Thứ Hai, 9 tháng 5, 2016

Cá chết Formosa: Hóa chất cực mạnh, cực độc

Cá chết xếp lớp dưới đáy biển: Hóa chất cực mạnh, cực độc
Nên tận dụng sự giúp đỡ của Liên hiệp quốc
"Hiện tượng cá chết hàng loạt mà còn xếp tầng dưới đáy biển, chắc chắn là do có một nguồn hóa chất cực mạnh, xả ra cùng một thời điểm, khiến cho tất cả các loài cá chết đột ngột, tạo nên hiện tượng xếp lớp. Điều này cũng khẳng định thêm, chắc chắn không phải nguyên nhân là do thủy triều đỏ, bởi nếu do tảo nở hoa không thể khiến cá chết đột ngột, tức thời như vừa qua mà không có dấu hiệu rõ ràng.
Cá chết xếp lớp dưới đáy biển
Cá chết đột ngột vì chất độc
Những ngày qua, ngư dân các xã bãi ngang ven biển Quảng Bình đã phát hiện cá chết xếp lớp dưới đáy biển từ bờ ra từ 1 đến 6 hải lí. Bên cạnh đó, trong quá trình lặn xuống biển cách bờ chừng 2 đến 3 hải lý đã phát hiện các rạn san hô dưới đáy biển có một lớp màu trắng đục dày gần nửa mét, có nhiều cá chết chìm đang phân hủy, nước có mùi hắc như mùi của các chất tẩy rửa…

Đặc biệt, trước đây khi bủa lưới, kéo lên lưới bị bám đầy rong rêu, bùn đất đen. Từ ngày xuất hiện tình trạng cá chết, lưới trắng tinh như mới.

Trao đổi với Đất Việt, trước hiện tượng trên, PGS.TSKH Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học-Kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học khẳng định: "Hiện tượng cá chết hàng loạt mà còn xếp tầng dưới đáy biển, chắc chắn là do có một nguồn hóa chất cực mạnh, xả ra cùng một thời điểm, khiến cho tất cả các loài cá chết đột ngột, tạo nên hiện tượng xếp lớp.

Điều này cũng khẳng định thêm, chắc chắn không phải nguyên nhân là do thủy triều đỏ, bởi nếu do tảo nở hoa không thể khiến cá chết đột ngột, tức thời như vừa qua mà không có dấu hiệu rõ ràng.


Nó thường xảy ra gần bờ chứ không ở ngoài xa và sẽ gây cá chết tầng mặt chứ không phải tầng đáy.

Chính vì thế, nguyên nhân trên là thiếu cơ sở và không thuyết phục, nếu nói là độc tố thì còn chấp nhận được".

Đặc biệt, theo ông An, phải nói rằng liều lượng độc ở đây là rất cao, chất thải này chắc chắn là chất thải công nghiệp, trong đó có chứa lượng chất tẩy rửa hàm lượng cao, nên lưới đánh cũng được tẩy rửa. Nhưng để biết là chất gì thì phải lấy mẫu nước, xem hàm lượng có bao nhiêu, kể cả là phóng xạ.

Sau khi phân tích mẫu nước, chúng ta tiếp tục phân loại các loài cá, ốc trai hến… rồi làm xét nghiệm phân tích độc tố từ trong những loại cá đó.

"Bộ Công thương cũng đã công bố, chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 2016, với năm 2015, nhập khẩu 384 tấn hóa chất, gồm 103 loại. Từ đầu năm đến nay, công ty này đã sử dụng 51 tấn hóa chất, còn tồn trong kho 248 tấn.

Vậy trong vòng những tháng vừa qua, khi công ty chưa đi vào sản xuất họ sử dụng 51 tấn hóa chất để làm gì? Xả thải ra sao? Quy trình xả thải ai kiểm chứng đảm bảo an toàn môi trường", ông An đặt ra nghi vấn.

Đồng tình quan điểm, GS. TS. Mai Đình Yên, khoa Sinh học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho rằng, hiện nay, hàng loạt các nhà khoa học đã đi phân tích mẫu nước, cá để tìm nguyên nhân.

Nhưng ngay từ đầu khi sự việc xảy ra thì bản thân ông yên đồng ý với những kết luận cho rằng cá chết không phải do dịch bệnh. Cá chết do độc tố, thậm chí độc tố mạnh.

Cùng với việc phân tích mẫu nước, cá, ốc hến, phải tiến hành lấy mẫu các loài phù du để tiến hành xét nghiệm tiếp để xem “tảo đỏ” là cái gì chết, loài nào chết và loài nào còn sống dẫn đến hiện tượng “tảo đỏ".

Nên tận dụng sự giúp đỡ của Liên hiệp quốc


Trong cuộc gặp gỡ báo chí, ngày 5/5, khi được hỏi về vụ cá chết tại miền Trung, ông Jan Eliasson, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp quốc tuyên bố: “Nếu Chính phủ Việt Nam yêu cầu Liên hiệp quốc hỗ trợ, chúng tôi sẽ sẵn sàng. Trước hết, chúng tôi hy vọng kết quả sẽ được phân tích và công bố. Là cơ quan quốc tế, chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ”.


Tấm lưới cũ thành “mới” sau khi thả xuống đáy biển của ngư dân Quảng Bình

Theo ông An, hệ quả của sự việc cá chết vừa qua, Việt Nam không có khả năng khắc phục, thậm chí vài năm cũng không làm được. Nhật Bản mạnh và giàu có như vậy, mà công tác khắc phục ô nhiễm môi trường do chất thải công nghiệp, 60 năm vẫn chưa làm xong.

Nên nếu Liên hiệp quốc giúp đỡ thì quá tốt đối với Việt Nam, đây là tổ chức mang tính nhân đạo quốc tế, giúp đỡ như vậy hoàn toàn đúng. Việt Nam cũng nên tận dụng thiện ý trên của Liên hiệp quốc, nhưng cũng cần phải xem xét những điều kiện họ đưa ra, chúng ta có đáp ứng được hay không?.

Ông An nhận định: "Cá chết là dấu hiệu của khủng hoảng tài nguyên, môi trường, sinh thái, 95% thiệt hại con người không thấy được, bây giờ chưa rõ ràng. Việc khắc phục là rất cần thiết, nếu Liên hiệp quốc coi Việt Nam là nước còn nghèo, hỗ trợ tự nguyện là điều hoàn toàn tốt, vì chúng ta hoàn toàn không có tiềm năng kinh tế".

Châu An
http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/ca-chet-xep-lop-duoi-day-bienhoa-chat-cuc-manh-cuc-doc-3307715/

1 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa