Thứ Tư, 7 tháng 12, 2016

Vũ Huy Hoàng và “Tội lỗi và trừng phạt”

Phùng Hoài Ngọc - Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng và “Tội lỗi và trừng phạt”
Tôi không tin rằng các nghi phạm / tội nhân Trịnh Xuân Thanh và Vũ Huy Hoàng và những kẻ đồng án đồng bệnh khác (đều là đảng viên) có được cái căn cốt văn hóa đủ để tự trừng phạt, dù họ có bằng cấp chứng chỉ đầy mình. Những tội danh đó nếu chỉ một mình họ thì không thể làm được, ắt phải có cả một hệ thống trách nhiệm mà họ được quyền sử dụng trong tay. Bài này chưa bàn đến việc bỏ lọt tội phạm thuộc loại chính danh thủ phạm. Như dư luận đang xôn xao bỏ lọt “hổ và cáo”, mới chỉ diệt “ruồi”.
Lẽ thường xưa nay, bất kỳ tòa án chính danh nào khi tuyên án kết tội một con người đều phải tuyên rõ hậu quả của tội lỗi mà hắn gây ra. Từ đó mới đưa ra sự trừng phạt thích đáng. 
Hậu quả cần phải phù hợp với tội lỗi và tương ứng với hình phạt.

Xin bạn đọc kiên nhẫn đọc 2 đoạn văn nghị quyết (rút gọn), cũng có nghĩa là 2 bản án, dành cho nguyên tỉnh ủy viên Trịnh Xuân Thanh và trung ương ủy viên Vũ Huy Hoàng, hai kẻ tội đồ nghiêm trọng của Nhân dân Việt Nam bị phát hiện năm 2016.

Xin chú ý phần hậu quả của hành vi phạm tội (chúng tôi tô đậm).

Bản án  Trịnh Xuân Thanh:

“Ủy ban kiểm tra Trung ương đã đề nghị Ban bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh, tỉnh ủy viên, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Theo đó, thực hiện thông báo của Ủy ban kiểm tra Trung ương kết luận kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với ông Trịnh Xuân Thanh, và sau khi xem xét báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật đối với ông này, Ủy ban Kiểm tra trung ương nhận thấy những khuyết điểm, vi phạm của ông Thanh rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh*[1].

Bản án Vũ Huy Hoàng:

“Đặc biệt, Chủ tịch QH cho biết trên cơ sở ý kiến của cử tri và nhiều đại biểu quốc hội, QH phê phán nghiêm khắc trước QH và cử tri cả nước đối với ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016, vì đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác tổ chức, cán bộ thời gian đảm nhiệm chức vụ trên, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương, gây nhiều bức xúc trong xã hội *[2]. Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật (báo GDVN).

Qua cách đánh giá hậu quả tội lỗi của Thanh và Hoàng, chúng ta thấy bản chất nhà nước là “của đảng, do đảng và vì đảng”. Trong đó “nhân dân” chỉ là thứ yếu, ăn theo được một chút “bức xúc”.

Phi lý nữa là tội “làm ảnh hưởng đến uy tín của… cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh (!). Chao ôi một “hậu quả” rất chi là tình cảm chủ nghĩa, sáo rỗng và phi lý. Vì sao tòa án phải lo cho “thiệt hại” của bản thân kẻ thủ ác ?

LUẬN TỘI THẾ NÀO CHO ĐÚNG?

Theo nội dung phán quyết, nổi bật hàng đầu là cái hậu quả nghiêm trọng mà Vũ Huy Hoàng và Trịnh Xuân Thanh đã gây ra là: “làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công thương”. Thêm vào đuôi một chút: gây bức xúc trong xã hội (hoặc gắn ngay đầu cũng vậy, vì nó chưa đúng tội danh).

Thực ra, nhân dân thì lo buồn vì hậu quả tác hại lên đời sống của mình (tổn thất vật chất và tinh thần), mắc mớ gì nhân dân quan tâm đến “uy tín của các cơ quan đoàn thể” ? Vì thế, cần khẳng định rằng tội của Trịnh Xuân Thanh và Vũ Huy Hoàng không phải là làm hại uy tín của các cơ quan được nêu ra dài dòng. Bởi lẽ “uy tín của các cơ quan ấy” là vấn đề riêng của họ, họ phải lo. Nhân dân chỉ lo cuộc sống của họ cũng đủ mệt rồi. Việc gây hại uy tín của ai đó chẳng quan trọng gì đối với nhân dân.

Tội lỗi và hậu quả của thầy trò Trịnh và Vũ là: đã mưu lợi riêng, gây dựng lợi ích nhóm, làm hại lợi ích đất nước, giúp kẻ thù làm suy yếu nền kinh tế của ta. Tội cuả họ là tội phản bội nhân dân, đồng loã với kẻ thù ngày đêm mưu toan làm suy yếu đất nước ta.[3]*

Xin bạn đọc nhớ lại các bản án (nghị quyết) dành cho những cái tên như bí thư tỉnh ủy Hồ Xuân Mẫn (anh hùng rỏm), trung ương ủy viên tổng thanh tra Trần Văn Truyền và nhiều cán bộ cao cấp khác (cấp bộ, tỉnh, thành và huyện) đều tuyên bố phần hậu quả na ná như nhau theo một công thức như thế.

Theo hai “bản án” trên, tội lỗi của Trịnh và Vũ đã được phán xét trên một cơ sở không đúng đắn. Quốc hội là cơ quan của nhân dân, do dân bầu (dù chỉ là hình thức) mà không đánh giá cán bộ theo lợi ích của nhân dân, lại theo uy tín của cơ quan nào đó là một việc làm chưa đúng đắn.

Đề nghị Quốc hội, Đảng, Chính phủ khi đánh giá tội lỗi của quan chức cần phải dựa trên cơ sở lợi ích của Dân tộc, của Nhân dân, quyết không thể vì “lợi ích nhóm” dù cho nhóm đó lớn đến đâu và mang tên gì.

Những tội danh đó nếu chỉ một mình họ thì không thể làm được, ắt phải có cả một hệ thống trách nhiệm mà họ được quyền sử dụng trong tay.

Bài này chưa bàn đến việc bỏ lọt tội phạm thuộc loại chính danh thủ phạm. Như dư luận đang xôn xao bỏ lọt “hổ và cáo”, mới chỉ diệt “ruồi”.


Vĩ thanh

Tạp chí Time đã bình chọn tiểu thuyết “Tội ác và hình phạt” là một trong số những cuốn sách vĩ đại nhất mọi thời đại.

“Tội ác và hình phạt” (tiếng Nga: Преступление и наказание) là tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nga Dostoevsky thế kỷ 19.

Hai nhân vật tội phạm chủ yếu trong tiểu thuyết là địa chủ Svidrigailov và sinh viên Raskolnikov.

Lão địa chủ Svidrigailov đã giết vợ để chinh phục người con gái trong sáng và nghị lực Dunia nhưng thất bại. Vốn là kẻ giàu có lại sống trụy lạc, hắn muốn kết hôn với một cô gái trẻ, con một quý tộc bị phá sản đang cần nơi nương tựa. Nhưng rồi trong một cơn khủng hoảng, hắn đã rút súng lục tự tử ngay gần bốt cảnh sát, để lại một bức thư tuyệt mệnh xác nhận rằng hắn tự tìm đến cái chết. Trước đó hắn đã vĩnh biệt Sonya, người sống cạnh buồng trọ của hắn và tặng nàng số tiền 3000 rúp để giúp đỡ gia đình nàng sinh sống.

Sinh viên Raskolnikov cứ triền miên trong nỗi ân hận dày vò vì đã giết người cướp của. Tâm trí luôn căng thẳng, vừa vì lẩn tránh tội lỗi, vừa vì những dằn vặt ám ảnh khiến toàn thân nhiều lúc rã rời, đầu óc muốn nổ tung, đã tâm sự với Sonya rằng anh giết người bởi muốn trở thành một Napoléon Bonaparte. Trong một lần tự đối thoại, anh đã liên tục tự hỏi "ta là con sâu con bọ run rẩy hay ta có quyền lực", và khi hiểu ra phần nào anh đã thốt lên "ta đã giết không phải một con người, ta đã giết một nguyên lí". Với anh, hình phạt ghê gớm nhất không phải là tù đày mà là nỗi nhức nhối dai dẳng vì đã giết chết nhân phẩm của mình và cắt đứt quan hệ với những người thân thiết. Sau chín tháng dằn vặt anh đã đến tòa tự thú. Xét hoàn cảnh sức khỏe Raskolnikov không ổn định, tòa miễn tội chết cho anh và đày đi biệt xứ 8 năm khổ sai ở Sibiria. Sonya, người con gái đau khổ với trái tim bác ái đã tự nguyện gắn bó đời mình với người yêu tội lỗi nơi đày ải khắc nghiệt ấy.

Tiểu thuyết lừng danh của nhà văn họ Đốt nổi tiếng suốt hai thế kỷ qua. Ông đã miêu tả sự trừng phạt khủng khiếp nhất với kẻ phạm tội là TỰ TRỪNG PHẠT. Tuy nhiên, đó phải là những tội nhân (vốn) có văn hóa căn cơ mới có khả năng tự trừng phạt. Tất nhiên phải có kèm theo hình phạt tương xứng của tòa án xã hội nữa. Điều kiện tiên quyết là bản án xã hội phải thích đáng thì mới có khả năng trợ giúp tội nhân tự trừng phạt. Nếu bản án phi lý thì tội nhân chửi lại tòa án, cười ngạo nghễ, chê tòa dốt. Trịnh Xuân Thanh gửi thư phản đối Tòa lại còn chủ động đăng báo, rồi lại bỏ chạy ra nước ngoài và lên mạng xã hội xuyên quốc gia phản bác. Vũ Đình Duy theo chân Thanh như cổ nhân dạy “tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách” (36 chước- chước chuồn là hơn). Rõ ràng là hai nghi phạm đều phản đối bản án (nghị quyết) vì không tâm phục khẩu phục. Chưa biết phản ứng của cựu trung ương ủy viên họ Vũ ra sao. Hãy chờ hạ hồi phân giải.

Tôi không tin rằng các nghi phạm / tội nhân Trịnh Xuân Thanh và Vũ Huy Hoàng và những kẻ đồng án đồng bệnh khác (đều là đảng viên) có được cái căn cốt văn hóa đủ để tự trừng phạt, dù họ có bằng cấp chứng chỉ đầy mình.

Phùng Hoài Ngọc


[1]* .Báo VN.Express: http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/de-nghi-khai-tru-dang-voi-ong-trinh-xuan-thanh-3465202.html)

[2] * Báo Người lao động và nhiều báo khác.

*[3]. Ý kiến của GSTS Trần Đình Sử, Nhà Giáo Nhân Dân, cựu ủy viên Hội đồng LLTW, viết trên FB của ông. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét