Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2017

Viettel, FPT làm gì ở nước ngoài?

Viettel, FPT làm gì ở nước ngoài?
20/7/2017 - Khi mang chuông đi đánh xứ người, các doanh nghiệp (DN) Việt phải có trình độ, năng lực thực thụ mới có thể thu về được “quả ngọt”, đặc biệt là đối với những DN công nghệ.
Những ngôi làng ở Tanzania “trắng sóng” nay đã có sóng di động Halotel - nơi Viettel đầu tư. Hiện Viettel và FPT là hai tên tuổi có thâm niên đầu tư ở nước ngoài và đã gặt hái nhiều thành công, chứng minh được giá trị năng lực, giá trị công nghệ của họ với đối tác.

Đầy đủ các dịch vụ trên nền viễn thông

Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng, Viettel sẽ tiếp tục xây dựng hạ tầng viễn thông hiện đại, băng thông rộng, phủ sóng 4G rộng khắp, giá cả phù hợp để mọi người dân ở các thị trường đều tiếp cận được dịch vụ. Phấn đấu trở thành một tập đoàn công nghệ cao, Viettel kết hợp viễn thông với công nghệ thông tin (CNTT), với thiết bị điện tử để xây dựng hạ tầng xã hội được thông minh hơn...

Trong 6 tháng đầu năm 2017, hoạt động kinh doanh tại 9 thị trường nước ngoài của Viettel đạt lợi nhuận trước thuế gần 1.000 tỷ đồng (41,2 triệu USD), tăng 155,7% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu tăng 25% so với cùng kỳ, ở mức gần 14.000 tỷ đồng (600 triệu USD). Kết quả trên đến từ tăng trưởng doanh thu có hàm lượng công nghệ rất lớn, như các dịch vụ viễn thông di động, đặc biệt là một số dịch vụ mới như 4G, ví điện tử, các dự án CNTT lớn phục vụ khách hàng DN, chính phủ... Điển hình là doanh thu từ các dự án: Đường truyền kết nối quốc gia Đông Timor; dự án quản lý dân số Lào; kênh truyền cho Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học và Công nghệ Mozambique; hệ thống thanh toán thuế cho Cục Thuế Burundi. Năm 2017, Viettel đặt mục tiêu tăng trưởng 35%, với tổng số gần 50 triệu khách hàng quốc tế; tổng doanh thu gần 32.000 tỷ đồng (1,4 tỷ USD) - tăng 29%. DN này cũng dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng hạ tầng mạng lưới tại thị trường thứ 10 là Myanmar.

“Viettel sẽ tiếp tục đầu tư ra nước ngoài, mở rộng thị trường, không chỉ viễn thông mà cho cả nghiên cứu sản xuất. Viettel đặt mục tiêu trở thành một tập đoàn toàn cầu, nằm trong 20 DN viễn thông lớn nhất thế giới”, ông Hùng nhấn mạnh.

Nâng cao trong chuỗi giá trị công nghệ

Còn với FPT, Nhật Bản là thị trường quan trọng nhất trong chiến lược toàn cầu hóa. Trong 5 tháng đầu năm 2017, ghi nhận doanh thu tại thị trường nước ngoài của FPT là 2.472 tỷ đồng, tăng 13% và 335 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Được biết, năm 2016, doanh thu tại thị trường nước ngoài của FPT đạt 2.863 tỷ đồng (tương đương 130 triệu USD), tăng 52% so với năm 2015. Chiếm 46,8% doanh thu toàn cầu hóa của FPT, số người làm việc cho thị trường Nhật Bản chiếm hơn 50% nhân lực trong lĩnh vực phần mềm của FPT - tương đương trên 5.000 người (có 760 người làm việc trực tiếp tại 4 văn phòng của FPT ở Nhật Bản). Hiện FPT Nhật Bản đang cung cấp dịch vụ cho gần 300 khách hàng, trong đó có 30 khách được xếp hạng trong Fortune Global 500. Trong hơn 10 năm qua, doanh thu của FPT Nhật Bản luôn đạt mức tăng trưởng 32%/năm; tốc độ tăng trưởng doanh thu cao gấp 2,5 lần mức tăng trưởng bình quân của kim ngạch xuất khẩu Việt Nam - Nhật Bản (13,9%/năm) trong giai đoạn 2006-2015. Về mục tiêu phát triển tại thị trường Nhật Bản, FPT cho biết trong năm 2017, DN phấn đấu đứng trong danh sách 50 công ty dịch vụ CNTT lớn tại Nhật; đến năm 2020, dự kiến doanh thu tại Nhật Bản đóng góp 50% trong mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường nước ngoài của FPT.

FPT hiện là một trong số ít những công ty CNTT của Việt Nam tạo được dấu ấn tại thị trường Mỹ. Sau hơn 8 năm phát triển, FPT đã có văn phòng tại 6 thành phố lớn của Mỹ (New York, Seattle, Chicago, Los Angeles, Dallas và Sunnyvale) với trên 150 nhân viên đến từ 15 quốc gia, cung cấp dịch vụ CNTT cho hơn 20 khách hàng là các tập đoàn hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực sản xuất máy bay, thiết kế hệ thống điều khiển thang máy, truyền hình vệ tinh, ngân hàng… FPT Mỹ luôn tăng trưởng bình quân 45% mỗi năm. Năm 2016, doanh thu từ thị trường Mỹ của FPT đạt 1.003 tỷ đồng, dự kiến năm 2017 đạt 1.300 tỷ đồng.

Nếu như trước đây FPT vào thị trường Mỹ đơn thuần theo cách khách hàng thuê gì làm nấy và chủ yếu tham gia vào những công đoạn có giá trị thấp, thì hiện đã có thể cung cấp dịch vụ cho khách hàng từ A - Z, tức là từ khâu tư vấn, thiết kế đến triển khai và bảo trì. Thậm chí, nhiều dịch vụ, giải pháp của Việt Nam dựa trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ di động (Mobility) cũng đã được những tên tuổi lớn của Mỹ đưa vào sử dụng.

Mới đây, FPT đã triển khai giải pháp trên nền tảng công nghệ IoT cho một hãng chuyên về hệ thống điều khiển thang máy hàng đầu của Mỹ, giúp khách hàng cải thiện lợi nhuận và tạo sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh, dự báo trước được hơn 85% các sự cố, giúp giảm thời gian và chi phí bảo trì. Điều này cho thấy FPT đã bắt đầu tham gia vào những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ, điều mà không phải DN nào cũng làm được. “Nếu không tham gia được vào chuỗi giá trị công nghệ cùng những đại gia sừng sỏ thì các DN phần mềm Việt Nam khó có cơ hội thực hiện được giấc mơ Mỹ”, phía FPT đúc kết.

BÁ TÂN

http://www.sggp.org.vn/viettel-fpt-lam-gi-o-nuoc-ngoai-456593.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét