Thứ Hai, 5 tháng 12, 2016

Ai mua “huy chương bạc”: bán ngay, bán ngay!

Ai mua “huy chương bạc”: bán ngay, bán ngay!
Nguyễn Duy Nghĩa, 4-12-2016 - Này nhé, báo giấy ra hàng ngày, lề phải của tổ chức chính trị lớp kế thừa, đăng hẳn hoi. Đó là tin-bài phản ảnh về hiện tượng nhiều tặng phẩm bằng bạc kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống ngành than, gọi tắt là “huy chương bạc” do nhiều công nhân mỏ ở Quảng Ninh vừa được nhận đem bán cho ngay các hiệu vàng bạc đá quý tại địa phương để làm… nguyên liệu đầu vào. Ô hô cười… ra nước mắt..
Rất nhiều “huy chương bạc” của ngành than bị đem bán. Ảnh: Thu Giang/ NLĐ
Hiện tượng hy hữu này đã từng diễn ra ở Liên Xô (cũ) sau khi Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết đổ sụp, nhiều người mang cả rổ huân chương đem bán. Còn ở ta nghe nói có trường hợp gia đình gánh huân chương, bằng khen lên trụ sở trả lại chính quyền. Cũng lại được nghe lời bài hát ca ngợi các cụ già ở Thanh Hóa bắn rơi máy bay thời chiến tranh phá hoại được chế là “Huân chương các cụ không lấy đâu, các cụ thích lấy trâu – dễ chia”.

Thì ra không phải thời nay theo cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nay mà từ các thời bao cấp, bên tây hay ta đều muốn vật chất hóa các phần thưởng tinh thần cao quý.

Lâu nay, phàm cứ đến ngày truyền thống, ngoài lễ mít tinh kỷ niệm trọng thể, đãi dằng linh đình, thế nào cũng phải có quà lưu niệm. Lớn như dịp Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, quan chức danh dự đều được biếu con rồng mạ màu vàng còn xoàng ra đồng hồ treo tường, cặp da, bộ ấm chén sứ, nhất loạt đều ghi tên, kẻ tuổi sự kiện rành rành bán không ai mua, cho không đắt thì cất trên nóc tủ cho bụi phủ. Song khi hay tin, công nhân vùng mỏ Quảng Ninh bán “huy chương bạc” mới giật mình. Thì ra nó bán được cho hiệu kim hoàn làm… nguyên liệu đầu vào. Ô hô cười… ra nước mắt.

Việc bán huy chương bạc nói trên xảy ra khi dư âm của sâu chuỗi các sự kiện Kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống vẻ vang của Vùng mỏ anh hùng còn nóng hôi hổi (ngày 12/11/2036 – 12/11/2016). Nào là Đoàn Đại biêủ ngành than của Quang Ninh được về Hà Nội gặp Chủ tịch nước ân cần thăm hỏi, động viên, hứa hẹn; thưởng ngoạn cảnh trí Thủ đô nghìn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình; báo cáo với Bác Hồ dù đã đi xa Người vẫn dõi theo bước chân của Vùng mỏ anh hùng vì Người đang sống trong sự nghiệp của chúng ta. 

Lễ Kỷ niệm hoành tráng được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV trước đông nghịt các văn võ bá quan cỡ bự từ Thiên đình sa giá và hơn 7.000 cán bộ, công nhân ưu tú ngành than. Nhân dịp này, tỉnh Quảng Ninh đã đón nhận Bằng chứng nhận Di tích cấp quốc gia “Địa điểm Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai”. Dĩ nhiên là tổng chi phí cũng rất …hoành tráng. Rồi cũng dịp này Quảng Ninh đầu tư 198 tỷ đồng dựng cổng chào “uy nghi, vững chãi, khác biệt” cho vùng đất vàng đen – khai thác ngày càng khó.

Không chịu ngây ngất thụ hưởng ý nghĩa cao đẹp của tấm huy chương bạc mà lóa mắt trước trăm nghìn đồng khiến những người đại diện cho thế hệ cách mạng ưu tú nỡ lòng đem chuyển đổi mục đích sử dụng ngay tắp lự. Việc bán huy chương cấp tập, ồ ạt dễ bị ép cấp, ép giá. Nhưng đừng hồ đồ suy diễn, đổ oan cho chủ các hiệu kim hoàn lợi dụng phần vì khi phân kim tỷ lệ bạc nguyên liệu không cao, phần khác theo máu nghề nghiệp có người bán cứ mua chứ nào biết ai sẽ mua lại đê ăn chênh lệch. Vốn treo là cái chắc. Thời buổi vàng thau còn lẫn lộn huống hồ cái thứ bạc… như vôi.

Với các ông to bà lớn, trăm nghìn chả là cái gì, chứ với thợ lò đen nhẻm chỉ đôi mắt trắng là lồ lộ thì nó to lắm, phải bán ngay để thêm tiền cho vợ đi chợ, cho con đóng học phí, mua thuốc cho bố mới vào viện, hoặc rủ nhau làm vài vại… lấy khí thế hùng dũng, hơn hở trước ống kính vác cuốc lên vai ta tiến quân vào lò mà lòng thì nặng chĩu không biết bọc nước lơ lửng trên đầu khi nào bục.

Nhưng với nhà chức trách ngày đêm lo bán phát tặng thưởng thì bẽ mặt quá. 

Thành th – cũng theo tờ báo nọ đưa tin: Liên quan đến vụ này, ngày 30/11 Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam kiểm tra việc làm quà tặng và sử lý nghiêm tập thể cá nhân vi phạm (nếu có) và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/12/2016.

Có thế chứ. Kịp thời – nghiêm minh – quyết liệt là tinh thần xuyên suốt của một chính phủ hành động, liêm chính. Việc mới toanh, nên người liên quan chắc chắn vẫn tại chức, người nào về hưu hoặc bị luân chuyển chí ít cũng phải từ 1/1/2017. Ai nỡ hành sử ngay, năm hết tết đến rồi. Và người nào dính chàm cũng chí ít là phải chịu tuyên phạt “thiếu tinh thần trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng, song có nhân thân tốt nên chỉ nghiêm khắc rút kinh nghiệm”, không thì khiển trách, cảnh cáo.


1 nhận xét:

  1. Huy chương tặng cho cá nhân người ta, thì người ta có quyền sử dụng như bán, cho hoặc vất đi., chẳng ai có quyền hạch sách.

    Trả lờiXóa