Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018

Cứ những vụ trọng án, sếp lớn lại lâm trọng bệnh ?

Một chuyện lạ là trong các vụ trọng án, nhiều sếp lớn đột nhiên lâm bệnh nặng, vắng mặt tại tòa. Thậm chí có những sếp cỡ Bộ trưởng được tạm dừng không điều tra, xét xử vì lý do bệnh nặng, nhưng vẫn xuất hiện trên các diễn đàn; ăn nói hùng hổ như đám trẻ trâu, mà công an, viện kiểm sát vẫn lờ đi, không hỏi đến. Chẳng hiểu thật hư ra sao nhưng dân tình cũng đặt câu hỏi lớn. Trong bài này có một số ví dụ điển hình.
Từ ông Trần Xuân Giá đến Trần Bắc Hà: Cuối đời dây dưa đại án, ngã bệnh nặng
Ông Trần Bắc Hà thông báo bị ung thư gan, xin vắng mặt tại phiên tòa xét xử Trầm Bê và Phạm Công Danh. Bà Hứa Thị Phấn cũng không đến tòa vì sức khỏe chỉ còn 7%. Trong khi, ngay tại phiên xử, ông Trầm Bê và Phạm Công Danh cũng liên tục cần đến sự trợ giúp của nhân viên y tế và các loại thuốc.
Ông Trần Bắc Hà mắc bệnh nặng, xin phép vắng mặt tại tòa

TAND TP.HCM đang xét xử vụ án Phạm Công Danh (sinh năm 1965, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (cựu Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Thương Tín - Sacombank) và 44 người khác về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.


Nhiều người liên quan, trong đó có ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV, và bà Hứa Thị Phấn, cựu lãnh đạo Ngân hàng Trustbank, đều vắng mặt.

Lý do, theo luật sư bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của ông Trần Bắc Hà, ông Hà bị bệnh nặng (ung thư gan), đang điều trị tại bệnh viện nên không thể tới tham dự phiên tòa.

Còn luật sư của bà Hứa Thị Phấn cũng kiến nghị xin cho bà vắng mặt do bệnh. Lý do, theo giám định y khoa, sức khỏe bà Phấn hiện chỉ còn 7%.

Ngay cả hai bị cáo Trầm Bê và Phạm Công Danh cũng đang gặp vấn đề về sức khỏe. Cụ thể, nhiều người chứng kiến một Phạm Công Danh ốm yếu, trong chiếc áo sơ mi tối màu, được dẫn tới tòa với những bước đi chậm chạp nặng nề. Mái tóc ông này bạc trắng, người gầy gò hơn nhiều so với phiên tòa xét xử phúc thẩm giai đoạn 1 vào đầu năm 2017. Đó là do bị cáo Danh mắc bệnh tim, cao huyết áp đã lâu. Chưa kể, ông còn bị suy thận độ 3 nên không thể ngồi lâu. Các bệnh này đang chuyển biến xấu hơn so với phiên tòa lần trước.

Ngay tại phiên tòa, bị cáo Danh cũng than sức khỏe yếu, trí nhớ kém. Khi ra tòa, bị cáo này còn mang theo cả túi thuốc. Trong 2 ngày xét xử, ông Danh 3 lần được đưa ra ngoài để bác sĩ chăm sóc.

Còn ông Trầm Bê (sinh năm 1959) cũng gầy rộc so với thời điểm trước khi bị bắt giam. Luật sư của ông Trầm Bê cho hay sức khỏe ông Bê có phần yếu hơn. Ông Bê có tiền sử bệnh tiểu đường, dễ chóng mặt khi đứng lâu. Để đảm bảo sức khỏe cho thân chủ, luật sư của ông đã gửi bệnh án đề nghị TAND TP.HCM để ông được ngồi trong quá trình xét xử.

Liên quan đến phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và Trầm Bê, bị cáo Trần Hiệp (nguyên thành viên HĐQT VNCB) cũng có đơn trình bày bị ung thư, không thể đứng lâu nên HĐXX quyết định cho phép bị cáo ngồi nghe.

Không chỉ ở vụ án này, các bị cáo và nhân chứng hay người liên quan “có vấn đề” về sức khỏe, nặng thì bị bạo bệnh như ung thư, nhẹ hơn thì cũng đủ loại bệnh như tiểu đường, huyết áp, suy thận,... Thậm chí, có bị can còn đột tử ngay trước khi phiên tòa diễn ra.



Cụ thể, quá trình công an điều tra vụ án “tham ô tài sản” đối với Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm trong thương vụ mua bán cổ phần bất động sản, bị can Đặng Sỹ Hùng - nguyên Trưởng phòng Kinh tế Kế hoạch Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) - đã bất ngờ tử vong.

Do đó, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã có quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Đặng Sỹ Hùng (SN 1975).

Trước đó, trong vụ xét xử đại án Oceanbank, bị cáo Nguyễn Thị Minh Phương (SN 1975, nguyên Phó TGĐ ngân hàng Đại Dương) đã vắng mặt với lý do đang điều trị ung thư.

Người của tòa đã vào BV Bạch Mai xác minh thì bị cáo đang điều trị bệnh, bệnh viện cũng nhận định bị cáo này khó có thể tham dự phiên tòa. Vì vậy, HĐXX quyết định tạm đình chỉ vụ án với bị cáo Phương.

Bị cáo Phương bị cơ quan tố tụng truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo chỉ đạo của Hà Văn Thắm, Phương được giao nhiệm vụ trực tiếp theo dõi, chi trả tiền lãi suất ngoài hợp đồng số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng.

“Mắc bệnh hiểm nghèo” cũng là tình tiết gây tranh cãi trong vụ án bầu Kiên. Lý do hoãn phiên xử được chủ tọa đưa ra là bởi vắng mặt ông Trần Xuân Giá, do điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) vì chứng phì đại tiền liệt tuyến, đang chờ mổ. Điều này, theo chủ tọa phiên tòa, là đã có xác minh của Bệnh viện.

Ông Trần Xuân Giá bị VKSND tối cao truy tố về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án liên quan đến bầu Kiên.

Tại phiên phúc thẩm xét xử bị cáo Trương Thị Tuyết Nga (SN 1961, Hoa hậu quý bà thành đạt năm 2009) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, người thân bà này cũng đề nghị đưa bà Nga đi giám định tâm thần vì cho rằng bà Nga đang có những hiện biểu hiện mắc bệnh.

Không chỉ vậy, đang trong thời gian chịu án, các bị cáo cũng xin tạm đình chỉ vì bệnh nặng.

TAND tỉnh Thái Nguyên từng quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho người bị kết án Bùi Tiến Dũng khi đang chấp hành án phạt tù tại trại giam Phú Sơn 4, với lý do người bị kết án Bùi Tiến Dũng bị ung thư phổi và có tiên lượng xấu.

Bùi Tiến Dũng nguyên là Tổng Giám đốc PMU 18 cùng nhiều đồng phạm khác bị khởi tố điều tra truy tố tại 2 bản án. Riêng Bùi Tiến Dũng phạm 3 tội “đánh bạc”, “đưa hối lộ” và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.


http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/doanh-nhan/vao-dai-an-sep-lon-dinh-trong-benh-tu-ong-tran-xuan-gia-den-tran-bac-ha-422670.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét