Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

Lấy tin cá chết mà thấp thỏm như tội phạm…

Lấy tin cá chết mà thấp thỏm như tội phạm…
Trong một xã hội, người đi lấy tin mà thấp thỏm như tội phạm như vậy thì xã hội ấy không thể phát triển lành mạnh được. Chẳng hay ho gì điều này đâu thưa các vị. Nghe giang hồ đồn thổi là 29/6 này chính quyền sẽ công bố nguyên nhân cá chết. Có lẽ đây chính là lý do mà báo chí Việt Nam mới dám bắt đầu nói về cái phóng sự về thảm họa cá chết của đài truyền hình Taiwan PTS. Tuy nhiên, nội dung những cuộc biểu tình bị đàn áp ở Việt Nam thì không được nhắc đến.
Tranh biếm họa “Cá chết” của họa sĩ Cận.
Qua đây chúng ta thấy hạn chế của báo chí Việt Nam đến đâu. Tôi hay được bạn bè báo chí nước ngoài hỏi ý kiến trước khi làm chương trình ở Việt Nam. Dẫu biết Việt Nam là nước cộng sản nhưng họ vẫn luôn ngạc nhiên trước việc kiểm soát thông tin quá ngặt của chính quyền.

Nếu các vị lãnh đạo ở Việt Nam thực sự muốn đất nước phát triển thì nên cho báo chí tự do. Khi có tự do báo chí, thông tin được sáng tỏ thì giống như ánh sáng được soi rọi vào những vùng bệnh tật, và kháng sinh mới biết chỗ mà tấn công ổ vi trùng.

Khi chính quyền chọn giải pháp bưng bít thông tin, ấy là hạ sách, thể hiện sự yếu kém về năng lực quản lý, điều hành đất nước. Việc bắt dân chúng phải im lặng, báo chí phải nói theo ý của mình đòi hỏi một lực lượng và đấy chính là một sự lãng phí nhân lực không cần thiết. Thay vì kiềm chế tới mức vô lý thì chính quyền nên tự nâng cao năng lực để thích nghi với sự phát triển của xã hội.

Để làm được điều này, thay vì vơ đũa cả nắm, tất cả những người cất tiếng phản đối, họ nên dùng nghiệp vụ phân tách ra những đối tượng chống đối vì mục đích chính trị và để người dân nói lên tiếng nói, tâm tư nguyện vọng chính đáng của mình. Tư duy phản biện là điều cần thiết để thế hệ trẻ phát triển tư duy, có ý thức làm chủ xã hội, như vậy năng lực điều hành đất nước của thế hệ lãnh đạo tương lai mới tốt lên được.

Tôi cảm thấy rõ sự loay hoay của chính quyền Việt Nam. Một vấn đề như thảm hoạ cá chết thì trước sau gì cũng phải nói ra thông tin, vậy tại sao không thể hành xử, ứng phó, xử lý khủng hoảng sao cho đẹp lòng dân? Các vị cứ phí năng lượng vào việc bưng bít thông tin. Điều này lộ rõ sự kì cục khi báo chí nước ngoài làm phóng sự.

Khi tự đi lấy thông tin ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, tôi như một kẻ ăn trộm, hỏi chuyện người dân mà nơm nớp mắt trước mắt sau xem có ánh mắt nào đang soi mình không. Toàn phải kéo người dân vào trong ô tô, hay đi vào trong nhà phỏng vấn cho an toàn. Ấy thế mà vẫn bị túm ngồi mấy tiếng trong đồn biên phòng, lực lượng công an xã, huyện cũng kéo tới hạch sách. Sau thì họ bảo có “người dân” gọi điện bảo phóng viên đang phỏng vấn về cá chết nên họ mới biết mà kéo tới. Thú thực là trong lòng cũng lo lắng vì nghĩ tới 2 bạn đi lấy tin bị bắt giữ 6 ngày, bị VTV đưa tin là đi tuyên truyền nọ kia. Tôi phải nói dối là mình đi chơi, nhân tiện thì hỏi thăm bà con về cá thôi.

Trong một xã hội, người đi lấy tin mà thấp thỏm như tội phạm như vậy thì xã hội ấy không thể phát triển lành mạnh được. Chẳng hay ho gì điều này đâu thưa các vị.

© FB Chau Doan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét