Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2016

Chợ đàn ông, chợ đàn bà

Chợ đàn ông, chợ đàn bà
Uyển CaỪ em, mấy chị em ở đây cứ gọi chợ thật, chợ giả cho nó dễ phân biệt. Như ngoài chợ, lá thuốc, bánh mì, xôi ngô… là chợ thật, vì toàn là hàng thật. Bán chủ yếu cho bà con lao động, bốc vác, người làm thuê tứ xứ về đây. Còn chợ giả là phía trong chợ thật. Em thấy sao biển, rắn ngâm, cá ngựa, xúc xích chiên, mồi nhậu không? Toàn hàng giả, hàng Trung Quốc, toàn nhựa không đấy. Ngay cả hạt dẻ, chè, rượu gì cũng giả tất. Chẳng có hàng nào thật. Mà nghĩ cũng lạ, ham gì mấy cái thứ đó mà người thành phố cứ đến mua…

Biên giới Việt – Trung, Lào Cai
Lào Cai cách Hà Nội gần 300km, khách có thể đi theo đường sắt qua 5 tỉnh, hoặc mua một vé xe đi 265 km theo đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai thì đến. Lượng khách du lịch ngày càng tăng khi vào mùa thu Bát Xát, Sapa, họ đến với phong cảnh ruộng bậc thang, với hình ảnh các cô H’Mong, Dao duyên dáng cùng nụ cười hồn nhiên.

Nhưng tôi đến Lào Cai để ghé nơi khác: chợ Cốc Lếu bên dòng sông Nậm Thi, chảy từ miền Thượng Trung Quốc rồi nhập vào sông Hồng ở ngay đây – nơi heo hút, bất định như phần số con người.

Hai khu chợ

Chưa biết nên ghé đâu trước, thì tôi được một chị trạc 40 tuổi mới quen dẫn vào khu chợ đàn bà.

– Ghé chợ đàn bà đi em, gian hàng chị ở bên đó.

– Chợ đàn bà là sao chị?

– Em vào rồi sẽ biết.

Sông Nậm Thi, thượng nguồn sông Hồng

Cơ man các loại trái và đặc sản của Sapa từ sấu, mơ, mận, cốm, hạt dẻ, quả óc chó, táo mèo, sao biển, chè tuyết, rượu sán lùng…

– Chị ơi, có hẳn là chợ đàn bà đâu, em vẫn thấy đàn ông bán mà. Tôi hỏi.

– Em nhìn kỹ xem.

– Ðâu chỉ sấu, mơ, me dành cho chị em, rượu cũng bán đầy mà.

– Ha ha, cô em. Thì đó, ở chỗ ấy đấy.

– Sao chị?

– Em không thấy à, muốn ăn vặt thì em vào đây, muốn mua đồ cho con thì vào đây, và quan trọng nhất là ở đây có bán đủ thứ đồ bồi bổ quý ông. Em có thấy cá ngựa, sao biển, rắn khô, rượu dầm thuốc, rượu sán lùng, đủ loại rượu không? Tha hồ mua về mà tẩm bổ cho chồng nhé. Nếu không thì em ghé lại gian hàng cuối chợ này, hoặc đợi đây một chút cũng được, có nhu cầu chị gọi là nó mang hàng đến liền.Hàng Trung Quốc về tới Việt Nam

– Hàng gì chị?

– Thuốc lắc, thuốc kích dục đó em. Lắm bà lên đây mua thứ đó, em nghe chị, mua đón đầu, mua về cho ổng trước, ổng khỏi phải thèm thuồng, léng phéng bên ngoài. Chơi vậy mới cao cơ. Lắm ông ở nhà nhìn hiền hiền vậy, chứ sính đồ chơi, thích ngắm bikini màu đỏ lắm em ơi!

– Chị đúng là giang hồ thứ thiệt.

– Không giang hồ không sống nổi đất này đâu cô em à. Cô em trông có vẻ hiền quá. Xem như có duyên, lát chị dẫn em sang chợ đàn ông, tha hồ hàng mà ngắm.

Vẫn chưa tin lắm, tôi dạo một vòng quanh khu chợ đàn bà và hẹn chị chút sang chợ đàn ông.Phố tiệm vàng ở Lào Cai

Người tấp nập mua hàng, thỉnh thoảng có chị mua mấy ký táo mèo gọt sẵn để ngâm rượu. Ừ, giờ tháng 9, ngâm 3 tháng, tới Tết đã có một hũ rượu thơm phức mùi núi rừng.

Khách du lịch đi theo đoàn, thỉnh thoảng một cô mặt bịt khẩu trang, tay xách hộp nhựa đựng đĩa VCD hoặc DVD in lậu, Paris by night hoặc ca sĩ hot nào đang lên, giá đĩa VCD chỉ 5,000 đồng, DVD chỉ 10,000 đồng. Sau một hồi cò kè băng đĩa với một người đàn ông, đánh hơi không phải là cớm, cô nàng chuyển sang mời chào roi điện, thuốc lắc. Hỏi “Công dụng thế nào?”, đáp “Anh bỏ vào nước, nửa viên thôi, không màu, không mùi, kiểu như uống rồi, không làm là không được í. Không là tẩu hỏa nhập ma giống trong phim kiếm hiệp đó!” Ðứng bên, nghe cô ta xong thì tôi lạnh gáy, chạy ngay đến chỗ hẹn nhờ chị “chợ đàn bà” dẫn sang liền chợ đàn ông.

Khu chợ này bán toàn đồ điện tử, từ đồng hồ, nồi cơm điện, máy nghe nhạc, iPad, máy tính bảng, điện thoại di động, đèn pin…Chợ đàn bà, Cốc Lếu

– Ðúng chợ đàn ông này chị, em thấy là choáng.

– Chưa là gì đâu em, muốn xem hàng không, chị dẫn vào.

Nói rồi chị dẫn tôi vào một gian hàng điện tử, hẳn nhiên 100% hàng ở đây được nhập từ Trung Quốc. Chị nói nhỏ với bà chủ cửa hàng, bà ta kéo tôi vào trong đưa cho xem mấy loại dùi cui điện.

– Hàng xịn đó. Em thích loại nào, loại nhỏ này 100k, thích loại 60k cũng có, loại lớn 250k, lớn nhất là 500k; loại này công an cũng dùng, điện phóng ra khoảng 3m, không ai lại gần được, em yên tâm.

– Cồng kềnh thế này sao em mang về?

– Không sao, em cứ bỏ vào va-li, ba-lô cỡ bự, mang theo xe, tàu bình thường, chẳng ai kiểm tra đâu. Nếu đi máy bay thì tháo rời từng phần ra, bỏ vào nhiều túi xách khác nhau, qua kiểm tra an ninh cũng chẳng sao đâu, vì chỉ là những phần thiết bị điện tử, chẳng ma nào đoán ra được!Đồ chơi đàn ông, có cả mã tấu, roi điện và súng hoa cải

– Chị còn loại nóng hơn không, súng hoa cải chẳng hạn?

– Các loại đó có, nhiều nữa là khác, nhưng nếu em muốn xem thì khoảng nửa tiếng nữa, chị nói người mang hàng sang.

– Chị có chuyển hàng đi các tỉnh không?

– Có, ở đâu cũng tới, tới tay mới nhận tiền.

– Vậy chị cho em cái “cạc” đi, em sẽ báo chị sau.

Nói rồi, cám ơn, tạm biệt, tôi quay lưng với hàng trăm biển hiệu vừa tiếng Trung vừa tiếng Việt.

Người ta bảo chỉ trình giấy chứng minh thư, nộp mấy chục ngàn ngay cửa khẩu, là có thể qua Trung Quốc, bên đó cũng có “chợ Việt Nam”, tha hồ mua hàng nóng, nhưng phải trả thêm phí để thuê người vận chuyển, hoặc theo dòng Nậm Thi hoặc giấu trong rau quả, để mang về Việt Nam. Nhưng làm thế thì sợ, lỡ bị bắt người ta khai ra mình, nên đa số khách hàng đến chợ Cốc Lếu để tự thử nghiệm, rồi mua hàng với giá cao hơn chút.



Chợ thật, chợ giả

Ðến chợ vùng biên, tôi thấy sự phân tầng rất rõ. Kia là người Kinh với gian hàng chiếm ngay mặt tiền, người ra vào tấp nập, rôm rả như mở hội làng. Kia là cô gái Dao với một mớ lá thuốc, cô gái H’Mong với những túi xách lưu niệm.

– Vào chợ hả em? Mua được gì chưa? Chị người Dao bán thuốc bên đường hỏi.

– A chị, ra chị bán ở đây. (Nãy tôi đã gặp chị này ở hàng ăn trong chợ). Em chưa mua được gì. Chị bán lá gì vậy?

– Lá thuốc đó em, lá thuốc người Dao Ðỏ, để tắm xông.

– Hôm nào chị cũng bán à?

– Không, một hoặc hai tháng mới đi bán một lần thôi. Chị với mẹ vào rừng hái lá, phơi khô được kha khá thì xuống bán khoảng gần 1 tuần thì về.

– Thế đông khách không chị?

– Cũng ít em, người Kinh họ thích lắm nhưng mấy quán xông hơi nhiều nên họ cũng ít mua. Với lại họ vào chợ thật mua hết vì mình lâu lâu mới xuống.



– Ủa, chợ thật là sao hả chị?

– Ừ em, mấy chị em ở đây cứ gọi chợ thật, chợ giả cho nó dễ phân biệt. Như ngoài chợ, lá thuốc, bánh mì, xôi ngô… là chợ thật, vì toàn là hàng thật. Bán chủ yếu cho bà con lao động, bốc vác, người làm thuê tứ xứ về đây. Còn chợ giả là phía trong chợ thật. Em thấy sao biển, rắn ngâm, cá ngựa, xúc xích chiên, mồi nhậu không? Toàn hàng giả, hàng Trung Quốc, toàn nhựa không đấy. Ngay cả hạt dẻ, chè, rượu gì cũng giả tất. Chẳng có hàng nào thật. Mà nghĩ cũng lạ, ham gì mấy cái thứ đó mà người thành phố cứ đến mua…

Tôi tạm biệt chị, dạo ra bờ Nậm Thi. Nước Nậm Thi trong vắt, gió chiều miên man qua đền Trần thổi sang đền Mẫu, rồi ngược về xuôi.

‘Chợ đàn ông’ với hàng gia dụng Trung Quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét