nắng mưa ngoài trời có hại cho sức khỏe như thế nào. Mặc dù vậy, tính tình họ vẫn thế, vẫn vui vẻ, niềm nở và thân thiện như hồi nào.

Cuối cùng, đi chợ trời một công đôi việc. Vì bên cạnh khu bán đủ thứ thượng vàng hạ cám cho gia đình, chợ trời thường có một khu chợ bán thực phẩm tươi sống (rau thịt cá) và đồ ăn chế biến (gà quay, bánh mỳ, pho mat, dưa cà ô liu muối đựng trong lọ...) nên sau khi lượn lờ trong chợ xong, có thể sang khu chợ này mua đồ ăn mang về ăn trưa, khỏi mất công nấu nướng ở nhà.



Đi chợ trời có thể mua mọi thứ song có thứ tôi rất ngán mua. Đó là thực phẩm. Về rau, không thể hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng rau, hoa quả và cách thức bảo quản, xử lý rau, hoa quả của những người nông dân mang ra chợ bán. Họ cũng như ta, chỉ có điều do luật pháp rất nghiêm nên họ sợ, không dám làm ẩu. Tuy nhiên, do trong vòng hơn hai chục năm nay, các xã hội phương Tây, kể cả ở khối Sô Viết cũ, dân nhập cư vào quá đông làm cho việc kiểm tra giám sát không xuể; mặt khác, để cạnh tranh được với dân bán hàng là người nhập cư, người bản xứ cũng đành tặc lưỡi bắt chước người nhập cư làm liều.

Do đó có thể nói các mặt hàng thực phẩm bán ở chợ trời thiếu sự kiểm tra mức độ an toàn thực phẩm. Đặc biệt, đối với các loại thịt động vật (tôm, cá, thịt các loại), cũng không biết chúng đã được người bán bày ra từ bao giờ, đã mấy lần bị đưa ra đưa vào ngăn đá đông lạnh (vì cuối buổi bán không hết thì lại cho vào ngăn đá bản quản) ? Thời trước thỉnh thoảng tôi có mua thịt cá ở chợ trời, song đôi lần bị đúng loại gần hỏng, từ đấy không bao giờ tôi mua nữa.


Thịt cá ở chợ trời giá có thể rẻ hơn trong siêu thị 
song lo ngại lớn nhất là chất lượng không bảo đảm.

Một số bạn bè Tây nói chuyện với tôi còn khẳng định đa phần các thịt cá bán ở chợ trời cũng có nguồn gốc từ tổng kho của siêu thị mang ra. Nếu như công tác bảo quản ở siêu thị đáng tin cậy thì khi sang tay người nông dân (thực ra họ dùng mác nông dân nhưng bản chất là thương nhân đi thu gom hàng của các trang trại để bán lại ở chợ trời), việc bảo quản sẽ không được thực hiện đúng quy trình.


Quang cảnh chợ trời ở Nyon, Thụy Sĩ.

Chợ trời ở Thụy Sĩ khác với chợ trời có tính bình dân ở Pháp. Chợ trời Thụy Sĩ phần lớn là các hàng cao cấp và hàng mới; giá cả cũng chẳng kém gì trong siêu thị, thậm chí có khi còn đắt hơn. Theo dân bản địa nói, những đồ chất lượng kém hoặc quá cũ không được phép đưa vào bán trong chợ trời. Mọi hàng hóa mua ở đó đều được bảo hành và có quyền trả lại trong vòng 1 tháng gì đó. Ví dụ bạn mua một cái bàn là cũ, về nhà thấy không thích nữa hoặc thấy chạy không tốt như ý, tuần sau bạn có thể mang ra trả lại cho người bán. Việc mua bán hoàn toàn trao tay, đa phần không có hóa đơn giấy tờ gì cả, nhưng thực ra đã có quy định pháp luật chung cho việc này nên hai bên đều hiểu mình có quyền và có trách nhiệm gì.


 Hàng hóa ở chợ trời Nyon


 Biển yêu cầu giữ vệ sinh tại chợ, cấm để chó ị trong chợ.

Chợ trời Thụy Sĩ bán rất nhiều loại hàng cổ, phù hợp với những người có nhu cầu sưu tập. Đến các chợ trời ở Genève, Zurich hay Bern, đều có thể thấy, nói chung đối với dân nghèo sẽ rất khó kiếm được cái gì rẻ để mua (nhưng chịu khó đi thì vẫn may mắn gặp được ai đó có nhu cầu đẩy hàng đi nhanh với giá rẻ rất bất ngờ). Đặc biệt biệt ấn tượng là chợ trời ở Nyon, một thành phố nhỏ nằm cách Genève chỉ 30km. Chợ nằm ngay ven hồ Leman tuyệt đẹp mà tôi vừa làm một chuyến du ngoạn chủ nhật vừa rồi, có chụp ảnh lúc du thuyền đi ngang qua đó. Giá cả ở đây thì thôi rồi, toàn giá trên trời, đồ cũ mà còn cao hơn cả trong siêu thị (chắc người bán cũng chẳng biết trong siêu thị bán giá bao nhiêu). Điều này có lẽ cũng phải vì phần lớn hàng cũ bán ở đây là đồ để sưu tập hay các đồ độc, đặc biệt, nom rất hấp dẫn. Nếu muốn mua những thứ phục vụ sinh hoạt gia đình thì hầu như không thấy ở chợ trời này.


Hàng sách truyện ở chợ trời ở Genève, Thụy Sĩ

Dân Việt Nam ta đi chợ trời Thụy Sĩ chủ yếu để lùng mua các loại đồng hồ. Từ các loại đồng hồ đeo tay đắt tiền tới đồng hồ cây to tướng, cao nghều, có cái tới 3-4 mét, trông rất khủng. Chúng ta biết ở Thụy Sĩ, đồng hồ đeo tay cao cấp thì giá phải trên 25.000 USD 1 chiếc, còn loại loàng xoàng cũng phải từ 8.000 đến 10.000 USD trở lên. Dưới mức đó là hạng bình dân; dân VN ta có mua thì cũng chỉ dám mua đến loại có giá 3 hay 4 nghìn đô la là cùng (trừ quan chức cấp quá to, đi đâu của có đại diện doanh nghiệp tài trợ mang thẻ VISA đi cùng và trả tiền hộ). 

Tuy nhiên, ra đến chợ trời thì khác, giá cả lung tung nên thỉnh thoảng vẫn vớ được những chiếc đồng hồ tuyệt đẹp của những hãng rất nổi tiếng với giá khá rẻ, chỉ 1 đến 3 nghìn đô. Còn về loại đồng hồ cây cao 2 mét trở lên thì rất hợp cho dân ta vì giá quá rẻ, chỉ vài trăm đến hơn một nghìn đô là có thể sở hữu một cái rất ngon lành, hộp gỗ xịn hẳn hoi. Có một loại đồng hồ Thụy Sĩ nữa mà dân ta rất thích mua ở chợ trời, đó là loại để bàn, hình quả bầu hay một số dạng khác.

Vì là đồ cũ nên nhiều chiếc đồng hồ mua về có chạy đâu, nhưng dân ta không cần, chỉ cần cái vỏ và mác xịn, còn ruột thì nhờ các bác Việt kiều làm trong ngành đồng hồ ở đây sửa lại; thế là rất oách để khoe rồi. Nhưng thế còn đỡ, khối bác mua xong, mang về nước sửa, dùng toàn phụ tùng Tầu, Đài Loan...

Vài dòng thế thôi kẻo lan man lại mất thời gian cho chuyện trên... trời.

PS: Tôi mới đưa đường link bài này vào trang http://www.phamngoctien.com/2013/01/16/dong-ho-rolex-truyen-ngan-mini/

Cập nhật: 

Hôm nay 19.01.2013, tiện đến thăm nhà chị bạn, thấy có mấy cái đồng hồ Thụy Sĩ gia đình chị mua ở chợ trời, xin phép chụp lại và đưa lên đây minh họa. Những đồng hồ này không thật đẹp và không điển hình. Nhiều bạn VN khác ở đây còn có cả 1 gian riêng trưng bày các loại đồng hồ cực đẹp lượm lặt ở chợ trời, hôm nào rảnh có thể tôi sẽ ghé qua chụp và xin phép đưa lên mạng này để khoe. Dĩ nhiên, ông chủ của các bộ sưu tập này toàn là cán bộ Việt Nam sang công tác ở đây, chứ dân Việt Kiều xịn chẳng mấy ai có cái thú vui ấy. Kể cũng lạ, nhưng hợp lo gic: Đang sống trong môi trường thừa thãi đồng hồ thì quan tâm đến chúng làm gì nhỉ.



1 nhận xét: