Thứ Ba, 9 tháng 2, 2016

Bậc thầy về nắm thời cơ

Bậc thầy về nắm thời cơ
Ngày 14-7-1986, tại Hội nghị đặc biệt Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Trường Chinh, lúc đó đang là Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đã được bầu làm Tổng Bí thư Đảng, thay cho đồng chí Lê Duẩn vừa mới từ trần. Nhiệm vụ của tân Tổng Bí thư là phải chuẩn bị cho Đại hội VI của Đảng, khởi đầu cho Đổi mới. Nhiều năm sau, nhận xét về sự kiện này, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhận xét: “Phải nói rằng, ở thời điểm đó chỉ có đồng chí Trường Chinh với hiểu biết sâu sắc về lý luận, và hình ảnh một đồng chí hết sức nguyên tắc, có phần cứng theo kiểu chính thống, mới có thể chỉ đạo thành công Đại hội VI – Đại hội của Đổi mới...”
Đồng chí Trường Chinh.
Đồng chí Trường Chinh trong cuộc đời hoạt động cách mạng dài lâu, phong phú và không đơn giản một chiều của mình đã luôn tìm ra được những giải pháp gần như là tối ưu. Các nhà nghiên cứu khi phân tích về những ứng xử vừa kiên định vừa thức thời của đồng chí đã tôn vinh Trường Chinh là “bậc thầy của nghệ thuật nắm thời cơ”. Và phải nói rằng, không ít những thành tựu của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX có thể được coi như là kết quả trực tiếp từ những quyết định sáng suốt và nhìn xa trông rộng của nhà lãnh đạo kiệt xuất có tư duy thức thời và luôn biêt cách hành động kịp thời này...

Đầu những năm 40 của thế kỷ trước, cách mạng Việt Nam đã phải ở trong tình thế cực kỳ gian nan và phức tạp. Đất nước “một cổ hai tròng”, vừa phải chịu ách áp bức đã kéo dài tới 8 thập niên của thực dân Pháp lẫn những trò tác oai tác quái của quân đội phát xít Nhật mới tràn vào. Hai lực lượng ngoại xâm này vừa mâu thuẫn với nhau nhưng vừa “đồng điệu” cùng nhau trong những hoạt động bóc lột, đàn áp người Việt Nam, chống phá những người cộng sản và yêu nước. Từ tháng 8-1942 tới tháng 9-1944, Bác Hồ đi công tác vắng, bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt và giam giữ trong tù tới 14 tháng. 

Với cương vị Quyền Tổng Bí thư Đảng, trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này nhớ lại, đồng chí Trường Chinh đã đảm đương trách nhiệm lãnh đạo phong trào cách mạng với nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt lên trên hết. Và như thực tế cho thấy, đồng chí Trường Chinh đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình, sớm nhìn ra những thời cơ thuận lợi có thể tới với cách mạng Việt Nam. Không ngẫu nhiên mà ngay tại Hội nghị Võng La (Đông Anh, lúc đó còn thuộc Phúc Yên), diễn ra tháng 2-1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ta đã sớm vạch ra một kế hoạch toàn diện chuẩn bị cho bước phát triển tiếp theo của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đất nước. 

Tới tháng 9-1944, chính đồng chí Trường Chinh cũng đã sớm nhìn ra được kết cục tất yếu sẽ bùng nổ từ những mâu thuẫn giữa thực dân Pháp và phát xít Nhật và rung chuông cảnh báo trên báo “Cờ Giải phóng” qua bài báo “Cái nhọt bọc sẽ phải vỡ mủ”. Và ngay từ ngày 8-3-1945, khi nhận được những thông tin đầu tiên về dấu hiệu dường như quân đội Nhật ở Việt Nam đang chuẩn bị chiến đấu, đồng chí Trường Chinh đã nhanh nhạy dự báo về cuộc lật đổ mau lẹ của Nhật đối với lực lượng của Pháp ở Đông Dương và đã ngay lập tức triệu tập Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng tại Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh để đề ra những hoạt động cụ thể trong tình hình mới. 

Và cũng chính đồng chí Trường Chinh đã sớm thay mặt Thường vụ Trung ương ngày 12-3-1945 thảo ra Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và nhiệm vụ của chúng ta”. Theo đánh giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “Cùng với Lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc, bản Chỉ thị ấy đã chỉ rõ thời cơ đang đến, khả năng thời cơ xuất hiện và thái độ của chúng ta như thế nào... Chỉ thị đó có tác dụng quyết định trong việc động viên, hướng dẫn toàn Đảng trong cao trào chống Nhật, cứu nước...” 

Và khi thời cơ đến theo đà Đồng minh tiêu diệt dần các lực lượng phát xít ở châu Âu, cũng chính đồng chí Trường Chinh là người đã chỉ đạo tiến hành khởi nghĩa từng phần ở nhiều nơi, thành lập các khu giải phóng. Khi nước Đức phát xít sụp đổ, Tổng Bí thư Đảng đã kêu gọi đồng chí, đồng bào chuẩn bị sẵn sàng Tổng khởi nghĩa giành lại độc lập tự do. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã diễn ra đúng lúc “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” nhất, không sớm hơn và cũng không muộn hơn. Và vì thế, đã thành công rực rỡ trong vòng hơn 10 ngày, lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa đầu tiên trên dải đất hình tia chớp. Trong sự kiện lịch sử vĩ đại này có phần đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Đảng Trường Chinh...

Còn nhiều sự kiện lịch sử khác nữa in dấu ấn đậm nét tài dự báo đúng và xử lý đúng cơ hội lịch sử của đồng chí Trường Chinh. Chính đồng chí đã đưa ra nhiều quyết sách mang tính chiến lược, góp phần đưa cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp tới thắng lợi. Tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi”, tập hợp những bài báo đã đăng trên tờ Cứu quốc, của Tổng Bí thư Trường Chinh chứa đựng những đường lối cụ thể, chỉ đạo cụ thể về lý luận cách mạng. Trong tác phẩm đã từng là “sách gối đầu giường” của nhiều cán bộ ta trong kháng chiến, đồng chí Trường Chinh cũng nhấn mạnh tới việc nắm bắt thời cơ một cách nhạy bén để tạo ra các bước ngoặt trong chiến tranh cách mạng...

Trong sự nghiệp kiến quốc, đồng chí Trường Chinh cũng là người nhạy bén với những đòi hỏi của thực tế, vừa kiên định lập trường cách mạng vừa biết tự thay đổi tư duy cho phù hợp với thực tế. Thậm chí cho tới tuổi đã gần 80, sức khỏe không còn được như trước nữa, khi thêm một lần nhận trọng trách làm Tổng Bí thư Đảng trong bối cảnh đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế xã hội trầm trọng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đồng chí Trường Chinh vẫn rất minh mẫn trong việc cùng Đảng và Nhà nước ta nhìn thẳng vào sự thật, tiến hành đúng mực và đúng hướng đường lối Đổi mới. Đi sâu vào thực tế luôn có thể nhìn ra lối thoát hiểm tối ưu. 

Chính với tư duy đó nên Tổng Bí thư Trường Chinh đã rất tích cực thực hiện những chuyến công tác tới các địa phương trong cả nước để thấy rõ hơn thực trạng nền kinh tế và tình hình xã hội mọi mặt. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong bài viết nhân kỷ niệm 95 năm ngày sinh của đồng chí Trường Chinh, đã nhắc tới lời tâm sự của Tổng Bí thư Đảng sau những chuyến thăm Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam cuối những năm 80 của thế kỷ trước: “Việc đi thăm Thành phố... cũng như những chuyến đi thăm các địa phương khác trong thời gian qua đã giúp tôi hiểu rõ thêm tình hình thực tế của đất nước, từ đó mà suy nghĩ về một số vấn đề chung có ích cho việc đóng góp vào sự lãnh đạo của Trung ương”. 

Chính trong ấn tượng từ những chuyến đi thực tế sâu sát đó, Tổng Bí thư Trường Chinh đã đưa ra câu phát biểu tối quan trọng với vận mệnh quốc gia và dân tộc trong thời điểm hết sức nhạy cảm của những năm cuối thập niên thứ 8 thế kỷ XX: “Đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn”. Chúng ta đã không bỏ lỡ thời cơ có một không hai của lịch sử để tìm ra “những mô hình “tháo gỡ” sản xuất để dần dần thoát khỏi sự trói buộc của cơ chế quản lý kinh tế theo kiểu hành chính-quan liêu-bao cấp” (lời nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong bài viết đã dẫn).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại, trong những năm 80 của thế kỷ trước, tình hình đất nước rất khó khăn nên thực tiễn đặt ra yêu cầu phải đổi mới: “Anh Trường Chinh đã theo dõi sát tình hình, đi vào thực tiễn, đi xuống cơ sở ở một số tỉnh phía Nam. Trong một cuộc nói chuyện ở Hà Nội, anh Trường Chinh kết luận: Hiện nay, nhiều báo cáo không đúng sự thật, Đảng ta phải cứu lấy giai cấp công nhân; muốn thế, nhất định phải đổi mới. Đổi mới là yêu cầu bức thiết, đổi mới là vấn đề có tầm quan trọng sống còn. Anh nhấn mạnh: Nếu không đổi mới thì sẽ đi vào ngõ cụt”.

Trong bài viết có tựa đề “Đồng chí Trường Chinh – Tổng Bí thư của Đổi mới”, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết: “Đồng chí Lê Duẩn qua đời, đồng chí Trường Chinh được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Tổng Bí thư và bắt tay vào chuẩn bị Đại hội VI. Phải nói rằng, ở thời điểm đó chỉ có đồng chí Trường Chinh với hiểu biết sâu sắc về lý luận, và hình ảnh một đồng chí hết sức nguyên tắc, có phần cứng theo kiểu chính thống, mới có thể chỉ đạo thành công Đại hội VI – Đại hội của Đổi mới. Điều tôi thấy hết sức thú vị là “tác giả” – nói chính xác hơn là “chủ biên” – của Đổi mới lại là một người vốn được coi là hết sức “cứng” như đồng chí Trường Chinh. Tôi hiểu rằng, đồng chí đã chú ý nghe từ nhiều phía và đặc biệt đã coi trọng ý kiến của những cán bộ có tư duy, dám nói thật, nói rõ quan điểm của mình. Đồng chí là người rất kiên trì đấu tranh với mọi ý tưởng, mọi sự việc mà theo đồng chí là không đúng và cũng rất quyết đoán đối với những điều mà đồng chí cho là đúng đắn, có cơ sở”. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng rất ấn tượng với cách làm việc tỉ mỉ, sâu sát của Tổng Bí thư Trường Chinh trong quá trình chuẩn bị văn kiện cho Đại hội VI: “Đồng chí Trường Chinh trực tiếp chỉ đạo soạn thảo và đích thân sửa chữa từng câu, chữ trong dự thảo văn kiện. Qua thực tiễn công việc sau này, tôi càng thấy chi tiết có vẻ mang tính kỹ thuật đó rất quan trọng, cần thiết. Đối với những tài liệu liên quan tới các chủ trương lớn, nếu người lãnh đạo không trực tiếp cho định hướng rõ ràng mà “giao khoán” cho anh em biên tập thì sau này dù có sửa đi sửa lại cũng khó đạt đúng tầm cần thiết, mong muốn. Cuối giai đoạn chuẩn bị, cần dành thời gian xem xét tỉ mỉ tới từng câu chữ để bảo đảm mọi ý tứ đều được thể hiện”...

Chính nhờ người thuyền trưởng như đồng chí Trường Chinh, biết tiếp cận vấn đề một cách đúng đắn và đúng lúc nên công cuộc Đổi mới của chúng ta đã có được một nền móng vững chãi để diễn ra suôn sẻ. Những gì mà đồng chí đã trải nghiệm và thực hiện để lại cho các thế hệ nối tiếp những bài học rất đáng suy ngẫm một cách nghiêm túc và sâu sắc.

Trần Thanh Tịnh
http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/bac-thay-ve-nam-thoi-co/86738

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét