Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

Thất nghiệp giảm, sao kinh tế lại buồn

Thất nghiệp giảm, sao kinh tế lại buồn

Thông thường, ở nhiều nước trên thế giới, chỉ tiêu tỷ lệ thất nghiệp được dùng để đánh giá tình hình sức khỏe của nền kinh tế. Tỷ lệ này thấp tức là nền kinh tế đang khỏe, đang tạo ra nhiều công ăn việc làm. Trong khi đó, câu chuyện ở Việt Nam lại không như vậy.
"Một năm kinh tế buồn"
Có lẽ những người hâm mộ chương trình Táo quân 2013 của Đài Truyền hình Việt Nam chưa quên bài hát cải biên "Hoang mang Style", ở đây chỉ xin trích lại vài câu để cho thấy cái nhìn của các nghệ sĩ về một năm kinh tế buồn ra sao.
Một năm kinh tế buồn. Tiền tiền tiền tiền tiền
Doanh nhân buồn. Tiền tiền tiền tiền tiền
Khắp nơi năm qua bao nhiêu công ty kinh doanh cùng chết sạch
Loay hoay đi vay nhưng không ai cho. Anh em xin vay thì cũng mặc
Hàng tồn hàng thừa không ai mua, không có tiền để mà rồi đáo hạn
Bất động sản thì ngày nào chết nặng.
Thực vậy, nhận định chung của người dân, doanh nghiệp lẫn các chuyên gia về năm 2012 đúng là một năm kinh tế buồn. Theo báo cáo thường niên doanh nghiệp 2012 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, số lượng doanh nghiệp phá sản trong năm 2012 đạt đến mức kỷ lục với 58.128 doanh nghiệp. Tính đến ngày 1-4-2012, Việt Nam chỉ còn 312.600 doanh nghiệp đang hoạt động trong tổng số trên 694.000 doanh nghiệp thành lập kể từ khi có Luật Doanh nghiệp.

Không chỉ có số lượng doanh nghiệp ngày càng ít đi mà quy mô doanh nghiệp cũng bị thu hẹp đáng kể. Cụ thể là số lao động bình quân trong một doanh nghiệp của năm 2002 là 74 người, đến năm 2011 chỉ còn 34 người. Số liệu của năm 2012 không thấy được đề cập, nhưng có lẽ cũng không khá hơn do sự khó khăn chung của nền kinh tế.
kinh tế,  luật Doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê, châu Âu
Người tìm việc ở sàn giao dịch việc làm
Trước một thực trạng như vậy thì Tổng cục Thống kê lại đưa ra một kết quả điều tra về lao động và việc làm với những con số đẹp như trong mơ.
Những con số không biết nói
Kết quả điều tra lao động việc làm quý IV-2012, được Tổng cục Thống kê công bố hồi cuối tháng 4 vừa qua, cho thấy tính đến thời điểm 1-1-2013, cả nước có 52,79 triệu người thuộc lực lượng lao động. Trong số này có đến 51,93 triệu người có việc làm và chỉ có 857,4 ngàn người thất nghiệp.
So với cùng thời điểm của một năm trước đó, số lao động có việc làm tăng 246 ngàn người, chủ yếu tập trung ở nam giới và ở khu vực thành thị, đồng thời xấp xỉ số người mới tham gia lực lượng lao động trong năm (250 ngàn người).
Như vậy số người thất nghiệp tăng thêm trong năm 2012 chỉ có 4.300 người, đạt tỷ lệ "như mơ" là 1,81%.
Chưa hết, một điểm đáng chú ý khác trong báo cáo, là ở Việt Nam tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị lại cao hơn nông thôn, trong đó tỷ lệ thất nghiệp ở TP.HCM là cao nhất, trên 3% tính ở thời điểm đầu năm 2013.
Trong khi đó, tại một cuộc hội nghị khác vào đầu năm 2013, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho biết tỷ lệ thất nghiệp của nước ta tính đến cuối năm 2012 là 1,99%. Đối với các nhà điều hành kinh tế, đây là điểm sáng trong bức tranh kinh tế u ám của năm ngoái, và điểm sáng này càng sáng hơn khi mà tỷ lệ thất nghiệp liên tục giảm trong các năm gần đây: năm 2010 là 2,8%, năm 2011 là 2,22% và năm 2012 còn chưa đầy 2%.
Thế nhưng, theo số liệu của Chính phủ báo cáo với Quốc hội, được nhiều chuyên gia trích dẫn trong các cuộc họp thì tỷ lệ thất nghiệp của năm 2012 là 3,25%, còn số lượng lao động được giải quyết việc làm là 1,52 triệu người. Cả hai con số này đều được Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa xác nhận là đáng tin cậy.
Vậy thì, tại sao các con số quan trọng này lại chênh nhau đến như vậy? Đây là câu hỏi cần được trả lời một cách nghiêm túc.
Vài con số so sánh
Phải nói ngay rằng, tỷ lệ thất nghiệp 1,81% như của Tổng cục Thống kê công bố, hay 3,25% như của Chính phủ báo cáo, đều là những là con số đáng mơước của rất nhiều quốc gia, nhất là các nước đang gặp khủng hoảng ở châu Âu và cả nước Mỹ.
Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, tính đến cuối tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã xuống đến mức thấp nhất trong vòng bốn năm qua, đạt 7,5%. Với kết quả này, các nhà kinh tế Mỹ vẫn cho rằng đây là một dấu hiệu khả quan về sự hồi phục tăng trưởng của kinh tế Mỹ.
Còn ở châu Âu, kinh tế Đức được xem vững chãi nhất trong khu vực đồng tiền chung châu Âu, nhưng tỷ lệ thất nghiệp cũng hơn 7%. Cụ thể, theo Cơ quan lao động liên bang, tỷ lệ thất nghiệp tại Đức trong tháng 4-2013 đã giảm xuống còn 7,1%, đưa tổng số người thất nghiệp xuống còn 3,02 triệu người (giảm 77.500 người).
Nhìn sang các quốc gia châu Âu khác đang bị chìm trong cơn khủng hoảng kinh tế thì tỷ lệ thất nghiệp còn cao hơn rất nhiều. Chẳng hạn, tại Tây Ban Nha, tính đến cuối tháng 3-2013 có hơn 5 triệu người thất nghiệp, tương đương tỷ lệ 27%. Tương tự, ở Hy Lạp là 27,2%, Ý 11,5%, Bồ Đào Nha 17,6%.
Quả thực, nếu chỉ nhìn vào con số thất nghiệp để đánh giá sức khỏe nền kinh tế, như các nước vẫn làm, thì Việt Nam chắc chắn là một hình mẫu kinh tế thành công của khu vực và thế giới. Nhưng thực tế, đây lại là những con số không biết nói bởi vì như đã nói ở đầu bài, năm 2012 là năm cực kỳ khó khăn của nền kinh tế Việt Nam. Trong báo cáo về tình hình kinh tế xã hội năm 2012, Chính phủ cũng đã thừa nhận: "Kinh tế vĩ mô chưa vững chắc. Lạm phát vẫn có nguy cơ tăng trở lại. Nợ xấu gia tăng, xử lý còn chậm và còn nhiều khó khăn. Lãi suất tín dụng còn cao so với hiệu quả sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, khó tiếp cận được nguồn vốn, tồn kho lớn. Số lượng doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động còn nhiều. Thị trường bất động sản đình trệ, chưa có khả năng phục hồi sớm, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả thấp, vi phạm pháp luật, gây thất thoát lớn tài sản nhà nước". Với thực trạng kinh tế như trên mà cả nước chỉ có chưa đến 1 triệu người thất nghiệp thì quả thật là khó hiểu.
Số sai, kinh tế sẽ lệch hướng
Nói đến con số việc làm mới được tạo ra trong năm hay tỷ lệ thất nghiệp, rất nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định là họ không tin.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, đã từng phát biểu với báo giới rằng các số liệu về tiền lương, tạo việc làm mới, thất nghiệp đều có vấn đề. Theo ông, trong khi tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ vốn đầu tư/GDP đều giảm so với năm trước, số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm dừng hoạt động hay phá sản lại tăng mà con số việc làm mới không hề bịảnh hưởng, thậm chí còn tăng và tỷ lệ thất nghiệp lại giảm là điều không thể hiểu.
Đại biểu Trần Du Lịch cũng không ít lần thẳng thắn nói rằng ông không tin năm nào nền kinh tế cũng giải quyết được khoảng 1,5-1,6 triệu việc làm. Theo ông, Chính phủ phải có các công cụ kỹ thuật để tính chính xác số lao động được tạo việc làm mới trong năm, "còn nếu kinh tế cỡ nào cũng giải quyết việc làm cỡ 1,5-1,6 triệu thì Quốc hội quyết làm gì chỉ tiêu này".
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng chia sẻ với quan điểm này. Trong bản tin Kinh tế vĩ mô phát hành hồi giữa tháng 3-2013, cơ quan này cho rằng đang có một sự vận động trái chiều, nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia phân tích, đó là trong khi nền kinh tế được đánh giá là suy giảm, nhưng tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm và thu nhập, tiền lương vẫn được "cải thiện nhẹ" là điều "khó lý giải trong bối cảnh khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn".
Nói như chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, số liệu thống kê lao động và việc làm tại Việt Nam lâu nay tồn tại quá nhiều bất cập, cả về tính chính xác lẫn ý nghĩa đối với nền kinh tế. "Chỉ tiêu tạo việc làm mới vẫn đều đặn được báo cáo là hơn một triệu mỗi năm, nhưng để chỉ ra được những việc làm đó ở đâu thì rất khó", ông Doanh nói.
Một khi những số liệu quan trọng của nền kinh tế chưa được tính toán một cách chính xác, chưa đủ sức tạo niềm tin cho thị trường, thì khả năng chính sách bị lệch hướng là điều khó tránh.
Quỳnh Như/Theo DNSGCT

2 nhận xét:

  1. Thưa bác, nếu dựa trên các số liệu này để nhận xét thì cháu chỉ có thể nhận xét một điều duy nhất là các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng lao động vào để...ngồi chơi, và do đó không tạo ra hiệu quả sản xuất kinh doanh và gia tăng thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn nhận xét của bạn. Thực ra chỉ có ở DNNN thì mới có tình trạng tuyển dụng lao động vào để...ngồi chơi, nhưng chắc bây giờ không nhiều như trước.
    Chuyện kinh tế giảm, số liệu thất nghiệp lại giảm có nhiều vấn đề. Tôi chỉ gợi vài ý sau:
    - Thông thường (đường cong philip) tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm thì tỷ lệ thất nghiệp tăng; nhưng ở ta thì khác vì có vấn đề dân số, lao động. Các nước tư bản dân số tăng rất chậm, lực lượng lao động hầu như không tăng, có khi giảm (do người già ngày càng nhiều) nên có quan hệ trên (dù nhiều khi cũng không có). Nhưng ở ta, trước tăng trưởng GDP 7%, số người muốn lao động tăng 3%/năm nên thất nghiệp 4% (ví dụ tỷ lệ như vậy); giờ tăng trưởng GDP 5,5%, nguồn lao động tăng chỉ 1%; như vậy tăng trưởng nguồn lao động quá chậm so với tăng trưởng kinh tế, dẫn tới dù tăng trưởng kinh tế chậm hơn, nhưng tỷ lệ thất nghiệp lại giảm.
    - Về phương pháp, cách đo của ta và tây có nhiều điểm khác nhau. Về cách điều tra lấy số liệu của ta thì rất tệ. Bạn nên tìm hiểu, tôi có viết đâu đó trong blog này.
    - Thực tế nữa là VN hầu như không có chế độ cho người già, cho người thất nghiệp. Nếu thất nghiệp thì ai cũng phải cố tìm việc mà làm, dù là trái ngành nghề hay lương quá thấp; kinh tế càng khó khăn họ càng phải cố tìm việc, dù là việc tạm thời, chỉ 1 tuần chẳng hạn. Nếu trong năm chỉ làm việc 1 tuần thì thống kê coi như họ không phải đối tượng thất nghiệp. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, ai cũng phải tìm việc, trong khi nếu kinh tế tăng trưởng nhanh thì trong nhà chỉ cần 1 người đi làm là đủ.
    Ở Tây, họ đăng ký thất nghiệp, ăn lương thất nghiệp, chờ có việc đúng chuyên môn, lương đủ hấp dẫn, việc ổn định lâu dài... thì mới đi; còn không thì cứ ở nhà ăn trợ cấp thất nghiệp. Hết trợ cấp này thì ăn trợ cấp xã hội, vẫn đủ sống.
    Vài dòng vậy thôi. Bạn thông cảm nhé vì tôi đang bận

    Trả lờiXóa