Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016

Mi là đồ phá rế (kỳ 1)

Mi là đồ phá rế (kỳ 1)
Hỷ Long - October 6, 2016 - Không khí cứ im lặng mãi cho đến khi người cha lên tiếng, ông nói giọng trầm trầm: “Mi Là Ðồ Fá Rế!”. Câu nói của người cha vừa thoát qua miệng thì đứa con gái bật khóc nức nở, vội vàng vòng tay, cúi đầu xin lỗi cha. Người cha buồn bã gật đầu tha lỗi. Ðêm đó ông Tây không ngủ được vì không hiểu vì sao người đồng bào thiểu số có khả năng dùng năm nốt nhạc mà dạy được con cái của họ. Về khía cạnh này họ còn văn minh hơn cả người Tây.
Bản làng Đông Bắc
Câu chuyện của tôi cũng có anh Tây, mà anh Tây không đi chợ, anh ấy đi giang hồ với tôi hơn một tuần trên các rẻo núi miền Đông Bắc. Anh phải há hốc vì ngạc nhiên khi nhìn thấy những đứa trẻ đồng bào thiểu số sống cơ cực, thiếu thốn làm anh rơi nước mắt. “Mi là đồ phá rế” là một chuyện khôi hài nhưng lại làm anh Tây ứa nước mắt.



Dạy con bằng âm nhạc?

Cũng xin nói về anh Tây, đây là một chàng nghệ sĩ người Tây Ban Nha, đang đánh nhạc cho các bar ở Hà Nội, anh là nghệ sĩ tự do, nói tiếng Việt rất sõi, tôi khỏi phải dùng đến vốn tiếng Anh rất ư bập bẹ của mình. Tôi hẹn anh ở Hà Nội và sau một chầu rượu, anh quyết định xách ba lô theo tôi đi giang hồ. Và anh cũng dặn tôi là khi viết bài, nhớ đừng đưa hình của anh lên, vì đây là chuyện rất “tế nhị”.

Sở dĩ anh trở nên máu lửa để xách ba lô đi lên Ðông Bắc là một phần vì anh chưa từng đến đây, phần khác những ngôi nhà sàn và câu chuyện “mi là đồ phá rế” lôi cuốn anh suốt nhiều năm nay. Chuyện do cha anh kể lại, và ông cũng nói đây chỉ là chuyện hài. Nhưng anh muốn biết cái rế của người thiểu số nó có gì khác cái rế của người Kinh.

Trẻ em ở thị trấn Phương Viên, Chợ Đồn, Bắc Kạn

Chuyện rằng có một ông khách du lịch người Tây lên thăm vùng Ðông Bắc, nơi “chiến trường khói lửa nhuộm màu sim” một thuở để xem thử cái đất này thơ mộng đến cỡ nào. Và những bản làng nguyên sơ, những cô gái thật thà đã cuốn hút ông. Ông chọn ở lại một gia đình người Nùng để tá túc, nghiên cứu lịch sử, dân tộc học nơi đây.

Cuộc sống êm đềm của bản Nà Chúa (nơi ông Tây tá túc) cho ông rất nhiều cảm hứng. Và cái làm ông ngạc nhiên nhiều nhất là tuy rằng người đồng bào thiểu số còn rất lạc hậu nhưng lại có cách hành xử đối với trẻ con hết sức văn minh. Dường như hiếm có tiếng la, mắng con của bậc cha mẹ xứ núi mỗi khi con làm chuyện quấy hay nghịch ngợm. Chuyện này trái ngược với người Kinh ở miền xuôi mặc dù người Kinh giàu có hơn, hiện đại hơn gấp nhiều lần người miền cao.

Một căn bếp lạnh của người Tày, Nùng

Và điều làm ông kinh ngạc nhất là người miền cao chỉ cần dùng đúng 5 nốt nhạc đã dạy con của họ, làm cho con của họ nhận ra lỗi lầm mà cúi đầu vòng tay xin lỗi! Chuyện xảy ra trong một bữa cơm, khi sắp dọn cơm lên mâm, nói là mâm chứ bữa cơm miền núi chẳng có gì ngoài mấy thứ rau dớn rừng, bắp chuối rừng và một ít thịt xông khói mà ông Tây đã lặn lội xuống chợ mua về góp vào bếp dự trữ của gia đình người Nùng. Bữa cơm dọn ra nhưng thấy không khí không vui, đứa con gái đầu cứ ngồi co ro, không dám nói gì mà cũng không buồn đến ngồi ăn cơm.

Không khí cứ im lặng mãi cho đến khi người cha lên tiếng, ông nói giọng trầm trầm: “Mi Là Ðồ Fá Rế!”. Câu nói của người cha vừa thoát qua miệng thì đứa con gái bật khóc nức nở, vội vàng vòng tay, cúi đầu xin lỗi cha. Người cha buồn bã gật đầu tha lỗi. Ðêm đó ông Tây không ngủ được vì không hiểu vì sao người đồng bào thiểu số có khả năng dùng năm nốt nhạc mà dạy được con cái của họ. Về khía cạnh này họ còn văn minh hơn cả người Tây.

Ngôi nhà bề thế nhất trong bản

Sáng mai, không thể chờ lâu thêm được nữa, sáng sớm, ông Tây dậy hút thuốc rồi chờ chủ nhà dậy để hỏi: “Người Nùng các ông có nghệ thuật và bí quyết gì mà chỉ năm nốt nhạc đã làm cho đứa nhỏ biết nhận lỗi? Nghệ thuật dạy con bằng âm nhạc có tự khi nào?”.

Chủ nhà ngớ người: “Nhạc gì? Có nhạc gì đâu!”.

“Thì tối qua, ông đọc đúng năm nốt ‘Mi Là Ðồ Phá Rế’ thì con bé xin lỗi ông đó!”.

“À không, nó nấu cơm làm cháy cái rế. Mà với người Tày, người Nùng, cháy rế là điềm xấu, làm ảnh hưởng đến mùa màng. Nhà nào làm cháy rế thì sẽ ân hận khi buôn làng đói khổ. Cái rế vốn của nhiều đời để lại!”.

Ông Tây lại thêm một lần ngớ người.

Một xóm nhà trong bản Nà Chúa

Bản Nà Chúa

Tôi và Alex Bảo, tên anh bạn nghệ sĩ người Tây Ban Nha đến bản Nà Chúa, xã Phương Viên, huyện Chợ Ðồn lúc 5h chiều (nơi câu chuyện diễn ra trước đây ngót nghét hai mươi năm). Trời xuống giông. Ngồi ở ngã ba Phương Viên uống nước, hỏi thăm, cô chủ quán trẻ cho biết: “Hai chú muốn đến đó thì phải lo mà đi chứ còn sáu cây số nữa mới tới Nà Chúa, đường khó đi lắm!”.

“Khó bằng đường lên bản Phiêng Ðén không cháu?” – Tôi hỏi.

“Dạ khác, đường lên bản Phiêng Ðén cách đây xa lắm, ba mươi mấy cây số lận, đường lội bộ. Còn Nà Chúa cách đây sáu cây, đường đi xe máy. Nhưng cũng khó đi vì nó nhỏ xíu à. Chú phải kiếm xe ôm người Nùng, người Tày kia, người ta mới quen đường”.

Người Nùng đang dọn cỏ tập thể để đón lễ ở Nà Chúa

Nghe theo lời cô chủ quán, tôi và Alex Bảo tìm thêm hai chiếc xe ôm của hai ông bạn người Tày. Hỏi giá, hai ông xe ôm bảo “Cho mỗi người hai chục ngàn đồng”.

Chúng tôi gật đầu đồng ý, hai ông này mừng vui ra mặt vì chúng tôi không trả chác. Khi lên xe, thú thực là đi xe với mấy ông bạn này thì chỉ còn nước nhắm mắt đưa chân, ông ưng chạy đâu thì chạy. Ðường rừng, rộng đúng 1 mét, lên dốc xuống dốc, vòng vèo qua rừng cây rồi chạy men theo suối, có đoạn đi ngang qua sườn núi, nhìn xuống là lũng sâu. Vậy mà cứ 60km/h các ông bửa!

Ðến nơi, Alex Bảo than ngắn thở dài: “Các anh chạy kiểu gì mà như ma đuổi vậy? Rớt một phát thì tiêu đời!”.

“Ở đây tụi tôi chạy quen rồi, không dám chạy chậm. Thường chạy chậm là rớt ngay, mình chạy có tốc độ nó khỏi bị rớt!” – Anh xe ôm trả lời.

Một Tây một ta thanh toán tiền xe ôm xong, lội bộ vào bản, chưa biết ghé nhà nào vì chẳng có ai quen biết ở Nà Chúa. Vừa đứng chụp được mấy tấm hình bản làng thì trời xuống giông, sét đánh ầm ầm. Mưa xối xả, lo cuộn máy ảnh vào người mà tìm chỗ nấp. Loay hoay chưa biết tính làm sao thì có hai người đàn ông trạc 60 chạy tới, kéo tôi và Alex Bảo chạy thẳng vào một nhà sàn.

Nhà sàn mà chúng tôi nấp có thể được xem là khá nhất trong bản, làm bằng gỗ tạp, có sàn cao quá đầu người, có chuồng nuôi gà và chỗ để xe gắn máy, có một chiếc máy tuốt lúa để bên dưới sàn. Tôi đoán chừng đây là nhà của Trưởng bản hoặc cũng là người có quyền thế trong bản. Nghĩ là nghĩ vậy nhưng không hết lo lắng vì người Tày, Nùng trong các bản sâu không ưa người Kinh. Ðối với họ, người Kinh càng lịch sự, ăn mặc sạch sẽ bao nhiêu càng đểu giả và lừa bịp bấy nhiêu.



Bài học về những tay sở khanh lên đây dụ các cô gái Tày, Nùng để thỏa dục vọng, xong chuyện rồi “quất ngựa truy phong”, bỏ mặc cô gái tội nghiệp với cái bụng bầu. Nhưng khi về miền xuôi, tay sở khanh lại gặp chuyện khác, bụng y càng lúc càng to ra, da dẻ vàng vọt, càng chữa bệnh càng nặng. Hỏi ra mới biết đã bị các cô người Tày, Nùng thư (yểm) bùa chú. Giờ muốn thoát chết chỉ còn nước chạy lên núi xin các cô tha lỗi và giải bùa, ở lại làm con rể người ta một cách tử tế…

Dường như người Tày, người Nùng luôn đề cao cảnh giác trước những người Kinh. Khi nào có người Kinh xuất hiện thì bản làng trở nên xáo trộn khó nói. Có lẽ chính vì vậy mà hầu hết bản làng của người đồng bào thiểu số thụt rất sâu vào rừng, thường có một con suối chảy ngang qua cổng bản để làm ranh giới với cộng đồng Kinh đang xâm thực đời sống núi rừng.

Bản Nà Chúa cũng có một chiếc cầu treo, băng ngang qua một con suối, từ suối đi vào bản chừng 1000 mét, lúc nhìn thấy con suối, tôi hỏi anh lái xe ôm người Tày: “Con suối này tên gì vậy anh?”. Anh cười: “Nó là con suối tự do, nó không có tên!”.

Hết kỳ 1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét