Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

Bỏ chức Bộ trưởng để làm công nhân cũng là việc làm

Huy Phan LỘN ... LÈO - Alo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền phải không ạ?
- Bộ trưởng đây!
- Em nghe bộ trưởng nói "cất bằng đại học đi làm công nhân cũng là việc làm", em tính đổi chỗ cho chị, em ra làm bộ trưởng còn chị về làm công nhân thay em được không?
- Chú nói thế thì khó cho chị quá, Nhà chị chỉ có bằng thương binh, bằng liệt sỹ thôi, đảng giao phó thì chị làm chứ học hành gì đâu mà có bằng cấp, lấy gì mà "cất" ?!
- Chị nói vậy thì đào tạo đại học ra làm gì ?
- Chuyện đó thì em phải qua hỏi bên Bộ Giáo Dục chứ? Lộn chuồng rồi em ạ.
(Cúp máy)
"Cất bằng đại học làm công nhân cũng là việc làm"
Đây là bài cũ: 19/11/2014 TTO - Sáng 19-11, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đăng đàn với chủ đề nguồn nhân lực: giải quyết việc làm, hạn chế thất nghiệp, bảo hiểm xã hội...

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn sáng 19-11

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) tỏ ra rất băn khoăn khi đánh giá quyết định tăng lương tối thiểu có hiệu lực từ 1-5-2014 chưa đủ để cải thiện đời sống của người thu nhập thấp, chưa phải làn gió mát làm bớt nhọc nhằn của họ.

Ông thẳng thắn khẳng định quyết định này còn nặng tính hình thức và đòi hỏi Bộ trưởng cần có giải pháp căn cơ hơn.

Ngân sách hiện không đủ để nâng lương

Bộ trưởng Hải Chuyền đồng ý ngay với nhận xét này và cung cấp thêm số liệu: lương căn bản mới đạt 60% so với mức sống tối thiểu.

Bộ đã có lộ trình đến 2015, 2016 tiền lương phải đạt được mức sống tối thiểu, nhưng vì điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, lộ trình này đã buộc phải giãn thêm.

“Ngân sách hiện không đủ để nâng lương, nhưng Chính phủ đã rất cố gắng để gánh thêm 11 ngàn tỷ đồng giải quyết tăng lương cho người thu nhập thấp, lương hưu và người có công”, Bộ trưởng Hải Chuyền khẳng định.

Bên cạnh tiền lương, tạo việc làm và đào tạo nghề để người lao động có việc làm tốt là nội dung được rất nhiều đại biểu quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) hỏi: Làm thế nào để nâng cao năng suất lao động, tránh bẫy thu nhập trung bình, nhất là khi Việt Nam sắp trải qua thời kỳ dân số vàng?

Ông cũng yêu cầu cả Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Nguyễn Quân cùng tham gia trả lời về vai trò của bộ trong phát triển nhân lực có trình độ cao, nâng cao năng suất lao động.

Con số 174.000 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa tìm được việc làm cũng được nhiều đại biểu đặt ra và yêu cầu Bộ trưởng phải có giải pháp cụ thể.

Trả lời các câu hỏi này, Bộ trưởng Hải Chuyền cho biết Thủ tướng đã phê duyệt chiến lược quy hoạch nguồn nhân lực: 2015 phải đạt 55% nhân lực qua đào tạo, 2020 là 70%.

Bộ đã có chiến lược dạy nghề, dự luật dạy nghề, khuyến khích nhiều thành phần xã hội, doanh nghiệp trực tiếp tham gia, định hướng các ngành nghề chất lượng cao theo như cầu khu vực ASEAN, qui hoạch 40 trường chất lượng cao, 10 trường đạt chuẩn quốc tế, mua thiết bị, giáo trình phục vụ giáo viên…

Về con số 174.000 sinh viên ra trường không có việc làm, Bộ trưởng cho biết dự báo nhu cầu nguồn nhân lực đã được cập nhật qua từng thời kỳ.

Tuy nhiên, trong những năm này, tình hình kinh tế xã hội gặo nhiều khó khăn, vài trăm ngàn doanh nghiệp phá sản, giải thể. Nếu không có tình trạng này, họ nhất định sẽ có việc làm.

Bộ trưởng cũng cho rằng không phải 174.000 người này đang ngồi chơi mà họ vẫn đang tìm việc làm để sống, nói thất nghiệp chỉ là không làm đúng ngành nghề đào tạo.

Nhiều người đang đi làm ở các doanh nghiệp địa phương, cất bằng đại học làm công nhân thì cũng là việc làm. Đã đi làm, bất cứ việc gì cũng là vinh quang. Bộ sẽ cố gắng làm hết trách nhiệm để họ được làm đúng ngành nghề.

Chỉ sử dụng lao động nước ngoài là chuyên gia

Đại biểu Phạm Thị Hiền (Quảng Ninh) nếu vấn đề bức xúc ở ngay địa phương mình: lao động nước ngoài gia tăng, phần lớn là không có trình độ, lại có cả những người phạm pháp. Bộ đã nghiên cứu vấn đề này thế nào? Chiến lược trung hạn, dài hạn nào để giải quyết? Chúng ta sẽ chấp nhận người nước ngoài ở những lĩnh vực nào?

Bộ trưởng Hải Chuyền cho biết Bộ Lao động đã có qui định rất rõ những đối tượng lao động nước ngoài nào được phép lao động ở VN: chỉ sử dụng lao động nước ngoài là chuyên gia trình độ cao, phù hợp với nhu cầu hoạt động của doanh nghiệp.

Theo số liệu của Bộ, hiện toàn quốc có gần 78.000 lao động nước ngoài, phần lớn là chuyên viên kỹ thuật. Tuy nhiên, trong các công trường, công trình của doanh nghiệp nước ngoài vẫn có một số lao động không có trình độ.

Bộ trưởng khẳng định: “Đó phần đông là lao động Trung Quốc đi theo đường du lịch, tham gia trong giai đoạn đầu của các công trình. Chúng tôi đã phối hợp với cơ quan công an để kiểm tra, trục xuất. Chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp phải công bố nhu cầu lao động để người lao động trong nước tham gia”.

Tiếp tục chủ đề này, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng tính pháp lý trong sử dụng lao động nước ngoài phải đầy đủ hơn, chặt chẽ hơn. Bộ trưởng Hải Chuyền khẳng định lại: Bộ Lao động có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra. Chính quyền địa phương có phải trách nhiệm quản lý. Còn việc quyết định người lao động nước ngoài có vào VN được hay không thuộc chức trách của công an.

Những câu chuyện biển Đông

Đại biểu Nguyễn Đức Hiền (Nghệ An) đặt vấn đề về việc đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực trong ngư nghiệp, hỗ trợ ngư dân trong việc chuyển đổi từ đánh cá trên tàu vỏ gỗ sang tàu sắt.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết với 47% lao động trong khối nông lâm ngư nghiệp (tức gần 20 triệu người), Bộ đã có nhiều hỗ trợ để ngư dân có thể có hiệu quả lao động tốt hơn:

“Chúng tôi được giao đào tạo nghề, hỗ trợ nghề, cả ngành phi nông nghiệp, dịch vụ để bà con làm tốt hơn công việc của mình”.

Với chính sách đóng tàu vỏ sắt thay cho vỏ gỗ, bộ đã làm việc với các địa phương (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) để hỗ trợ huấn luyện bà con thích nghi với thiết bị mới.

Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng tham gia trả lời vấn đề này. Bộ trưởng cho biết chỉ tiêu của Chính phủ là đến 2016 phải đào tạo nghề được cho 4,7 triệu nông dân, nhưng Bộ dự kiến đến 2015 chỉ có thể đào tạo được cho 1 triệu người.

“Như vậy là không đạt, do chương trình mới khởi động, bà con đăng ký có mức độ, nhưng Bộ ưu tiên cho chất lượng đào tạo hơn là số lượng”, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định.

Bộ trưởng cho biết Bộ đã ban hành 132 chương trình, giáo trình của 132 nghề nông ngư nghiệp bám sát khoa học tiên tiến, nâng cấp cơ sở đào tạo. Và để đảm bảo hiệu quả, chủ trương của Bộ là đào tạo ngay tại đồng ruộng, trên tàu cá chứ không phải trong nhà trường.

Bên cạnh đó, Bộ cũng chú trọng làm tốt công tác tư vấn nghề, phối hợp với truyền thông; gắn đào tạo nghề với đặc thù địa phương để hình thành vùng sản xuất chuyên canh chất lượng cao, đào tạo nông dân nòng cốt; có chính sách riêng cho từng ngành nghề.

Nói riêng về ngư dân, với qui mô 32.000 tàu cá, trên một triệu ngư dân trên biển, Bộ đặt trọng tâm vào đào tạo máy trưởng, nghề đánh bắt cá ngừ đại dương xa bờ. Để thực hiện chủ trương đóng tàu vỏ sắt, Bộ vừa hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng tàu đi kèm hỗ trợ đào tạo cách vận hành, đánh bắt trên các tàu này.

Thêm một câu chuyện biển Đông nữa, đại biểu Đặng Ngọc Tùng (TP.HCM) yêu cầu Bộ trưởng Hải Chuyền cho biết Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội có chủ trương tìm hài cốt của các liệt sĩ đã hy sinh tại Gạc Ma hay không.

Bộ trưởng Hải Chuyền trả lời: Đảng và nhà nước có chính sách rất rõ ràng: “Đã là liệt sĩ thì phải tìm kiếm”, nhưng tùy trường hợp ở đâu, điều kiện như thế nào mà Bộ hay liên bộ sẽ phối hợp tìm, thời gian nào cũng còn phải cân nhắc.


Phải cố gắng giải quyết

Kết thúc phần trả lời của Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng tổng kết lại những nội dung trong phần chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: "Bộ trưởng đã có cam kết rất rõ ràng với những vấn đề rất khó này, nhưng đây là vấn đề chiến lược nên Quốc hội mong Bộ trưởng cố gắng để tiếp tục giải quyết."


http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20141119/cat-bang-dai-hoc-lam-cong-nhan-cung-la-viec-lam/673593.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét