Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2017

Các vị ĐBQH chọn bố mẹ hay chọn chính quyền?

Các vị ĐBQH chọn bố mẹ hay chọn chính quyền?
FB Nguyễn Ngọc Chu - Các vị ĐBQH sẽ chọn lựa ai nếu bố mẹ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng? Tố giác bố mẹ mình để thoát tội với chính quyền nhưng phạm đại tội với bố mẹ? Hay không tố giác bố mẹ để giữ đạo làm con mà chịu tội với chính quyền? Chỉ những người có Hiếu có Tín có Nghĩa với bố mẹ mình thì mới có Trung có Tín có Nghĩa với Tổ quốc của mình. Còn những kẻ đã bán đứng cả bố mẹ mình thì sẽ bán đứng tất cả.

Câu hỏi giản đơn với sự lựa chọn quá rõ ràng cho mọi người, ngoại trừ nhiều vị ĐBQH đã bỏ phiếu thông qua điều 19 Bộ LHS hôm 20-6-2017.
LUẬT PHÁP CỦA MỘT CHÍNH QUYỀN VÀ GIÁ TRỊ PHỔ QUÁT CỦA NHÂN LOẠI

Một chính quyền chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian và không gian nhất định. Bởi thế luật pháp của chính quyền đó cũng có thời gian sống và phạm vi hiệu lực hữu hạn cùng với sự tồn tại của chính quyền. Các chính quyền khác nhau sẽ có luật pháp cai trị khác nhau. Thường thì chính quyền sẽ ban bố những bộ luật có lợi cho sự cai trị của chính quyền. Đó là những điều dễ hiểu.

Nhưng mâu thuẫn và đấu tranh buộc các chính quyền phải sửa đổi pháp luật cai trị cho phù hợp với hoàn cảnh và tiến bộ xã hội. Những điều tốt sẽ được phát huy, những điều xấu bị hủy bỏ. Một chính quyền tốt cho đa số dân khi có luật pháp cai trị tiến bộ phục vụ cho lợi ích của đa số dân. Một chính quyền xấu cho dân khi luật pháp cai trị phục vụ cho thiểu số. Đó cũng là những điều dễ hiểu.

Từ quá trình phát triển, loài người đã đúc kết được những giá trị phổ quát mà luật pháp của bất cứ thể chế nào cũng phải tôn trọng. Những giá trị phổ quát nàỳ sâu rộng và tồn tại dài lâu hơn luật pháp của một thể chế. Trong số các giá trị phổ quát được xã hội loài người đúc kế, có các quyền cơ bản của con người và các phẩm chất đạo đức làm người.

Bởi thế, các quyền con người như tự do bình đẳng, các phẩm chất đạo đức như Tín Nghĩa là những giá trị mà luật pháp của bất cứ thể chế nào cũng phải tôn trọng. Xóa bỏ hay không tôn trọng những giá trị đó sẽ dẫn đến sự bất ổn trong xã hội mà hệ lụy là làm cho chính quyền suy vong.

Bắt con cái phải tố giác bố mẹ hay luật sư phải tố thân chủ là đi ngược với những giá trị phổ quát mà nhân loại đã đúc kết.


TẠI SAO THỜI CỤ HỒ KHÔNG CÓ KHOẢN 3 ĐIỀU 19?

Không có lẽ 72 năm qua, nước ta không đối mặt với những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và xâm phạm an ninh quốc gia? Trong thời kỳ chiến tranh, đất nước đã ở trong những hoàn cảnh gian nguy hơn nhiều, nhưng chính quyền không cần đến con cái phải tố cáo bố mẹ và luật sư không phải phản lại thân chủ. Tại sao bây giờ, trong điều kiện phương tiện kỹ thuật tốt hơn nhiều cùng với đội ngũ cơ quan tố tụng đông đảo, chính quyền lại cần đến sự phản bội của con cái và luật sư để tìm ra thủ phạm?

Như cựu Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An từng nhận xét, Hiến pháp nước ta mỗi ngày càng xa Hiến Pháp năm 1946. Bây giờ Bộ LHS cũng theo chân mà thua cả thời mới lập chế độ.
CÁC THẦY CÔ SẼ KHUYÊN HỌC TRÒ NHƯ THẾ NÀO?

Khi phải đối mặt với một câu hỏi như thế từ học trò, các thầy cô sẽ khuyên học trò như thế nào? Đắc tội với bố mẹ hay đắc tội với chính quyền?

Thân mình sinh ra trên đời là do bố mẹ mà có. Nếu phản bội lại bố mẹ thì sống trên đời để làm chi? Vì bố mẹ mà phải phạm tội với chính quyền rồi mất mạng cũng có chi là luyến tiếc. Còn hơn thoát tội với chính quyền mà phạm đại tội bất Hiếu bất Tín bất Nghĩa với bố mẹ.

Trong hai đường đều phạm tội thì chọn phạm tội với chính quyền chứ không bao giờ được phạm tội với bố mẹ. Đó là lựa chọn duy nhất không bàn cãi.

Chỉ những người có Hiếu có Tín có Nghĩa với bố mẹ mình thì mới có Trung có Tín có Nghĩa với Tổ quốc của mình. Còn những kẻ đã bán đứng cả bố mẹ mình thì sẽ bán đứng tất cả.

CÁC VỊ ĐBQH SẼ CHỌN LỰA AI?

Như Thương Ưởng (khoảng 390 – 338 TCN) từng ban bố những đạo luật hà khắc vô nhân tính có lợi cho chính quyền nhà Tần, trong số đó - không kể bố mẹ anh em, “ Ai không tố cáo kẻ gian thì bị chém ngang lưng”. Kết cục, khi thất sủng phải trốn chạy, Thương Ưởng bị chính đạo luật do mình ban ra giết chết.

Các vị ĐBQH sẽ chọn lựa ai nếu bố mẹ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng? Tố giác bố mẹ mình để thoát tội với chính quyền nhưng phạm đại tội với bố mẹ? Hay không tố giác bố mẹ để giữ đạo làm con mà chịu tội với chính quyền?

Đến lúc đó, các vị ĐBQH thông qua điều 19 Bộ LHS hôm 20-6-2017 mới hiểu được, tại sao những người có Hiếu với bố mẹ, những người trọng Tín Nghĩa mới kiên trì đấu tranh cho giá trị phổ quát làm người mà hàng ngàn năm, không phải một dân tộc, mà cả loài người quý trọng. Những giá trị đó thúc đẩy sự tỏa sáng của Dân tộc nên quý hơn nhiều so với sự tồn vong của một chế độ.

Nguyễn Ngọc Chu
(Chiếu Làng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét