Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

(3) Trang của mấy bà: Tin sai ai chịu trách nhiệm ?

Đăng thông tin thiếu kiểm chứng như webtretho, ai chịu trách nhiệm?
(GDVN) - Quyền viết thông tin là quyền của thành viên nhưng quyền đăng tải và phát tán thông tin đó ra xã hội thuộc phạm vi trách nhiệm của ban quản trị và những người đứng đầu mạng xã hội. Câu hỏi đặt ra nếu thông tin sai thì ai trong mạng xã hội và diễn đàn chịu trách nhiệm trước pháp luật?
Webtretho, Lamchame: Nỗi sợ hãi của các doanh nghiệp Việt
LTS: Thời gian gần đây có rất nhiều vụ việc thông tin đăng tải trên các diễn đàn hoặc mạng xã hội gây ra những xáo động trong xã hội. Cách đây không lâu, một cá nhân viết về người không tay, chân Nick Vujicic "đốt đền"để được nổi tiếng trên Facebook còn chưa nguôi thì mới đây, webtretho và lamchame đăng tải các thông tin bất lợi khiến không ít doanh nghiệp bức xúc. (xem chi tiết tại đây)
Bài viết dưới đây của tác giả Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Viện Quản lý Việt Nam dưới cái nhìn của một nhà quản lý, sẽ đề cập tới trách nhiệm xã hội trong truyền thông của các diễn đàn và mạng xã hội trong môi trường tại Việt Nam. Câu hỏi đặt ra đó là vai trò diễn đàn và mạng xã hội có ảnh hưởng như thế nào trong truyền thông xã hội?!


Thông tin thiếu kiểm chứng, ai chịu trách nhiệm?

Đầu tiên vai trò mạng xã hội/diễn đàn hay là báo mạng cần được xem xét cụ thể. Có rất nhiều ý kiến cho rằng mạng xã hội/diễn đàn không phải báo mạng và không bị chi phối bởi các nguyên tắc quản lý truyền thông như thông tin cần được truyền tải khách quan, chính xác và không vụ lợi. Chúng ta hãy xét bản chất của mạng xã hội hay diễn đàn đó chính là một công cụ truyền tải thông tin tới cộng đồng hoàn toàn như báo mạng. 

Rõ ràng nhìn vào bản chất, việc mạng xã hội/diễn đàn cần phải tuân thủ những nguyên tắc quản lý truyền thông hoàn toàn tương tự như những tờ báo để tạo một sân chơi công bằng. Hoàn toàn không bình đẳng khi một phóng viên viết một bài báo và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm pháp lý về bài báo đó trong khi một thành viên viết một bài mang tính chất không khách quan nhưng có số lượng người đọc tương đương thậm chí hơn, lại không chịu ràng buộc về pháp lý và các nguyên tắc của nghề nghiệp.

Webtretho đăng nhiều thông tin bêu xấu doanh nghiệp nhưng thiếu  bằng chứng cụ thể (Ảnh chụp màn hình).

Cũng hoàn toàn không bình đẳng khi tất cả các tờ báo đều phải bồi thường hoặc xin lỗi các cá nhân hoặc tổ chức nếu như có những thông tin không chính xác. Như vậy đây chính là những điểm thiếu của mạng xã hội/diễn đàn tại Việt Nam khi chưa có những điều luật quản lý truyền thông được ban hành và thực hiện nhằm tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho mạng xã  hội/diễn đàn, thành viên và người đọc. 

Vấn đề tiếp theo  đó là mạng xã hội/diễn đàn có trách nhiệm liên đới khi một thành viên đăng tải những thông tin sai lạc hay không? Ở đây có rất nhiều mạng xã hội và diễn đàn bao biện rằng các thông tin đó do thành viên viết ra với nhau và không ảnh hưởng tới xã hội. 


Một lưu ý rất quan trọng đó là nếu mạng xã  hội/diễn đàn thiết lập chế độ bảo vệ chỉ có các thành viên xem được các thông tin thì câu nói đó là đúng. Trong trường hợp mạng xã hội mở ra cho toàn bộ người đọc tiếp cận, mạng xã hội/diễn đàn cũng phải có trách nhiệm liên đới về các thông tin cung cấp.

Quyền viết thông tin là quyền của thành viên nhưng quyền đăng tải và phát tán thông tin đó ra xã hội thuộc phạm vi trách nhiệm của ban quản trị và những người đứng đầu mạng xã hội. Chúng ta có thể thấy hoàn toàn tương tự khi một phóng viên đăng tải thông tin sai thì tổng biên tập sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Câu hỏi đặt ra nếu thông tin sai thì ai trong mạng xã hội và diễn đàn chịu trách nhiệm trước pháp luật?
Các mạng xã hội/diễn đàn thường đưa ra lý do khó quản lý các thành viên. Thực sự đó chính là sự lẩn tránh trách nhiệm về tính pháp lý. Các diễn đàn/mạng xã hội hoàn toàn có thể yêu  cầu các thành viên cung cấp các thông tin về nhân thân và dựa trên đó quản lý trách nhiệm các  thông tin truyền tải. Chính vì kẽ hở không ràng buộc pháp lý – tình trạng nhân thân với các  thông tin tuyên truyền trên mạng xã hội/diễn đàn đã tạo điều kiện cho các thành viên truyền tải các thông tin sai lạch không kiểm chứng. Một lần nữa vấn đề hành lang pháp lý cho mạng xã hội/ diễn đàn cần được mổ xẻ và triển khai nghiêm túc.
Một công ty hay tổ chức kinh doanh muốn phát triển bền vững cần phải mang giá trị tới tất cả những bên liên quan – stake holder. Mạng xã hội/ diễn đàn tự thân trong tên gọi của nó đã  phản ánh bên liên quan- stake holder lớn nhất đó chính là xã hội.
Bản thân các cá nhân đứng đầu các mạng xã hội và diễn đàn cần thấu hiểu giá trị mang tới  cho xã hội – thông tin chính xác, chân thực không vụ lợi là giá trị lớn nhất và bền vững nhất của mọi hoạt động. Vi phạm qui tắc đơn giản đó sẽ mang lại những giá trị ngắn hạn trên tổn thất của những giá trị dài hạn.
Chúng ta cũng cần phải nhanh chóng luật hóa các hoạt động của mạng xã hội/diễn đàn để tạo môi trường pháp lý hoàn chỉnh giữa báo giấy/báo mạng/mạng xã hội và diễn đàn. Một xã hội văn minh, dân chủ là xã hội mọi người có quyền phát biểu ý kiến và phải chịu trách nhiệm cá nhân về những thông tin của mình. 
Vũ Tuấn Anh, Viện Quản lý Việt Nam



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét