Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

Yêu nước: Dám nói hay không?

Yêu nước: Dám nói hay không?
Nguyễn Quang Lập: "Ông ạ, mình im lặng nhưng không có nghĩa là mình không yêu nước, buồn lắm, có nhiều chuyện khó nói lắm…". Lời bao biện điển hình của đám văn nghệ sĩ ươn hèn.
Ngày 17/2 của tôi bắt đầu bằng một cú điện thoại của một người bạn là nghệ sĩ ở nước ngoài. Anh nói mấy hôm anh xem loạt bài về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 17-2 trên nhiều tờ báo của Việt Nam, đã sao in ra để cho các con của anh đọc. Ở nơi xứ người các con không hề biết về việc này. Anh nói: phải dạy trẻ con về lòng yêu nước.

Anh còn muốn biết tâm tư, tình cảm của giới showbiz tại Việt Nam về vấn đề này. Vậy là tôi hẹn một giờ sau sẽ chuyển cho anh link các trang cá nhân của những nghệ sĩ Việt Nam nổi tiếng.

Nhưng sau đó, tôi phải nói dối anh là bận quá, không có thời gian tìm hiểu. Thật ra tôi đã tìm đọc trang cá nhân của những nghệ sĩ đang "hot" hiện nay, nói đúng hơn là đang hốt bạc từ công chúng. Nhưng thật buồn. Không hề có dòng chữ nào, hình ảnh nào liên quan đến ngày kỷ niệm. Thắc mắc tôi liên lạc, gọi hỏi.

Rất nhiều bạn phản ứng cho đó là quyền riêng tư, không thích thì không nói, không bày tỏ. Có nghệ sĩ còn nói rằng chỉ cần kiếm tiền, không quan tâm dính dáng gì đến chính trị.

Nhưng tôi không đặt vấn đề chính trị, tôi chỉ muốn nói về giá trị cơ bản của người Việt là yêu nước và biết ơn tiền nhân.

Tôi nói với những người bạn nghệ sĩ có cả vạn người theo dõi kia, rằng đừng bao giờ thờ ơ với chính trị. Bởi “chính trị” không phải thứ gì cao siêu. Nó là nồi cơm của các bạn, là tài khoản đang dầy lên của các bạn trong ngân hàng, là những villa mà các bạn đang có, là sự tự tin và kiêu hãnh mỗi khi các bạn đi ra bên ngoài.

Khi mà các bạn có thể định hướng tâm tư tình cảm của cả một cộng đồng những người trẻ - những người còn thiếu kiến thức và chiêm nghiệm - thì việc nói với họ về chủ quyền đất nước, có nên xem là trách nhiệm?

Điều đáng mừng là trong nhiều sự kiện, ngày kỷ niệm nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng khẳng định lòng yêu nước và chủ quyền quốc gia. Đáng kính trọng, đa phần những nghệ sĩ này đều là “lao động tự do”, không hội đoàn, không chức vụ trong các tổ chức, hội đoàn ngốn ngân sách kinh niên. Những “Hội nghệ sỹ” danh vọng mà khi cần có tiếng nói thì chẳng thấy vị nào lên tiếng.

Tôi chợt nhớ đến chuyện thả thơ lên trời, tôi không biết trong số các vị thơ bay tận cao xanh ấy có vị nào lên tiếng trong ngày hôm nay không? Vì rằng tiếng nói của các vị có tác động đến cộng đồng.

Đó không phải là ý tưởng của riêng tôi. Đó là điều mà rất nhiều nghệ sỹ lớn đã làm, đã đi vào lòng công chúng.

Huyền thoại Marlon Brando từng từ chối tham dự và nhận giải Oscar lần thứ 2 cho vai diễn xuất chúng trong Bố già, thay vào đó, ông cử đại diện là một cô gái da đỏ bản địa lên nhận giải và đọc tuyên bố của ông trước hàng chục triệu người theo dõi lễ trao giải trực tiếp trên khắp thế giới. Ông tuyên bố không nhận giải bởi nước Mỹ đối xử không ra gì với người da đỏ và cướp đất, phá hủy văn hóa của họ.

Đạo diễn Steven Spielberg đã từ chối lời mời của Trung Quốc làm đạo diễn lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh 2008 vì không đồng ý với quan điểm của chính phủ nước này về vấn đề Sudan lúc đó.

Nhưng vị đạo diễn người Mỹ này cũng làm đau đầu nhiều đời tổng thống Mỹ vì các phát biểu chống các quan điểm chính thức của chính phủ Mỹ, đơn cử như chiến tranh Việt Nam trước 1975.

Một ví dụ khác, tại sao người Hồng Kông yêu mến Châu Nhuận Phát? Vì thái độ rõ ràng của anh về các vấn đề tồn vong của Hồng Kông và các giá trị cơ bản của nó, anh bày tỏ sự ủng hộ cuộc biểu tình của sinh viên đồng thời kêu gọi dân chúng bình tĩnh, sáng suốt. “Tôi đã gặp những người dân Hồng Kông, những sinh viên Hồng Kông đi biểu tình cho những yêu cầu của mình, họ thật là dũng cảm, làm người khác thấy cảm động. Còn cảnh sát, theo tôi ngay từ ngày đầu tiên họ đã sai rồi, sử dụng cái gì mà đạn hơi cay chứ? Toàn bộ sinh viên đều rất lý trí, có một điều cần nói là nếu như chính phủ có một phương án mới, làm vừa lòng người dân hoặc là sinh viên Hồng Kông, thì việc phản đối kia tôi cho rằng sẽ được dừng lại”.

Đối với người nghệ sĩ, người có ảnh hưởng đến công chúng thì những chuyện như thế này là lúc chứng tỏ mình thuộc về đất nước dân tộc hay là một thứ gì đó xu thời…

Rồi cuộc điện thoại an ủi cuối cùng cũng đến trong lúc chiều muộn từ một người nổi tiếng:

"Ông ạ, mình im lặng nhưng không có nghĩa là mình không yêu nước, buồn lắm, có nhiều chuyện khó nói lắm…"

Với các nghệ sĩ có lòng yêu nước, xin hãy tha thứ cho tôi nếu có gì đó không đúng hoặc mạo phạm.

Hoàng Linh
(Vnexpress)
http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/yeu-nuoc-noi-hay-khong-3543091.html

Ý kiến bạn đọc ()
Quê hương ơi, quê hương ơi
Gần bốn mươi năm như đã thành hoài cổ
Đến thăm nơi xưa, tôi như được thấy rõ
Bóng dáng những anh hùng vì nước quên thân
Nơi đây đã từng in rõ những bàn chân
Những câu hát, câu hò của những người lính trẻ
Những con người sao hồn nhiên đến thế
Vẫn yêu đời dù chẳng biết rõ ngày mai
Vẫn làm thơ dù bom đạn gào thét bên tai
Vẫn mỉm cười nhìn trăng treo đầu súng
Khi ngã xuống lòng vẫn không nao núng
Hy sinh thân mình vì Tổ Quốc thân yêu
Thế hệ sau chỉ muốn nói một điều
Tổ Quốc sẽ không quên ơn những anh hùng liệt sỹ! 
Lòng yêu nước sao lại cần phải hỏi
Lý do gì ta phải : nói hay không?!
Bốn ngàn năm vẫn con Hồng cháu Lạc
Yêu giống nòi đâu chỉ 'chính trị viên'?
Là nghệ sĩ ta cần yêu công lý
Hướng fan cuồng theo nghĩa khí cha ông
Dân tộc ta đều trên dưới một lòng
Sẽ trường tồn non sông liền một dãy
Cho quê hương đẹp mãi giọt thanh bình
Cho quê hương cháy mãi lửa niềm tin. 
Thanh Tran - 13:07 18/02
 
cái nước mình rất lạ, chính trị nếu nói ra dể làm phật long người có chức có quyền, trái đắng thường rơi vào người nói, nên thôi , hay im lăng ? tôi ví dụ : vì sao sách giáo khoa hiện tại chỉ có và duy nhất 11 dòng về 1 chiến tranh biên giới hơn chục năm và hàng vạn thanh niên đã ngã xuống ? trách nhiệm này thuộc về ai ? câu trả lời vẫn là sự im lặng đáng sợ từ các nghành các cấp có liên quan ? 
 
Xin lỗi nhà báo trước ,nhà báo không hiểu ,cố tình không hiểu ..hay không biết những gì đang diễn ra trên đất nước này.Thật thất vọng !
 
Tác giả đang ở đâu vậy? Bác không hiểu hay cố tình không hiểu?! Riêng tôi tin mọi người đều yêu nước nhưng tại sao rất khó để biểu thị điều gì đó?? Không riêng giới nghệ sĩ.
Chẳng có nước nào trên thế giới cấm yêu nước cả nhé, ngược lại nước nào cũng dạy con người yêu nước trước tiên. Đừng có tự chụp mũ tự chỉ trích.
blahblah - 14:14 18/02
 
Thôi ông Hoàng Linh ơi!ông có bản lĩnh thì cứ nói đừng xúi giục người khác nói,bởi nói cũng chẳng dc gì mà mang vạ
vào thân thôi.
 
Nói tới cũng nên nói lui. Thói quen không bàn đến chuyện chính trị không phải chỉ của riêng người nổi tiếng mà còn là tình hình chung của người Việt. Thậm chí, ngay cả báo chí chính thống cũng bị kiểm soát việc đưa tin chính trị, đặc biệt là những tin "nhạy cảm". Việc gì cũng có nguồn gốc sâu xa và sự liên đới với nhau, nếu chỉ bàn luận dựa trên những thứ dễ dàng thấy được và ghi nhận được thì e rằng là khá phiến diện trong thời đại hiện nay. 
Linh - 02:12 18/02
 
Nhà báo mơ mộng quá vì báo chí, sách vở không đề cập đến thì sao bắt nghệ sỹ nổi tiếng họ phải lên tiếng.
Vinh - 10:28 18/02
 
Yêu nước phải thể hiện bằng hành động bằng cái tâm mà làm việc vì đất nước vì nhân dân. Không phải nói tôi yêu nước ngoài miệng nhưng trong tâm thì lo tư lợi, hại nước lợi mình. Tôi nói nếu có động chạm tới một số người thì cho xin lỗi.
Bạn nói chuẩn,nhưng cũng rất những người có thể hiệu triệu công chúng như bạn lên tiếng.
Hoàng Linh - 15:13 18/02
 
Lút đầu đã dấu thì bây giờ trách ai!
Dothanh - 10:21 18/02
 

1 nhận xét:

  1. đm. tàu cộng với vịt cộng đều là ác ma cả, phải trừng trị ko tha....

    Trả lờiXóa