Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

“Không nên nôn nóng với tăng trưởng”

“Không nên nôn nóng với tăng trưởng”
(HQ Online)- Ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê trao đổi với báo giới về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2013.

Ông Đỗ Thức.
Tổng cục Thống kê nhận định gì về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2013?
Năm 2013, kinh tế diễn ra trong bối cảnh hết sức khó khăn. GDP trong 6 tháng đầu năm tăng 4,9%, CPI ở mức 2,4%, các cân đối cơ bản như tích lũy tiêu dùng, tăng trưởng và lạm phát, cán cân XNK đều cho thấy tình hình kinh tế xã hội tương đối tốt. Đang có nhiều nhận định trái chiều nhau về tình hình kinh tế nhưng Tổng cục Thống kê thấy kinh tế đã tốt dần lên.
Mục tiêu đề ra của Chính phủ là "Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng ở mức hợp lí", và mục tiêu ấy đã được hiện thực hóa trong 6 tháng đầu năm 2013.
Ông đánh giá thế nào về tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2013?
6 tháng đầu năm GDP tăng 4,9% trong khi mục tiêu đặt ra cho năm 2013 là tăng trưởng GDP đạt 5,5%. Như vậy 6 tháng cuối năm GDP phải đạt 6%. Đây là nhiệm vụ cực kì khó khăn. Tăng trưởng năm 2013 có thể đạt được 5,5% nếu Chính phủ tăng đầu tư, công nghiệp khai thác mạnh hơn... Chúng tôi dự đoán GDP năm nay tăng khoảng 5,1-5,2%.

Tổng cục Thống kê nhận định thế nào về CPI trong 6 tháng đầu năm 2013?
CPI không có nước nào như Việt Nam, giá cả thất thường. Có thời điểm lạm phát lên tới trên 18% khiến chúng ta rất sốt ruột. Lạm phát trong 6 tháng đầu năm không phải là thấp. 6 tháng đầu năm CPI tăng 2,4%. Mức tăng này không phải là thấp. Ngoài ra, những yếu tố khiến lạm phát tăng lên vẫn còn nhiều. Vì vậy chúng ta vẫn phải cảnh giác, không nên cho lạm phát "nóng" lên.
Điều đáng ghi nhận là việc điều hành giá cả của năm 2013 đã không còn tình trạng giật cục, việc tăng giá các mặt hàng đều có lộ trình rõ ràng và không có chuyện tăng vọt một cách đột biến nữa.
Vậy mức tăng trưởng 4,9% trong 6 tháng đầu năm và 5,2% của năm nay có là thấp không?
Theo tôi là không thấp.
2 năm nay tổng vốn đầu tư toàn xã hội/GDP giảm. Vốn đầu tư đang giảm từ mức trên 40% GDP xuống còn khoảng 30% GDP trong năm 2012 và có thể năm 2013 vốn đầu tư cũng chỉ ở mức 30% GDP. Tôi đã nói tại một số hội nghị, Việt Nam vẫn tăng trưởng dựa vào vốn và lao động. Cho nên nếu giảm đầu tư thì không thể có tăng trưởng. Indonesia hay Thái Lan tăng trưởng 6% song đầu tư của họ vẫn chiếm 35% GDP. Tổng vốn đầu tư của Việt Nam chiếm 30% GDP nhưng tăng trưởng vẫn đạt 4,9% là do các tài sản thời kì trước đang phát huy tác dụng. Nếu không đầu tư tiếp, thì những năm tiếp theo kinh tế sẽ khó có thể tăng trưởng mạnh hơn. Không thể kì vọng giảm đầu tư mà vẫn tăng trưởng nhanh. Ngoài nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, chúng ta có thể bằng các cơ chế chính sách để thúc đẩy nguồn vốn đầu tư từ người dân, của DN.
Tuy nhiên chúng ta cũng không nên sốt ruột với tăng trưởng. Nếu chúng ta sốt ruột mà dùng các giải pháp tiêu cực thì hiệu quả thấp, không thể giải quyết được những bất cập của nền kinh tế. Chúng ta không nên nôn nóng với tăng trưởng mà cần quan tâm đến những vấn đề lớn hơn. Chúng ta chưa cần phải kích thích tăng trưởng. Chúng ta phải thay đổi mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu nhưng đây là việc không thể một sớm một chiều mà phải cần một thời gian dài.

Xin cảm ơn ông!

Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì đà phục hồi và có những chuyển biến đáng kể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 6/2013 ước tăng 5,2%. Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm ước đạt 5,92%, cao hơn cùng kỳ năm trước (5,29%). Lãi suất giảm, cùng nhiều biện pháp miễn giảm thuế, giãn thuế,... đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao hơn kế hoạch đề ra, tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 62,1 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động nhập khẩu, nhất là nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ đầu tư  và sản xuất kinh doanh cải thiện đáng kể, kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 63,5 tỷ USD, tăng 17,4%. Như vậy, nhập siêu 6 tháng đầu năm khoảng 1,4 tỷ USD, bằng 2,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, đây là mức tăng thấp và có thể kiểm soát được.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã được cải thiện và bắt đầu tăng so với cùng kỳ trong những tháng gần đây: 4 tháng giảm 1,2%; 5 tháng tăng 4,8%; 6 tháng tăng 7,6%. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động cũng tăng dần qua từng tháng: 4 tháng khoảng 8,3 nghìn; 5 tháng khoảng 8,8 nghìn; 6 tháng khoảng 9,3 nghìn doanh nghiệp.
(Nguồn Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Lương Bằng (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét