Thứ Tư, 7 tháng 12, 2016

Thời của ăn cắp hợp pháp

Thời của ăn cắp hợp pháp
Có lẽ không có thời nào mà người ta ăn cắp lại dễ như bây giờ. Hàng ngày, hàng giờ những đồng tiền ngân sách vẫn không ngừng bị bòn rút. Với tình trạng này, nên chẳng có gì khó hiểu khi Chính phủ năm nào cũng cắp rổ đi vay. Để rồi nợ công tăng theo từng năm. Người dân phải đóng thêm thuế.

Ở thời buổi này mà vẫn cái lối tư duy làm ăn theo kiểu “Ăn xổi ở thì" thì muôn đời không khá lên được. Buồn thay cho cái gọi là kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Ăn cắp có hai loại, hợp pháp và bất hợp pháp. Bất hợp pháp thì như chúng ta đã biết, là phạm pháp, sẽ bị xử phạt. Còn ăn cắp hợp pháp có khi không bị trừng trị mà lại còn được biểu dương, khen ngợi. Nên không ít các cá nhân, tập thể khi bị phát hiện sai phạm, tham nhũng nhưng huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen có đủ cả. Ví dụ, PVC (Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam) tuy làm ăn thua lỗ hơn 3.300 tỷ đồng nhưng trong 3 năm (2009, 2010, 2011) liên tiếp được nhận Huân chương Lao động hạng nhì, hạng nhất và Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Để chiếm đoạt của công, những kẻ ăn cắp bất hợp pháp này không từ bất cứ thủ đoạn nào để đạt được mục đích, kể việc ăn chặn tiền hộ trợ dân nghèo. Một trong những mánh khóe ngon ăn của chúng là khai khống vật tư, nâng giá trị hàng hóa...

Việc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) chi 70 tỷ đồng để làm logo kỷ niệm chương nhân sự kiện 80 năm ngày truyền thống công nhân vùng mỏ cũng là một dạng như vậy.

Theo tờ Lao động, Tập đoàn TKS Việt Nam chi 70 tỷ đồng để làm hơn 1 vạn logo kỷ niệm chương bằng bạc (hàm lượng 92% bạc), giá 640.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, khi nhiều công nhân đem ra các cửa hàng vàng bạc tại TP Hạ Long, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh), để bán, giá chỉ từ 150.000đ đến 200.000đ/chiếc. Một số chủ cửa hàng vàng bạc cho hay, những chiếc logo kỉ niệm chương này có giá trị chỉ khoảng 200.000đ/chiếc.

Như vậy giá để làm một logo giá chỉ 200.000đ/chiếc, nhưng bị nâng lên thành 640.000đ/chiếc. Nghĩa là để làm số logo trên chỉ cần 20 tỷ đồng thay vì 70 tỷ đồng. Vậy 50 tỷ đồng đã đi đâu?

Trong khi đời sống công nhân mỏ vô cùng khó khăn, thì lãnh đạo ngành lại vung tiền làm màu và kê giá làm logo để đút túi. Đáng lẽ khi nhận được kỷ niệm chương, những người công nhân phải lấy làm tự hào nhưng họ đã đem bán ngay sau đó. Tại sao ? phải chăng sự giả dối đã mất giá trị của những tấm kỷ niệm chương. Hãy nghe một công nhân ngành mỏ chia sẻ:"Chúng tôi phải giảm ngày công vì than tồn nhiều không bán được. Thu nhập có gần 4 triệu đồng mỗi tháng nên khi cầm trên tay món quà này, lòng không thấy vui, mà nặng trĩu" (theo Lao động)

Có lẽ không có thời nào mà người ta ăn cắp lại dễ như bây giờ. Câu chuyện kê giá gấp 3 lần để làm logo kỷ niệm chương ở tập đoàn TKS chỉ là một chuyện nhỏ so với nhiều vụ khác. Mới đây, một xã miền núi ở Gia Lai làm kênh mương nội đồng chỉ hết 27 triệu đồng nhưng cán bộ xã đã nâng khống hơn 1 tỷ đồng (gấp 400 lần giá đầu tư thực). Hay như dự án cắt cỏ ở Hà Nội, dự toán ban đầu là 886 tỷ đồng, bị dư luận lên án, lãnh đạo họp cắt xuống còn 178 tỷ đồng. Nhưng có lẽ kinh khủng nhất vẫn là vụ ở Công ty Cho thuê tài chính II, năng giá thiết bị gấp 1.300 lần - giá từ 100 triệu đồng thành 130 tỷ đồng.

Đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, cách làm, bản chất giống nhau, chỉ khác về quy mô. Bỏ thầu giá thấp, sau đó kéo dài thời gian thi công để dẫn tới trượt giá rồi xin điều chỉnh: Dự án HYPERLINK đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. điều chỉnh tăng thêm hơn 10.700 tỉ đồng. Dự án xây dựng đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân điều chỉnh từ 4.956 tỉ đồng lên 6.742 tỉ đồng. Dự án thoát nước Hà Nội (giai đoạn 2) điều chỉnh ba lần, từ 5.063 tỉ đồng lên gần 9.700 tỉ đồng . Dự án Tòa nhà Trung tâm hành chính TP.Đà Nẵng đội vốn từ 880 tỉ đồng lên 2.131,3 tỉ đồng. Dự án mở rộng Đường 5 kéo dài mức đầu tư 3.131 tỷ đồng sau 7 năm triển khai tăng lên 6.663 tỷ đồng...

Không cần biết là đầu tư có hiệu quả hay không. Cứ vẽ ra dự án, công trình để xin đầu tư nhằm kiếm chác. Vậy nên mới có chuyện hàng loạt các dự án, công trình quy mô lớn hàng nghìn tỷ đồng bị bỏ hoang hoặc hoạt động thua lỗ nặng nề. Ví dụ, dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng nhưng qua 4 năm hoạt động, mỗi năm đã lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng. Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ của Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex), đầu tư 7.000 tỷ đồng nhưng đã phải tạm ngừng hoạt động. Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, đầu tư trên 8.000 tỷ đồng sau 10 năm triển khai vẫn chưa hoạt động...

Những vụ việc trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Với cơ chế xin cho này, khẳng định luôn, không thể sửa chữa được những khuyết điểm như vậy. Hàng ngày, hàng giờ những đồng tiền ngân sách vẫn không ngừng bị bòn rút. Với tình trạng này, nên chẳng có gì khó hiểu khi Chính phủ năm nào cũng cắp rổ đi vay. Để rồi nợ công tăng theo từng năm. Người dân phải đóng thêm thuế.

Ở thời buổi này mà vẫn cái lối tư duy làm ăn theo kiểu “Ăn xổi ở thì" thì muôn đời không khá lên được. Buồn thay cho cái gọi là kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Lã Yên
(Dân Luận)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét