Thứ Tư, 17 tháng 1, 2018

Thống kê kinh tế ngầm: Khu vực nào cao nhất?

Kinh tế ngầm là một nền kinh tế tồn tại song song với nền kinh tế chính thức được đo lường, thống kê chính thức. Trong kinh tế ngầm, tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiến hành không liên quan đến thuế và luật pháp. Trong kinh tế ngầm có kinh tế phi chính thức và kinh tế đen. Kinh tế phi chính thức là những hoạt động kinh tế hợp pháp, gồm những giao dịch bằng tiền mặt và không có hoá đơn. Những giao dịch này được thực hiện không có sự kiểm soát của nhà nước, thường nhằm trốn thuế hoặc tránh bị các cơ quan kiểm tra phát hiện. Ngoài ra, kinh tế phi chính thức cũng có những hoạt động kinh doanh được Chính phủ cho phép miễn thuế. Trái lại, kinh tế đen hay thị trường đen hay chợ đen gồm những hoạt động mua bán bất hợp pháp như buôn bán thuốc phiện, ma túy, mại dâm, hoạt động cờ bạc và tiêu thụ những hàng hóa trộm cắp... Kinh tế đen không được tính vào GDP. Theo tôi hiểu, ngay từ khi đưa hệ thống thống kê SNA của Liên hợp quốc vào áp dụng ở Việt Nam (1991), chúng ta đã ước tính quy mô của kinh tế phi chính thức để cộng vào GDP, ví dụ kinh tế phi chính thức chiếm 10-15% GDP. Có ý kiến cho rằng khu vực kinh tế đen chiếm tỷ trọng cao nhất hiện nay là khu vực "buôn quan bán chức", "chạy chức chạy quyền". Thực tế cả hệ thống quan chức hiện nay không ít thì nhiều đều liên quan đến chạy chức chạy quyền, mỗi chức đều có một giá rất cụ thể.
Việt Nam thống kê kinh tế ngầm: Khu vực nào cao nhất?
Những lĩnh vực, những ngành mang tính phục vụ cho an sinh, xã hội đang là lĩnh vực có hoạt động phi chính thức cao nhất. ĐBQH Trần Anh Tuấn - Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, kinh tế ngầm không phải là những hoạt động xấu, nếu kiểm soát tốt đây còn là thành phần bổ trợ cho kinh tế chính thức phát triển.
Kinh tế ngầm được coi là môi trường cho các hoạt động phạm pháp phát triển.
PV:- Thưa ông, Chính phủ vừa giao trách nhiệm cho Bộ KH-ĐT phải khẩn trương hoàn thiện Đề án thống kê kinh tế ngầm, phi chính thức... Là ĐBQH ông đánh giá thế nào về chỉ đạo trên?


ĐBQH Trần Anh Tuấn:- Kinh tế ngầm là một khái niệm mới trong quản lý đối với Việt Nam nhưng về bản chất hoạt động này đã tồn tại từ rất lâu rồi.
Theo cách hiểu của tôi, kinh tế ngầm không phải là một thành phần xấu, kinh tế ngầm chỉ đơn giản là kinh tế không chính thức. Trong đó, bao gồm các hoạt động giao dịch giữa người dân với nhau, giao dịch giữa các hộ kinh doanh cá thể, giữa các doanh nghiệp nhỏ... với nhau. Các giao dịch này chủ yếu sử dụng tiền mặt trực tiếp, không được ghi nhận bằng hóa đơn, chứng từ mà giao dịch thông qua các thỏa thuận riêng được thống nhất từ trước.
Hiện đã có nhiều nghiên cứu về nền kinh tế phi chính thức, trong đó Việt Nam được đánh giá là quốc gia có hoạt động giao dịch kinh tế không chính thức xếp loại rất cao trên thế giới.
Việc xây dựng một Đề án tổng thể để đánh giá về quy mô, cách thức, thực trạng hoạt động của kinh tế phi chính thức trong nền kinh tế là yêu cầu cấp thiết. Bởi khi hiểu rõ được bản chất của nó thì mới đưa ra được cơ chế điều hành, quản lý cho phù hợp.
Tất nhiên, việc thực hiện công tác thu thập số liệu, thông tin về một hoạt động ngầm, không để lại dấu vết là rất khó khăn.
Theo những số liệu tôi có được thì ở những lĩnh vực, những ngành mang tính phục vụ cho an sinh, xã hội đang là lĩnh vực có hoạt động phi chính thức cao nhất. Ở những lĩnh vực dịch vụ cao cấp thì hoạt động không chính thức có thấp hơn.

PV:- Vậy theo ông, kinh tế ngầm tại Việt Nam có được hiểu khác so với các nước trên thế giới? Liệu có thể ước đoán về quy mô và tầm ảnh hưởng của các hoạt động này hay không? 

ĐBQH Trần Anh Tuấn:- Kinh tế ngầm theo khái niệm của thế giới cũng như Việt Nam không có nhiều sự khác biệt và nó đều là một phần của nền kinh tế.
Tuy nhiên, khái niệm là như vậy, song cách hiểu về kinh tế ngầm sẽ được điều chỉnh theo đặc thù riêng của mỗi nền kinh tế.
Tại Việt Nam, kinh tế ngầm được hiểu là những hoạt động kinh tế không chính thức. Những hoạt động này đang được xem là một cấu phần của nền kinh tế và cho tới thời điểm hiện tại nó chưa được xem là yếu tố gây hại cho nền kinh tế.
Những hoạt động giao dịch như rửa tiền, buôn bán vũ khí, buôn lậu... ở một số nước cũng được coi là hoạt động kinh tế ngầm, vì các nước này vẫn cho phép người dân được buôn bán vũ khí với nhau. Nhưng ở Việt Nam, khái niệm này sẽ được hiểu theo một cách khác, đó là những hoạt động phạm tội, hoạt động phi pháp và là những hoạt động cần phải ngăn chặn, xử lý vì Việt Nam không cho phép người dân buôn bán vũ khí.
Trong thực tế, khái niệm kinh tế ngầm cũng đang bị hiểu theo chiều hướng tiêu cực nhiều hơn, do thường hay bị liên hệ tới những hoạt động phi pháp. Tuy nhiên, tôi nhắc lại, kinh tế ngầm chỉ là những hoạt động không chính thức, những hoạt động phạm pháp là những hoạt động không được phép tồn tại vì vậy, không thể coi đó là một cấu phần của nền kinh tế.
Còn đâu đó vẫn có sự liên kết, móc nối từ các hoạt động kinh tế không chính thức để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp như rửa tiền, tẩu tán tài sản tham nhũng, tham ô... đó là trách nhiệm của công tác điều hành, quản lý.
Mặc dù, kinh tế phi chính thức không bao gồm sự tồn tại của các hoạt động phi pháp song sự yếu kém trong quản lý, giám sát lại tạo điều kiện thuận lợi cho những hoạt động sai trái, phi pháp phát triển. Đây là trách nhiệm quản lý.
Đây chính là lý do Chính phủ yêu cầu phải xây dựng đề án thống kê kinh tế ngầm. Khi kiểm soát được hoạt động của khu vực kinh tế ngầm sẽ có những giải pháp, cơ chế chính sách phù hợp để kiểm soát, hạn chế được những hoạt động phi pháp.

PV:- Trước đó, từng có nghiên cứu chỉ ra rằng, mỗi năm Việt Nam mất khoảng 3 tỷ USD bị chuyển ra ngoài bất hợp pháp. Theo ông, việc này có mối liên quan như thế nào tới các hoạt động kinh tế ngầm? Xin ông chỉ rõ.

ĐBQH Trần Anh Tuấn:- Như tôi đã nói, những hoạt động chuyển tiền không chính thức, không theo quy định của pháp luật thì đó là những hoạt động phi pháp, phạm pháp, những hoạt động này không nằm trong cấu phần kinh tế nên nó không thuộc thành phần kinh tế không chính thức. Đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Tuy nhiên, khi thực hiện các giao dịch kinh tế không chính thức thường sẽ rất khó kiểm soát. Đây là điểm hở để các nhóm tội phạm lợi dụng thực hiện các hoạt động giao dịch trái pháp luật, gây nguy hại cho nền kinh tế. Tôi nhắc lại, đây chính là trách nhiệm của công tác quản lý, giám sát.
Ngoài những cảnh báo chuyển ngoại tệ ra nước ngoài thì còn có nhiều hoạt động trái pháp luật khác cũng đang lợi dụng kẽ hở này để tồn tại, phát triển, cần phải được kiểm soát chặt chẽ.

PV:- Cái khó trong quản lý hoạt động kinh tế ngầm là chắc chắn nó phải có sự bảo trợ của các nhóm quyền lực, không loại trừ khả năng trong chính bộ máy quản lý nhà nước. Để có thể quản lý kinh tế ngầm, khó khăn này phải được tháo gỡ ra sao? Nếu xử lý tốt các hoạt động kinh tế ngầm, điều đó sẽ mang lại lợi ích gì cho nền kinh tế?

ĐBQH Trần Anh Tuấn:- Quan điểm của tôi rất rõ ràng, nếu hiểu kinh tế ngầm là những hoạt động tiêu cực, phạm pháp thì phải xử lý, phải đưa nó vào quản lý theo đúng khuôn khổ của pháp luật. Bất kể những hoạt động đó tồn tại trong bối cảnh nào, có sự bảo trợ của nhóm quyền lực hay không, tất cả làm trái pháp luật đều phải bị xử lý.
Việc xử lý cũng không khó, ví dụ như trường hợp 48 bãi đỗ xe được cho là hoạt động trái phép tại Quận 1 TP.HCM. Nếu có dư luận cho rằng, những bãi đỗ xe này tồn tại được là nhờ có sự bảo kê của những cán bộ có quyền lực thì việc phải làm ngay là rà soát lại tính hợp pháp và bất hợp pháp của những bãi đỗ xe này. Những bãi nào được cấp phép thì cho phép hoạt động nhưng phải tuân theo những quy định của pháp luật. Những bãi nào không được cấp phép mà vẫn hoạt động phải xóa sổ, xử phạt nghiêm minh.
Nếu tất cả quy trình đều được làm công khai, minh bạch thì không có lý gì lại không xử lý được.
Còn nếu hiểu kinh tế ngầm là những hoạt động kinh tế nhưng không thực hiện các giao dịch theo cách chính thức thì phải được nghiên cứu, đánh giá. Khi có nghiên cứu, đánh giá mới có thể theo dõi được xu hướng hoạt động, quy mô, hình thức hoạt động của loại hình này từ đó mới đưa ra giải pháp quản lý phù hợp.

PV:- Xin cảm ơn ông!
Hoài An (ghi)

http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/viet-nam-thong-ke-kinh-te-ngam-khu-vuc-nao-cao-nhat-3350989/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét