Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Ổn định vĩ mô – cái gì, tại sao và thế nào?

Cuối bài này có phần bình luận dài của chủ Blog này.
Ổn định vĩ mô – cái gì, tại sao và thế nào?
(Bài đăng trên Doanh nhân Sài gòn, ngày 25/2/2014, bản gốc)
2 năm gần đây, nhiệm vụ “ổn định kinh tế vĩ mô” đã trở thành ưu tiên hàng đầu thay cho mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như ở trong chính sách phát triển kinh tế những năm trước đó. Tuy vậy, điều đáng ngạc nhiên là dường như cho đến nay vẫn chưa thấy một sự cắt nghĩa, giải thích chính thức và xác đáng về thế nào là “ổn định kinh tế vĩ mô”, mặc dù cụm từ này đã và đang được nêu ra bởi rất nhiều người và phổ biến ở mọi nơi ở Việt Nam hiện nay. Có thể chưa đến mức tệ như với trường hợp của cụm từ “tái cơ cấu kinh tế”, nhưng việc sử dụng cụm từ “ổn định kinh tế vĩ mô” vẫn tỏ ra là khá tùy tiện (chủ yếu vì chưa được hiểu đúng và đủ) và chưa thật sự đúng ngữ cảnh trong nhiều trường hợp.


Điểm lại nhiều bài nói và viết của các chuyên gia, các tổ chức liên đới trong và ngoài nước ở Việt Nam trong mấy năm qua, ta có thể thấy đa phần cách dùng của cụm từ “ổn định kinh tế vĩ mô” như một nhiệm vụ riêng biệt, song song với (một số trong) những nhiệm vụ/mục tiêu khác, ví dụ như “kiềm chế lạm phát”, “ổn định tỷ giá”, và “thúc đẩy/hỗ trợ/ổn định tốc độ tăng trưởng”. Chẳng hạn, ta vẫn hay nghe nói đến câu: “Phấn đấu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát”, và cách dùng này có thể nói là đã trở nên phổ biến nhất trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay. Hiếm khi nó được sử dụng với cái nghĩa là bao hàm luôn cả (một số những) nhiệm vụ/mục tiêu khác này.

Thực tế, trên thế giới, cách dùng cụm từ “ổn định kinh tế vĩ mô” với nghĩa là bao hàm cả những mục tiêu khác như giữ ổn định các chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng (tiệm cận với mức tăng trưởng tiềm năng), mức giá cả và tỷ lệ thất nghiệp... là cách dùng chuẩn mực và phổ biến. Cách dùng này đương nhiên dựa trên khái niệm về “kinh tế vĩ mô”, là một hệ thống kinh tế của cả một quốc gia và khu vực, với các chỉ tiêu đo lường “sức khỏe” của nó như tốc độ tăng trưởng thu nhập, thất nghiệp, lạm phát... Bởi vậy, ổn định kinh tế vĩ mô có nghĩa là giảm thiểu biến động (trong ngắn hạn) của những chỉ tiêu này. Mục đích của ổn định kinh tế vĩ mô là để tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư làm cải thiện tăng trưởng tiềm năng trong dài hạn.

Ngoài lý do là chuẩn mực và phổ biến, cách dùng với nghĩa này còn tránh được sự mơ hồ về mục đích như trong cách dùng đang phổ biến ở Việt Nam nói ở trên, mà vì thế có thể ngăn cản Chính phủ có các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô đúng đắn. Cứ như cách hiểu và dùng ở Việt Nam thì dường như ổn định kinh tế vĩ mô là cái gì đó khác và độc lập với ổn định giá cả/kiềm chế lạm phát, và càng khác và độc lập với thúc đẩy/hỗ trợ/ổn định tăng trưởng kinh tế, vì rõ ràng hiện nay việc thúc đẩy, duy trì tốc độ tăng trưởng (hiện đang được cho là ở mức thấp so với tăng trưởng tiềm năng) đã được gạt xuống hàng ưu tiên thứ yếu, sau mục tiêu “ổn định kinh tế vĩ mô”.

Nếu đã coi là khác và độc lập với lạm phát và tăng trưởng thì câu hỏi được đặt ra ở đây là, vậy thì cụ thể “ổn định kinh tế vĩ mô” là ổn định cái gì? Rất tiếc, câu trả lời từ việc lục tìm các bài viết và nói của Chính phủ, các tổ chức và chuyên gia trong ngoài nước lại có xu hướng liệt kê chính việc kiềm chế lạm phát là một biểu hiện và cũng là mục tiêu của ổn định kinh tế vĩ mô.

Như thế, có nghĩa là cách nói và nghĩ về ổn định kinh tế vĩ mô như hiện nay là chưa đúng và cần phải sửa lại theo cách chuẩn mực. Nhưng đến đây lại phát sinh ra một vấn đề mới là theo cách chuẩn mực thì ổn định kinh tế vĩ mô là việc đạt được sự ổn định trên nhiều chỉ tiêu, trong số đó có những chỉ tiêu mà việc thực hiện được chúng có tính đối nghịch với việc thực hiện những chỉ tiêu khác, ít nhất trong ngắn hạn, ví dụ như ổn định lạm phát và duy trì, ổn định tốc độ tăng trưởng.

Cụ thể hơn, với mục tiêu ổn định tốc độ tăng trưởng (hiện đang có xu hướng tụt thấp so với tăng trưởng tiềm năng) trong “gói” ổn định kinh tế vĩ mô, thì cần thiết phải khôi phục lại và ổn định tốc độ tăng trưởng kinh tế sao cho tiệm cận với tốc độ tăng trưởng tiềm năng. Điều này cần thiết đòi hỏi phải có sự nới lỏng chính sách tiền tệ (và/hoặc tài khóa) hơn. Nhưng, mặt khác, vì lạm phát đang ở mức khá cao như hiện nay, cần thiết phải duy trì một chính sách tiền tệ (và/hoặc tài khóa) một cách chặt chẽ hơn. Như vậy, trong ngắn hạn, ổn định kinh tế vĩ mô nói chung có khả năng không thể lồng ghép với sự phục hồi và duy trì tăng trưởng kinh tế. Điều này thì bản thân Chính phủ cũng đã nhận thức được nên mới tách mục tiêu tăng trưởng kinh tế ra khỏi “gói” ổn định kinh tế vĩ mô.

Loại bỏ mục tiêu tăng trưởng ra thì trong gói ổn định kinh tế vĩ mô, ngoài mục tiêu giữ cho giá cả ổn định (lạm phát thấp), sẽ còn những mục tiêu chính khác là hạ lãi suất, ổn định tỷ giá, việc làm, thâm hụt ngân sách, cán cân thương mại... Nhưng xét cho cùng, yếu tố chính chi phối việc đạt được những mục tiêu này vẫn là lạm phát thấp. Khi giá cả ổn định (lạm phát thấp) thì biến động việc làm sẽ có xu hướng giảm thiểu (vì chi phí sản xuất bao gồm chi phí tiền lương sẽ không bị tác động nhiều bởi lạm phát nên chủ doanh nghiệp có xu hướng duy trì ổn định số việc làm hơn). Khi lạm phát thấp thì áp lực phá giá nội tệ đến từ việc lên giá thực của nội tệ so với ngoại tệ sẽ không lớn nên tỷ giá sẽ được ổn định hơn. Đồng thời, tỷ giá ổn định do nội tệ ít bị lên giá thực sẽ tạo điều kiện duy trì một cán cân thương mại cân bằng hơn. Lạm phát thấp cũng có nghĩa là chính sách tiền tệ (và/hoặc chính sách tài khóa) thường là thắt chặt hơn nên thâm hụt ngân sách cũng ít bị áp lực gia tăng hơn.

Nói cách khác, khi nói đến ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam thì chỉ cần nói, đại loại, là “(phấn đấu) kiềm chế lạm phát (ở mức thấp) và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (theo diễn biến của lạm phát)” là đủ và thích hợp vì đã chỉ ra được cái gì là ưu tiên (tức là lạm phát), cần tập trung thực hiện, và cái gì là thứ yếu.

http://phan-minh-ngoc.blogspot.ch/2014/02/on-inh-vi-mo-cai-gi-tai-sao-va-nao-bai.html?showComment=1393405860951#c7112187998806350451


Bản đăng trên DNSG ở link sau (biên tập khá lủng củng, theo tớ)
http://www.doanhnhansaigon.vn/online/dien-dan-doanh-nhan/thoi-su/2014/02/1079852/on-dinh-kinh-te-vi-mo-cai-gi-tai-sao-va-the-nao/

3 comments:

  1. Đồng ý với a Ngọc là mình hay nói không chính xác, không đúng tư duy khoa học. Ví dụ trong câu “Phấn đấu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát”, thì kiềm chế LP là 1 thành phần quan trọng vào loại bậc nhất của "ổn định kinh tế vĩ mô", vậy thì tách ra làm gì.
    Tôi hiểu ý CP là muốn "ổn định kinh tế vĩ mô" và nâng cao hơn nữa "tốc độ tăng trưởng", còn lạm phát thì kiềm chế được bao nhiêu thì được miễn là không để quá đáng, kiểm soát chặt LP không phải là quan trọng nhất.

    Tôi hiểu "ổn định kinh tế vĩ mô" là đưa các chỉ tiêu vĩ mô của nền kinh tế về các tọa độ cân bằng, hiệu quả và bền vững ngắn hạn; trên cơ sở này sẽ củng cố tạo thành cân bằng bền vững dài hạn; rồi từ đó mới nới dần và đưa các các cân bằng này lên mức cao hơn để có được một tốc độ tăng trưởng cao hơn.

    Tham khảo thêm bài viết mới của tôi ở đây:  http://toithichdoc.blogspot.ch/2014/01/kinh-te-vi-mo-khai-quat-2013-va-inh.html

    Bản viết dài hơn đăng trên tạp chí nghiên cứu kinh tế tháng 2.2014 có đoạn:

    Đánh giá toàn cảnh kinh tế vĩ mô năm 2013:
    Nhìn bức tranh tổng thể kinh tế vĩ mô năm 2013 nêu trên, có thể khẳng định nền kinh tế đã có những tiến bộ nhất định và quan trọng hơn, đang đi đúng hướng. Đối với một nền kinh tế mới thoát khỏi ngưỡng nước nghèo chưa lâu, trong điều kiện cơ cấu kinh tế vĩ mô mất cân đối nghiêm trọng kéo dài và môi trường quốc tế không thuận, đạt được những thành tựu vĩ mô nêu trên là rất đáng khích lệ.
    Điểm sáng lớn nhất là các cân đối vĩ mô đã bước đầu chuyển dịch về các “tọa độ” cân bằng trung hạn, tới đây có thể sẽ bền vững và hiệu quả. Thực vậy, đối với mỗi nền kinh tế đều có một tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng (trung, dài hạn) đi kèm với những cân đối vĩ mô tương ứng. Điều này cũng giống như một tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng phải đi kèm với một tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên hay một tỷ lệ lạm phát tự nhiên vậy. 
  2. Nếu đưa tất cả vào một mô hình tính toán cân đối, chúng ta hoàn toàn có thể xác định được đi kèm với một tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng cân bằng trung hoặc dài hạn, ví dụ 7% như ở nước ta trong giai đoạn trước và 5,5-6% trong giai đoạn hiện nay (bằng tốc độ tăng trưởng trung bình của 6 năm 2008-2013), thì những chỉ tiêu cơ bản liên quan như đầu tư, lao động, tiêu dùng, xuất nhập khẩu, ngân sách, lạm phát... cần tương ứng là bao nhiêu. Đây chính là bộ các “tọa độ” cân bằng (trung, dài hạn), hay trục, quỹ đạo tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Nếu nền kinh tế đang phát triển chệch (tăng trưởng nóng hoặc lạnh) với quỹ đạo tăng trưởng tiềm năng, thông qua các điều chỉnh chính sách, chúng ta có thể đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo phát triển tiềm năng. Quá trình này gọi là bước hay quá trình điều chỉnh kinh tế; thời gian cần thiết để quay trở lại được gọi là thời gian hay tốc độ điều chỉnh kinh tế. Trong giai đoạn trung hạn 2008-2013, nền kinh tế đã tăng trưởng quá nóng vào năm 2010 gây ra những bất ổn rất nghiêm trọng, cần đến 3 năm (2011-2013) để trở về quỹ đạo cân bằng, nhưng chưa bền vững và chưa thật hiệu quả (ví dụ năm 2012 đã hạ cánh quá nhanh, thắt chặt tài chính tiền tệ quá mạnh, tỷ lệ lạm phát giảm đột ngột...); có lẽ còn cần ít nhất 2 năm nữa cân bằng vĩ mô mới trở nên thực sự bền vững và phát huy hiệu quả, tạo điều kiện để nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
    ReplyDelete
  3. Nghiêm túc mà nói, đối với nền kinh tế nước ta, đã qua rồi giai đoạn tăng trưởng dễ dàng. Nếu không có những đổi mới mạnh mẽ, kiên quyết thì tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng không thể cao bằng giai đoạn trước. Khác với những năm đầu đổi mới – mở cửa, khi đó nhu cầu của dân cư sau thời kỳ chiến tranh thắt lưng buộc bụng và bao cấp khắc khổ đã tăng lên rất nhanh đồng thời tốc độ tăng trưởng dân số cũng rất cao, cần một tốc độ tăng trưởng lên tới 7-7,5%/năm để thỏa mãn. Ngày nay, đời sống nhân dân đã thay đổi rõ rệt so với trước trong khi tốc độ tăng trưởng dân số cũng đã chậm lại rất đáng kể (chỉ còn 1%) nên sức ép phải tăng trưởng nhanh thực sự không quá lớn. Vấn đề quan trọng hơn là chất lượng tăng trưởng và chính sách điều tiết, phân chia thu nhập hợp lý; đặc biệt cần kiên quyết chống tham nhũng để những thành tựu về tăng trưởng đến tay người lao động, người nghèo chứ không chỉ lọt vào tay người giầu. Trong bối cảnh hiện nay, một tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5-6% là hoàn toàn phù hợp; tương ứng với nó là tỷ lệ đầu tư trên GDP cũng không nên quá 30%, thu ngân sách không nên vượt quá 23% GDP; tỷ lệ lạm phát không nên quá 6-7%... Vì thế mới nói đối chiếu những chỉ tiêu, “tọa độ” này với bức tranh tổng thể kinh tế vĩ mô năm 2013 nêu trên, có thể tin rằng nền kinh tế đã đi tới đáy và đang lập được trạng thái cân bằng, ổn định, dù chưa bền vững.

    Tôi muốn đưa vào bài viết các con số tọa độ cụ thể, song sợ nhiều nhà quản lý sốc. Ai cần biết chi tiết vài con số khi tôi phân tích cụ thể từng mặt KTVM thì xem thêm trong Tạp chí NCKT.
    ReplyDelete
  4. minh ngoc Phan has left a new comment on the post "Ổn định vĩ mô – cái gì, tại sao và thế nào? (Bài đ...": 

    Đúng đấy bác Mai à. Tôi cũng từng có dự định làm một cái nghiên cứu nhỏ nhằm chỉ ra rằng có khi tăng trưởng tiềm năng của VN giai đoạn hiện nay chỉ là quanh quẩn 5% nên mọi nỗ lực tăng trưởng hơn nữa chỉ làm mất cân đối vĩ mô. Nhưng rồi lại gác ý định này vì công việc lu bù, và đã ly khai giới nghiên cứu học thuật rồi, không có điều kiện làm nghiên cứu nghiêm túc nữa. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét