Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Quốc hội nắm quyền “giám sát”, tư pháp để làm gì ?

Góp ý với Ts Nguyễn Sĩ Dũng về vai trò của Quốc hội
Trương Nhân Tuấn - Một nhà nước hiện đại luôn tổ chức theo mô hình “tam quyền phân lập” (dân chủ pháp trị). QH không thể ôm đồm luôn chức năng “giám sát”, tức kiểm soát hành pháp và mọi người, xem họ có làm đúng luật hay không. Giám sát thuộc quyền của “tư pháp”. Tư pháp, một nhánh quyền lực nhà nước, độc lập với hai nhánh quyền lực khác là lập pháp và hành pháp. Thật là tức cười. QH (lập pháp) đã là cơ quan quyền lực cao nhứt. Giao cho QH thêm thẩm quyền “giám sát quyền lực” là thừa. Mặt khác, khi giao cho QH quyền “giám sát”, vậy tư pháp để làm gì ?
Ts Nguyễn Sĩ Dũng
Phần lớn trí thức trong nước có chủ trương chuyển hóa VN từ độc tài sang dân chủ, (chớ không muốn lật đổ chế độ). Vấn đề là “quán tính cộng sản” tự tại của những trí thức này là lực cản, làm cho những ý định “chuyển dời” về ý thức (độc tài sang dân chủ) trở nên khó khăn. Mà ý thức khởi nguồn cho mọi hành động.

Thí dụ điển hình là ý thức về “thượng tôn pháp luật”.
Khi người ta chưa ý thức được nguồn gốc của luật đến từ đâu, vì sao mọi người phải tuân thủ pháp luật… thì tất cả những dự án xây dựng quốc gia, như về kinh tế, giáo dục, quốc phòng… đều khó có thể thành công. Chưa nói tới việc “chuyển hóa dân chủ”.

Vừa rồi có góp ý với TS Nguyễn Sĩ Dũng về vai trò của Quốc hội.

Ông này hiểu lầm về vai trò giám sát của QH.

Hiến pháp 2013 qui định “Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Điều này phù hợp với hầu hết HP các nước dân chủ trên thế giới (quyền lực quốc gia thuộc về toàn dân).

Quốc hội có “quyền lực cao nhứt” hiển nhiên QH có thẩm quyền làm đủ các chuyện, ở mọi lãnh vực.

Nhưng trên thực tế QH không thể làm đủ mọi chuyện, ở mọi lãnh vực. Do đó QH ra “luật” để mọi người, mọi định chế, mọi cơ quan nhà nước… làm việc đúng theo “luật” do QH ban hành.

Một nhà nước hiện đại luôn tổ chức theo mô hình “tam quyền phân lập” (dân chủ pháp trị).

QH không thể ôm đồm luôn chức năng “giám sát”, tức kiểm soát hành pháp và mọi người, xem họ có làm đúng luật hay không, như ý kiến của TS Dũng. Giám sát thuộc quyền của “tư pháp”.

Tư pháp, một nhánh quyền lực nhà nước, độc lập với hai nhánh quyền lực khác là lập pháp và hành pháp.

Ý kiến của TS Dũng chắc xuất phát từ ý kiến của ông Trọng : “nhốt quyền lực vào cái lồng lập pháp”. Vụ này tôi có viết bài góp ý (28 tháng mười năm ngoái).

Thật là tức cười. QH (lập pháp) đã là cơ quan quyền lực cao nhứt. Giao cho QH thêm thẩm quyền “giám sát quyền lực” là thừa.

Mặt khác, khi giao cho QH quyền “giám sát”, vậy tư pháp để làm gì ?

Cái “quán tính cộng sản” khiến cho mọi người làm cái gì cũng theo “ý đảng”, đặt quyền lợi đảng lên trên hết, trên cả quyền lợi quốc gia, dân tộc. Dĩ nhiên “luật đảng” cũng cao hơn luật quốc gia.

Vấn đề là, ý kiến của ông Trọng không phải là ý kiến của đảng.

Tôi thấy là TS Dũng, cũng như phần đông trí thức trong nước, lúng túng về chữ “quyền”. Họ sử dụng rất bất cập từ “quyền” (như nhà nước pháp quyền). Bất cập vì họ không hiểu chữ “quyền” (mà họ đang sử dụng) có ý nghĩa gì ? Chữ “quyền” của Quyền lực (power, pouvoir) hoàn toàn khác biệt với chữ “quyền” của nhân quyền (right, droit).

Ông Trọng cũng vậy. Ông đã hiểu sai về “quyền lực”.

Bởi vì nếu hiểu thế nào là "quyền lực" thì biết việc "nhốt quyền lực vào cái lồng lập pháp” là chuyện “bán vịt trời”.

Quyền lực (power – pouvoir) trong một quốc gia hiện đại luôn được hiểu là "quyền lực chính trị". Xã hội con người thời bán khai, hay trong xã hội loài thú, "quyền lực" là "sức mạnh" thuần túy, kẻ mạnh trấn áp kẻ yếu theo kiểu mạnh được yếu thua.

Quốc gia hiện đại (VN hiện nay cũng vậy) quan niệm rằng "quyền lực chủ tể" (chủ quyền) quốc gia thuộc về nhân dân. Vấn đề "nhân dân" là một "tập thể không đồng nhứt về quyền lợi”, thì làm sao có thể sử dụng "quyền lực" của mình ?

Vì vậy quốc gia hiện đại được xây dựng trên một số lý thuyết (ý thức hệ) nền tảng, thể hiện cụ thể qua một số các bộ luật làm nền. Các bộ luật nền tảng này là "cẩm nang", chỉ dẫn cách thức quan hệ giữa con người trong xã hội, cũng như việc phân bổ quyền lực của quốc gia. Tức là mọi người trong quốc gia đều phải phục tùng luật lệ.

(Chớ nếu không, bộ phận nhân dân này, vì lợi ích của mình, sẽ tìm cách truy diệt bộ phân nhân dân kia.)

"Quyền lực chính trị" vì vậy được hiểu là "thẩm quyền" áp đặt những nguyên tắc luật lệ mà mọi người trong xã hội (thuộc một vùng lãnh thổ nhứt định) phải tuân thủ.

Ông Trọng đưa ra khái niệm "nhốt quyền lực vào trong cái lồng lập pháp".

"Quyền lực" mà ông Trọng nói là quyền lực theo nghĩa thuần túy, mạnh được yếu thua. Kẻ "có quyền lực" tự tung tự tác, muốn làm gì thì làm, không ai ngăn cản được.

Đó là sự tha hóa của “quyền lực chính trị”.

Qua 4 thập niên toàn trị, sự tha hóa của đảng đã đến tận cùng.

"Quyền lực", vốn là “quyền lực hiến định", tức là "người lãnh đạo có quyền làm mọi chuyện theo qui định của luật pháp". "Quyền lực" ở VN hiện nay đã trở về thời bán khai. Kẻ có "quyền lực" là kẻ có quyền làm mọi chuyện họ muốn. Pháp luật không còn là "cây đinh" gì.

Nguyên nhân do đâu?


Dĩ nhiên do đảng. Hiến pháp VN qui định đảng có tất cả quyền hành. Vấn đề là đảng không có “tư cách pháp nhân” và không chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Tức là đảng ở ngoài, đứng trên pháp luật.

Mà khi đảng CSVN không có trách nhiệm trước pháp luật của quốc gia thì đảng đã trở thành một lực lượng chiếm đóng.

Ở thời kỳ thực dân, đô hộ... những tên thái thú, quan lại Tàu cai trị dân Việt bằng luật lệ do họ đặt ra, nhưng bản thân bọn họ thì đứng ngoài hiệu lực các thứ luật lệ đó. Dưới thời thực dân cũng vậy, người Pháp cai trị dân Việt bằng một loại pháp luật chỉ áp dụng cho người bản xứ. Còn người da trắng thì không bị ràng buộc.

Tình trạng “bất khả xâm phạm” của đảng hiện nay khiến cho luật lệ VN không khác thời kỳ bị Tàu đô hộ, hay dưới thời thuộc địa Pháp. Luật pháp quốc gia chỉ dành áp dụng cho dân đen.

Thử so sánh, đảng viên bây giờ có khác chi những tên Tây thực dân hay những tên quan lại Tàu thời kỳ VN bị mất chủ quyền?

Đảng CSVN hành sử như một lực lượng xâm lược, đứng ngoài, đứng trên luật pháp quốc gia. Các đảng viên được “miễn nhiễm” pháp luật. Họ cũng đứng ngoài, nếu không nói là đứng trên pháp luật.

Nếu trí thức quốc nội không chịu “nặn mụt nhọt” này, việc “phát triển quốc gia” là nằm mơ. Còn việc chuyển hóa dân chủ là hái sao trên trời.

Trương Nhân Tuấn
(FB Trương Nhân Tuấn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét