Thứ Năm, 5 tháng 5, 2016

Doanh nghiệp VN: Làm ngỗng hay làm thiên nga ?

Câu nói 'như con ngỗng' của TGĐ WTO ứng với kinh tế Việt Nam hiện nay
03/05/2016  Đã đến lúc Việt Nam cần dứt khoát đưa ra một lựa chọn, hoặc là để các doanh nghiệp tiếp tục là những con ngỗng béo để bị săn đuổi, hoặc là tạo điều kiện để các doanh nghiệp trở thành những con thiên nga cất cánh bay trên bầu trời.
Ảnh: Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại 
Thế giới (WTO) Roberto Azevedo​
Nền kinh tế Việt Nam đang ở trong một giai đoạn nguy nan, ngay thời điểm mà sự kỳ vọng nền kinh tế có được một cú cất cánh đang lớn lao nhất. Hai trong số ba vùng kinh tế chủ đạo của cả nước đang chìm trong những thảm họa: ở miền Nam hạn mặn đã tàn phá khu vực nông nghiệp lớn nhất cả nước, còn ở miền Trung ô nhiễm cũng đang tàn phá nền kinh tế biển của phân nửa số tỉnh thành.

Còn trong nền kinh tế, sức ép lên cộng đồng doanh nghiệp trong nước đang trở nên lớn hơn bao giờ hết, khi làn sóng doanh nghiệp ngoại tràn vào nền kinh tế Việt Nam và lấn lướt doanh nghiệp nội đang ngày càng diễn ra mạnh hơn. Không hẹn mà gặp, tình hình hiện nay của nền kinh tế Việt Nam lại trùng khớp với lời nhận xét của Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo khi lần đầu đối thoại với DN Việt Nam hồi giữa tháng 4 vừa qua: “Như con ngỗng, nếu ngồi yên thì sẽ bị bắt”.

Bối cảnh ông Roberto Azevedo đưa ra lời nhận xét trên là khi đề cập đến những lợi ích Việt Nam có thể nhận được khi gia nhập WTO và các hiệp định thương mại khác trong vài năm trở lại đây. Theo ông Azevedo, “xu hướng bảo hộ của các nước sẽ tăng lên bằng các biện pháp phi thương mại như chống bán phá giá, tem, nhãn, kiểm dịch... Tham gia WTO cũng như các hiệp định thương mại tự do khác, Việt Nam sẽ được hỗ trợ và tránh được những tác động xấu. Như con ngỗng, nếu ngồi yên thì sẽ bị bắt”.

Với tư cách Tổng giám đốc WTO, việc ông Azevedo đưa ra những quan điểm cho rằng Việt Nam sẽ nhận được nhiều lợi ích từ việc gia nhập WTO nói riêng cũng như các hiệp định thương mại tự do nói chung không có gì khó hiểu. Thông điệp mà vị Tổng giám đốc WTO muốn chuyển đến Việt Nam cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là: Hậu quả tai hại sẽ là rất lớn cho bất cứ quốc gia và nền kinh tế nào nếu như họ tiếp tục xu hướng thụ động trong nền kinh tế thế giới sôi động hiện nay.

Nếu chiếu quan điểm của ông Azevedo vào nền kinh tế Việt Nam hiện nay, có thể thấy phần lớn các khía cạnh trong nền kinh tế của chúng ta đang là những con ngỗng thực sự. Chúng ta quá thụ động trong rất nhiều vấn đề vĩ mô của nền kinh tế.
Trong hầu hết các vấn đề lớn diễn ra trong nền kinh tế thời gian vừa qua, sự thụ động là một trong những nguyên nhân hàng đầu: ở vụ việc hạn mặn tàn phá nền nông nghiệp và đời sống người dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là sự thụ động khi đã không có những biện pháp đề phòng trong khi những lời cảnh báo đã xuất hiện từ vài năm trước. Sự thụ động cũng lại diễn ra trong câu chuyện vùng biển của 4 tỉnh miền Trung bị ô nhiễm. Phải đến khi những dấu hiệu rõ rệt của tình trạng ô nhiễm xuất hiện và lan ra tới 4 tỉnh thành chúng ta mới bắt đầu vào cuộc theo một cách không thể chậm chạp hơn.

Sự thụ động đó cũng đang diễn ra ở một khía cạnh, có lẽ là còn quan trọng hơn thế trong nền kinh tế: cởi trói và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong nước phát triển. Cuộc gặp mặt có quy mô lớn nhất từ trước đến nay giữa thủ tướng và các bộ ngành với cộng đồng doanh nghiệp hôm 29.4 là một điểm sáng không thể phủ nhận, được đánh giá sẽ tạo ra bước ngoặt lớn nhất giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có được bước phát triển mạnh từ trước đến nay.

Nhưng chúng ta không nên quên rằng, điểm tích cực nhất của sự kiện đáng mừng đó phần lớn vẫn là những cam kết cởi trói cho giới doanh nghiệp trong nước khỏi những sợi dây ràng buộc khắc nghiệt vốn đã kìm hãm khối doanh nghiệp trong nước phát triển trong nhiều năm qua. Không nên nhầm lẫn giữa việc cởi bỏ các ràng buộc với việc đưa ra những ưu đãi hỗ trợ phát triển. Cởi trói và uống thuốc bổ rõ ràng là hai việc khác hẳn nhau về ý nghĩa, dù ranh giới của chúng không hẳn là rõ ràng, dù đúng là ở thời điểm hiện tại thì việc được cởi trói với các doanh nghiệp trong nước cũng đồng nghĩa với việc được uống thuốc bổ.

Nói cách khác, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trước thời điểm diễn ra cuộc gặp với thủ tướng hôm 29.4 thực sự là một con ngỗng theo đúng ý nghĩa mà tổng giám đốc WTO Azevedo đã đề cập.

Họ bị ràng buộc bởi hàng đống những sợi dây ràng buộc về cơ chế và pháp lý, cộng đồng doanh nghiệp không khác gì một con ngỗng khi không thể cựa quậy. Và cũng như một con ngỗng, nếu ngồi yên thì sẽ bị bắt, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng đang gần giống như một con ngỗng béo cho những gã thợ săn là các doanh nghiệp nước ngoài đang tràn vào ngày càng nhiều.

Chưa bao giờ làn sóng mua bán sáp nhập các doanh nghiệp Việt Nam lại được tiến hành với quy mô lớn đến thế bởi các tập đoàn và doanh nghiệp nước ngoài. Không chỉ thâu tóm hàng loạt doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, mà hiện các doanh nghiệp ngoại còn đang tiến vào thị trường bán lẻ, khi chỉ riêng các tập đoàn Thái Lan đã chiếm được hơn 50% thị phần bán lẻ tại thị trường Việt Nam (chưa kể các ông lớn bán lẻ khác như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore). Nắm được các kênh bán lẻ quan trọng nhất, các ông chủ ngoại đang trở thành những ông chủ nông trại chăn nuôi mà trong đó các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa nội địa đang trở thành những con ngỗng thực sự.

Sở dĩ rơi vào tình trạng bi đát như hiện nay là vì chính chúng ta đang tự coi các doanh nghiệp trong nước như những con ngỗng trong suốt nhiều năm qua. Không gì chính xác hơn lời phát biểu của Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên trong cuộc gặp mặt giữa thủ tướng và cộng đồng doanh nghiệp hôm 29.4: “Vinamilk cũng như cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ hãy coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không phải đối tượng quản lý”. Chính vì coi các doanh nghiệp như những đối tượng quản lý, nói cách khác là những con ngỗng cần được chăn dắt, nên mới dẫn đến tình trạng các con ngỗng doanh nghiệp Việt Nam chưa khi nào đang bị săn đuổi và làm thịt bởi những tay thợ săn nước ngoài nhiều như hiện nay.

Một nông trại chăn nuôi sẽ phá sản nếu như tất cả ngỗng bị làm thịt hết và một nền kinh tế cũng sẽ không thể tồn tại, phát triển nếu như không có những doanh nghiệp nội địa. Một quốc gia có nền kinh tế được điều hành hoàn toàn bởi các doanh nghiệp nước ngoài là một quốc gia chịu lệ thuộc. Đã đến lúc Việt Nam cần dứt khoát đưa ra một lựa chọn, hoặc là để các doanh nghiệp tiếp tục là những con ngỗng béo để bị săn đuổi, hoặc là tạo điều kiện để các doanh nghiệp trở thành những con thiên nga cất cánh bay trên bầu trời.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ Cafebiz, CafeF)

http://motthegioi.vn/chuyen-hom-nay-c-155/cau-noi-nhu-con-ngong-cua-tgd-wto-ung-voi-kinh-te-viet-nam-hien-nay-30922.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét