Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

Khởi nghiệp thế nào với cái bụng đói?

Khởi nghiệp thế nào với cái bụng đói?
Chính Phong - (TBKTSG Online) - Trong một cuộc gặp mặt cộng đồng khởi nghiệp cách đây ba năm, bàn đến hệ sinh thái khởi nghiệp, mọi người rất hào hứng nói về từng thành tố của hệ sinh thái. Khi nói đến thành tố “chính phủ”, những người tham dự khựng lại. Phá tan không khí im lặng là ba từ tiếng Việt lơ lớ phát ra từ miệng một người ngoại quốc “không có gì”. Đó là câu chuyện kể của bà Thạch Lê Anh, chủ nhiệm Đề án Vietnam Silicon Valley (thuộc bộ Khoa học và Công nghệ).
Các bạn sinh viên thuyết trình trong một cuộc thi khởi nghiệp. Ảnh: Chính Phong
Sau ba năm, mọi chuyện đã khác, khi Chính phủ quyết tâm “đưa năm 2016 là năm khởi nghiệp của mọi thành phần, tầng lớp nhân dân” (theo lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4), những cụm từ như “quốc gia khởi nghiệp”, “hệ sinh thái khởi nghiệp”… trở thành những từ khóa “hot”. Có cả một đề án về sàn giao dịch chứng khoán đặc biệt dành cho các công ty khởi nghiệp đang được triển khai.
Thế nhưng, cho đến nay, "thành tố" Chính phủ cũng mới chỉ dừng lại ở sự cam kết, quyết tâm.

Không hẹn mà gặp, ngày 11-5-2016 có đến ba sự kiện liên quan đến khởi nghiệp ít nhiều có gắn đến chính phủ diễn ra tại TPHCM, gồm: Hội thảo “Đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo và công nghệ tại Việt Nam 2016” do Cục công tác phía nam Bộ KH&CN và Đề án Vietnam Silicon Valley phối hợp tổ chức; Hội thảo phát động cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp Startup Wheel với chủ đề “Khởi nghiệp: Điền vào chỗ trống” do Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tổ chức tại trường Đại học Tôn Đức Thắng; và Hội thảo “Ươm mầm doanh nghiệp” do Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ - Thành đoàn TPHCM phối hợp với Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao - Khu Nông nghiệp công nghệ cao tổ chức.

Rất nhiều kêu gọi, đáp từ, vận động, hứa hẹn, khí thế, hào hứng trong các sự kiện trên, nhưng đến phần thảo luận, câu chuyện vẫn loay hoay xem ra chưa có lối thoát. Những người đã thành công coi tiền bạc là phương tiện thứ yếu nhất trong hành trình khởi nghiệp, trong khi các vườn ươm tạo liên tục kêu gọi các cấp quản lý nhà nước phải hỗ trợ tài chính nhiều hơn nữa cho khởi nghiệp.

Các quỹ hỗ trợ cho sáng tạo và khởi nghiệp được lập ra với số vốn nghe khá lớn nhưng giải ngân thì không được bao nhiêu. Một cán bộ thuộc Khu Nông nghiệp công nghệ cao cho biết, Quỹ Phát triển KH&CN TPHCM do Sở KH&CN TPHCM quản lý có số vốn 50 tỉ đồng vài năm qua chưa tài trợ cho dự án nào. Ngày 17-5 tới, một quỹ khác chính thức ra đời là Quỹ đầu tư khởi nghiệp TPHCM với số vốn ban đầu là 30 tỉ đồng, và sẽ phấn đấu để quỹ có số vốn 100 tỉ đồng trong giai đoạn 2016-2020. Những người đi xin hỗ trợ nói thủ tục quá khắt khe trong khi những người giữ quỹ than phiền không có dự án nào đủ tiêu chuẩn để hỗ trợ.

Tình trạng nhùng nhằng này, theo giải thích của bà Thạch Lê Anh, một người tâm huyết với phong trào khởi nghiệp, là: “Việt Nam chưa có văn hóa khởi nghiệp, chưa có văn hóa đầu tư mạo hiểm, chưa có văn hóa chấp nhận thất bại. Các ngân hàng đã nói không với khởi nghiệp, các doanh nhân cũng coi đó không phải việc của họ vì họ còn có doanh nghiệp của họ để chăm lo”.

Theo ông Đỗ Việt Hà, Phó Trưởng Ban quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM, Chính phủ và Bộ KH&CN phải là những nhà đầu tư mạo hiểm lớn nhất cho phong trào khởi nghiệp, vì từ trước đến nay họ vẫn đầu tư và thất bại nhiều trong những doanh nghiệp nhà nước và các công trình khoa học làm ra chỉ để cất trong tủ.

Đóng vai trò là một nhà đầu tư, phát biểu tại hội thảo “Đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo và công nghệ tại Việt Nam 2016”, ông Vũ Tuấn Anh, trưởng dự án khởi nghiệp cộng đồng thuộc Hoa Sen Group, nói: “Mối quan hệ giữa nhà đầu tư với người khởi nghiệp như một cuộc hôn nhân, cả hai bên đều phải cố gắng. Tôi có thể nhận xét các bạn sinh viên chiếm phần đông trong cộng đồng khởi nghiệp là thụ động, lười, thiếu khát khao vươn lên những tầm cao tri thức nhưng luôn mơ mộng thành đại gia giàu có, các bạn chịu ảnh hưởng của một xã hội làm giàu từ mánh mung, chộp giật nên không tin vào khởi nghiệp lắm, không chịu khổ chịu cực và chịu thất bại. Một mặt khác là các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp thiếu tính kết nối với nhau, mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy tổ chức hội thảo, chúng ta còn như vậy thì làm sao các bạn sinh viên tin được”.

Một giảng viên đại học kể rằng anh tập hợp được 20 bạn sinh viên để phát triển một sản phẩm, đề nghị các bạn ra thị trường để tìm hiểu về những sản phẩm tương tự, nhưng cuối cùng cũng chỉ có hai bạn trong số đó ra thị trường tìm hiểu. Anh kể một câu chuyện còn xót hơn nữa: Một sáng đến lớp, đồng nghiệp anh tổ chức đo nồng độ pH ở miệng các bạn sinh viên, thì thấy chủ yếu là môi trường axit (pH<7), có nghĩa là các bạn không ăn sáng khi đến lớp. “Thiếu dinh dưỡng rồi học tập trong môi trường nóng hừng hực thì làm sao để các bạn có động lực sáng tạo?”, anh đặt câu hỏi.

http://www.thesaigontimes.vn/146313/Khoi-nghiep-the-nao-voi-cai-bung-doi.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét