Thứ Ba, 14 tháng 11, 2017

“Trọng tiếp; Quang đón, hội đàm; Phúc hội kiến Trăm”

Đón thì chỉ là ra đón, đón xong là hết nhiệm vụ. Rất may ông Quang còn có suất hội đàm, tức là dẫn đầu một đoàn đàm trao đổi, phán với đối tác. Tiếp là cá nhân tiếp đón một vị khách đến chào, nói chuyện thân mật; người tiếp thường nhiều tuổi hơn, vị thế cao hơn. Hội kiến là trường hợp những nhân vật quan trọng đồng chức, đồng cấp gặp nhau để trao đổi ý kiến.
“Trọng tiếp; Quang đón, hội đàm; Phúc hội kiến Trăm”
Có một chuyện thật khôi hài bên lề… hậu APEC. Vài ngày sau khi Hội nghị thượng đỉnh kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APCE) kết thúc tại Đà Nẵng và hệ thống báo đảng tự ca ngợi hết lời, Nhân Dân – “cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Việt Nam” – đã đăng bản tin với tựa đề kỳ quặc: “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp; Chủ tịch nước Trần Đại Quang đón, hội đàm; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Hoa Kỳ Đ. Trăm”.

Ảnh: vietnamthoibao.org
Tựa đề trên có thể khiến người đọc cảm thấy ngay đã có một sự phân chia “quyền lực” rất có chủ ý và cũng rất tỉ mẩn, lục đục giữa 3/4 của “tứ trụ” trong việc tiếp “Trăm” (phiên sang tiếng Anh là Trump).

Sự kỳ quặc của tựa đề trên cũng bởi đây là một tựa đề hiếm có, cứ như thể nếu không ghi rõ ra sự phân công trách nhiệm của từng thành viên trong Bộ Chính trị thì người đọc và dư luận quần chúng nhân dân sẽ không thể biết được ai là người có vai trò ra sao, nhất là ai mới là người có vai trò chủ chốt trong việc tiếp “Trăm”.

Tuy nhiên, tựa đề trên lại có thể khiến độc giả sa vào khu rừng các từ ngữ nghi thức ngoại giao mơ màng, khó hiểu, chồng lấn và như thể đạp lên nhau. Có lẽ đây là lần đầu tiên một bản tin chính trị lại bao gồm đến 4 nghi thức ngoại giao trong cùng một tựa đề: “tiếp”, “đón”, “hội đàm”, “hội kiến”.

Sau tựa đề kỳ quặc trên, bản tin của báo Nhân Dân mở đầu bằng câu “Sáng 12-11, tại Trụ sở T.Ư Ðảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Hoa Kỳ Ð.Trăm”. Sau đó mới đến “Sáng cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Ðại Quang chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Hoa Kỳ Ð.Trăm”, mà không nêu rõ “kẻ trước, người sau”.

Tuy nhiên như nhiều tờ báo tường thuật trực tiếp, cuộc gặp Quang – “Trăm” đã diễn ra đầu tiên, để sau đó mới là cuộc gặp Trọng – “Trăm”.

Vậy cuộc gặp nào với “Trăm” là quan trọng hơn – Quang hay Trọng?

Bộ phim cần được chiếu lại, và thật chậm.

Khoảng ba tuần trước khi diễn ra APEC, Washington đã phát thông cáo báo chí: “Sau khi rời Đà Nẵng, ông Trump sẽ tới Hà Nội trong ngày 11/10, bắt đầu chuyến thăm chính thức. Tại Hà Nội, ông sẽ gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các lãnh đạo cấp cao khác của Việt Nam”.

Sau đó, Tòa Bạch Ốc phát tiếp thông báo rằng Tổng thống Trump sẽ “chào xã giao” Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Nghĩa là cuộc gặp giữa “Trăm” với Nguyễn Phú Trọng có thể được xem là “bổ sung”.

Tính chất “bổ sung” như trên là phù hợp với đánh giá của giới quan sát và phân tích chính trị khi cho rằng khác hẳn với tổng thống đời trước Obama có vẻ mềm mỏng và nể nang, “Trăm” là người không quá quan tâm đến phép tắc xã giao và càng chẳng quan tâm đến “kênh đảng” của ông Nguyễn Phú Trọng. Một bằng chứng có thể nhận ra được là mặc dù Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lặp đi lặp lại về sự cần thiết “duy trì quan hệ kênh đảng’ với phía Mỹ khi ông Phúc đi Washington vào tháng 5/2017, nhưng “Trăm” lại chẳng nói một từ nào về đề nghị này.

Trước Hội nghị APEC, hàng loạt quan chức bên đảng và bên chính phủ nhưng “thân đảng” đã được cử đi đối ngoại ở nhiều quốc gia phương Tây, chẳng hạn như chuyến đi Mỹ của Trưởng ban đối ngoại trung ương Hoàng Bình Quân, đi Tây Âu của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, đi Đông Âu của Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Tuy nhiên, hầu hết những chuyến đi này đều chỉ nhận được kết quả hết sức mờ nhạt và chẳng có gì được các nước hứa hẹn thêm về “tăng cường quan hệ với kênh đảng” để giúp cho đảng CSVN chắc suất bên bàn tiệc đứng quốc tế.

Còn tại APEC, do “Trăm” chỉ có một cuộc gặp ngắn và mang tính xã giao với Trọng, có vẻ chính trường Việt Nam sẽ chứng kiến “thế nước đi lên”. Còn “kênh đảng” sẽ tạm thời không còn vai trò nổi bật trên trường quốc tế… phương Tây.

Nhưng vẫn đầy đặn trong mối quan hệ với “kênh đảng Trung Quốc”.

Cũng tờ Nhân Dân, sau khi đăng tin về tiếp “Trăm”, đã đăng một bản tin khác với tựa đề ít kỳ quặc hơn: “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đón, hội đàm; Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình”.

Trước đây, Nhân Dân được phụ trách trực tiếp bởi Đinh Thế Huynh. Sau đó ông Huynh được nhấc lên vị trí Thường trực Ban bí thư, để từ đầu năm 2017 đến nay nhân vật này đã “biến mất” trên chính trường Việt Nam, cũng xem như không còn cơ hội để trở thành tổng bí thư nếu một ngày nào đó ông Nguyễn Phú Trọng “nghỉ”.

Nhân Dân cũng được xem là “báo ruột” của Tổng bí thư Trọng.

Thiền Lâm
(Nhật báo Cali Today)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét