Thứ Ba, 6 tháng 12, 2016

“4 lý do tôi sẽ không bao giờ quay trở lại VN!”

“4 lý do tôi sẽ không bao giờ quay trở lại Việt Nam !”
“Tôi thật sự thích thắng cảnh, ẩm thực Việt Nam, nhưng… tôi sẽ không bao giờ quay trở lại nơi này một lần nào nữa!” Đó là câu nói của Jack – một cậu bạn người Mỹ và cũng là câu nói chung của rất nhiều người bạn của tôi.

Tôi là người Mỹ định cư ở Việt Nam đã được khoảng 10 năm. Vào khoảng năm 2005, tôi đến Việt Nam để tham gia vào một dự án đầu tư của công ty tôi hợp tác với một công ty của Việt Nam. Chỉ ở Việt Nam chỉ vỏn vẹn có 3 tháng, nhưng tôi đã thực sự bị thu hút bởi những thắng cảnh thiên nhiên của nơi này, bởi sự thân thiện của người dân, sự đa dạng của nền văn hóa ẩm thực, và bởi những phong tục kỳ lạ nhưng lại rất thú vị. Thế là tôi đã quyết định sang sinh sống và làm việc tại đất nước này luôn. Hiện tôi đã có gia đình, một cô vợ Việt Nam hiền dịu và một bé trai kháu khỉnh.

Vì yêu nơi này nên tôi rất muốn những người bạn của tôi sang đây để có thể hiểu rõ hơn về cuộc sống của tôi, biết thêm về một đất nước xinh đẹp. Thế nhưng, hầu như khi sang đến Việt Nam, họ đều bảo sẽ không quay lại nơi này nữa, 9/10 người là như thế. Hỏi ra mới biết, họ đều nói không đến Việt Nam nữa là bởi vì:

Thứ nhất, tình trạng “chặt chém” như là một ác mộng với họ


Chẳng riêng gì những người bạn của tôi mà cả những người nước ngoài khác họ đều than vãn về tình trạng “chặt chém” này. Có lẽ, tôi quá may mắn khi ít gặp phải những điều đó bởi vì khi sang Việt Nam tôi đã được gặp rất nhiều người dễ thương, họ đối xử với tôi rất lịch sự và vô cùng thành thật, họ đã giúp tôi nhận ra được những điều tốt đẹp của Việt Nam và khiến tôi muốn quay lại và sinh sống tại đất nước này. Nhưng với những người đi sang Việt Nam lần đầu mà gặp ngay tình cảnh như vậy, thì chắc chắn sẽ nó trở thành một nỗi “ám ảnh” rất to lớn và chắc sẽ không muốn quay lại nơi này nữa đâu.


Du khách nước ngoài thường xuyên bị “chặt chém” ở Việt Nam

Chẳng hạn với Jack – một người rất thích đi du lịch các nước. Mặc dù đã bôn ba ở rất nhiều nơi nhưng đó là lần đầu tiên mà Jack đến Việt Nam. Vì bận công việc nên tôi chưa thể dẫn cậu ấy đi khám phá Việt Nam được, chính vì thế, cậu ấy đã tự trải nghiệm một mình. Jack bảo Jack đã thật sự rất sốc khi ở Việt Nam cậu phải trả 10$ cho một trái dừa, 100$ cho một bữa ăn trưa,… Khi Jack thắc mắc, tại sao những người khác lại trả ít tiền hơn thì nhận được câu trả lời rằng: “Người nước ngoài nên bán giá khác”.

Jack còn bảo, cậu ấy cảm thấy thật phiền toái khi vào một cửa hàng quần áo. Thực chất cậu chỉ muốn mua một chiếc áo thun in hình đất nước Việt Nam hết sức bình thường như một món quà lưu niệm khi đến với đất nước này nhưng ngoài một số tiền lớn cậu phải trả, cậu còn bị 2 người phụ nữ níu tay lại cho đến khi mua thêm được một món đồ trong tiệm nữa thì họ mới chịu thả ra.

Đúng thật khi nghe kể, tôi cũng khá bất ngờ và dặn cậu ấy rằng “Ở Việt Nam, cái gì cậu cũng phải hỏi giá trước và cái gì cậu cũng cần phải trả giá nghe chưa?” nhưng chỉ nhận lại được cái lắc đầu ngán ngẩm.

Thứ hai, giao thông ở Việt Nam quá đáng sợ

Những người bạn của tôi họ bảo rằng, Việt Nam nhiều xe máy quá đi mất. Xe chạy đủ chiều, đủ phương hướng khiến khiến họ không biết đâu mà lần.


Xả rác tại đền Hùng khiến ai cũng ngán ngẩm

Điều này chính tôi cũng phải công nhận. Muốn qua đường ở Việt Nam nếu bạn không quen thật sự rất khó khăn. Có lần, tôi phải loay hoay gần cả 20 phút chỉ để sang 1 con đường 2 chiều tấp nập xe cộ qua lại. Cứ qua đến nửa chừng thì tiếng còi xe ầm ầm, làm tôi hết cả hồn, nên lại lùi lại.

Hơn nữa, có vẻ như có nhiều người Việt họ ít tuân thủ luật giao thông hay sao ấy. Tôi không đánh đồng tất cả mọi người đâu nhé, bởi lẽ vẫn còn có rất nhiều người tuân thủ nghiêm ngặt theo luật giao thông. Tôi hay thấy nhiều người đi xe máy mà lấn sang cả phần đường dành cho xe ô tô, hay đi hàng 3, hàng 4 để nói chuyện với nhau mặc cho con đường nó có chật hẹp đến mức nào, mặc cho những người phía sau bóp còi inh ỏi ra làm sao, họ vẫn vô tư cười nói. Nhưng điều mà tôi hay thấy nhất có lẽ là tình trạng vượt đèn đỏ. Có lần tôi chứng kiến một cảnh rất buồn cười. Khi đèn đã báo màu đỏ, một người phụ nữ vẫn vô tư chạy xe, người điều khiển giao thông lúc đó thấy và nói to “Này chị, đèn đỏ tại sao chị không dừng?”, thì người phụ nữ quay đầu lại và trả lời một câu hồn nhiên tới mức bây giờ nhắc lại tôi vẫn buồn cười “Trời, đèn đỏ mà dừng gì!” và đi một cái vèo.

Nhắc đến vấn đề này làm tôi lại nhớ đến Harry – cậu bạn của tôi tại Mỹ. Harry đến thăm tôi vào những ngày tháng 6. Vào lúc này, thời tiết ở Sài Gòn thất thường lắm, lúc nắng lúc mưa. Tôi nhớ hôm ấy, tôi và cậu ấy đang ngồi uống cafe ở một quán ven đường thì trời mưa tầm tã. Chắc vì trời mưa nên đường khá trơn, cộng với lúc đó xe cộ qua lại rất đông. Đang ngồi quan sát đường phố thì hai chúng tôi chứng kiến cảnh một chiếc xe buýt tông phải hai người phụ nữ đang đi xe máy, máu me loang chảy đầy đường bởi hai người phụ nữ kia đã vượt đèn đỏ khiến cho chiếc xe buýt né không kịp. Điều ấy làm Harry khiếp sợ, cậu ấy bảo nơi này quá nguy hiểm, và thế là cậu nhanh chóng về nước, đến bây giờ vẫn chưa thấy quay lại một lần nào nữa.

Thứ ba, ý thức giữ gìn vệ sinh quá kém

Mới tuần vừa rồi, có một đám bạn của tôi ở Mỹ sang, ai cũng là lần đầu tiên du lịch Việt Nam. Tôi hỏi họ cảm nhận như thế nào về Việt Nam, họ bảo đồ ăn ngon lắm, nhiều cảnh đẹp lắm. Tôi lại hỏi họ: “Vậy có quay lại Việt Nam không?”, họ trả lời: “Việt Nam nhiều rác quá! Chúng tôi không đòi hỏi phải quá sạch sẽ nhưng mà ít ra, ở những nơi tôn nghiêm như chùa chiềng, nhà thờ,… cũng phải giữ vệ sinh sạch sẽ chứ! Vậy mà, đâu đâu cũng thấy rác, mọi người ngang nhiên vứt rác bừa bãi, thậm chí khi chúng tôi nhắc nhở, thể hiện sự khó chịu của mình thì họ còn phản ứng tỏ vẻ không thích, rồi cười cợt!”. Họ còn bảo: “Chúng tôi đã từng đi nhiều nước nhưng chưa thấy nơi nào nhiều rác như ở Việt Nam cả. Đi trên rác, ngồi ăn quanh rác, ngắm rác,… chắc là không quay lại nữa đâu!”.

Đúng là nhận xét ấy của họ chẳng sai. Bạn có thể thấy tình trạng vứt rác bừa bãi ấy diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở Việt Nam. Nếu bạn đi trên đường và bắt gặp những đứa trẻ Việt vô tư ăn uống rồi lại vứt ngay đấy, thậm chí khi chúng đi cùng bố mẹ cũng vậy, không một ai nhắc nhở thì chắc chắn đó cũng là điều bình thường. Hay việc đơn giản hơn mà ngày nào bạn cũng có thể thấy đó chính là khi dừng đèn đỏ, sẽ có một số bạn trẻ phát tờ rơi, những người đi xe máy thoải mái nhận, nhìn vào tờ rơi một xí, đến khi đèn xanh thì vứt tại đó rồi đi luôn. Nhìn lại con đường lúc đó ngập toàn là giấy, rác, ai cũng lắc đầu chán ngán. Thà như các bạn không lấy, nếu như lấy rồi thì có thể giữ lại, sau đó đi trên đường thấy thùng rác hay đến công ty rồi bỏ rác cũng được chứ sao? Tại sao lại vứt bừa bãi khiến cho môi trường ô nhiễm như thế???

Hay hôm vừa rồi, tôi cùng với những người bạn của mình quyết định chinh phục đỉnh núi cao nhất Việt Nam – Phan Xi Păng. Đi cùng lượt với chúng tôi còn có rất nhiều những bạn trẻ người Việt. Phải nói rằng, chúng tôi cực kỳ khó chịu khi họ ngồi nghỉ ngơi, ăn uống xong đâu vào đó rồi lại vứt nào là vỏ bánh, nào là chai nhựa, nào là bao bịch ni lông,… tứ tung. Thử hỏi, trên sườn núi này thì làm gì có ai mà dọn dẹp giùm cho họ, điều đó phải là tự ý thức của mọi người. Tôi có lại và nhắc nhở họ nhưng họ lại bảo “Đó không phải là việc của anh” và ngoảnh mặt đi luôn. Tôi thật sự rất rất buồn đó các bạn ạ! Chúng tôi chỉ muốn giúp cho đất nước của các bạn xanh sạch hơn thôi mà!!

Thứ tư, dịch vụ ở Việt Nam quá đắt đỏ

Mới đây, Anna – một người bạn tôi quen trong một cuộc hội thảo quốc tế tại New Zealand, chúng tôi cũng thường hay trao đổi, nói chuyện với nhau qua Internet, cô ấy có ngỏ ý sang thăm Việt Nam, và tất nhiên, tôi cũng hỏi cô ấy cảm nhận như thê nào về đất nước này.

Cô ấy đã nói với tôi rằng, giá cả ở Việt Nam quá đắt. Trước đây, một phòng khách sạn 5 sao ở Việt Nam chỉ khoảng 70$ mà nay đã lên tới 200$. Cô ấy còn đưa ra một ví dụ thú vị rằng, cô ấy đi du lịch ở Thái Lan 5 ngày, ở trong một khách sạn 4 sao, tham quan, ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ cả mấy thành phố mà chưa hết 300$ trong khi chỉ bay từ Hà Nội vào TP HCM 2 chiều mà đã hết 200$ rồi. Hơn nữa, Ở Campuchia, nói chính xác hơn là ở ngay giữa Siêm Riệp, chỉ cần bỏ ra 1$ là đã có ngay một dĩa cơm rang chứa đầy hải sản rất ngon lành, còn ở Việt Nam, 1$ thì không biết phải chọn cái gì để ăn.

Nghe có ấy kể như vậy, tôi mới hỏi: “Vậy cậu thấy thế nào? Cậu sẽ quay lại Việt Nam lần nữa chứ!”. Cô ấy cười và trả lời: “Tôi thích nơi bạn ở, tôi thích Việt Nam nhưng tôi thích Thái Lan, Campuchia hơn, do đó, tôi sẽ đến những nơi đó và sẽ không quay lại đây nữa!”.

Thật ra, đối với tôi, dịch vụ ở Việt Nam không quá đắt đỏ đâu. Những người bạn của tôi cảm thấy thế bởi vì họ thích du lịch theo kiểu hưởng thụ hơn, mà những dịch vụ sang trọng đó thì tất nhiên là sẽ mắc rồi. Việt Nam còn lắm những nơi giá cả bình dân nhưng chất lượng dịch vụ thì siêu tốt luôn đó. Nếu có dịp, chắc chắn tôi sẽ dẫn bạn của tôi đi để họ có cái nhìn thiện cảm hơn về nơi này.

Nói thật là khi nghe xong những lý do trên tôi cảm thấy rất buồn. Quả thật, Việt Nam có tất cả những điều mà bạn bè tôi đã than phiền như trên, tôi cũng cảm nhận thấy điều ấy. Nhưng có lẽ tôi may mắn hơn họ bởi tôi đã có những ấn tượng tốt, những kỷ niệm đẹp khó quên và đặc biệt, bên cạnh tôi có những con người Việt Nam thật tuyệt vời, chính những điều đó đã giúp tôi quên đi những điều xấu kia, khiến tôi yêu Việt Nam, cảm thấy nơi này như là quê hương thứ 2 của tôi vậy.

Với một đất nước mà mình đã sinh sống gần 10 năm, chắc hẳn sẽ có rất nhiều tình cảm. Chính vì thế, tôi không muốn Việt Nam lại bị nhiều người chê như thế. Tôi viết ra đây, để người Việt Nam có thể thấy được những điều mà mình còn hạn chế, mình làm chưa tốt chứ không phải tôi đánh đồng cả một dân tộc Việt Nam là như vậy. Tôi hy vọng, các cơ quan du lịch của Việt Nam cũng như con người Việt Nam có thể nhìn ra được và cải thiện được những điều đó để du lịch Việt Nam có thể phát triển tốt hơn cũng như đất nước Việt Nam tốt đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế!

(Cà Fê Ku Búa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét