Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016

Dắt cô Tây đi chợ Vĩnh Long

Xem ảnh, nhớ thời đi giảng ở miền Tây. Người miền Tây hiền lành phúc hậu, nhưng quan miền Tây thì ăn tàn phá hoại.
Dắt cô Tây đi chợ Vĩnh Long
Uyển CaĐi chợ thì một người nội trợ như tôi ngày nào cũng phải đi rồi. Nhưng dắt hai cô Tây về thăm chợ Vĩnh Long vừa đi vừa giới thiệu bung lung boa la thì lần đầu. Cùng chung chuyến về Cần Thơ, chúng tôi gặp nhau và làm quen. Hai cô Tây dễ thương đến từ Pháp và cũng trạc tuổi tôi. Trong thời gian 3 giờ đồng hồ ngắn ngủi, tôi chỉ kịp dẫn các cô biết đôi điều về chợ Vĩnh Long.
Chợ Vĩnh Long, thành phố Vĩnh Long
Hello Cô Tây!

Chợ Vĩnh Long nằm ở trung tâm thành phố Vĩnh Long, đây là nơi giao thương của bà con Vĩnh Long với các thương lái, tiểu thương xuôi theo sông Tiền và sông Long Hồ. Hàng ngày trên những chuyến xe và những ghe thuyền lớn từ khắp nơi xuôi ngược đưa hàng đến và đi từ chợ này.Cua đồngBán hoa

Vĩnh Long nằm cách thành phố Sài Gòn 135 cây số về hướng Bắc, cách Cần Thơ 33 cây số hướng Nam theo quốc lộ 1. Tỉnh này nằm trong vùng đồng bằng bằng phẳng, không có núi đồi. Nói đúng hơn nó nằm trong lòng chảo, chính giữa hơi trũng, cao dần ở ngoài bìa, phía Bắc, Ðông Bắc và Nam Ðông Nam. Nơi đây có nhiều sông rạch chằng chịt, và cũng có khí hậu như Sài Gòn.

Vĩnh Long nằm giữa hai sông Tiền và Hậu. Cá, tôm rất nhiều trong sông rạch ở đây, đặc biệt cá Basa và cá Tra. Hai loại cá da trơn được xuất sang Mỹ. Tỉnh này còn có đủ thứ trái cây miền Nam như Măng Cụt, Chôm Chôm, Sầu Riêng, Bưởi, Cam…

Đàn ông ra chợ kiếm sốngKhô sặc và khô mực

Vĩnh Long còn là quê hương của Pétrus Trương Vĩnh Ký, một học giả uyên bác và là người sáng lập ra tờ báo quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam với tên Gia Ðịnh báo…

Sau một hồi bập bẹ tiếng Anh để giới thiệu đôi nét về Vĩnh Long cho cô Tây. Chúng tôi ghé vào hàng trái cây. Ở đây không thiếu một loại quả miệt vườn miền Tây nào. Giá cả chỉ từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng mỗi kí lô. Riêng một số loại như bòn bon, mận miền Bắc là đắt hơn chút, với giá 70 chục ngàn một kí lô. Gặp một chị bán hàng cũng vui vẻ, tôi buột miệng:

– Ðủ loại trái hả chị, có cả trái cây miền Trung và miền Bắc nữa phải không chị?

– Ừ, trái cây ở đây loại nào cũng rẻ, riêng những loại nhập ngoài kia vào (miền khác) thì hơi đắt chút.

– Em thấy xoài ở đây coi bộ ngon và rẻ quá!

– Xoài miền Tây nổi tiếng mà em, nhưng mấy tháng nay chỉ bán được cho người miền Tây thôi?

– Ủa, mấy công ty du lịch đưa khách đến nhiều mà?

– Khách họ đi chứ cũng ít mua thứ gì em à, nhất là xoài. Sau cái vụ mấy báo đài trong nước đưa tin rằng xoài bị nhiễm độc vì dùng túi bao trái, chẳng còn mấy người mua. Người trồng xoài chết đứng, ai đời bọc trái bằng túi sản xuất từ giấy, được phủ một lớp dầu chống thấm để bảo vệ trái mà cũng la có độc!

– Việt Nam mình mà chị, chỗ nào la được họ la chứ!

– Thì mấy ổng giỏi sao không la lên cái vụ biển nhiễm độc đi, cá bè trong này cũng bắt đầu chết hết rồi, không biết có phải mấy ổng đưa ống xả thải vào trong này rồi không nữa?!



Nói đến đây, chị bán hàng hỏi chúng tôi mua gì. Tôi chọn một mớ me rốp với giá chỉ mười ngàn đồng và một ký bòn bon. Cô Tây có vẻ ngạc nhiên về trái me và trái bòn bon, lần đầu tiên cô thấy nó.

Lạc trong chợ trái cây chừng nửa giờ đồng hồ. Chúng tôi tìm đến gian rau củ. Gặp một cụ già trạc 80 chục tuổi vẫn ngồi bán ở góc chợ, tôi được biết thêm:

– Nghe mẹ tôi kể lại, trước thời Pháp, chợ họp trên một doi đất cách đây không xa. Ðông lắm, người bán, người mua đều mặc áo bà ba hết, bà tui cũng vậy. Thời đó toàn gánh gióng, thúng mẹt, ngồi khắp nơi để bán. Ai mua gì cũng dùng lá gói lại chứ không như giờ, toàn là bao ni lông.

– Sao chợ dời qua đây vậy bà?

– Ngày xa xưa người ta đi chợ và chở hàng hóa bằng ghe, thuyền. Có lúc con nước lớn, ghe thuyền đi không khéo còn bị chìm nữa. Tụi Tây chuyển chợ qua đây. Rồi xây nhiều cơ quan hành chánh, đồn lính nữa.

– Chợ còn nét gì của ngày xưa không bà? – Tôi hỏi.

– Ừ, thì cái điệu chợ thay đổi, hàng hóa cũng nhiều hơn, ngon cơm hơn, nhưng trái cây miệt vườn Vĩnh Long thì vẫn vậy. Cô có thể mua đủ thức trái cây ở chợ này, có cả bông điên điển, củ sen…

Có cả những bầy ong theo bông điên điển xuống chợ. Có cả những củ sen vừa vớt lên khỏi bùn.Một tiệm sửa giày dép cũ, mũ bảo hiểmNụ cười Vĩnh Long

Tạm biệt cụ già, chúng tôi len lỏi trong các ngóc ngách để tìm những cô áo bà ba nhưng chẳng thấy. Có chăng là những mảnh bà ba bóng láng của những cô bên công ty du lịch.

Tôi cùng cô Tây ghé hàng nước của một anh chàng trạc tuổi ba mươi.

– Con trai sao bán nước khéo vậy anh? Tôi đùa.

– Thì mình không có thân để bán, thôi bán nước chứ biết sao giờ cô!

Thoáng thấy đứa trẻ khoảng 3 tuổi ở sau lưng anh, tôi đoán là con của anh.



Sau một hồi trò chuyện, anh bảo:

– Sống như mấy người Tây cũng sướng, thấy họ sang đây nhiều, tôi nghe người ta nói họ thất nghiệp. Vậy mà cũng đi du lịch, chẳng thấy họ chạy ăn từng bữa như mình.

– Ở bên các nước, có trợ cấp thất nghiệp mà anh. Tôi nói.

– Ừ, ở mình mà có được khoản trợ cấp đó thì cha con tôi cũng đỡ rồi.

Ðược biết, trước đây anh đạp xe ba gác, trong một lần bị tai nạn, anh phải bán chiếc xe ba gác để đền tiền cho người ta. Không có vốn làm ăn, vay đâu cũng không được, nhà anh dần dần lâm nợ. Ðập dập kéo lết được khoảng vài tháng, thấy cảnh chồng thất nghiệp, cái ăn cũng không có, cô vợ để lại đứa con chưa đầy 1 tuổi và bỏ đi lên Sài Gòn. Nghe đâu hiện cô ta đang làm vợ hờ cho một tay Ðài Loan ở đất Sài Thành. Thấy anh ôm đứa con nhỏ bơ vơ, bà con người giúp chút ít qua ngày, lần mò, anh cắm dùi được một góc nhỏ để bán nước ở chợ này.



– Các cô cứ dạo quanh chợ, không mua gì cũng không sao. Bà con ở đây mến khách lắm!

Cô Tây tươi cười vẫy tay tạm biệt anh chàng bán nước.

Dắt cô Tây thăm nhiều gian hàng khác, rồi ghé quán cà phê cách cổng chợ khoảng 500 mét. Chúng tôi chọn một bàn nhỏ bên sông. Mời cô măm măm trái me rốp, kể cho cô nghe về câu chuyện trái bòn bon, về cái tên Nam Trân mà Chúa Nguyễn Ánh đặt cho loại trái này khi được dân Ðại Lộc, Quảng Nam mang tặng để cầm hơi cứu sống trong lúc chạy loạn, bị nhà Tây Sơn rượt đuổi.

Câu chuyện của chúng tôi cứ kéo dài bên dòng nước đang chảy. Gió cuối chiều đưa lục bình trôi nhanh… Câu chuyện của anh hàng nước có cô vợ trôi nổi lên Sài Gòn không ra khỏi trí tôi. Ừ, thì cuộc đời là một cụm lục bình, phải trôi và trôi… Nhưng đâu phải cụm nào cũng được trôi về biển, được thấy mênh mông!

Chúng tôi tạm biệt chợ Vĩnh Long, tạm biệt bà cụ bán rau miên man hoài niệm, tạm biệt anh bán nước nỗi niềm, tạm biệt những con người vui vẻ, mến khách, chịu thương chịu khó… Tự dưng thấy bàn chân mình sao nhỏ bé và lạc lõng giữa gần ba nghìn bàn chân du khách bước qua thành phố này mỗi ngày.

Phà cập bến Vĩnh Long

http://baotreonline.com/111095-2/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét