Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

(2) Lan man từ chuyện "Phụ nữ Việt nên lấy chồng Tây"

Lan man từ chuyện "Phụ nữ Việt nên lấy chồng Tây"
Lại Trần Mai
Đọc bài này, thấy một chị người Việt 38 tuổi kể chuyện kết hôn lần đầu năm 32 tuổi, ly hôn giữa năm 34 và kết hôn lần 2 vào cuối năm ngoái (2012). Chồng trước của chị là người Việt, chồng sau nấu mỳ Ý giỏi, chắc là người Tây Âu. Qua hai lần kết hôn, chị nhận thấy chồng Việt quá tệ trong khi chồng Tây Âu quá tốt; từ đó chị khuyên phụ nữ Việt hiện đại nên lấy chồng Tây. Đọc xong mình cảm thấy hơi sốc vì chị đã quá vội vàng kết luận, nhất là tính đến thời điểm hiện nay chị mới cưới ông chồng Tây được khoảng nửa năm. Có lẽ phải thức lâu mới biết đêm dài chị ạ. Từ chuyện chị kể, mình nghĩ lan man đến con người và xã hội Tây.
Mình đã sống hàng chục năm ở Tây Âu, hiện cũng đang sống ở Tây Âu (Thụy Sĩ). Trước đó mình cũng đã từng làm việc ở Mỹ, Nga, Ấn Độ và nhiều nước đang phát triển khác, nhưng nói thật là không bao giờ thích các nước tư bản phát triển, vì ở đó con người sống quá tham lam, quá ích kỷ, vì ở đó làm giàu là mục tiêu cao nhất, cái tôi của mỗi người là cao nhất, người ta chỉ nhìn cái nhất, không quan tâm đến cái thứ hai, thứ ba, coi cái thứ hai, thứ ba bằng số không tròn trĩnh.

Đừng thấy ở Tây họ giúp người nghèo, làm việc thiện đồng nghĩa với họ văn minh nhân đạo. Họ làm thế vì quy ước của xã hội buộc phải làm thế và luật pháp buộc phải làm thế, nó ít xuất phát từ chính tình cảm, con tim của mỗi người. Đáng sợ nhất ở phương Tây là camera theo dõi được bố trí khắp nơi: trường học, bệnh viện, công sở, hầm để xe, trên xe buýt, cửa hiệu, nói chung ở mọi nơi công cộng..., khiến không ai dám né tránh trách nhiệm xã hội (ví dụ thấy ai bị tai nạn là phải giúp ngay) vì nếu né tránh mà sau này bị phát hiện ra (qua băng ghi hình) thì sẽ rất khốn khổ với pháp luật.

Cũng đừng quá hoan hô các nhà tỷ phú khi họ đem tiền đi làm từ thiện. Họ phải làm thế vì nhờ đó mà giảm được nghĩa vụ đóng thuế, tăng uy tín thương hiệu; và họ cũng biết rằng sau khi chết thì phần lớn tài sản cũng sẽ lọt vào tay nhà nước theo luật thừa kế.


Cũng đừng thấy họ luôn mồm "thanks" hay "merci" mà tưởng họ lịch sự, họ trân trọng biết ơn mình. Trong đa số các trường hợp, đó chỉ là thói quen máy móc được giáo dục từ bé. Họ nói vậy nhưng trong đầu họ chẳng có cảm xúc gì đâu, giống y như các bác lãnh đạo nhà ta vẫn nói "dân nghèo đang khổ lắm" nhưng trong đầu chẳng có khái niệm khổ là thế nào và nói xong là quên luôn. Mình đã chứng kiến một số ông bà Tây mồm nói cám ơn liên tục, nhưng chỉ ít phút sau gặp chuyện không vừa lòng là lại chửi người ta không ra sao cả.

Đấy là đối với các cá nhân, còn ở tầm nhà nước, cứ nhìn trật tự kinh tế thế giới do các nước giầu thiết kế, chỉ huy thì thấy rất rõ; đó là một thứ trật tự để các nước giầu bóc lột triệt để các nước nghèo dưới vô vàn hình thức giả nhân giả nghĩa trá hình. Nếu bị sức ép buộc phải viện trợ cho các nước nghèo thì cũng  đưa bằng tay này nhưng luôn tìm mọi cách lấy lại bằng tay khác, ví dụ mới nhất ở đây.

Hồi năm 1991, khi báo cáo trước cơ quan về kết quả chuyến sang Pháp học, mình đã nói và cả hội trường cười vì tưởng mình nói đùa: Các nước giàu buộc phải giúp các nước nghèo vì họ thừa biết mình đã bóc lột thậm tệ các nước nghèo, làm người nghèo càng ngày càng nghèo. Nếu nước giầu không giúp nước nghèo, để người nghèo càng ngày càng cùng cực thì người nghèo sẽ đẩy nhanh hơn quá trình hủy diệt môi trường sống của trái đất, đốt rừng, khai thác tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường nước, biến đổi địa khí hậu toàn cầu... ảnh hưởng trực tiếp tới các nước giầu vì tất cả giầu nghèo đều phải chung sống với nhau trên quả đất bé nhỏ này. Tuy nhiên khi phải viện trợ cho nước nghèo thì nước giầu có ngay mục tiêu là tiêu hết số tiền viện trợ sao cho hiệu quả càng thấp càng tốt. 

Thấy mọi người cười, mình phải nói rõ hơn: Phải làm sao tiêu hết số tiền viện trợ đó mà hiệu quả đối với nước nghèo thì càng thấp càng tốt, còn đối với nước giầu thì càng lấy lại được nhiều càng tốt.

Điều này rất rõ ngay trong giáo dục đào tạo: Họ không bao giờ muốn đào tạo mình giỏi để mình quay lại cạnh tranh với chính họ. Họ chỉ đào tạo cho mình những kiến thức rất cơ bản theo luật chơi do họ đặt ra đủ để mình biết làm ăn với họ; giống như họ dạy cho mình cách chơi cờ đủ để mình biết và chơi với họ để họ giải khuây, còn không bao giờ dạy đến mức mình có thể thắng lại được họ.

Tài liệu sách vở cũng vậy, họ viện trợ cho các trường đại học, viện nghiên cứu, co quan chính phủ các nước nghèo đủ loại sách (ế) chỉ ở mức giáo dục kiến thức cơ bản, không bao giờ có sách chuyên sâu, nhất là sách dạy các kỹ năng xử lý từng tình huống xảy ra trong thực tiễn hợp tác kinh tế quốc tế. 

Những kiến thức chuyên sâu loại này chỉ có trên sách báo lưu ở các nước giàu, nhất là các tạp chí chuyên ngành. Chỉ những sinh viên, học giả nào biết mới có thể tận dụng cơ hội được làm việc ở bên Tây để khai thác những sách báo quý này của họ. Rất nhiều trí thức xưa của Việt Nam đã làm được như thế khiến cho thực dân Pháp rất sợ. Tuy nhiên, cũng lưu ý là do bản chất tư bản là tiền nên trong đa phần các bài viết chuyên sâu kiểu này, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, chế tác, các tác giả phương Tây rất có ý thức giấu kín, không viết ra 1 vài điểm then chốt trong toàn bộ quy trình công nghệ, nên bạn đọc dù có giỏi đến mấy cũng không thể bắt chước, làm được theo cách họ viết trong bài mà cuối cùng vẫn phải liên hệ với tác giả để ký hợp đồng mua bí quyết.

Hiện nay thế giới vẫn phân chia theo cấp bậc lãnh đạo, kèm theo đó là cấp bậc tỷ suất lợi nhuận (lợi nhuận trên doanh thu). Ở tầng cao nhất là nước MỸ, nước lãnh đạo toàn thế giới. Nhờ vị thế này, nước Mỹ mỗi năm thâm hụt ngoại thương hàng nghìn tỷ đô la, tức là dân Mỹ sống bằng lao động của dân nước khác, nhưng nước Mỹ vẫn là nước Mỹ, vẫn là ông vua thống trị thế giới. Cũng nhờ vị thế này, qua đó nắm quyền xây dựng, áp đặt luật chơi cho cả thế giới, mà doanh nghiệp Mỹ có tỷ suất lợi nhuận cao hàng đầu thế giới (họ đặt giá cả hàng hóa của Mỹ sản xuất cao chót vót trong khi ép giá hàng sản xuất tại nước khác xuống mức rất thấp), gấp rưỡi đến gấp đôi so với doanh nghiệp Pháp, Đức, Ý... Người Anh ăn theo Mỹ nên doanh nghiệp Anh cũng được hưởng lợi gần bằng Mỹ; điều đó giải thích tại sao nước Anh dù ở châu Âu nhưng bằng mọi giá vẫn cố bám chặt vào Mỹ và do đó bị người châu Âu coi là một nước xa lạ với cuộc sống chung của dân châu Âu.

Ở tầng thấp hơn ngay sau Mỹ là nhóm G8, rồi thấp hơn nữa là khối OECD... Cứ thế trên áp đặt xuống. Mô hình trật tự thế giới này diễn nôm nó cũng giống như mô hình ở các nước XHCN cũ: Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương, các Đảng bộ..., đảng viên và dân thường.

Một số bạn bè Tây của tôi vẫn bảo ở đây (Âu, Mỹ) làm gì có dân chủ. Được biểu tình, mít tinh thoải mái nhưng đừng đụng đến trật tự đang có. Chủ nói gì thợ răm rắp nghe nếu không muốn bị sa thải; trên nói gì dưới phải chấp hành.

Trong Blog này, đã có lần mình viết: Tôi vẫn nhớ mãi lời một anh bạn Tây nói cách đây 20 năm: "Chủ tư bản nuôi bạn giống y chang nuôi lợn, nếu bạn không muốn làm việc cho chúng thì chúng sẵn sàng nuôi bạn để bạn yên tâm chơi, đừng tham gia biểu tình hay phá hoại, và để yên cho bọn chúng làm giàu bằng công sức lao động quần quật của những con lợn muốn làm thuê cho chúng. Tuy nhiên tớ vẫn phải làm việc vì nếu tớ không làm việc thì con cháu tớ cũng lại bắt chước tớ và gia đình tớ sẽ không còn là một gia đình đúng nghĩa...".

Do vậy, trong thâm tâm mình vẫn yêu quý xã hội quê mùa ở nước ta thời trước, con người sống với nhau đúng là có nghĩa, có tình, xuất phát từ tâm; con cậy cha, già cậy con, tình làng nghĩa xóm, tắt lửa tối đèn có nhau, giúp đỡ, động viên nhau là chuyện hàng ngày; thật khác xa so với các nước tư bản phát triển, ở đó, nuôi con đủ 18 tuổi là bố mẹ hết trách nhiệm, để mặc con đối mặt với xã hội; do đó con cái không có nhiều tình cảm với bố mẹ và khi bố mẹ già thì cũng không có quyền cậy vào con cái mà phải trông cậy vào sự chăm sóc của xã hội. 


Nhìn xa hơn, mình thích cuộc sống ở Liên Xô và các nước XHCN ngày trước. Họ cũng nghèo, bị dân ta gọi là Nga ngố vì ta lừa họ quá dễ dàng... Nhưng họ ngố chỉ vì họ tốt bụng, tin người, yêu người và sẵn lòng chia sẻ vật chất, kiến thức với người khác. Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, sống ở các nước này, bạn có thể để đồ đạc, túi xách, xe đạp... ở ngoài đường, trước cửa hàng rồi vào mua hàng, nhưng không bao giờ mất. Sống ở những nước XHCN thời đó đó, mình mới hiểu thế nào là "bốn phương vô sản đều là anh em", "người nghèo là người tử tế". 

Lại nhớ những năm 60, 70 ở làng quê Việt Nam, có mấy nhà có cửa bảo vệ ? Chẳng có, chỉ có tấm mành mành che chắn cửa ra vào, nhưng có ai sợ mất trộm đâu dù trong nhà vẫn có những thứ mà người khác thèm muốn.

Lại nhớ những năm gần đây ở Lào (hiện giờ thì mình không rõ vì đã gần 5 năm nay không quay lại), ngay tại thủ đô Viêng Chăn gần khách sạn mình ở, có quầy hàng xén bán bánh kẹo, trái cây ven đường. Tối đến chủ hàng để nguyên hàng hóa như cũ, chỉ hạ tấm mành mành che trước gian hàng rồi về, sáng hôm sau đến kéo mành mành lên và lại bán hàng tiếp...

Theo mình, lịch sử phát triển hàng vạn năm nay của loài người là đúng: Chung sống hòa bình với thiên nhiên, cỏ cây, động vật; chỉ làm đủ để có cuộc sống tương đối thoải mái chứ không nhằm làm giầu; lao động để đem lại hạnh phúc chứ không phải để tích luỹ sự giàu có. Thiên chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo... đều dạy như thế. Các nhà hiền triết Đông Tây trước kia cũng khuyên răn thiên hạ như thế. Triết học xưa ở Việt Nam và Trung Quốc cũng xây dựng trên nền tảng như thế.

Còn lịch sử thế giới 300 năm nay (từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất bắt đầu năm 1733) là một giai đoạn quái thai: Con người nhờ không ngừng phát minh ra công nghệ mới đã và đang đua nhau hủy diệt thiên nhiên, tàn phá môi trường sống, tiêu diệt mọi cỏ cây động vật xung quanh chỉ vì một triết lý quái đản của chủ nghĩa tư bản: Làm giầu, làm giầu nữa và làm giầu mãi.

6 nhận xét:

  1. Một bài viết hay. Em cũng đã từng sống gần 2 năm ở nước Đức (1997-1999), nên rất tâm đắc những chia sẻ của bác. Xin được link bài này vào blog của em. Thân.

    Trả lờiXóa
  2. Thế mời Bác về CHXHCN Việt Nam mà sống hay sang Bắc Hàn để ở chứ sống ở tư bản làm gì. Con người sinh ra là để làm việc chứ không phải chỉ ăn với chơi. Bác sướng còn không biết đường sướng lại muốn quay đầu về chỗ chết. Xin thưa với Bác cái nước Việt Nam quê mùa ngày xưa của Bác là nhờ viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc nên mới thanh bình thế. Bây giờ thế hệ nhân dân Việt Nam phải có trách nhiệm trả nợ họ đấy. Làm gì có chuyện cho không ông để ông sống thanh bình mà hưởng thụ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bàn chuyện với người nặc danh khó lắm; hoặc đó là người không đứng đắn nên luôn tìm cách ném đá giấu tay, hoặc là người kém hiểu biết nên không tạo cho mình được một cái tên cho tử tế.
      Hy vọng còn trường hợp thứ 3, đó là trường hợp của bác.
      Nhưng tôi khuyên bác nên chọn một cái tên mà dùng. Nếu vẫn muốn là nặc danh thì bác đừng còm vào đây nữa.

      Mỗi người một cách sống, một cách nghĩ bác ạ.
      Tôi vẫn yêu quý cái xã hội quê mùa ở nước ta thời trước chứ không phải cuộc sống trong thời đại CHXHCN Việt Nam quá thất vọng hiện nay; nhưng kể cả được sống ở VN trong thời đại XHCN hiện nay tôi vẫn lựa chọn vì vẫn cảm thấy hạnh phúc hơn là phải làm một người dân hạng n ở một nước tư bản chủ nghĩa phát triển.
      Nhưng nhìn về tương lai xa, vì lo cho thế hệ con cháu cần học hành tử tế, nên chúng ta phải hy sinh đời mình, xây dựng tương lai cho đời con vậy.
      Đúng là nhờ có viện trợ của LX và TQ Việt Nam mới thống nhất được đất nước, viện trợ thời đó chủ yếu là cho quân đội chứ dân thường có được hưởng mấy; thậm chí họ còn hy sinh vô vàn thứ chỉ vì mục tiêu "tất cả cho tiền tuyến". Sau này tính toán trả nợ 2 nước đó có đáng kể gì, chỉ hơn 3 tỷ USD.
      Còn từ năm 1994, khi bắt đầu được vay nước ngoài trở lại sau 40 năm (1954-1994) cấm vận liên tục của Mỹ, nợ nước ngoài đã lên tới gần 50 tỷ USD (nợ chính phủ và nợ tư nhân). Hậu quả nhãn tiền của thời cả nước lao đầu vào làm giầu đấy. Mà trả nợ các nước TBCN chứ có phải cho LX, TQ đâu.

      Xóa
  3. Tôi ủng hộ cách nghĩ của bác Mai

    Trả lờiXóa
  4. Hình như viết còm bằng tên "Nặc danh" thì dễ gửi hơn nên được nhiều người chọn ?

    Trả lờiXóa