Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016

Mi là đồ phá rế (kỳ 2)

Mi là đồ phá rế (kỳ 2)
Hỷ Long - October 15, 2016 - Nhà báo chân chính? “Có năm thằng và hai con nhà báo vào bản rồi, nó toàn khen bản đẹp, khen đảng, nhà nước đã giúp cho bản làng giàu có. Trong khi đó, ở đây nhiều gia đình đói lắm mà nó cứ khen, như vậy là không chân chính. Làm báo chân chính phải biết nói thật, đừng có vẽ vời!”.
Chuẩn bị nấu cơm
Chúng tôi cứ đứng tần ngần ngoài mép cầu thang, không dám bước vào nấp mưa dưới sàn nhà, hai ông già nhìn rồi cười tủm tỉm. Dường như ông cảm nhận được nỗi lo của chúng tôi thì phải! Chỉ khi thấy mưa tạt vào Alex Bảo làm anh ta bắt đầu run, ông có gương mặt quắc thước mới nắm tay Alex Bảo kéo thẳng vào bên trong gầm nhà sàn. Sau đó ông ra hiệu cho ông bạn già nắm tay tôi kéo vào nấp mưa. Thú thực là chúng tôi cảm thấy khó xử vì cách tiếp đón rất gần gũi và thân thiện này!

“Ở đây sét đánh là chết ngay, không có đánh nhẹ nhàng như thành phố đâu! Sao không chạy nấp mà cứ đứng ngoài trời vậy?” – Người đàn ông vừa đẩy tôi vào hiên nhà sàn vừa hỏi.

“Dạ tụi cháu dự định đi thăm, chụp hình, lên tới đây thì mưa?”.

“Các anh là nhà báo à?”.

“Dạ một thằng làm báo còn một thằng làm nhạc, hát thuê” – Alex Bảo cười trả lời.

“Có nhà báo thì tốt rồi. Nhưng phải là nhà báo chân chính kia dân mới ưa cái bụng!”.

“Nhà báo chân chính là sao bác? Tụi cháu vẫn chưa rõ ý bác?” – Tôi hỏi.


Trẻ em tò mò với điện thoại

“Có năm thằng và hai con nhà báo vào bản rồi, nó toàn khen bản đẹp, khen đảng, nhà nước đã giúp cho bản làng giàu có. Trong khi đó, ở đây nhiều gia đình đói lắm mà nó cứ khen, như vậy là không chân chính. Làm báo chân chính phải biết nói thật, đừng có vẽ vời!”.

“Dạ, bác ơi, hai bác tên gì ạ?” – Alex Bảo hỏi.

“Tôi tên Phương, ông này tên Trung. Dân ở đây, tụi tôi đều là người Tày. Người Tày người Nùng thích thật thà, mà người Kinh thì tệ quá, chưa bao giờ đối xử thật thà với người đồng bào chúng tôi. Nhưng giờ lỡ rồi, thấy các anh suýt bị sét đánh, không cứu cũng không được. Ðã vào đây thì ở đây uống chén rượu cho ấm lòng đã rồi tính tiếp!”.

Người Tày, Nùng có tập tục làm bếp nấu ăn ngay giữa nhà sàn, ngay trước bàn thờ gia tiên và khi có khách đến thì người phụ nữ sẽ nấu ăn ngay trước mặt khách, có gì nấu đó, điều này giống như là thể hiện cái bụng thật thà, không giấu giếm của họ và có tổ tiên chứng giám vậy. Thường thì khách đến nhà, nếu chủ nhà quý mến sẽ mời khách lên nhà sàn, ngồi vào chiếu khách ngay trước bàn thờ. Bố cục sẽ là từ ngoài cửa sổ (nằm ngay vị trí cửa chính của người Kinh, người Tày, Nùng làm cửa sổ ngay gian trung tâm, bàn thờ nhìn ra cửa sổ chứ không nhìn ra cửa chính vào là bếp ăn, chiếu khách và bàn thờ. Và khách quý thì người ta mời rượu dầm, khách bình thường thì rượu trắng. Nếu chủ nhà không mời rượu thì không nên ngồi lại lâu!

Ông Phương bảo chúng tôi cởi giày, leo lên cầu thang rồi sai người con trai út trải chiếc chiếu giữa sàn nhà ra và lấy cái ca nhựa, múc lên một ca rượu dầm. Ông giới thiệu: “Loại rượu này bổ lắm, của nhà tôi dầm đấy, hơn hai chục năm rồi. Nó gồm nhiều loại thuốc quý, khi gặp mưa giông, nếu không có nó sẽ bị thấp khớp, bị nhiều thứ bệnh, uống nó vào thì chắc ăn, khỏi phải lo!”. Nói xong, ông Phương nâng ly mời ba người còn lại và uống tợp, khà một phát rõ to. Ba người cùng uống sau ông. Phải thừa nhận đây là loại rượu dầm ngon một cách lạ thường. Có thể thơm ngon hơn cả Chivas 18 mà tôi và A lex Bảo mới uống tối hôm trước ở nhà một người bạn Hà Nội.

Phơi ngô

“Ở đây mình sống bằng nghề gì vậy bác Phương?” – Tôi hỏi.

“Chủ yếu là làm ruộng, làm rẫy và đi làm thuê. Giờ rẫy hết rồi, nhà nước thu về một mối, mình chỉ còn ruộng. Mỗi nhà có chừng vài ba sào ruộng (ước chừng chưa tới 1000m2 vì một sào ruộng miền Bắc chỉ có 260m2). Giờ thiếu đói diễn ra khắp nơi, cứ giáp hạt là đói”.

“Thức ăn chính của bản mình là gì vậy bác?” – Alex Bảo hỏi.

“Chủ yếu là ngô, thường thì nấu cơm như người Kinh, cũng có rau rừng, cá rô phi mình tự nuôi, rồi thịt lợn thả rông của cả bản. Ví dụ như mỗi nhà nuôi một con lợn thì cả bản có thịt lợn quanh năm. Nhà này mổ con lợn chia cho cả bản, nhà khác cũng vậy. Gần đây thì có chuyện nuôi để bán chứ trước thì chủ yếu chia nhau mà ăn. Nhưng cũng hiếm người bán, nuôi để chia nhau ăn thôi. Làm ruộng thì trả công, ví dụ như bữa nay nhà này gặt, cần mười người thì huy động mười người trong bản và ghi sổ người đến làm, khi người ta cần thì gọi lại, khỏi tốn tiền công. Gạo ít nên ăn không đủ đâu. Cứ nửa mùa thì bắt đầu ăn ngô thay cơm”.

“Hiện tại có nhà nào ăn ngô thay cơm chưa bác?” – Alex Bảo hỏi.

“Có nhiều chứ, có hơn hai phần ba dân bản bắt đầu ăn ngô thay cơm rồi. Mấy đứa thanh niên thì đi làm rừng thuê. Mỗi ngày vác tổng cộng hai khối gỗ, đi chừng hai cây số đường rừng thì kiếm được chừng hai trăm ngàn đồng. Ðây là việc thời vụ và là cơ hội kiếm tiền nên tụi trẻ nó tranh thủ chiếm chỗ, mình già rồi có muốn làm cũng không còn chỗ đâu!”.

Thăm nhà hàng xóm, Xóm làng có nhau

Trồng rừng để làm gì?

Bốn kẻ đàn ông, hai già hai trẻ, một Tây, một Kinh và hai Tày cứ ngồi nhìn mưa rỉ rả, nhìn ánh lửa bập bùng giữa nhà sàn, trong căn bếp của bà vợ ông Phương đang thổi cơm.

“À, nhà cũng đông, vì có hai đứa con trai, hai đứa con dâu và sáu đứa cháu. Bữa nay chỉ còn nhà tôi ăn cơm buổi tối thôi, hầu hết mọi nhà chung quanh đều ăn ngô buổi tối vì hết gạo”.

“Bác gái đang nấu cơm? Cái rế là cái gì vậy bác?”- Alex Bảo hỏi.

“Ừ, bà nhà đang nấu cơm, hai chiếc đũa bự khuấy cơm gọi là đũa sơ, đũa mẹ, chỉ dùng để sơ khi cơm sôi cho tơi hạt, chín đều và khỏi nhão. Cái rế thì bây giờ hiếm rồi, làm bằng mây hoặc tre. Bây giờ hiếm người đan rế lắm. Tuy nó rẻ, đơn giản nhưng muốn có một cái rế đẹp phải có thợ tre lành nghề đan mới đẹp, bây giờ các ông thợ ấy đi hết rồi. Thường thì các gia đình mang rế ra mộ trả cho các ông (thợ đan rế) ấy hết nên giờ tìm cái rế khó lắm. Mình lót bằng tấm giấy các tông (carton) hoặc miếng ván thôi!”.

“Thường thì người già khi qua đời là mang ra rừng an táng hả bác?” – Alex Bảo hỏi.

“Ừ đúng rồi, nhưng bây giờ khác xưa, hết rừng rồi. Không phải dễ mang ra an táng đâu. Nhà nước thu rừng hết rồi, họ khoán cho người dân tự trồng. Mình chỉ được quyền trồng nhưng không được quyền khai thác đâu! Muốn chặt cây về làm nhà thì phải xin phép đủ các cửa, từ ông xã đến ông huyện thì mới chặt được cây gỗ tạp mà cất nhà”.

“Nhà nước có cung cấp giống cây cho mình trồng rừng không ông?” – Tôi hỏi.

“À có, 70% cây giống do nhà nước cấp, họ có hỗ trợ tiền ăn cho mình trồng. Nhưng mà trước khi hỗ trợ thì họ cho phá sạch cây gỗ quý trên rẫy nhà mình, cho mình ký hợp đồng thuê đất của nhà nước và giao cây giống cho đồng bào mình trồng. Mình trồng chừng ba năm sau thì họ lên kiểm tra, thấy cây lên xanh mới cấp cho mình chừng 5 triệu đồng tiền hỗ trợ ăn uống. Tính ra mỗi tháng trồng rừng được hỗ trợ chừng 200 ngàn đồng (tương đương 9 USD), chẳng thấm đâu vào đâu! Mà không nhận thì mất nên bà con phải nhận”.

“Thế mấy anh em thanh niên ở đây đi vác gỗ thuê là vác gỗ gì và vác cho ai vậy bác?” – Alex Bảo hỏi.

“Thì đi vác gỗ quý không à. Thì của mấy ông kiểm lâm và mấy ông lâm tặc khai thác chứ ai vào đây! Dân làng uất lắm nhưng không có nói gì được. Họ đã nắm quyền, rừng do kiểm lâm quản lý, lâm tặc chặt cây, bà con lên tiếng thì kiểm lâm bảo bà con cứ yên tâm, đó là chặt cho nhà nước. Mà bà con có ai biết chữ nghĩa gì đâu, nên chỉ biết im lặng thôi. Bây giờ sống co cụm, ở rừng mà sống như thành phố vậy, tự đào ao nuôi cá, lẩn quẩn trong mấy trăm mét vuông đất vườn. Lấy gì mà sống chứ!”.

Câu chuyện cứ như vậy kéo dài trong đêm mưa, tôi và Alex Bảo cùng ăn cơm tối với gia đình ông Phương. Sau đó Alex Bảo nhờ con trai ông Phương đưa chúng tôi đi tìm phòng trọ. Ông Phương cười, nói rằng ở đây làm gì có nhà trọ hay khách sạn. Thôi thì ở lại nhà ông nếu không chê.

Sáng mai, Alex Bảo tặng cho mấy đứa nhỏ một ít tiền và anh rủ tôi về lại thành phố. Anh bảo: “Chuyện cái rế nghe ra chẳng còn vui chút nào. Chuyện cách đây hai mươi mấy năm, giờ nghe ra cái rế bị cháy vẫn còn là chuyện quan trọng ở đây. Người vùng cao cũng vẫn có thể dạy con ‘mi là đồ phá rế’ như ngày nào! Buồn thật! Họ thiệt thòi đủ bề hết”.

Chúng tôi lại quay về thành phố, đâu đó nghe trong mình có chút người rừng đang trỗi dậy. Bởi hơn bao giờ, tôi thấy yêu những con người thật thà và thiệt thòi đến tội nghiệp nơi bản làng tít tắp mù sương rừng Ðông Bắc!

.............

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét