Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

"Tôi không gửi CP duyệt số liệu trước khi công bố"

Trong chế độ độc tài, quan chức muốn "phát triển" thì phải biết nghe nhạc hiệu, biết chương trình. Ông Tổng cục trưởng không đưa duyệt số liệu trước khi công bố, nhưng ông thừa biết Thủ tướng muốn gì... Từ lâu mình không làm thực tế nên không nắm số liệu để phân tích. Tuy nhiên, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học trong quá khứ cho mình biết tăng trưởng kinh tế của nước ta lên xuống theo chu kỳ trong năm. Cụ thể quý 1 và 3 chậm lại (do nghỉ lễ tết và nông nghiệp không phải vụ thu hoạch), quý 2 và 4 tăng lên (do ít lễ tết, nông nghiệp vào vụ thu hoạch, sức ép phải hoàn thành kế hoạch năm và chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết vào quý 1). Do đó, việc TCTK công bố tăng trưởng quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28% và quý III là 7,46% là chưa thuyết phục. Đặc biệt, TS Lâm phát biểu nông nghiệp tăng tốt, thì càng thiếu thuyết phục vì nếu như vậy, tăng trưởng các quý 1 và 3 phải càng thấp so với 2 quý còn lại; tức là không có chuyện tăng trưởng quý 3 tăng vọt lên như Phù Đổng như vậy.
Tổng cục trưởng Thống kê: Tôi không gửi Chính phủ duyệt số liệu trước khi công bố
15/11/2017 - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định ông chịu trách nhiệm về số liệu và không có chuyện phải gửi bất kỳ ai duyệt trước khi công bố. Khẳng định trên được ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch Đầu tư) đưa ra tại một hội thảo về Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam sáng 15/11.
Ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định Chính phủ 
không duyệt số liệu thống kê trước khi công bố. 
Ông kể, sau khi công bố số liệu GDP 9 tháng đầu năm 2017 với nhiều kết quả ngoạn mục, nhiều người hỏi ông rằng, sau khi thống kê xong số liệu, có phải gửi cho Chính phủ duyệt không.

"Tôi xin khẳng định theo Luật, Tổng cục trưởng chịu trách nhiệm về số liệu thống kê. Tôi không phải gửi ai duyệt cả. Kể cả trước đây khi anh Bùi Quang Vinh còn làm Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư, xong số liệu tôi chỉ gửi lên và nói số liệu như vậy. Anh Vinh cũng nhắc chúng tôi Chính phủ rất tôn trọng số liệu của ngành", ông Lâm nói.

Hội thảo này cũng được giới học giả lẫn dư luận kỳ vọng lý giải phần nào nguyên nhân tăng trưởng kinh tế "ngoạn mục", "thần tốc" trong 9 tháng đầu năm 2017. Do đó, đại diện ngành thống kê đã dành hơn chục phút để giải thích vì sao GDP tăng trưởng mà như nhiều chuyên gia gọi là "Thánh gióng" như vậy.

Ông Lâm khẳng định, GDP tăng ngoạn mục nhờ có sự tăng trưởng đều ở ba khu vực, một điểm ít thấy trước đây khi "nông nghiệp" bị lép vế. Ông Lâm cho biết, nông nghiệp tăng tốt nhờ năm nay ít chịu hạn hán, ngập mặn. Bên cạnh đó, ngành này chứng kiến sự thay đổi cơ cấu rất quan trọng, chuyển đổi từ những ngành giá trị thấp sang giá trị cao. Ông Lâm lấy ví dụ, sau chuyển đổi 1 ha gieo trồng lúa sang trồng thuỷ sản, giá trị từ thuỷ sản gấp 5 lần lúa. "10 tháng, xuất khẩu thuỷ sản tăng mạnh, thậm chí dự kiến đạt 2,2 tỷ USD và vượt dầu thô", ông Lâm nói.

Bên cạnh đó, ông cho biết công nghệp và xây dựng cũng tăng trưởng ngoạn mục, cùng với ngành dịch vụ cũng giúp GDP tăng tốt.

Chia sẻ với ông Lâm, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cũng cho rằng nông nghiệp là điểm sáng giúp GDP tăng trưởng. "Mọi người cứ nói nhờ Samsung hay Formosa nhưng tôi thấy sáng nhất là nông nghiệp. 1-2 năm trước đang khó khăn, nay được nông nghiệp như vậy, do sự chuyển đổi bước đầu của cơ cấu nông nghiệp", ông Hồ nói.

Ngoài ra, theo ông Hồ, khi giải ngân đầu tư công chậm, khu vực tư nhân cũng để lại dấu ấn. Điều này theo ông và nhiều chuyên gia, có đóng góp không nhỏ từ vai trò kiến tạo của Chính phủ.

Tại cuộc họp báo sáng 29/9, lãnh đạo Tổng cục thống kê ước tính tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng tăng 6,41% so với cùng kỳ 2016. Trong đó, quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28% và quý III là 7,46%. Để đạt mục tiêu tăng GDP 6,7% năm nay, GDP quý IV dự kiến phải tăng 7,31%.

Trước đó, chia sẻ trên VnExpress, ông Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam) cũng cho rằng GDP không nên là một thước đo quá quan trọng của Việt Nam. Theo ông, với nhà đầu tư nước ngoài, tăng trưởng 6% một năm đã đủ hấp dẫn để họ mang tiền vào đầu tư. "Nếu có lo lắng với Việt Nam thời điểm này, là tín dụng có thể được bung quá mạnh sẽ khiến bong bóng vỡ hay các yếu tố trực tiếp liên quan đến kinh doanh hơn là GDP. Bởi với họ, con số đôi khi chỉ là cái vỏ. Còn đối với chính chúng ta, GDP vẫn là một thước đo quan trọng", ông nói.

Thanh Thanh Lan
https://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/tong-cuc-truong-thong-ke-toi-khong-gui-chinh-phu-duyet-so-lieu-truoc-khi-cong-bo-3670826.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét