Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016

'Tôi cảm nhận ở Thủ tướng sự thật lòng'

'Tôi cảm nhận ở Thủ tướng sự thật lòng'
Bình luận về các tân chính sách này và cảm nhận về tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, từ Hà Nội hôm 01/5/2016, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, cựu cố vấn Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thời các ông Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, nói: "Tôi thì tôi cảm nhận được ở ông ấy sự thật lòng, chứ còn chuyện lấy phiếu, thì thực ra bản thân người dân Việt Nam cũng có quyền bao nhiêu đâu về chuyện quyết định chọn người lãnh đạo cho mình. "Phiếu đó là phiếu của đảng, trước hết là qua đại hội đảng vừa rồi, thì đã bỏ phiếu cho ông ấy rồi".
Chuyên gia kinh tế nói bà có cảm giác tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 'chân thành' khi nêu ra những thay đổi, cải cách mới.

Tân Thủ tướng của chính phủ Việt Nam vừa có các cuộc đối thoại và công bố một số đổi mới, cách tân về chính sách với các giới doanh nghiệp, doanh nhân, công nhân, người lao động ở Việt Nam được cho là khá 'tích cực, cởi mở và tiến bộ'.

Trong các cuộc tiếp xúc, đối thoại tuần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hứa sẽ coi các doanh nghiệp tư nhân là 'động lực' của nền kinh tế, coi trọng các quyền tài sản, quyền kinh doanh của doanh nghiệp, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, hành chính, coi chính phủ là cơ quan phục vụ dân hơn là cơ quan chế tài, quản lý v.v...

Đối với người lao động, tầng lớp công nhân, qua một cuộc trao đổi, tiếp xúc trực tiếp khác, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ nâng cao, cải thiện môi trường làm việc, môi trường sống, đảm bảo các quyền lợi của người lao động, từ bữa ăn, chế độ làm việc, đào tạo, giải trí, cho tới bảo hiểm y tế, xã hội và chế độ học hành, nhà trẻ cho con em công nhân v.v...

Tôi cảm nhận được ở ông ấy một sự chân thành, một mối lo thực sự đối với thách thức của nền kinh tế, thách thức của doanh nghiệp - Bà Phạm Chi Lan

Bình luận về các tân chính sách này và cảm nhận về tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, từ Hà Nội hôm 01/5/2016, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, cựu cố vấn Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thời các ông Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, nói:

"Tôi thì tôi cảm nhận được ở ông ấy sự thật lòng, chứ còn chuyện lấy phiếu, thì thực ra bản thân người dân Việt Nam cũng có quyền bao nhiêu đâu về chuyện quyết định chọn người lãnh đạo cho mình.

"Phiếu đó là phiếu của đảng, trước hết là qua đại hội đảng vừa rồi, thì đã bỏ phiếu cho ông ấy rồi, Quốc hội thì người ta cũng đã bỏ phiếu cho ông ấy rồi và chắc Quốc hội tới đây sẽ tiếp tục bỏ phiếu cho ông ấy thôi, một khi ông đã được bầu trong thời gian vừa qua, thì sau ba tháng, Quốc hội mới kia cũng sẽ bầu như là Quốc hội khóa 13 đã bầu thôi.

'Cảm nhận sự chân thành'

Nguyên Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói với BBC:

"Thế nhưng tôi nghĩ ít nhiều ở ông ấy, tôi có được một số sự cảm nhận, cũng có thể là cảm tính thôi, bởi vì mọi thứ phải có thước đo, phải có một thời gian để trải nghiệm, nhưng tôi cảm nhận được ở ông ấy một sự chân thành, một mối lo thực sự đối với thách thức của nền kinh tế, thách thức của doanh nghiệp.

"Tôi nhớ là ngay trong cuộc họp đầu tiên mà ông họp Chính phủ, với tư cách là Thủ tướng, thì ông đã nêu vấn đề là doanh nghiệp đang khó khăn lắm, và sức cạnh tranh của doanh nghiệp đang bị suy kiệt đi, đấy phải là một trong những việc phải quan tâm đầu tiên của Chính phủ mới.

"Thế và sau đó, tất cả những thực hiện của ông, tôi nghĩ là được. Thế rồi phản ứng của ông trước những việc, ví dụ như vụ quán café 'Xin chào', thì tôi cho đấy cũng là một phản ứng kịp thời.

Ông (Nguyễn Xuân Phúc) đứng về phía người dân, bảo vệ người dân, thì cái đó là tốt - Bà Phạm Chi Lan

"Nó cũng thể hiện lên được một điều, ít nhất nếu như là một thông điệp về mặt xã hội họ hoan nghênh, thì ở cái chỗ họ thấy là ở đây là người đứng đầu của Chính phủ tỏ rõ thái độ của mình là không bỏ qua số phận của người dân, của một doanh nghiệp rất nhỏ thuộc về loại doanh nghiệp quy mô quá nhỏ ở Việt Nam, nhưng mà cũng quan tâm.

"Và sẵn sàng kể cả yêu cầu những lực lượng mà xưa nay ở bên Tư pháp mà thường doanh nghiệp hay người dân Việt Nam rất e ngại, khi gặp công an hay kiểm sát, tòa án, cũng vẫn sẵn sàng ông ấy (Thủ tướng) yêu cầu là phải có một thái độ sòng phẳng, đúng với người dân.

"Tức là ông đứng về phía người dân, bảo vệ người dân, thì cái đó là tốt.

"Hay là đối với vụ cá chết hiện nay, tất nhiên đến bây giờ chưa kết luận được là ai, nhưng mà ông cũng đã đưa được rõ thông điệp là phải khẩn trương điều tra và nếu mà nếu tìm ra bất cứ ai, thì cũng sẽ phải trừng trị nghiêm khắc.

"Thì những lời đó, tôi nghĩ là những thông điệp ông đưa ra ban đầu thế là được," bà Phạm Chi Lan nói với BBC sau khi cũng đã nhấn mạnh thêm rằng nhân dân, người lao động và cộng đồng doanh nghiệp bao giờ cũng nhìn vào các hành động cụ thể sau các lời hứa, phát ngôn của giới lãnh đạo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) mới kế nhiệm ông Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp cuối cùng của Quốc hội VN khóa 13.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/05/160501_phamchilan_on_pm_nguyenxuanphuc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét