Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

Thần tình yêu trong tư duy sử học (phê phán Phan Huy Lê)

Thần tình yêu trong tư duy sử học
17/06/2017 - Giáo sư Phan Huy Lê có vẻ như đang phóng xuất vào lịch sử những mũi tên trên cây cung của “Thần tình yêu” (1). Nhưng xem ra không phải. Kẻ vụng nhất trong con người hiện đại vẫn hơn hẳn con ong giỏi nhất (2). 
Image result for Giáo sư Phan Huy Lê
Giáo sư đưa ra lý thuyết sử học mới – gọi là quan điểm mới – là phải vượt qua rào cản ý thức hệ để viết lịch sử; thiên chức cao cả của sử học là tái hiện lại những trang sử bằng cứ liệu lịch sử khách quan trung thực; là phải tôn trọng sự thực, phải công minh lịch sử… Chúng tôi xin bình luận về sự thực khách quan của giáo sư qua một số luận điểm và cứ liệu lịch sử được giáo sư chính thức công bố.

Đánh giá Vương Triều Nguyễn

Giáo sư nghiêng về khẳng định công, cụ thể là ở Gia Long Nguyễn Ánh. Chủ đề này đã được nhiều tác giả nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, chúng tôi không nhắc lại. Xin bạn đọc xem Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, các số 443 (bài củaVũ Hạnh) và 450 (bài của Cao Đức Trường) mới đăng gần đây. Chúng tôi chỉ xem cách biện luận của GS. Lê.

Sẽ có rất nhiều cứ liệu, rất khách quan, vì nó đã có. Rất trung thực. Vì không thể thêm bớt. Vấn đề là nhà viết sử đưa ra cứ liệu nào, bình luận như thế nào – tức là xác định giá trị của nó. Đây là chỗ quan trọng nhất, là mục đích của người viết sử. GS. Lê cho rằng công của Nguyễn Ánh là chính, tội chỉ là tỳ vết, là điểm mờ. Biện luận đó là đúng theo quan điểm của người Pháp, của con cháu nhà Nguyễn và phái “hoài niệm triều Nguyễn”. Nhưng xét trên bình diện quốc gia thì tội bán nước, đầu hàng ngoại bang là vô cùng nặng nề, công lớn bao nhiêu cũng không chuộc lại được. 

Nguyễn Ánh khởi đầu hành động bán nước và đến đời các cháu, từ Tự Đức cho đến Bảo Đại, đã bán hoàn toàn, đầu hàng hoàn toàn. Nếu không có cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc giành lại độc lập, thống nhất thì giờ này có gì để mà nói nữa. Cho nên, các chúa Nguyễn có công mở cõi thì rõ rồi, không thể phủ nhận. Còn vương triều Nguyễn đã làm tổn hại quốc gia, làm chậm bước tiến của dân tộc. Là một thực thể lịch sử tồn tại hàng thế kỷ, là nguyên nhân của những diễn biến lịch sử dân tộc, không thể đặt ra ngoài lịch sử dân tộc. Nhưng nói đến, viết đến là để làm sáng tỏ bản chất của lịch sử, yếu tố quyết định trong vận động lịch sử dân tộc, khẳng định qui luật của lịch sử dân tộc. Cần phê phán các nhân vật, các yếu tố phản lịch sử, phản dân tộc của vương triều Nguyễn nhưng không đánh đồng với những vị vua yêu nước, chống ngoại xâm, đã chịu biết bao đau khổ, hi sinh trong cảnh tù đày như các Đức vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân. Các Hoàng thân quốc thích như Bửu Đình, Văn Tập, Nguyễn Minh Vỹ và biết bao nhiêu thế hệ con cháu nội ngoại của vương triều Nguyễn đã đứng vào hàng ngũ đấu tranh giải phóng dân tộc. Lý phải có tình. Tình phải có lý. Không thể biện luận lịch sử bằng chủ nghĩa tình cảm được. Quan điểm thế nào, cứ thẳng ra thế ấy. Không nên nói thế này lại làm thế kia.

Bảo Đại và Hiệp ước Êlisê

Chúng tôi rất buồn lòng khi phải đưa lại sự này. Vì giáo sư đã không trung thực khách quan, không công minh lịch sử, không có chút biện chứng toàn diện nào. Phía Pháp lại tôn trọng chủ quyền của Việt Nam kia ư? Xin Giáo sư nhớ lại xem, theo Hiệp ước 1862 thì khoản bồi thường chiến phí nhà Nguyễn phải chịu là mấy triệu lạng bạc? Đã đến ăn cướp, lại đòi bồi thường chiến phí? Sự thực khách quan đấy chứ! Nó mà đủ sức, nó cướp một lèo cho hết cả, lại phải hiệp ước hiệp iếc cho thêm chuyện. 

Còn Hiệp ước Êlisê, ta hẵng kể mấy khoản chính: Quốc gia Việt Nam nằm trong khối Liên hiệp Pháp. Kinh tế, tài chính, quân đội, ngoại giao do phía Pháp nắm. Quốc trưởng Bảo Đại được quyền có… mấy khẩu súng săn. Và sau đó thì phía Pháp vẫn xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Bảo Đại là đại diện cho chủ quyền Việt Nam – dòng dõi nhà Nguyễn – theo quan điểm của phía thực dân Pháp và đến hôm nay là của giáo sư. Còn phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phía Mặt trận Việt Minh, thì Lê Vĩnh Thụy là phần tử phản bội Tổ quốc. Và đã bị đưa ra Tòa án Cách mạng xét xử ở Phủ Lý hồi kháng chiến chống Pháp (Theo tư liệu của Bạch Diện Nguyễn Văn Cư, trong Hà Nội Xưa và Nay. NXB Hội Nhà văn. H.2015).

Đó là sự khác nhau giữa hai quan điểm sử học. Nhưng GS. Lê lẩn tránh khi biện luận.

Chiêu tuyết cho Trương Vĩnh Ký

Giáo sư Lê viết:

“Ngoài công việc giảng dạy, biên phiên dịch và viết lách, Trương Vĩnh Ký có thời gian tham gia vào các hoạt động chính trị khác như tham gia Hội đồng thường trực nghiên cứu tổ chức lại nền giáo dục Nam kỳ, Hội đồng thị xã Sài Gòn, được cử vào Viện cơ mật của Nam triều, làm Giám quan cố vấn cho Đồng Khánh. Chính từ những hoạt động này mà trong giới nghiên cứu đã từng có những nghi vấn và phê phán gay gắt”.

(Petrus Ký nỗi đau thế kỷ. Lời giới thiệu. Nguyễn Đình Đầu biên soạn. NXB Tri thức, 2016. Tr.5)

Viết như thế cho sinh viên năm thứ nhất khoa Sử thì được. Còn với các độc giả như Vũ Hạnh, Đặng Minh Phương, Cao Đức Trường, Nguyễn Văn Thịnh… thì quả là Lạy ông con ở Viện này/ Nào ai có khảo mà thầy tự xưng!

Chưa đầy trăm chữ in mà có quá nhiều bất cập, nếu phân tích cho rành rẽ phải mất hàng chục trang sách. Mấy người biên tập ở nhà xuất bản khó khăn quá. Sao không sửa giùm cho một chữ? Để cho nhà bác học lừng danh thế giới phải viết lách thì tang thương quá! Ấy là chuyện nhỏ. Các chức danh của Trương Vĩnh Ký nên viết cho đúng. Trương Vĩnh Ký được người Pháp đặc cách đưa vào Hội đồng thành phố Sài Gòn theo Nghị định ngày 28 tháng 7 năm 1877, do Đô đốc Đuy-pơ-rê chỉ định. Trương là người Việt Nam duy nhất trong Hội đồng này.

Trương Vĩnh Ký được cử vào Viện cơ mật như thế nào? Đấy là do Toàn quyền Paul Bert. “… Ngài Paul Bert đưa vào Viện cơ mật một học giả có danh tiếng lớn của Nam kỳ thuộc Pháp, tên là Trương Vĩnh Ký… Ông ta trở thành một người giúp việc cực kỳ quí giá ở Huế…”.

(Petrus Ký… Sđd. Trg.432-433)

Và Trương Vĩnh Ký đã “có thời gian tham gia hoạt động chính trị” như thế này:

“Tôi sẽ loại trừ tất cả những sủng thần, và tôi sẽ bao vây nhà vua, tôi sẽ sắp xếp Viện cơ mật toàn những người có năng lực…

Tôi bắt đầu một công việc mệnh danh là thời đại mới… Bắt đầu từ khi ngài mới sang và theo dõi từng bước tất cả những cái đổi mới và những cải cách của ngài mà tôi sẽ trình bày với những kiểu mẫu để theo đối với nước Nam (Thư gửi Paul Bert. Petrus Ký… Sđd. Trg.433).

… Tôi chỉ còn đợi sự bình định để bước vào một vai trò đặc biệt thích hợp với tôi và sẽ được việc cho cả hai nước…

Ngài hãy nhanh chóng thành lập những khinh binh và vũ trang cho chúng; ngài không có gì phải lo ngại cả, mặc dầu những nhà quân sự nói như vậy, bởi vì những súng ống và quân nhu được ngài cung cấp, cho vay hoặc bán, sẽ ở dưới sự trách nhiệm trực tiếp của nhà vua và của triều đình An Nam, mà sau cái vụ mùng 5 tháng 7 kinh khiếp (Tôn Thất Thuyết tấn công quân Pháp), chỉ còn tìm thấy con đường thoát ở nước Pháp”.

(Petrus Ký… Sđd. Trg.435)

Giới nghiên cứu không ai nghi vấn về các hoạt động chính trị của Trương Vĩnh Ký. Vì tự Trương “thừa khai” ra, qua thư từ với Paul Bert, với các quan chức người Pháp khác và với Đồng Khánh, như một vài đoạn dẫn trên. Và hoạt động chính trị của Trương Vĩnh Ký cũng không đơn giản, nhẹ nhàng, chỉ là có thời gian ông tham gia như giáo sư viết. Loại bỏ sủng thần, bao vây nhà vua, sắp xếp lại Viện cơ mật… Nghĩa là có thực quyền hơn cả vua. Vua Nguyễn Chúa Trương! Hoạt động chính trị của Trương Vĩnh Ký cần được xem xét ở ba sự kiện sau:

1/ Khi làm thông dịch cho phái đoàn Phan Thanh Giản. Trương lúc này là người của Soái phủ Nam kỳ, do Soái phủ Nam kỳ cử đi. Đáng chú ý là, trong khi phái đoàn Phan Thanh Giản thất bại, xôi hỏng bỏng không thì Trương lại được người Pháp hết sức tin tưởng.

2/ Trong chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi (1876) mà Trương báo cáo tường tận với người Pháp, là một sự kiện mà nhiều người trong giới nghiên cứu xem là làm gián điệp cho Pháp. Và cần chú ý là trước khi đi Bắc kỳ, Trương Vĩnh Ký đã dịch Truyện Kiều và Đại Nam quốc sử diễn ca ra quốc ngữ, trong khi Lục Vân Tiên phải về sau mới được chuyển sang quốc ngữ. Điều đó có ý nghĩa gì không?

3/ Thời gian giúp việc cho Paul Bert ở Viện cơ mật tuy ngắn, do Paul Bert chết đột ngột, nhưng nội dung công việc là cần xem xét. Chúng tôi chỉ nói tóm tắt, về lý thuyết, Paul Bert và Trương Vĩnh Ký là khởi thủy, mở đầu cho chủ nghĩa thực dân mới, chủ trương lấy người Việt trị người Việt, qua việc trang bị cho quân đội Nam triều, do triều đình (nhà vua) chịu trách nhiệm mà không phải để cho người Pháp trực tiếp chỉ huy. Học thuyết này Trương tự hào xem là bắt đầu một thời đại mới như đã dẫn trên. Chủ trương của Trương chưa thành hiện thực nhưng tư tưởng của Trương đã hiện hữu trên văn bản. Paul Bert – Trương Vĩnh Ký sau này tái hiện lại ở Ngô Đình Diệm – Ngô Đình Nhu. Nội dung chính trị khác nhau, nhưng quan hệ giữa hai nhân vật rất đồng dạng.

Giáo sư Phan Huy Lê tán đồng với tác giả Nguyễn Đình Đầu trong việc chiêu tuyết cho Trương Vĩnh Ký. Lời giới thiệu cho Petrus Ký nỗi đau thế kỷ tuy ngắn gọn nhưng toát lên tinh thần đó. Chiêu tuyết hay chiêu nê (bùn) thuộc về tự do học thuật của các tác giả. Vấn đề là chiêu gì cũng nên có sở cứ và sự bình luận phải trên cơ sở của sự thực lịch sử. Cách làm của GS. Lê khiến cho Trương Vĩnh Ký chẳng được tuyết mà lộ ra bùn. Bởi, nếu thật sự khoa học nghiêm túc, khách quan, công minh lịch sử trên quan điểm nhân văn – dân tộc thì Trương là người đáng tiếc, đáng thương cảm. Tiếc cho một con người thông minh, sức làm việc siêu phàm… lại đi phục vụ cho bọn phản Chúa, bọn thực dân xâm lược. Và Trương cũng không phải là một con chiên ngoan đạo khi đi theo kẻ phản Chúa, làm sự ác trái với lời răn của Chúa lòng lành! Nhưng tấm mề đay trên ngực Trương là bằng chứng không thể nào hoán cải.

GS. Phan Huy Lê rất hùng hồn về lý thuyết sử học: Khoa học nghiêm túc khách quan công minh lịch sử… Nhưng thực hành có vẻ ngược lại. Không xác định quan điểm lịch sử thì cũng như Thần tình yêu bắn cung. Có thể xem ông là hậu duệ của Thần tình yêu (sử học) vậy.

TP. Hồ Chí Minh, tháng 5-2017

Chu Giang
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 453

——————–
(1) Thần thoại Hy Lạp hình tượng Thần tình yêu bằng một Thanh niên hùng dũng bắn cung nhưng mù mắt.
(2) Ý của Mác về tính chủ động của chủ thể nhận thức.

http://tuanbaovannghetphcm.vn/than-tinh-yeu-trong-tu-duy-su-hoc/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét