Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2017

Pierre Darriulat: Việt Phương, một mảnh ký ức VN

Tôi cũng thường nói với chú Phương là chú nên viết hồi ký. Chỉ có chú với trí nhớ siêu phàm, lại được sống cũng các lãnh đạo quốc gia gần 7 thập kỷ, biết cực kỳ nhiều chuyện trong chăn của chốn cung đình nơi chín tầng mây, mới có thể viết được những thiên hồi ký đáng tin cậy và có giá trị. Nhưng chú Phương chỉ cười. Hôm 10/5/2017, khi dự lễ truy điệu chú Phương, tôi có nói lại chuyện này với 1 bác lãnh đạo đã nghỉ hưu ở Văn phòng Trung ương. Bác ấy cười bí ẩn rồi ghé vào tai tôi nói nhỏ: "Có viết đấy". Nếu chú Phương có viết thì thật là may mắn cho lịch sử Việt Nam. Đây là nhân chứng lịch sử duy nhất tôi tin cậy hoàn toàn. Chú Phương là người vô cùng trung trực, thắn thắn, chứng kiến gì viết đó, không phải loại bồi bút, bồi chế độ như vô vàn nhà kinh tế, lịch sử, chính trị khác. Pierre Darriulat mô tả điều này vô cùng sống động và chính xác: "Tụy thường có xu hướng đấu tranh và bức xúc trước những điều bất công và bất cập, còn Phương thì ôn hòa hơn; ông cân đối giữa những điều tốt với những điều không tốt, và kết luận rằng tựu trung lại cái tốt vẫn nhiều hơn. Đó là thái độ của một nhà thông thái luôn giữ một khoảng cách bình đạm trước những biến động trước mắt". Tôi biết GS Hoàng Tụy; khi GS Hoàng Tụy là Giám đốc của chúng tôi thì chú Việt Phương được phân công làm Cố vấn kinh tế cho chúng tôi (1982-1986).
Việt Phương, một mảnh ký ức Việt Nam

23/05/2017 09:35 - Pierre Darriulat
Tôi vẫn thường cố thuyết phục Phương viết hồi ký, bởi tôi biết những thông tin ông đang nắm giữ có ý nghĩa thật quý giá với lịch sử Việt Nam. Nhưng tôi thất bại. Khi tôi hỏi vì sao ông luôn dè dặt không viết, ông thường lảng tránh; và khi tôi tự hình dung ra một số những lý do rồi hỏi lại ông, ông thường đơn giản chỉ gật đầu đồng tình, nói rằng đấy cũng là một phần của nguyên nhân.

Nhà thơ Việt Phương và nhóm VATLY,
mùa xuân năm 2016. Ảnh: Phạm Ngọc Điệp.
Tôi được làm quen với Việt Phương khoảng mười năm trước qua sự giới thiệu của Hoàng Tụy. Nhóm nghiên cứu nhỏ của chúng tôi, khi ấy nằm trong Viện KH&KT Hạt nhân, mời hai người họ đến chơi. Trong hai tiếng đồng hồ, chúng tôi được nghe họ kể lại nhiều câu chuyện, những ký ức trải dài kể từ thời kỳ Việt Nam vừa độc lập; chúng tôi cũng chia sẻ với họ về những trăn trở và hi vọng của mình. Với tôi, quả là một đặc ân khi được gặp Việt Phương, một nhân chứng từng sống cùng thời với Hồ Chí Minh, từng gần gũi với Phạm Văn Đồng trong nửa thế kỷ.


Tôi háo hức nghe ông nói về những cảm nhận của mình khi nhìn lại những năm tháng cũ. Sự đáng kính toát lên từ con người ông có thể đã khiến chúng tôi giữ khoảng cách với nhau; nhưng trái lại, chúng tôi ngay lập tức trở thành những người bạn thân. Lý do chính, theo tôi nghĩ, phải chăng bởi ông yêu quý tiếng Pháp còn tôi thì yêu thích thơ ca.

Không lâu sau lần gặp ấy, Hoàng Tụy, Việt Phương và tôi, hình thành thói quen thỉnh thoảng cùng nhau ăn trưa. Tôi đi xe đạp đến nhà Tụy, để xe lại đó, và cùng nhau đi taxi qua đón Phương tại nhà ông, rồi đến một nhà hàng nào đó, mỗi lần lại một nơi khác. Tôi trẻ hơn, hay nói cách khác là ít già hơn hai ông mười tuổi, và luôn lắng nghe chăm chú từng từ họ nói. Chúng tôi giống nhau một cách kỳ lạ trong cách nhìn về thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, cụ thể như: về chủ nghĩa nhân văn và lòng yêu nước, những quan điểm phê phán trên tinh thần xây dựng, thái độ kiên quyết hướng tới sự tiến bộ và nhìn vào khía cạnh tích cực thay vì chỉ than phiền về những mặt trái. Tôi không nhớ có khi nào chúng tôi từng bất đồng, tuy nhiên, Tụy thường có xu hướng đấu tranh và bức xúc trước những điều bất công và bất cập, còn Phương thì ôn hòa hơn; ông cân đối giữa những điều tốt với những điều không tốt, và kết luận rằng tựu trung lại cái tốt vẫn nhiều hơn. Đó là thái độ của một nhà thông thái luôn giữ một khoảng cách bình đạm trước những biến động trước mắt.

Có vài lần, tôi nghe ông trích dẫn thơ của Aragon, bài Que la vie en vaut la peine (Đời thật đáng sống), như cách thể hiện niềm tin vào cuộc sống. Tôi cảm thấy bài thơ này phản ánh thật chân thực cách nhìn của ông, vì vậy tôi xin dẫn lại hai khổ thơ – trong hoàn cảnh cụ thể hiện tại [khi ông đã mất], chúng có ý nghĩa thật đặc biệt:

C’est une chose au fond, que je ne puis comprendre
Cette peur de mourir que les gens ont en eux
Comme si ce n’était pas assez merveilleux
Que le ciel un moment nous ait paru si tendre.

Oui je sais cela peut sembler court un moment
Nous sommes ainsi faits que la joie et la peine
Fuient comme un vin menteur de la coupe trop pleine
Et la mer à nos soifs n’est qu’un commencement.

Thật nghĩ mãi tôi không sao hiểu được
Nỗi sợ chết mỗi người ôm giữa ngực
Làm như là đời chưa đủ diệu kì
Mà trời xanh một buổi ánh lưu ly
Toả êm dịu trên lòng ta náo nức

Vâng tôi biết mọi điều dường ngắn ngủi
Người là vậy mừng vui cùng sầu tủi
Trôi lướt qua như bọt rượu trào ly
Nỗi khát thèm biển rộng có nguôi chi


(Bản dịch của Huy Cận)

Tôi vẫn thường cố thuyết phục Phương viết hồi ký, bởi tôi biết những thông tin ông đang nắm giữ có ý nghĩa thật quý giá với lịch sử Việt Nam. Nhưng tôi thất bại. Khi tôi hỏi vì sao ông luôn dè dặt không viết, ông thường lảng tránh; và khi tôi tự hình dung ra một số những lý do rồi hỏi lại ông, ông thường đơn giản chỉ gật đầu đồng tình, nói rằng đấy cũng là một phần của nguyên nhân.

Tôi đã đến độ tuổi thường phải chứng kiến các bạn bè ra đi, người này nối tiếp người kia, biết đâu ngày mai có thể cũng sẽ đến lượt tôi. Một độ tuổi mà trong tâm tưởng quá khứ chiếm nhiều không gian hơn tương lai, và cứ mỗi cái chết của ai đó lại khiến không gian ấy mất đi một mảnh, một trải nghiệm thật tàn nhẫn. Nay Phương không còn ở bên chúng ta, một mảnh ký ức của Việt Nam cũng tan biến đi. Đối với chúng tôi, những người bạn yêu quý ông, điều đó thật buồn thương.

Thanh Xuân dịch
http://tiasang.com.vn/-van-hoa/Viet-Phuong-mot-manh-ky-uc-Viet-Nam-10677

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét