Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Trụ sở làng to như cung điện

Trụ sở làng to như cung điện
Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm xây trụ sở chính quyền mới nhưng quan chức tại một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Hồ Nam lại đi ngược với chỉ thị này.

Trụ sở bảy tầng của làng Yungai.
Được biết, chi phí xây dựng tòa nhà nguy nga tại làng Yungai, nằm ở ngoại ô thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, lên tới 15 triệu NDT (2,5 triệu USD). Tòa nhà có cổng vào hoành tráng, phòng nghe nhạc và nhiều phòng họp được bày trí với ghế sofa bằng da.Tuy nhiên, chỉ có tầng bảy của tòa nhà này đang được 5 công chức, 2 thư ký và một sinh viên mới ra trường sử dụng. Sáu tầng còn lại vẫn đang bị bỏ trống.

Làng Yungai có 3.700 dân, hầu hết là những người làm ruộng và chỉ kiếm được 1.500 USD mỗi năm.

Bí thư đảng ủy địa phương, Tan Junwu, biện hộ rằng tòa nhà này là một phần của kế hoạch đổi mới Yungai và sẽ thu hút các nhà đầu tư.



Trụ sở của một công ty dược nhà nước Trung Quốc 
không khác gì cung điện Versailles của Pháp.

Tạp chí kinh doanh Trung Quốc Caijing đưa tin "để xây dựng văn phòng này, dân làng đã phải đóng góp hơn chục triệu nhân dân tệ."

Ba tháng trước, các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc đã ban hành chỉ thị cấm xây dựng thêm bất cứ trụ sở chính quyền nào mới để trấn áp tham nhũng và chống lãng phí.

Vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã chứng kiến các quan chức địa phương ganh đua với nhau bằng cách xây mới những trụ sở ngày một khang trang, lộng lẫy hơn.
Bản sao Nhà Trắng tại thành phố Fuyang.

Tại thành phố Fuyang, các nhà chức trách đã chi 30 triệu NDT để xây dựng bản sao của Nhà Trắng ở Washington DC (Mỹ).

Trong khi đó, một công ty dược nhà nước cũng không chịu thua kém với trụ sở mới được xây dựng như cung điện Versailles của Pháp, với những bức tường mạ vàng và đèn chùm sáng lóa.

Sầm Hoa (Theo Daily Mail)
http://vietnamnet.vn/vn/quoc-te/146354/tru-so-lang-to-nhu-cung-dien.html

Quan tham Trung Quốc thường mê tín

Bạc Hy Lai là Ủy viên Bộ Chính trị thứ ba của 
Trung Quốc mất chức vì tham nhũng. Ảnh: AP

Tòa án cấp cao tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, sáng nay bác đơn kháng cáo đối với án chung thân của cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, chính thức khép lại vụ bê bối chính trị lớn nhất nước này từ nhiều năm trở lại đây.

Bạc Hy Lai là Ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc thứ ba bị kết án tù với các tội danh biển thủ, tham nhũng và lạm quyền. Trước đó là vụ xét xử các ông Trần Hy Đồng, bí thư thành ủy Bắc Kinh năm 1997 và ông Trần Lương Vũ, bí thư thành ủy Thượng Hải năm 2007.

Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu đường lối cải cách mở cửa, hơn 150 quan chức cấp tỉnh, bộ đã bị xét xử với tội danh tham nhũng, trong đó có những vụ án bị tuyên phạt ở mức cao nhất, tử hình.

Tình tiết tham nhũng ngày càng nghiêm trọng

Theo một nghiên cứu của Giáo sư Điền Quốc Lượng, giám đốc Nhà xuất bản trường đảng Trung ương, trong 103 vụ án tham nhũng giai đoạn 1980-2010, số tiền mà các quan tham biển thủ, nhận hối lộ tăng cao theo từng năm, với mức trung bình mỗi vụ lên đến hàng chục triệu nhân dân tệ.

Vụ án xét xử ông Trần Đồng Hải, nguyên tổng giám đốc Tập đoàn hóa dầu Trung Quốc (Sinopec) năm 2009, đạt mức kỷ lục với số tiền tham ô lên đến 31,98 triệu USD. Đây cũng là vụ án tham nhũng lớn nhất kể từ khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập đến nay. Ông Trần bị kết án tử hình nhưng được ân hạn hai năm.

Cũng theo nghiên cứu này, hơn 70% quan tham là quan chức địa phương. Số lượng quan tham đến từ các tỉnh có nền kinh tế phát triển chiếm đa số, đặc biệt trên các lĩnh vực nóng như tài chính ngân hàng, đường sắt, công an, tư pháp và quản lý chất lượng thực phẩm, dược phẩm.

"Quyền lực công càng lớn, quản lý tài sản quốc gia càng nhiều, thì càng dễ dẫn đến tham nhũng", Giáo sư Điền bình luận.

48% quan tham bắt đầu có hành vi tham nhũng trước khi đảm nhiệm các chức vụ hàng tỉnh, trong khi có tới 63% được thăng chức sau khi phạm tội. Vụ án Bạc Hy Lai là một điển hình. Phần lớn tội danh được xác định vào thời gian ông này đảm nhiệm chức chủ tịch tỉnh Liêu Ninh.

Hay như vụ án ông Vương Chiêu Diệu, nguyên phó bí thư tỉnh ủy An Huy, có quá trình tham ô trong nhiều năm. Ông Vương bắt đầu nhận hối lộ từ năm 1990, chỉ một năm sau khi được bổ nhiệm chức vụ bí thư thành ủy Phủ Dương, An Huy. Trong 15 năm sau đó, Vương đã nhận tổng cộng 1,15 triệu USD tiền hối lộ, trong đó có 980.000 USD được nhận sau khi ông này trở thành phó chủ tịch tỉnh An Huy.

Các quan tham Trung Quốc còn lôi kéo người nhà nhằm tiện đường tham ô tài sản quốc gia.

Trong vụ án Trần Thiệu Cơ, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Chính trị hiệp thương tỉnh Quảng Đông, con trai ông này là Trần Tử Vũ nắm vai trò rất quan trọng. Các khoản hối lộ đều qua tay Trần Tử Vũ, sau đó được hợp pháp hóa thông qua việc đầu tư vào nhà hàng sang trọng do gia đình này làm chủ.

Theo một nghiên cứu khác của tạp chí Caijing, trong 120 vụ án tham nhũng giai đoạn 1987-2011, 60% trong số đó được phát hiện trong quá trình điều tra các vụ án khác.

Vụ án của Chu Trấn Hoằng, nguyên thường vụ tỉnh ủy Quảng Đông, bị các cơ quan chức năng "khui ra" trong quá trình điều tra vụ án tham nhũng khác tại thành phố Mậu Danh, nơi ông này từng giữ chức bí thư thành ủy. Còn vụ án thành phố Mậu Danh được phát hiện trong quá trình điều tra Trần Thiệu Cơ. Trần Thiệu Cơ được cho là có liên quan đến vụ án đại gia điện máy Hoàng Quang Dụ bị bắt trước đó.

Năng lễ bái không thể giúp thoát tội




Trịnh Tiểu Du là quan chức cấp bộ cuối cùng bị xử tử tại Trung Quốc trong vòng 6 năm trở lại đây. Ảnh: Sina


Theo nghiên cứu của Giáo sư Điền Quốc Lượng, các quan tham đều có 5 tâm lý chung dưới đây. Thứ nhất là tâm lý đố kỵ. Các quan tham cảm thấy khó chịu khi thấy người khác ngày càng giàu có trong khi mình vẫn nghèo. Thứ hai là tâm lý chạy theo số đông, người khác nhận tiền thì lý do gì mà bản thân không nhận.

Tâm lý thứ ba là nhu cầu "hồi vốn", làm quan cả đời, chi nhiều tiền để mua quan bán chức, nên phải tham nhũng mới bù được vốn bỏ ra ban đầu. Tâm lý thứ tư, thứ năm tương tự nhau, là dựa vào vận may và mê tín. Các quan tham cho rằng đi lễ bái nhiều thì sẽ may mắn thoát nạn điều tra.

Trong quá trình lượng hình các vụ án tham nhũng, cơ quan tư pháp sẽ xem xét một loạt yếu tố bao gồm tổng số tiền hối lộ, mức độ thiệt hại tài sản nhà nước và thái độ của các nghi can trong quá trình điều tra. Nếu như các nghi can có thái độ hợp tác, thành khẩn và chịu quy hoàn số tiền thiệt hại, hối lộ, sẽ được hưởng chính sách khoan hồng. Theo thống kê của Giáo sư Điền, chỉ có 6 trường hợp tham quan bị xử tử trong giai đoạn 1980-2010. Hơn một nửa số quan tham chịu các mức án từ tù chung thân trở lên.

Trịnh Tiểu Du là quan chức cấp bộ cuối cùng bị xử tử tại Trung Quốc trong vòng 6 năm trở lại đây. Trịnh nguyên là người đứng đầu cơ quan quản lý chất lượng thực phẩm, dược phẩm Trung Quốc. Ông này bị cáo buộc nhận hối lộ 1,06 triệu USD để hạ thấp chỉ tiêu an toàn dược phẩm trong các thí nghiệm lâm sàng. Trịnh phải nhận án tử hình do tính chất nghiêm trọng của vụ án, cũng như để xoa dịu sự căm phẫn trong xã hội lúc đó.

"Tình trạng hiện nay thật đau lòng, nhưng chúng ta vẫn phải thừa nhận", ông Lý Vĩnh Trung, phó giám đốc Học viện kiểm sát Trung Quốc, bình luận khi được hỏi về hiện trạng tham nhũng tại quốc gia này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình coi tham nhũng là một trong những vấn đề cấp bách và nghiêm trọng nhất mà đảng Cộng sản nước này cần phải giải quyết. Ông từng tuyên bố sẽ xử lý cả "hổ" lẫn "ruồi", tức là các quan chức ở mọi cấp bậc bị nghi ngờ có hành vi tham nhũng và lạm dụng chức quyền.

Đức Dương (Theo Zhongguowang)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét