Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2016

Bữa đại tiệc hủy diệt

Bữa đại tiệc hủy diệt
Hồ Anh Thái - Nhà văn Pháp ở thế kỷ XIX Alfred de Musset kể câu chuyện bồ nông cha không thể tìm được thức ăn cho đàn con, bèn tự phanh ruột mình ra. Đấy được xem như một ngụ ngôn, về việc dâng hiến hoàn toàn tài năng và tâm sức của nghệ sĩ cho công chúng.

Đồng thời ở đây, còn có thể thấy một câu chuyện khác, từ hình ảnh những cái mỏ háu đói của đàn con sục vào chén sạch tim gan lòng ruột của cha chúng.
Câu chuyện về đức hy sinh của người cha, cũng là chuyện về sự háu đói vô tình của đàn con.

Ta nhìn thấy trong ấy câu chuyện chén bằng sạch, moi bằng sạch, rút ruột bằng sạch. Mà rút ruột của ai? Của chính người cha mình, người lẽ ra có thể tồn tại lâu dài để tiếp tục nuôi ta.

Các cơ quan bây giờ, có ngân sách nhà nước là lập kế hoạch tiêu cho bằng hết, không được để thừa để sót. Thừa, năm sau sẽ bị cắt bớt ngân sách, tiền năm sau sẽ hẻo hơn năm nay. Thế là tiêu, tiêu vung vãi, không cần tiêu thì phải nghĩ ra cớ để mà tiêu.

Có cơ quan hội văn nghệ, ngân sách vốn đã nhỏ giọt, chỉ đủ hoạt động lay lắt, thế mà ngân sách có lần chỉ được bổ xuống khi còn mỗi một tuần nữa là hết năm. Trong một tuần ấy phải nghĩ ra cách mà tiêu. Không tiêu nổi trong bảy ngày thì phải nghĩ ra cách: gửi tiền vào một công ty du lịch để tổ chức đi thực tế vào năm sau. Gửi tiền thuê hội trường dịch vụ vào một nhà văn hóa để tổ chức hội thảo vào năm sau. Phải trả tiền phần trăm để người ta làm hóa đơn hợp thức hóa. Có nhiều cách để lách, mỗi lần lách là một lần lãng phí phần trăm vào dịch vụ hợp thức hóa. Không hợp lý nhưng hợp thức.

Cơ quan thường trú ở nước ngoài cũng không khác. Ở những nước nhiều hoạt động, ngân sách được xài như nước, năm sau đề xuất tăng ngân sách hơn năm trước. Thế đã đành. Ở những nước ít hoạt động, ngân sách phân bổ xài không hết, cũng không dám trả lại nhà nước. Trả lại thì năm sau người ta cắt bớt ngân sách. Đấy là cái lý đã nêu ở trên. Trả lại thì trong nước cho rằng ngoài nước mình ăn chơi không chịu hoạt động. Đấy là cái lý chỗ này. Mặc cảm. Mặc cảm sâu. Sợ bị đánh giá rằng mình không hoạt động. Vậy là quật cường. Phải chứng minh là ta có hoạt động, hoạt động ác. Nghĩ ra các cuộc hội thảo, chủ đề thật kêu nhưng thực ra vô thưởng vô phạt. Làm cũng được mà không cũng được. Nghĩ ra những cuộc đi khảo sát tình hình địa phương. Nghĩ ra, vẽ ra, bày ra. Nghĩ ra mọi lý do để mua sắm. Đã đến mức ấy thì ai cũng hiểu các hoạt động không nhằm mục đích đạt đến hiệu quả. Mục đích của nó là tiêu tiền.

Đúng kiểu rút ruột cha của những con bồ nông.

Không thấy một ai phản bác rằng nếu tiền ngân sách tiêu không hết thì hãy trả lại nhà nước. Còn thiếu nhiều lắm trường học, bệnh viện, cầu đường, nhà ở cho dân… Tiền nào cũng là của nước, tiền nào cũng là của dân. Nông dân một nắng hai sương đóng thuế. Công nhân dầu mỡ độc hại. Trí thức bán cháo tim óc truyền đời. Doanh nhân bươn chải trong tiền trong vàng là những thứ vốn cũng tàn độc. Tất cả đều phải đóng thuế. Tiền ấy không khéo sẽ được bộ máy phanh bụng ra cho các ban ngành rút ruột.

Cũng là bởi cái cơ chế máy móc, dập khuôn cho mọi sự. Năm nay anh tiêu không hết thì năm sau tôi cắt giảm. Cũng là ở sự dối trá, ít việc không dám nhận là ít, cứ phải rướn mình lên gồng mình lên chứng minh mình chăm chỉ năng động. Sĩ diện bản thân. Chạy theo thành tích. Cũng là thói ham lợi, có chi tiêu tức là có lợi, lợi cá nhân.

Lần tổ chức hội nghị viết văn trẻ ở Hội An, ban tổ chức phải khó khăn lắm mới thu xếp đủ phòng ốc cho hơn một trăm đại biểu. Phải gom nhặt phòng ở vài ba khách sạn gần nhau mới đủ. Danh sách được duyệt chặt chẽ, đại biểu đến từ mọi miền đất nước. Ấy thế, rốt cục số người kéo đến gấp rưỡi danh sách. Không mời cũng đến. Báo hại cho ban tổ chức. Kinh hoàng khi có một gia đình từ tỉnh bên kéo ra. Chỉ có nhà thơ vợ là đại biểu chính thức, đã được xếp ở chung với một nữ đại biểu khác, nhưng nhà thơ chồng cũng theo đi. Cũng theo đi là hai đứa con của họ. Đúng kiểu một miếng giữa làng. Đi ăn cỗ giữa làng, kéo theo bầy đàn lấy thêm miếng gan miếng tiết. Trước ánh mắt ghen tức của bao nhiêu người làng. Mặc kệ, đứa nào trót đi một mình đứa ấy dại. Hơn nhau một miếng giữa làng, một miếng thôi, cũng là hơn. Tiền chùa. Của công đoàn. Mất gì của bọ.

Cái tư duy tiền chùa đem lại nhiều lợi lộc. Cũng đem lại nhiều hệ lụy, thậm chí hậu quả nhãn tiền. Sau này nhà thơ chồng ngã ngựa trong một cuộc đấu đá địa phương, không ai lấy làm lạ. Tham sân si. Miếng giữa làng. Ăn mặn khát nước. Ăn trước trả sau.

Nhiều người vẫn tin vào luật nhân quả. Trời không cho ai quá nhiều. Nhỡ tay cho quá nhiều thì khi lấy lại cũng lấy một cách thảm khốc. Nhỡ để cho cha lấy quá nhiều thì tìm đến con mà đòi lại. Nhưng vòng quay luân hồi thời đại mới tốc độ cũng nhanh lên. Cha ăn mặn, cha khát nước ngay, chẳng đợi đến đời con.

Việc tiêu tiền, việc rút ruột đã trở nên ngang nhiên. Không ai thấy hổ thẹn. Có xấu hổ chăng là người không biết nghĩ ra các đầu việc các dự án để tiêu tiền. Và giá trị đảo ngược: một ông quản lý biết cách giơ ra các dự án, biết cách vận động hành lang để xin được tiền nhà nước thì được khen là giỏi là năng động. Cả cơ quan xuýt xoa. Cả các cơ quan bên ngoài nhìn vào ông mà trầm trồ, ao ước, giá mình cũng có được người lãnh đạo như thế.

Ngang nhiên. Từ rút ruột sang đến tham nhũng. Một tinh thần tham nhũng bao trùm mọi cấp mọi nơi. Ông lớn lấy nhiều ông bé lấy ít. Ông quan lấy lớn ông dân lấy nhỏ. Quan tham dân gian. Ông này lấy hàng tỉ từ các dự án các công trình các hành lang các cổng sau. Ông nọ thì hở ra là vặn con ốc đường tàu, bẻ thanh sắt chặt cây công cộng, bán được vài chục nghìn cũng bán, bất kể tàu đổ chết người, cột điện đổ cây đổ chết người.

Quan tham dân gian. Chuyện muôn đời. Chuyện trên khắp thế gian. Chỉ có điều nơi nào ổn nơi nào yên là do bàn tay quản lý. Bàn tay giữ luật vững vàng sắt đá. Nơi nào buông lỏng, đánh trống bỏ dùi, thì thành bừa phứa vô chính phủ. Ngã tư nào có cảnh sát thì người xe ngại vượt đèn đỏ. Ngã tư nào vắng bóng anh thì tình em hỗn loạn tràn qua. Hôm nay anh đứng thì em dừng lại. Ngày mai anh đi thì dù biển có nhớ em cũng lao qua ào ào.

Những con bồ nông của Alfred de Musset đã vô tư hồn nhiên được một bữa no. Thảo nào ta có thể gọi tắt vô tư hồn nhiên là vô hồn. Chúng đã mở đại tiệc trên cái bụng phanh ra của người cha mà không biết rằng một khi người cha đã chết rồi, đại tiệc ấy là sự hủy diệt của chính chúng.

23-7-2011

(tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 257, ngày 15-9-2016)
http://www.viet-studies.info/HoAnhThai_DaiTiecHuyDiet.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét