Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Việt Phương, “Cửa mở”, "Cửa đã mở" và những ẩn khuất

Mình lưu lại bài này vì có điều mình vẫn băn khoăn, có những lần mình hỏi thẳng chú Việt Phương nhưng chú chỉ cười. Do đó mình viết lại đây như một nét đặc biệt trong cách quản lý nhân sự của Trung ương thời ông Lê Đức Thọ. Trong đoạn màu đỏ dưới đây có 2 ý: (i) Chú Phương không bị kỷ luật, các lãnh đạo cao cấp (kể cả loại khệnh khạng, quan cách như Tố Hữu) vẫn đối với chú Phương rất tốt; (ii) người làm thơ không bị kỉ luật gì nhưng những người làm sách thì bị điều tiếng khốn khổ. Vậy thực hư là gì ? Hồi mới làm việc với chú Phương (1982-1983), có 1 bác nói với mình: Sau vụ Cửa mở, ông Lê Đức Thọ ra 2 chỉ thị: (i) Không bao giờ cho Việt Phương làm lãnh đạo chính thức, kể cả làm lãnh đạo danh nghĩa, không có thực quyền; (ii) Cấm Việt Phương ra nước ngoài. Thực tế đã diễn ra hoàn toàn như bác ấy nói. Cả đời chú Phương không có bất cứ chức vụ chính thức nào, trong khi các thư ký khác của Thủ tướng, Phó Thủ tướng lên chức ầm ầm, nhiều người rất kém vẫn vào Bộ chính trị. Chú Phương không có chức vụ chính thức nhưng vẫn có tiêu chuẩn xe ô tô riêng, hưởng lương và các chế độ ngang hoặc cao hơn Bộ trưởng. Chú cũng không được đi nước ngoài trong suốt 2 thập kỷ 1970, 1980; dù tháp tùng Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ... đi khắp nơi ở VN nhưng khi các bác trên ra nước ngoài thì riêng chú phải ở lạiĐầu tháng 10/1990 ông Lê Đức Thọ chết, cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm 1990 mình bất ngờ gặp chú Phương ở Paris, khi gặp chú ở đó, mình quá ngạc nhiên, thậm chí còn trực tiếp hỏi chú: bây giờ chú được phép ra nước ngoài rồi à ? Như vậy, phải chăng về danh nghĩa, chú Phương không bị kỷ luật, nhưng thực chất là bị. Tương tự như thế, những người làm sách cũng bị kỷ luật, nhưng không có văn bản chính thức. Hồi đó những mệnh lệnh miệng có giá trị như văn bản chính thức.
Nhà thơ Việt Phương và câu chuyện khi “Cửa đã mở”
11/05/2017 - Nhã Thuyên
Tập thơ bị thu hồi, nhưng tôi, hồi đó còn làm thư kí riêng cho thủ tướng Phạm Văn Đồng, không bị kỉ luật gì cả, vẫn được là đảng viên 4 tốt xuất sắc, có lẽ một phần vì tập thơ được các anh em có uy tín trong giới văn chương khi đó ủng hộ. Chuyện Tố Hữu “đánh” tập thơ cũng là không có. Trước sau Tố Hữu vẫn đối với tôi rất tốt”. (Tuy nhiên, trong buổi giới thiệu về tập “Cửa đã mở” tại TT Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây ngày 16.2.2008 vừa qua, nhà thơ Hoàng Minh Châu, người biên tập cuốn “Cửa mở” kể lại chuyện cũ, có nói, người làm thơ không bị kỉ luật gì nhưng những người làm sách thì bị điều tiếng khốn khổ – N.T).

Image result for Việt Phương

Nếu vô tình với thơ, có lẽ thế hệ trẻ chúng tôi thường chỉ biết láng máng “câu chuyện Cửa mở” với vài ý rời “trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mĩ; Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ”… Tôi tìm gặp nhà thơ Việt Phương khi ông vừa ra tuyển thơ chọn lọc “Cửa đã mở”. Ở tuổi 80, ông vẫn hoạt bát chuyện thơ, chuyện đời.


Việt Phương nhắc đi nhắc lại một câu khi tôi hỏi về chuyện hoạn nạn năm xưa: “không còn gì để nói nữa đâu cháu ạ, chuyện đó người ta cũng đã nói hết rồi”. Nhà thơ tìm đưa tôi một vài văn bản, bài phỏng vấn của Nguyễn Bùi Vợi, biên bản cuộc họp về tập “Cửa mở” ngày 12.11.1970 (bản photo từ phụ trang Thơ của báo Văn nghệ năm 2004) và bản photo tập thơ “Cửa mở” (tác giả cũng không còn bản in). Tôi ghi lại đây những chia sẻ của Việt Phương về hành trình từ “Cửa mở” đến khi “Cửa đã mở”.

“Tôi không phải người làm thơ chuyên nghiệp, đã không được trời phú cho tài thơ, lại chẳng có nhiều thời gian để làm thơ, cái méo mó nghề nghiệp khiến cho thơ sinh ra rất nhọc nhằn. “Cửa mở” đến “Cửa đã mở” là câu chuyện thơ của “thanh niên”, tròn vẹn 10 năm, độ 30 – 40 tuổi đến chuyện thơ của “ông già 80”. Đó là một dòng thời gian, để người làm thơ chiêm ngẫm nhiều hơn, chín chắn hơn. Về nghệ thuật, tôi nghĩ, cũng không có gì nhiều thêm. Cái tên “Cửa đã mở” được gợi ý từ câu thơ của đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng tôi năm 1988 (1989, tập “Cửa mở” bị thu hồi sau khi in lần đầu (năm 1970) vài tháng được tái bản):

“Cửa đã mở rồi
…Chàng trai ta vừa ngâm vừa hát,
Vừa nhìn về tương lai, ung dung tiến bước”


Tập thơ bị thu hồi, nhưng tôi, hồi đó còn làm thư kí riêng cho thủ tướng Phạm Văn Đồng, không bị kỉ luật gì cả, vẫn được là đảng viên 4 tốt xuất sắc, có lẽ một phần vì tập thơ được các anh em có uy tín trong giới văn chương khi đó ủng hộ. Chuyện Tố Hữu “đánh” tập thơ cũng là không có. Trước sau Tố Hữu vẫn đối với tôi rất tốt”. (Tuy nhiên, trong buổi giới thiệu về tập “Cửa đã mở” tại TT Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây ngày 16.2.2008 vừa qua, nhà thơ Hoàng Minh Châu, người biên tập cuốn “Cửa mở” kể lại chuyện cũ, có nói, người làm thơ không bị kỉ luật gì nhưng những người làm sách thì bị điều tiếng khốn khổ – N.T).

“Tôi không có ý nhìn lại, không có gì phải nhìn lại. Đời tôi 64 năm hoạt động cách mạng, thường tự nghĩ, nếu phải đi trở lại, vẫn sẽ đi con đường như thế.

Ở “Cửa mở” có những câu người ta hay nhắc:

Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ
Hình như đấy là niềm tin, ý chí và tự hào
Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mĩ
Sự thơ ngây đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao
Một phần tư thế kỉ qua đi và có lẽ bây giờ ta biết
Thế nào là yêu thương thế nào là chém giết
Ta đã thấy những chỗ lõm chỗ lồi trên mặt trăng sao
Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao
…Ta hiểu được những ai đã sai và có thể còn sai
Và chất người trong ta cộng sản thêm chút nữa

Tháng 11 năm 1981, khi tôi đang ở Văn phòng Chính phủ thì nhận được một tập thơ văn các nước (bằng tiếng Anh) làm sách đọc thêm cho sinh viên Mĩ, trong đó có dịch bài thơ “Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi” này. Năm 1991, tôi đọc được một bản tiếng Pháp, vẫn bài thơ này, nhưng người dịch – tôi không biết là ai – tự sửa lại một chút: “Và chất cộng sản trong ta người thêm chút nữa”. Câu “Và chất người trong ta cộng sản thêm chút nữa” là một câu kiêu ngạo nhưng câu thơ sửa lại kia quả tình lớn hơn rất nhiều, thấm thía hơn rất nhiều. Đó, khi đó, cứ tưởng mình đã trưởng thành, đã thấy hết những mảng sáng tối nhưng thực ra còn non dại lắm. Sau “Cửa mở”, cũng có những đề nghị tôi in tập mới, nhưng tôi chưa in vì lúc đó chưa thấy thích. Thơ xuất hiện, chắc chắn phải chịu sự đánh giá của công chúng. Không xuất hiện, nó chịu sự phán xét của thời gian, điều này là tất nhiên thôi. Bây giờ, khi cùng các anh tuyển chọn lại trong hàng nghìn bài thơ để làm tập thơ thứ hai này, cũng chỉ vì tôi thấy thích và thấy phù hợp để in.

Thời “Cửa mở”, thời thanh niên, tôi say mê thơ Pháp, nhất là siêu thực, và dù vốn văn hóa Phương Tây của tôi cũng chẳng phong phú rộng lớn gì, nhưng chắc chắn nó hơn vốn văn hóa phương Đông rất nhiều. Tôi tâm niệm câu thơ của Paul Eluard:

Tất cả vấn đề là nói hết
Mà tôi thì thiếu ngôn từ, thiếu thời gian và thiếu lòng dũng cảm.


Tôi làm thơ vì biết mình muốn nói và có gì để nói nhưng lại cảm thấy không biết nói ra như thế nào, theo cách của thơ.

Sau này, mỗi khi có dịp, tôi lại tìm cách bổ sung cho mình văn hóa Phương Đông, văn hóa dân tộc. Nên ở tập thơ “Cửa đã mở”, tôi có làm cả lục bát, thơ cũng nén đọng, chắt lọc hơn. Nếu có một sự chuyển dịch quan niệm thơ, thì thế này:

“Cửa mở” là nói hết và nói trước bằng thơ.

Nhưng thơ, làm sao mà nói hết và nói trước? Tôi nhận ra mình nghĩ sai về khả năng của thơ. Tôi muốn thơ hướng đến chiều sâu niềm vui và nỗi đau, của cuộc đời thường nhật. Cuộc đời với tôi bao giờ cũng cao hơn giấc mộng. Mà đó lại là một mơ mộng, một ước vọng cao lắm, lớn lắm…

Nếu nói về một hành trình thơ, thì chính là ở bài thơ này:

Đến

Đã ngán mộng mơ với trữ tình
Tìm vào ngoại lý và siêu thực
Chuyển từ cảm xúc sang tâm linh
Mê đến mất mình mà vẫn thức
Chia tay một thời Tây quá mức
Lang thang mộng du về phương Đông
Mahomet Lão rồi gặp Phật
Có không hư thực ở trong lòng

Gió bấc bạt hơi vồng xôi nóng
Mẹ già kiếm sống đầu ngã tư
Gói xôi nghèo biếu người rét cóng
Biết mấy lòng thơm mấy nhân từ

Một đời một phút một ngàn thu


Hành trình thơ của tôi là hành trình thoát ra vòng trói của “những ẩn dụ oái ăm”, “những thông minh văn vẹo” những cách “đảo không gian thời gian cho khó hiểu” và ngỡ thế là chiều sâu để đến được với chiều sâu trong cuộc đời thường: Vứt nốt cảm giác và suy tưởng; Tay trắng một mình với thơ; để “viết bài thơ một âm thanh bao hàm mọi chuyện”. Cho nên ở tập thơ “Cửa đã mở”, tôi muốn làm những bài thơ mà đầu đề chỉ có một từ đơn âm, nhưng là “âm chủ”. Dấu vết siêu thực thì vẫn còn, chẳng hạn bài “Bay”:

Người bay vào mây
Mây bay về đời
Đời bay xuống trời
Trời bay lên đất
Đất bay thành hơi


nhưng là cái siêu thực phương Tây kết hợp với tinh thần phương Đông, nên mây vẫn bay về đời. Làm được thể cũng không dễ đâu.

Thơ với tôi là sự diệu kì, truyền đạt một cách chắc chắn tới bạn bè và người đọc những cảm xúc mà trong ngôn ngữ bình thường không bao giờ những cảm xúc ấy được diễn đạt bằng ngôn ngữ. Làm thơ có những lúc dựng đứng tóc, thắt tim lại. Thơ không phải là chuyện kể lể tình cảm dễ dãi. Tôi đã muốn làm những bài thơ tình yêu mà không có bất cứ một từ nào liên quan đến tình yêu. Nếu nói một quan niệm thơ mà tôi đã chọn lựa cho mình, sau khi tìm hiểu nhiều quan niệm thơ, thì là thế này: Thơ là kết tinh sáng tạo, vươn lên thăng hoa của tình yêu cuộc sống và con người thể hiện bằng câu chữ, bằng hình tượng ngôn ngữ mà quý nhất là mới mẻ vì tự nhiên và giản dị. Nhờ thế mà giàu sức truyền cảm và gây xúc động. Hỏi thơ với tôi là gì? Đó là một băn khoăn suốt đời tôi, một sự tìm kiếm suốt đời, và có lẽ nhà thơ nào cũng tìm kiếm…

Đọc bè bạn thường còn gặp được thơ
Tự đọc mình thơ hoàn toàn vắng bóng
Thế là thơ hay thế là ác mộng
Sao bảo thơ sẵn lắm vẫn đang chờ

Cái mình viết lặng lẽ tìm sâu rộng
Cứ nông choèn lóng ngóng những lơ mơ
Hay là thơ chỉ về khi trống rỗng
Hay là thơ chỉ đến lúc không ngờ

Thơ là gì? Có thật thơ là thơ…

Nhà thơ Lê Đạt, một người khó tính chữ đã nói vui: “Bài này được. Nhưng chữ “hoàn toàn” thì hơi quá, tuyệt đối quá, mà có gì tuyệt đối đâu, nên nói là “hầu như” thôi”.

Tôi tâm đắc câu này của Xuân Diệu: nên gắng làm thơ, nhưng đừng gượng làm thơ. Thơ cũng chỉ có thời thôi, và chỉ có thời hay thôi, không nên ép, cũng không nên chín ép. Đến bây giờ tôi vẫn không dám nhận mình là nhà thơ, dù sao mình vẫn chỉ là người làm thơ nghiệp dư thôi…”

***

Câu chuyện đã dài, nhà thơ Việt Phương chỉ chồng sách trên bàn làm việc: đó, xong chuyện thơ, lại phải trở lại chuyện kinh tế, chính trị, với mấy trăm trang sách chưa đọc xong… Đó mới là cái đời thường của mình.

Tôi hỏi ông có đọc thơ của các nhà thơ hôm nay không, ông cười. “Mình không được sống trong bầu không khí đó, nhưng cũng có quan sát đôi người, thấy những người trẻ bây giờ có tài làm ra thơ, họ có nhiều màu nhiều vẻ nhưng chưa muôn màu muôn vẻ”. “Cửa mở” là câu chuyện một thời, mà một người đã quan sát, trải nghiệm, chiêm ngẫm nhiều lẽ đời, lẽ người như ông cũng biết như vậy và thế hệ ông với thế hệ chúng tôi, chuyện thơ ca đã khác nhau nhiều lắm. Nhưng nhìn lại tập thơ “Cửa mở”, không ít câu thơ còn làm bâng khuâng như gợi nhớ hơi thơ Aragon:

Như trời xanh bắt đầu từ ánh sáng
Cứ mỗi ngày anh lại muốn gặp em
Như mỗi ngày, đêm lụi nắng ngời lên

Chiều bâng khuâng khi hoa tím lại nở
Anh muốn bóp trái tim mình đến vỡ

Anh cố tìm điều dễ ghét trong em
Tìm được rồi, anh càng thấy yêu thêm..

(Anh bắt đầu từ em)

và nhiều câu thơ chắc nịch, trầm tích chất men nồng say khi “Cửa đã mở”:

Thu vàng mơ em nâu thẫm môi son
Đi trong nắng bồn chồn hờn dỗi
… Một bộ ngực mọng tròn hai mươi tuổi
Đời rất già vẫn cứ còn non


(Giòn)

Bởi vì, như một bài thơ khác, Việt Phương viết:

“Cái mới của con người
Như đất trời
Bình yên và rất trẻ”

(Nguyên)

Bao nhiêu năm vẫn cứ vẹn nguyên một tâm ý từ “Cửa mở”, rồi “Cửa đã mở”. Lại xa xôi nghĩ về câu Kiều mà Việt Phương đã đưa vào bài thơ tuổi 80 của mình: “Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”…

(Bài đã được đăng trên Lao động Cuối tuần, tháng 2/2008)

http://tiasang.com.vn/-van-hoa/Nha-tho-Viet-Phuong-va-cau-chuyen-khi-%E2%80%9CCua-da-mo%E2%80%9D--10650

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét