Thứ Năm, 22 tháng 6, 2017

Nhặt chữ trên Biển Hồ

Nhặt chữ trên Biển Hồ
LĐ - 141 LỤC TÙNG, 21/06/2017 - Chia tay ngôi trường của người Việt giữa Biển Hồ (Siêm Riệp - Campuchia) chồng chành sóng mỗi khi có tàu, ghe lướt qua, lòng tôi chao nghiêng theo tiếng thở dài não nuột của nỗi niềm xa xứ: Gần 400 học sinh đang theo học ở trường vô cùng chật vật đối mặt với nguy cơ “không đủ chữ” khi mà hết lớp 5, các cháu không còn cơ hội học thêm. Một nguy cơ khác lớn hơn gặm nhấm thể trạng và trí não các cháu khi bữa ăn miễn phí của nhà trường hoàn toàn không có bất cứ cọng rau nào vì lý do kinh phí. Đấy cũng là lý do chúng tôi bắt đầu nghĩ tới việc phát động phong trào “Bữa ăn có rau cho con em Việt trên Biển Hồ”.
Thầy Trần Văn Tư và một góc trường học người 
Việt trên Biển Hồ tại ấp 7 xã Chong - khơ - nia.

Mái ấm xuyên quốc gia

Tháng 6, Biển Hồ, chúng tôi phải ngồi tàu đi hơn 1 cây số trên con rạch Chong - khơ -nia mới thấy được cái mênh mông của hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á. Biển Hồ cũng là nơi trường học người Việt tọa lạc - dãy bè nổi trên mặt sóng với 5 phòng học có tên Trung tâm Giáo dục và Từ thiện nuôi dạy trẻ em nghèo (Trung tâm).

Ông Trần Văn Tư - Hiệu trưởng Trung tâm - cho biết: “Ở đây không chỉ dạy chữ mà còn lo chỗ nghỉ ngơi, ăn cơm miễn phí cho các cháu”. Sau tiếng trống hết buổi, học sinh từ các lớp ùa về dãy nhà bè vừa là nơi làm việc, kiêm nhà bếp và bếp ăn. Thuần thục, các em lớp 4, lớp 5 đặt cặp, vở vào góc rồi nhanh tay đến khu vực nhà bếp dọn chén, xới cơm, bưng thức ăn, sau đó ngồi vào ăn theo nhóm 4 người. Có 5 dãy hàng, tương ứng với 5 khối lớp, học sinh khối nào ngồi theo dãy đó. Ăn xong, tất cả gom chén, muỗng lại rồi túa nhau đến mấy thùng nước bên ngoài để uống. “Nước đã qua máy xử lý do sư Thích Thiện Tánh (Q 12- TP HCM) tặng...” - ông Tư nói.

Cơm nước xong, các em không về mà chia nhau thành nhóm chơi chờ chiều trường đưa đò về nhà. “Gần đây, thấu hiểu mối hiểm nguy của học trò nhỏ phải tự bơi xuồng đến trường giữa bốn bề sóng nước, một số nhà hảo tâm đã hỗ trợ thuyền để nhà trường tổ chức đưa rước học sinh” - lời ông Tư khiến tôi “giật mình” với phương thức phục vụ trọn gói miễn phí hiếm thấy: Dạy học, nghỉ ngơi, cơm nước, đưa rước. Riêng khoản cơm nước thì mỗi ngày đủ 3 bữa sáng, trưa, chiều. “Nhưng còn lệ thuộc vào lòng hảo tâm, khách đến nhiều - hỗ trợ nhiều... Còn mùa vắng khách du lịch thì có chi dùng nấy, thậm chí có khi chỉ đủ lo buổi ăn trưa” - ông Tư đau đáu.

Khi chúng tôi chuẩn bị bước xuống đò thì chợt nhận ra cháu Lê Kim Hiệp (học sinh lớp 1) đang đút cơm cho một bé “tí nị”. Kim Hiệp cho biết do cha mẹ cháu đi đánh cá chiều tối mới về, nên đi học, cháu phải dẫn em 4 tuổi theo để vừa có người trông giữ, vừa có cơm miễn phí ăn. Đây không phải là “trường hợp hiếm” trong số hàng trăm trường hợp được Trung tâm cưu mang sau gần 30 năm hình thành. “Không phân biệt học sinh của Trung tâm hay người ngoài, ai cần học cứ đến học, ai cần cơm cứ đến ăn, chúng tôi phục vụ hết. Đặc biệt không phân biệt người Việt hay người Campuchia, hễ cứ đúng 6 tuổi, nhà nghèo tìm đến là chúng tôi tiếp nhận”, ông Tư nhấn mạnh. Proen (người Campuchia) tài công điều khiển tàu chở chúng tôi, nói ngay: “Cha mẹ tôi chết khi đang đánh cá trên Biển Hồ, lúc đó tôi mới hơn 6 tuổi, nhờ Trung tâm cưu mang dạy chữ, cho cơm ăn mà tôi có ngày nay. Bây giờ, có gia đình rồi, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn “nhín” tiền lại để đóng góp cho Trung tâm như sự trả ơn”. Trưa hực nắng, câu nói của Proen khiến tôi man mát tự hào với ngôi trường xuyên quốc gia.

Trường tấm lòng Việt

Ông Võ Văn Đầy - Phó hội trưởng Hội Người Việt tại tỉnh Siêm Riệp - cho biết, người Việt ở Biển Hồ tập trung tại khu vực ấp 7 xã Chong - khơ - nia có 458 gia đình, gần 2.000 người và tất cả sẽ tiếp tục chìm trong kiếp mù chữ nếu không có “Tấm lòng Việt”.

Chuyện bắt đầu vào năm 1979, sau thời gian chở hàng từ Tây Ninh lên Biển Hồ bán cho người Việt, ông Trần Văn Tư (1937) quyết định bỏ nghề rồi mang tập sách, vở, bút mực sang Biển Hồ dạy miễn phí cho con em người Việt trên chiếc thuyền nhỏ của ông Nguyễn Văn Nam. “Lúc đó thuyền vừa là lớp học cũng vừa là nhà, tôi dạy trên đó, ngủ nghỉ trên đó...” - ông Tư nhớ lại những ngày đầu gian khó. Cứ thế, ông dạy cho trẻ em nơi đây làm quen với mặt chữ, con số. Bởi thực tế ông Tư không tổ chức thành lớp mà căn cứ theo “nội lực” của từng cháu để dạy. “Chỉ có cách này mới giữ chân được những cô, cậu lâu nay chỉ thấy và biết tự do bơi xuồng, thả lưới, giăng câu” - ông Tư cười tự hào về sáng kiến của mình.

Năm 1989, theo bước chân Bộ đội tình nguyện Việt Nam, ông Tư trở về quê. Sống bên gia đình, nhưng hồn ông thì vẫn ở Biển Hồ. Mỗi khi nhớ đến cảnh mỗi gia đình có 9-10, thậm chí 15-16 đứa con mà không ai biết chữ bẻ đôi là ông Tư mất ăn, mất ngủ... Thế là năm 2006, ông trở lại Biển Hồ. Học trò xưa có người tái mù, có người đã lập gia đình và có con đến tuổi đi học và tiếp tục lâm cảnh mù chữ như cha, mẹ. Mường tượng ra tương lai mù mịt như cuộc sống bao đời chưa hề có ánh điện thấp sáng của người Việt trên Biển Hồ, ông Tư mạnh dạn xin chính quyền ấp 7 xã Chong Khơ Nia, huyện Siêm Riệp cho phép lập ngôi trường cho cộng đồng người Việt. Bắt đầu lại ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, quả là chuyện không đơn giản. Đằng này, ông Tư lại bắt đầu với hai bàn tay trắng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Do hầu hết người Việt ở đây mù chữ nên ông thầy giáo phải kiêm thêm nhiệm vụ lo sách, vở cho đến giấy tờ...

Giải quyết xong bài toán cơ sở vật chất, “Trung tâm Giáo dục và Từ thiện nuôi dạy trẻ em nghèo” ra đời, ông Tư lại đối mặt với bài toán hóc búa hơn: Giữ chân học trò đến trường. “Bà con sống bằng nghề đánh bắt, mùa cá, cha mẹ dẫn con theo ghe, vì vậy rất khó giữ chân bằng việc dạy chữ. Không có cái ăn, các em đến lớp ba bữa rồi cũng bỏ. Ông trăn trở “Biết là vậy, nhưng không dễ để làm, bởi bà con thì đang khó khăn vì việc đánh cá ở Biển Hồ ngày càng khó khăn, thắt ngặt vì nguồn cá cạn kiệt...”. Sau nhiều toan tính, cuối cùng ông Tư tìm đến giải pháp kêu gọi hảo tâm. Theo đó, lần lượt trường đón nhận những “Tấm lòng vàng” trong và ngoài nước...

Chật vật giữa biển nước

Cuộc trò chuyện cứ liên tục bị ngắt quãng bởi ông Tư hết phải nghe điện thoại lại đến chào khách đến thăm. Nhưng những mẩu chuyện đứt quãng cũng đủ đưa tôi hình dung về ngày đầu gầy dựng ngôi trường, những khúc quanh của phận người tha hương.

Và, điều khiến chúng tôi lo nhất là chuyện học sẽ lẩn quẩn trong vòng khắc nghiệt của kiếp người tha hương. Vì nhiều lý do, trường học người Việt chỉ mở đến lớp 5. Điều này cũng đồng nghĩa với sự thật: Các em học “không đủ chữ” vì sau đó gần như không còn cơ hội học thêm vào các trường trên bờ... “Gia đình tôi có 5 đời sinh sống tại Biển Hồ và nhiều năm được bầu làm trưởng ấp 7 nhưng cũng không xin được giấy tờ tùy thân để được sống như con người...” - 5 tiếng “được sống như con người” của ông Đầy khiến chúng tôi đau xé lòng khi nghĩ đến nỗi bất hạnh, niềm đơn côi đến lạc lõng đã, đang và sẽ tiếp tục đè nặng lên thân phận momg manh của cộng đồng người Việt tha hương trên Biển Hồ...

Một điều khiến tôi buồn lòng hơn khi nhận ra nguy cơ khác lớn hơn gặm nhấm thể trạng và trí não của các cháu, đó là bữa ăn miễn phí nơi đây hoàn toàn không có bất cứ cọng rau nào, chỉ vì lý do kinh phí...

Chúng tôi rời Trung tâm trong chiều nhạt nắng. Xa xa, trung tâm Siêm Riệp đã sáng rực ánh đèn của đô thị du lịch nhộn nhịp. Và chúng tôi bắt đầu nghĩ tới việc phát động phong trào “Bữa ăn có rau cho con em Việt trên Biển Hồ”.

Nhiều người đến thăm Trung tâm Giáo dục và Từ thiện nuôi dạy trẻ em nghèo ở Biển Hồ (Camphuchia) là chuyện vui vì phần lớn các đoàn đều có hỗ trợ, tặng quà - góp nguồn sống cho ngôi trường Việt xa xứ... Nhưng chuyện vui này lại cũng có mặt trái của nó: Từ khi được các đơn vị lữ hành khai thác quá mức, vào mùa du lịch cao điểm, mỗi ngày có hàng chục đoàn đến thăm, những cuộc viếng thăm nghĩa tình này đã dồn đẩy chất lượng dạy học đối mặt với thách thức mới: Bởi mỗi lần khách ghé, ngoài việc tặng quà, đều có màn thăm hỏi, chụp ảnh... khiến thầy phải ngừng dạy và trò cũng ngừng học...

http://laodong.com.vn/phong-su/nhat-chu-tren-bien-ho-675130.bld

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét