Thứ Hai, 19 tháng 3, 2018

Lễ Quốc tang thủ tướng Phan Văn Khải có gì bất thường?

Lễ Quốc tang cựu thủ tướng Phan Văn Khải có gì bất thường?
Có ít nhất là 3 bất thường: Truyền thông; Nghi thức tang lễ; Vị trí an táng.
Nếu căn cứ theo quy định hiện hành về nghi thức cho Lễ Quốc tang, thì việc linh cữu của ông được quàn tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM, là vi phạm vào Điều 11 của Nghị định số 105/2012/NĐ-CP về tổ chức lễ tang.


Nhà mồ nằm trong khuôn viên nhà của 
cựu thủ tướng Phan Văn Khải, ngày 18-3
“Lễ Quốc tang tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội (nếu tổ chức ở Hà Nội); Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 175 hoặc Nhà tang lễ số 25 Lê Quý Đôn, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh (nếu tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh)”. Điều 11.1 của Nghị định số 105/2012/NĐ-CP quy định cụ thể như vậy.

Liên quan việc đưa tin, Nghị định số 105/2012/NĐ-CP có chi tiết tại “Điều 9. Đưa tin, đăng tin trên các phương tiện thông tin về Lễ Quốc tang”. Theo đó, khi chưa có thông báo chính thức của Ban Tổ chức Lễ tang, các phương tiện thông tin đại chúng chỉ được đưa tin vắn về việc từ trần. Sau khi thành lập Ban Tổ chức Lễ tang và việc tổ chức Lễ tang được chính thức công bố, các phương tiện thông tin đại chúng mới được đưa tin buồn, đăng bài viết giới thiệu về người từ trần.

Tuy nhiên ngay từ sáng sớm ngày 17-3, các trang báo điện tử ở Sài Gòn đã đăng chi tiết về nhiều góc nhìn khác nhau trong sự nghiệp chính trị của cựu thủ tướng Phan Văn Khải, trước khi có thông báo chính thức của Ban Tổ chức Lễ tang đến trên 10 tiếng đồng hồ sau đó.

Tang lễ ông Phan Văn Khải cũng đã được tiến hành tại nhà riêng của ông ở huyện Củ Chi, TP.HCM từ sáng sớm ngày 17-3 với sự hiện diện của nhiều quan chức, đặc biệt là có mặt của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cựu chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải.

Việc linh cữu của cựu thủ tướng Phan Văn Khải được quàn tại nhà 2 ngày, sau đó chuyển sang quàn ở Hội trường Thống Nhất (hay còn gọi là Dinh Độc Lập), cũng được cho là không tuân thủ quy định, vì Nghị định số 105/2012/NĐ-CP chỉ chấp nhận linh cữu ông Phan Văn Khải hoàn tại Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 175, Gò Vấp; hoặc Nhà tang lễ số 25 Lê Quý Đôn, Quận 3.

Ngoài ra theo thông báo của gia đình ông Phan Văn Khải, thì nguyện vọng của ông là được an táng ngay cạnh người vợ quá cố của mình, ngay trong khuôn viên của nhà riêng, tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM. Trong ngày 18-3, có rất nhiều người dân đã viếng nhà mồ nơi xây sẳn kim tĩnh cựu Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ an nghỉ trong vài ngày tới, nằm trên một gò đất cao trong khuôn viên nhà riêng của ông tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi.

Điều này cho thấy dấu hiệu vi phạm vào Điều 84, Luật Tài nguyên và Môi trường, là người chết chỉ được mai táng ở nghĩa trang và khu được mai táng phải phù hợp quy hoạch. Điều 4, Nghị định số 23/2016/NĐ-CP cho biết diện tích sử dụng đất cho mỗi phần mộ hung táng và chôn cất một lần tối đa không quá 05 m2.

Nghĩa tử là nghĩa tận. Cá nhân người viết cho rằng cẩn sửa Nghị định số 105/2012/NĐ-CP, và bãi bỏ ràng buộc Điều 4, Nghị định số 23/2016/NĐ-CP. Một nguyên thủ từ giã chính trường về hưởng thú điền viên chốn quê nhà. Khi từ trần, người Việt Nam nào cũng muốn an nghĩ trong tình làng nghĩa xóm. Nếu tiếp tục giữ những quy định như nói ở trên thì sẽ thật vô lý. Nếu mai này cựu chủ tịch Nguyễn Minh Triết từ trần ở Bình Dương, thế nhưng theo Nghị định 105/2012, thì linh cữu của ông bắt buộc phải dời về Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 175, Gò Vấp; hoặc Nhà tang lễ số 25 Lê Quý Đôn, quận 3, nếu như khi ấy Bộ Chính trị quyết định nghi thức Quốc tang cho ông Triết.

Cựu thủ tướng Phan Văn Khải từ trần đang mở ra những tiền lệ cho pháp luật của Việt Nam trong nghi thức Quốc tang. Luật tục của Việt Nam cũng đang bị phá vỡ, khi linh cữu người chết đã phải di chuyển nhiều lần ở hai nơi khác nhau, rồi cuối cùng cũng phải quay về lại chỗ cũ để kết thúc các nghi thức cho lễ an nghĩ.

Trần Thành
VNTB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét