Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017

(69) Sai lầm của ông Chung: Cơ quan chức năng vào cuộc ?

"Để ổn định tinh thần cho cư dân khu đô thị Ngoại giao đoàn, giải quyết những vướng mắc ồn ào những ngày qua, trên hết, giải quyết được thực trạng tồn tại về một nhà đầu tư đầy tai tiếng như Tổng Công Ty Xây Dựng Hà Nội, các cơ quan chức năng cần vào cuộc thanh tra toàn diện để làm rõ vấn đề. Mọi phát sinh mâu thuẫn phải được giải quyết một cách “có lý, khách quan” thì mới có thể thuyết phục được người dân, cũng như bảo đảm được một nền pháp luật công bằng".
Quy hoạch khu đô thị Ngoại giao đoàn – Cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng
16/10/2017, Những ngày qua, sự việc cư dân tại Khu đô thị Ngoại giao đoàn (Xuân Đỉnh, Nam Từ Liêm, Hà Nội) căng băng rôn phản đối chủ đầu tư Tổng Công Ty Xây Dựng Hà Nội (Hancorp) đang là điểm nóng trên thị trường bất động sản. Cư dân tại đây đang rất lo lắng “nơi đáng sống” bị “băm nát” bởi việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch.

Khu đô thị Ngoại Giao Đoàn đã được chia nhỏ
Dự án Khu đô thị Ngoại giao đoàn do Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) làm chủ đầu tư có quy mô 62,8ha nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển cho Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, văn phòng của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, khu ở cho người nước ngoài tại Hà Nội… Dự án ban đầu chỉ có 30-33% xây dựng, còn lại 70% là khu công viên cây xanh, hồ điều hòa, công trình công cộng…

Ngày 19/4/2017, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội có tờ trình số 2288/TTr-QHKT gửi UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết khu Đoàn ngoại giao – tại các ô đất ký hiệu CC2, CC3-4, CC5, DDMKT1.

Ngày 22/05/2017, UBND Thành phố đã có quyết định số 2905/QĐ-QHKT phê duyệt điều chỉnh quy hoạch này. Theo đó, các ô đất trên đều được điều chỉnh công năng, tăng mật độ xây dựng làm thay đổi cảnh quan khu đô thị như thiết kế dự kiến ban đầu. Như ô đất ký hiệu CC2 có diện tích khoảng 9.549m2 trước đây được phê duyệt có chức năng công cộng, dịch vụ với mật độ xây dựng 20,5% nay được điều chỉnh với mật độ xây dựng tăng lên 40%.

Ô đất ký hiệu CC3-4 có diện tích 4.044m2, trước đây có chức năng đất công cộng, dịch vụ với mật độ xây dựng 20,5%, tầng cao trung bình là 5 tầng thì nay được được chuyển đổi sang mục đích sử dụng là đất công cộng đô thị (công cộng, dịch vụ thương mại văn phòng), nâng mật độ xây dựng lên 35% với tầng cao công trình là 15 tầng và 3 tầng hầm.

Ô đất CC5 trước đây có diện tích 8.664m2 được quy hoạch là đất công cộng, dịch vụ, thương mại với mật độ xây dựng 30%, tầng cao trung bình là 7 tầng thì nay được điều chỉnh thành lô đất có ký hiệu HH1, chức năng là đất hỗn hợp (dịch vụ, thương mại, văn phòng, nhà ở) với mật độ xây dựng nâng lên 41%, tầng cao công trình 27 tầng và 3 tầng hầm với dân số khoảng 1.505 người.

Ô đất ĐMKT1 có chức năng đất đầu mối kỹ thuật (xây dựng trạm biến thế điện) không xác định tầng cao mật độ nhưng nay điều chỉnh thành đất công cộng với mật độ 40%, tầng cao trung bình 12 tầng và 2 tầng hầm.

Kể từ đó đến này, sự việc tại khu đô thị Ngoại giao đoàn luôn trong tình trạng căng thẳng. Ngày 15/10 đã diễn ra cuộc đối thoại giữa cư dân Khu Đoàn ngoại giao thuộc phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) với chủ đầu tư là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – Công ty Cổ phần (Hancorp). Buổi đối thoại còn có Chủ tịch UBND phường Xuân Tảo, đại diện UBND quận Bắc Từ Liêm và đại diện Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội và đại diện các chủ đầu tư thứ cấp.

Nhà đầu tư khẳng định làm “đúng quy trình”!


Trong buổi họp báo ngày 15/10, trả lời kiến nghị của các cư dân, ông Bùi Xuân Dũng, Chủ tịch hội đồng quản trị Hancorp khẳng định: Góc độ chủ đầu tư chỉ đề xuất căn cứ theo quy định pháp luật để đề xuất lên cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh quy hoạch. Chủ đầu tư đề xuất đúng theo quy định.

Đại diện Sở Quy hoạch – kiến trúc, ông Nguyễn Đức Nghĩa – Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật cho hay: việc điều chỉnh quy hoạch các ô đất ở khu Đoàn Ngoại giao tuân thủ quy hoạch phân khu H2-1, các chỉ tiêu điều chỉnh hoàn toàn đáp ứng được hạ tầng kỹ thuật và xã hội của khu vực. Nếu cư dân đề nghị, Sở sẽ có văn bản trả lời cụ thể các thông số điều chỉnh quy hoạch.

Bức xúc lớn của cư dân khu đô thị Ngoại giao đoàn

Phản ánh đến báo chí, cư dân cho biết họ rất bức xúc vì chủ đầu tư thay đổi quy hoạch nhưng không lấy ý kiến người dân, đưa họ vào thế hoàn toàn bị động. Cư dân cho rằng việc phá vỡ quy hoạch khi cho phép nhiều ô đất công cộng thành chung cư cao tầng khiến họ lo ngại về chất lượng hạ tầng.


Cư dân khu đô thị Ngoại giao đoàn biểu tình phản đối chủ đầu tư Hancorp.

Đặc biệt, việc lấy ý kiến 10 người dân về việc điều chỉnh quy hoạch khu Đoàn Ngoại giao tại cuộc họp cuối năm 2016 do phía nhà đầu tư đưa ra lại là yếu tố “dối trá”. Bà Đỗ Thị Hương Chà, Chủ tịch UBND phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) xác nhận, toàn bộ các đối tượng cư dân được lấy ý kiến điều chỉnh quy hoạch cục bộ dự án khu Đoàn Ngoại giao thuộc Tổ dân phố số 1, không sinh sống tại các tòa nhà dự án khu Đoàn Ngoại giao vì thời điểm đó chưa có tòa nào thành lập Ban quản trị theo quy định.

Như vậy, liệu rằng hồ sơ trình để điều chỉnh quy hoạch của HanCorp có hợp pháp hay không? Trước vấn đề, cư dân khu đô thị đề nghị hủy Quyết định số 2905/QĐ-QHKT ngày 22/5/2017 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu Đoàn Ngoại giao.

Lịch sử nhà đầu tư đầy “sạn”!

Từ năm 2016 đến nay, Hancorp luôn là một cái tên “nóng” trên thị trường bất động sản, nhưng là nóng vì toàn “điều tiếng”. Doanh nghiệp này đã 3 lần bị các cơ quan chức năng nhắc tên tại nhiều dự án, từng bị cư dân tại dự án Hancorp Plaza phản ánh hàng loạt sai phạm.

Năm 2016, Hancorp đã từng là một trong số 23 nhà thầu bị Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn “cấm cửa” do chậm tiến độ trong dự án 619 tỷ đồng tại Hưng Yên. Cũng vào đầu năm 2016, Thanh tra Chính phủ cũng nhắc tới Hancorp với nhiều vi phạm trong thực hiện hợp đồng thi công công trình với Bệnh viện Nhi trung ương Giai đoạn 2.

Gần đây, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội lại tiếp tục bị Thanh tra Chính phủ yêu cầu phải nộp tới trên 247,2 tỷ đồng – là số tiền của 30% quỹ nhà vào ngân sách của thành phố Hà Nội qua thanh tra một dự án lớn của Tổng công ty này.

Trong mâu thuẫn với khác hàng, Hancorp cũng vừa bị các cư dân chung cư Hancorp Plaza (Cầu Giấy, Hà Nội) nêu nhiều sai phạm khi cố tình “biến” phần tầng hầm sở hữu chung thành sở hữu riêng, không bàn giao công tác quản lý vận hành, trả phí bảo trì “nhỏ giọt”…

Có bức xúc – không thể không giải quyết

Trước họp báo của nhà đầu tư Hancorp với cư dân khu đô thị Ngoại giao đoàn, rõ ràng những bức xúc chưa hề được giải quyết. Thực tế, cư dân ở đây lại càng băn khoăn về những văn bản pháp lý liệu có được ban hành đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền, đầy đủ tính chất pháp lý hay không?

Không chỉ vậy, việc một nhà đầu tư từng có rất nhiều sai phạm trong quá khứ như Hancorp, từng gây ra rất nhiều bất bình với khách hàng của mình và bị phản ứng gay gắt, rõ ràng đã chỉ ra mọi việc đều không phải là ngẫu nhiên.

Thiết nghĩ để ổn định tinh thần cho cư dân khu đô thị Ngoại giao đoàn, giải quyết những vướng mắc ồn ào những ngày qua, trên hết, giải quyết được thực trạng tồn tại về một nhà đầu tư đầy tai tiếng như Tổng Công Ty Xây Dựng Hà Nội, các cơ quan chức năng cần vào cuộc thanh tra toàn diện để làm rõ vấn đề. Mọi phát sinh mâu thuẫn phải được giải quyết một cách “có lý, khách quan” thì mới có thể thuyết phục được người dân, cũng như bảo đảm được một nền pháp luật công bằng.

Cộng tác viên Hoàng Phong
http://quochoi.org/quy-hoach-khu-do-thi-ngoai-giao-doan-can-su-vao-cuoc-cua-co-quan-chuc-nang.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét