Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2016

Buồn: Thủ tướng cử 3 Phó Thủ tướng đi chống bão

Xem nước ngoài chống bão thấy buồn cho nước ta. Nhìn Phlippines mà xem, bão nào trước khi vào VN cũng phải qua nước họ. Họ có quy trình bài bản, phương tiện vật chất, nhân sự sẵn sàng nên bão đến cứ bình tĩnh đối phó. Còn ta, cứ nước đến chân mới nhảy, bão đến là cuống cuồng cuồng... Kết quả là "Không để xảy ra hậu quả như 2 cơn bão trước".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cử 3 Phó Thủ tướng đi chống bão
Huy động toàn lực chống bão. Không để xảy ra hậu quả như 2 cơn bão trước
18/08/2016 (NLĐO)- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các ngành, địa phương dừng mọi cuộc họp không cần thiết để phòng chống bão số 3 (bão Thần Sét); đồng thời cử 3 Phó Thủ tướng đi chống bão. Chiều nay 18-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương (Trung tâm) về công tác dự báo bão cũng như chỉ đạo việc phòng chống bão số 3 (tên quốc tế bão Thần Sét).
Ảnh: Quang Hiếu.
Thủ tướng nhấn mạnh dự báo trước những cơn bão cũng như thiên tai là công việc thiết thực, khoa học tổng hợp, đòi hỏi trí tuệ cao, trách nhiệm lớn. Nếu khâu này làm tốt thì hiệu quả chỉ đạo sẽ cao hơn. Nếu dự báo không tốt thì ngược lại.

Thủ tướng đặc biệt lo lắng về mưa lớn có thể xảy ra, sau khi bão số 1 và số 2 đã gây ngập nhiều diện tích lúa với thiệt hại không nhỏ. Nếu mưa lớn gây ngập sâu nữa thì thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều. Do đó, cần chỉ đạo cấp điện thường xuyên, bảo đảm các trung tâm, trạm bơm tiêu úng hoạt động tốt.

Vì vậy, nếu cần thiết thì đặt một số trạm bơm trung gian chạy bằng dầu để hỗ trợ một số vùng có nguy cơ ngập kéo dài, gây chia cắt. "Ngành điện cần có sự chủ động, ứng trực, xử lý kịp thời. Đừng để bão đã qua một ngày rưỡi rồi mà chưa có điện"- Thủ tướng nhắc nhở.

Cùng với đó, phải lưu ý tình trạng mưa lũ có thể gây sạt lở đất lớn, có thể cả quả đồi, cả một ngôi làng, đe dọa tính mạng người dân.



Diễn biến cơn bão số 3 - Ảnh: Quang Hiếu

Nhấn mạnh bảo vệ tính mạng con người là mục tiêu vô cùng quan trọng khi thiên tai xảy ra, Thủ tướng yêu cầu, khi chưa xảy ra bão thì phải chỉ đạo sớm, giữ nhà cửa, cứu lúa, cảnh giác lở đất, an toàn hồ đập; mọi ngành, kể cả hàng không, đều phải có phương án ứng phó.

“Phải dự báo đến các ngành, người dân là bão lớn, giật cấp 12-14. Khi cần thiết phải di dời dân. Và cần thiết, từ ngày mai (19-8), các cấp các ngành dừng mọi cuộc họp không cần thiết để dành thời gian chỉ đạo ứng phó bão số 3. Tất cả các địa phương sẵn sàng ứng cứu các điểm xung yếu, nguy hiểm. Vì tôi đã tới các điểm đê xung yếu và thấy nếu tiếp tục chảy xiết thì sẽ vỡ luôn”- Thủ tướng cảnh báo và nhấn mạnh “không được chủ quan đối với bão số 3”.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết đây là cơn bão diễn biến phức tạp, có nhiều yếu tố để khi vào Vịnh Bắc Bộ sẽ tăng cường độ và kéo dài, khi vào bờ thì tăng triều cường. Cộng thêm việc nước ta vừa chịu tác động của cơn bão số 1 và cơn bão số 2, nhất là vùng núi, đất đã bão hòa nước, rất dễ dẫn đến sạt lở đất.

“Nhiều tỉnh thì hồ đập đã đầy nước, như Bắc Giang. Nếu các trận mưa lớn vào hồ đập nhỏ thì khó có biện pháp bảo đảm an toàn, nên phải có kịch bản giảm thấp nhất các rủi ro”- ông Hoàng Văn Thắng kiến nghị.

Thủ tướng cắt cử 3 Phó Thủ tướng đi chống bão
Trên tinh thần chỉ đạo thường xuyên, thông tin đầy đủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện cử 3 Phó Thủ tướng cùng các lãnh đạo một số bộ có liên quan trực tiếp đến các địa phương trọng điểm từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa.

Cụ thể, Thủ tướng phân công: Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 tại Hải Phòng và Quảng Ninh; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi Nam Định và Thái Bình; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đi Ninh Bình và Thanh Hóa.


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi kiểm tra chống bão số 3 tại Nam Định - Ảnh: Xuân Tuyến

Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành và các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa dừng các cuộc họp không cấp thiết để tập trung chỉ đạo phòng, chống bão.

Thế Dũng
http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-cu-3-pho-thu-tuong-di-chong-bao-2016081818510226.htm


Huy động toàn lực chống bão





Thủ tướng Chính phủ đã phân công 3 Phó Thủ tướng đến các địa phương; yêu cầu dừng mọi cuộc họp không cần thiết để tập trung phòng chống bão

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, đến 4 giờ sáng 19-8, vị trí tâm bão số 3 (tên quốc tế là Dianmu - Thần sét) ở vào khoảng 20,4 độ vĩ Bắc, 108,2 độ kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 12-14. Trong 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, đi vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa.

Không để xảy ra hậu quả như 2 cơn bão trước

Kèm theo cơn bão này, mưa rất lớn sẽ đổ xuống các tỉnh, thành Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, với lượng mưa phổ biến 200-300 mm, có nơi trên 400 mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ; ngập úng ở đồng bằng Bắc Bộ và vùng trũng thấp ở Bắc Trung Bộ.

Ngay trong chiều 18-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện hỏa tốc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (từ Hà Tĩnh trở ra) chủ động ứng phó bão số 3. Cụ thể, cấm tàu thuyền ra khơi; sử dụng mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động thoát khỏi vùng nguy hiểm. Khẩn trương tổ chức sơ tán, di dời dân cư tại các khu vực nguy hiểm như trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy, hải sản, khu vực cửa sông, ven biển... trước 8 giờ ngày 19-8.

Đối với các tỉnh trung du, miền núi, tập trung rà soát, chủ động di dời, kiên quyết sơ tán các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, nhất là nơi có nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, khu vực ven sông, suối có nguy cơ ngập sâu để bảo đảm an toàn tính mạng khi có mưa lũ; chủ động bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết.

Làm việc với Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Từ ngày 19-8, tôi đề nghị các cơ quan từ trung ương đến địa phương dừng mọi cuộc họp không cần thiết, tập trung chỉ đạo phòng chống bão để cứu tính mạng, tài sản của dân, của nhà nước”.

Thủ tướng cho biết đã phân công Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão tại TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến Nam Định và Thái Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến Ninh Bình và Thanh Hóa.



Bộ đội Biên phòng giúp người dân Hải Phòng ứng phó bão trong chiều 18-8Ảnh: TRỌNG ĐỨC



Khẩn cấp sơ tán dân

Tại tỉnh Nam Định, sau khi kiểm tra tình hình neo đậu tàu, thuyền ở cảng cá Ninh Cơ và một số tuyến đê biển ở huyện Hải Hậu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu lãnh đạo tỉnh cần rút ra bài học kinh nghiệm từ cơn bão số 1, số 2 từng gây hậu quả nặng nề tại đây.

“Nhiệm vụ số 1 là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Tất cả tàu, bè ngoài biển phải đưa vào bờ; sơ tán người dân khỏi các công trình cũ, có khả năng sập đổ cao, tính toán phương án cho học sinh tất cả các cấp nghỉ học. Tuyệt đối cấm các hoạt động du lịch; tập trung bảo vệ các công trình xây dựng, đặc biệt là đê biển” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại tỉnh Thái Bình, ông Phạm Văn Sinh, Bí thư Tỉnh ủy, cho biết tất cả phương tiện tàu, thuyền đã về nơi trú tránh an toàn. Tỉnh cũng đã sơ tán người dân khỏi những lồng bè nuôi trồng thủy sản, những khu vực nguy hiểm; có những biện pháp tiêu nước mặt ruộng và các trục sông tiêu; kiểm tra, rà soát các phương án bảo vệ các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu.

Có mặt kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại TP Hải Phòng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý nhiệm vụ trước hết là bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng con người, kế đến là giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất về tài sản; có phương án bảo đảm công tác lưu trú cho khách du lịch tới Hải Phòng bị kẹt lại do bão.

Còn tại Quảng Ninh, đến kiểm tra một số điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng trong khu dân cư thuộc phường Hà Tu, TP Hạ Long và một số khu vực khai thác than thuộc Công ty CP Than Hà Tu, ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, đã chỉ đạo TP Hạ Long tiến hành ngay các biện pháp di dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đặc biệt nguy hiểm. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu các đơn vị phải túc trực 24/24 giờ để kịp thời thông tin diễn biến cơn bão và có phương án xử lý sớm nhất. Quảng Ninh sẽ phát lệnh cấm ra biển từ 8 giờ ngày 19-8; kêu gọi, di dân từ các lồng bè lên tránh trú, hoàn thành công việc trước 12 giờ cùng ngày...

Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết đến chiều 18-8, lực lượng biên phòng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa đã phối hợp với địa phương thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 33.865 phương tiện, lồng bè, chòi canh với 121.961 người đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng đi của bão…




Hà Nội và nhiều nơi mưa dữ dội

Theo ghi nhận của phóng viên, từ chiều tối 18-8, tại TP Hà Nội và TP Hải Phòng đã có mưa rất lớn trên diện rộng, kèm theo gió mạnh dần. Một số tuyến đường chính ở 2 TP này đã bị ngập.

Tại Quảng Ninh, từ 18 giờ 30 phút cùng ngày, một số địa bàn cũng đã xảy ra mưa to, gió lớn. Ở Thanh Hóa, đến 17 giờ cùng ngày đã kêu gọi hơn 7.400 phương tiện nghề cá với 14.973 lao động vào nơi tránh trú bão an toàn.

Trong khi đó, lúc 15 giờ 40 phút (giờ địa phương), bão Dianmu đã đổ bộ vào thị trấn Đông Lệ thuộc tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc. Theo hãng tin Tân Hoa Xã, bão đã gây mưa lớn ở các tỉnh miền Nam Trung Quốc; hàng chục ngàn người đã được sơ tán.


Nhóm phóng viên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét