Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

Vì sao Quảng Bình kéo điện lưới “đè” điện mặt trời?

Vì sao Quảng Bình quyết tâm kéo điện lưới “đè” điện mặt trời?
Không chỉ chậm tiến độ, quản lí yếu kém, mà chất lượng của Dự án cung cấp năng lượng điện mặt trời cho các xã biên giới (QBSC) của Quảng Bình đang rất có vấn đề. Trong khi đó, UBND tỉnh Quảng Bình một lần nữa quyết tâm kéo điện lưới chồng lên điện mặt trời.

Dự án sau 6 năm vẫn chưa hoàn thành.
Không làm việc vẫn nhận lương 14.000 USD/tháng
Theo Hợp đồng Dịch vụ tư vấn, giám sát giữa QBSC với Liên danh nhà thầu Dohwa vào tháng 2/2012, thì nhà thầu này có trách nhiệm tư vấn, khảo sát, thiết kế kỹ thuật thi công; hỗ trợ công tác đấu thầu, giám sát thi công và xây dựng; đào tạo và hướng dẫn vận hành hệ thống, với giá 1.206.500 USD, thời gian thực hiện 33 tháng.

Theo hợp đồng này, Liên danh nhà thầu Dohwa cam kết cung ứng 4 kỹ sư làm việc tại hiện trường có thời gian biểu, gồm: Lee. Wan – Ho, Lim. Young – II, Nam. Sang – Phl và Kim. Sang – Beom. Thông tin mà PV có được, ông Lee. Wan – Ho, Giám sát chính chưa một lần có mặt ở hiện trường để điều hành công việc của mình nhưng vẫn nhận lương 14.000 USD/tháng. Theo thời gian biểu ghi trong hợp đồng, ông này có 4 đợt đến Quảng Bình làm việc từ lúc khởi động cho đến khi kết thúc dự án, tổng thời gian là 12 tháng.

Trong buổi làm việc lần đầu với PV cách đây 1 tháng, ông Võ Quang Minh, Giám đốc Dự án QBSC thừa nhận là ông Lee chưa sang Quảng Bình lần nào. “Chúng tôi đã gửi văn bản đốc thúc nhiều lần nhưng họ (ông Lee) vẫn chưa sang” – ông Minh nói. Lần làm việc với PV gần đây, ông Minh cho biết, ông Lee vừa mới sang điều hành công việc 1 tuần và đã về lại Hàn Quốc.

Tuy nhiên, bằng chứng ông Lee sang Quảng Bình làm việc một tuần chỉ là một clip quay 2 người mặc áo bảo hộ lao động từ phía sau lưng. Ông Minh nói, Ban QLDA và ông Lee có một buổi làm việc tại văn phòng nhưng không ghi biên bản vì bất đồng ngôn ngữ.

Theo Hồ sơ cấp phép lao động đối với người nước ngoài lưu trữ tại Sở LĐ,TB&XH Quảng Bình, liên quan đến Dự án QBSC chỉ có 3 người, nhưng không có tên ông Lee. Wan – Ho.

Cũng tại Sở LĐ,TB&XH, PV đã phát hiện thêm một việc lạ kỳ nữa, trong 3 người Hàn Quốc đăng ký lao động chỉ có 1 người có bằng kỹ sư, 2 người còn lại là cử nhân khoa học. Trong khi hợp đồng ghi rõ, 4 người trong giai đoạn giám sát thi công là kỹ sư.

Trong 3 người nước ngoài đăng ký tại Sở LĐ,TB&XH Quảng Bình không có ông Lee, đặc biệt 2 người có bằng cử nhân chứ không phải kỹ sư điện như trong hợp đồng.

Nghi ngờ chất lượng pin mặt trời

Theo thông tin mà PV có được, số pin đang được lắp đặt tại các điểm của Dự án QBSC sai khác với chủng loại pin ghi trong hợp đồng. Ông Minh thừa nhận việc này và cho biết đã được lãnh đạo cấp trên cho phép. Tuy nhiên, ông Minh đã không cung cấp được văn bản của cấp trên cho phép thay đổi chủng loại pin sai khác với hợp đồng. Ông Minh nại lí do, “anh em đi hiện trường cả nên không có ai tìm văn bản”.

Đáng chú ý, số pin này đã bị ngâm nước khi đang lưu giữ ở kho, trong trận lũ lịch sử tháng 10/2016. Ông Minh thừa nhận, nhưng nói nước không vào được pin vì có vỏ bao bảo vệ. Ban QLDA QBSC đã lập đoàn kiểm tra, lập biên bản khẳng định là chất lượng pin không bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, biên bản mà ông Minh cung cấp chỉ kiểm tra tình trạng ắc quy tại kho, chứ không có biên bản kiểm tra pin mặt trời. Thành phần kiểm tra có đại diện Ban QLDA QBSC, nhà thầu tư vấn giám sát và nhà thầu thi công. Biên bản ghi, mở 3 kiện ắc quy đầu, giữa và cuối kho, một kiện bị ướt đáy vỏ. “Khi mở thì thấy tất cả ắc quy có bề ngoài bình thường”. Điều lạ, biên bản mà ông Minh cung cấp, phần nội dung thì photo, còn phần chữ ký lại được các đại diện ký tươi.

Ông Minh nói, ông Lee, giám sát chính có sang và đã về lại Hàn Quốc nhưng không cung cấp được bằng chứng.

Kéo điện lưới để “chữa cháy”?

Ngày 1/3/2017, ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ký Công văn 294, đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư kéo điện lưới lên 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, nơi Dự án điện năng lượng mặt trời đang đầu tư.

Công văn này có đoạn viết: “Mặc dù, các xã này đang được đầu tư điện pin mặt trời do Dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời vay vốn ODA Hàn Quốc thực hiện, nhưng chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu điện thắp sáng cho các hộ gia đình và các dịch vụ công” (?).

Phúc đáp công văn của UBND tỉnh Quảng Bình, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có 2 công văn gửi Tổng công ty Điện lực miền Trung và Công ty Điện lực Quảng Bình, yêu cầu điều tra nhu cầu và đề xuất giải pháp cấp điện lưới cho 2 xã nói trên.

Bình luận về quyết tâm kéo điện lưới chồng lên điện mặt trời của UBND tỉnh Quảng Bình, một chuyên gia cho rằng: UBND tỉnh Quảng Bình đang tiền hậu bất nhất, mâu thuẫn với chính mình. Ngày xưa, khi trình Chính phủ để đưa Dự án điện mặt trời về cho các xã biên giới, Quảng Bình nói rằng, đây là địa bàn không thể kéo được điện lưới.

Đặc biệt, nếu kéo điện lưới lên 2 xã Tân, Thượng Trạch, 90 ha rừng đặc dụng của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng sẽ bị xâm hại.

“UBND tỉnh nói Dự án điện mặt trời chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của người dân và công sở là không ổn. Bởi dự án đã tính toán đủ công suất và dự phòng cho nhu cầu sử dụng điện tăng thêm đến 20 năm sau. Kéo điện lưới là nhằm khỏa lấp chất lượng của điện mặt trời. Nếu không, chỉ vài năm sau chất lượng của điện mặt trời sẽ lộ diện ” – một chuyên viên từng làm tại Dự án QBSC nói.

Ông Nguyễn Chí Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch cho biết, địa phương này được hưởng lợi từ Dự án QBSC 5 điểm cung cấp điện mặt trời. Trong đó, 3 điểm chính và 2 điểm phụ, tất cả cơ bản hoàn thành và đã đóng điện phục vụ nhân dân. Sau bão số 10 vào giữa tháng 9, toàn bộ các điểm bị mất điện. “Chúng tôi kêu mãi, họ (Dự án) mới lên sửa chữa. Nhưng khi họ vừa sấp lưng đi thì điểm cấp điện số 1 lại mất điện, còn các điểm khác thì điện chập chờn, gọi mãi mà họ vẫn không lên làm lại. Đang mới mà thế này, lâu nữa thì không biết thế nào” – ông Sỹ nói.

Hoàng Nam
(Tiền Phong)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét