Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

Chia tay Nick, bạn trẻ bỏ lại một "chiến trường" rác

Chia tay Nick, bạn trẻ bỏ lại một "chiến trường" rác
TTO - Xuất hiện tại sân vận động Thống Nhất (Q.10, TP.HCM) trong buổi diễn thuyết cuối tại Việt Nam vào tối qua 25-5, Nick thốt lên: "Ôi, đây là đám đông lớn nhất lắng nghe bài nói chuyện của tôi tại Việt Nam. 55.000 người!".
Không biết Nick có hay một phần của đám đông ấy đã khiến khán đài sân vận động đầy rác sau khi chương trình kết thúc.
Trước khi chương trình bắt đầu, các mặt của sân vận động đã vương vãi rác mà "tác giả" là một phần của những đám đông lớn rồng rắn xếp hàng vào cổng. Khán đài sân vận động gần như được lấp kín hoàn toàn bởi những gương mặt rất trẻ trung, phần lớn là học sinh sinh viên. Vì ngồi trên bậc thềm xi măng nên nhiều bạn trẻ đã dùng giấy, áo mưa... lót ngồi. Thời gian diễn ra chương trình cũng là lúc "đội quân" bán bánh mì, nước giải khát di chuyển liên tục giữa các hàng khán giả để "tác nghiệp".

"Có lẽ những người để rác lại đã nghĩ rằng một cái ly nhựa, một tờ giấy vứt lại chẳng là gì so với một sân vận động rộng lớn. Thật đáng buồn là có lẽ đã có hàng ngàn người nghĩ như vậy. Càng đáng buồn hơn khi đây là một chương trình dành cho học sinh sinh viên - những đối tượng luôn được cho là yêu môi trường nhất. Họ ra về với những niềm tin và hi vọng mới nhận được từ Nick, nhưng rất tiếc là ý thức thì rơi rớt lại dưới chân họ" - Một sinh viên tham gia nhiều hoạt động môi trường chia sẻ sau đêm giao lưu với Nick tại sân vận động Thống Nhất (Q.10, TP.HCM).
Chương trình kết thúc, dòng người ùn ùn ra về, để lại một chiến trường rác với giấy lót, giấy gói thức ăn, ly nhựa, vỏ chai nước, vé... la liệt trên sân. Một vài bạn trẻ nhanh chóng xuất hiện với túi nilông lớn trên tay và bắt đầu nhặt rác. Với lượng rác lớn như thế, tại một sân vận động như thế, liệu sẽ cần bao nhiêu người nhặt trong thời gian bao lâu để trả lại hiện trạng ban đầu?
Buổi sáng cùng ngày, Nick có cuộc nói chuyện với khoảng 4.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có nhiều bạn khuyết tật, tại Nhà thi đấu Quân khu 7 (Q.Tân Bình, TP.HCM). Khán giả được ngồi trên những chiếc ghế nhựa đẹp, trong không gian mát rượi của nhà thi đấu khang trang, riêng các em bé được ban tổ chức tặng các hộp sữa giấy. Ngồi sau lưng tôi là một nhóm bạn nhỏ đến từ một mái ấm. Người phụ trách các em nhắc: "Các con uống sữa, uống nước xong nhớ cho hết vỏ hộp, vỏ chai vào túi nilông lớn này rồi lát mang đi bỏ nhé. Không được xả rác đâu!".
Sau khi chương trình kết thúc, tôi thấy các em mang túi rác rời khỏi nhà thi đấu. Có lẽ điều này được thực hiện ở nhiều nhóm bạn nhỏ khác nên sau khi chương trình kết thúc, nhà thi đấu không bị "trang trí" bởi biển rác.
Quay lại chuyện ở sân vận động Thống Nhất (Q.10, TP.HCM). "Tác giả" của số rác để lại nơi đây đêm qua là người trẻ - đối tượng luôn là "trung tâm" của nhiều chiến dịch môi trường lớn bởi họ được tin cậy là tác nhân chính tạo ra sự thay đổi trong nhận thức bảo vệ môi trường của cộng đồng. Người trẻ cũng là lực lượng nòng cốt tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường. Vậy phải hiểu thế nào về những bãi rác mà người trẻ để lại sau những sự kiện lớn nhỏ? Phải chăng công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường chỉ mới dừng ở bề nổi? Phải chăng những người trẻ biết bảo vệ môi trường từ chuyện cỏn con là rác của mình thì mình xử lý vẫn là thiểu số? Phải chăng lúc nào cũng cần có người nhắc nhở thì người trẻ mới bớt xả rác?
Trong các bài thuyết trình tại Việt Nam, không dưới ba lần Nick chia sẻ thông điệp: "Người Việt Nam hãy giúp người Việt Nam để xây dựng một cộng đồng, một cuộc sống tốt đẹp hơn nữa". Thông điệp ấy cũng được anh chia sẻ tại sân vận động Thống Nhất đêm qua. Chưa vội nói đến những điều to tát xa xôi, sự giúp đỡ, sẻ chia, đồng cảm ấy đôi khi bắt đầu bằng việc hết sức nhỏ: không xả rác để nhân viên vệ sinh, để ban tổ chức bớt vất vả sau chương trình.
Nói về việc xả rác, từng có vài ý kiến đổ lỗi cho việc thiếu thùng rác, ban tổ chức... thiếu nhắc nhở, thiếu người giám sát... Song rõ ràng xung quanh sân vận động vẫn có nhiều thùng rác. Và giả sử không tìm ra thùng rác vì lý do nào đó, việc cho rác của mình vào túi xách, balô hay thậm chí cầm trên tay để đi tìm nơi bỏ liệu có quá cực nhọc, quá khó khăn?
Chuyện rác la liệt sau những sự kiện lớn là chuyện rất quen thuộc. Nhưng có ổn không khi chúng ta quen với những "sự thật xấu xí" ấy? Có đáng trăn trở không khi tác giả của những "sự thật xấu xí" ấy là những người rất trẻ? 
TRUNG UYÊN



1 nhận xét:

  1. Hàng ngàn thanh niên, sinh viên là trụ cột của đất nước sau này lại thua các trẻ em khuyết tật cũng đến nghe Nick

    Trả lờiXóa