Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

Myanmar tỉnh sau giấc ngủ dài, còn Việt Nam ?

Myanmar đã tỉnh sau một giấc ngủ dài
Hướng mọi người đến một tham chiếu chung, cùng nhau hành động là chìa khóa giúp Myanmar thoát ra khỏi các vấn đề về "chia rẽ sâu sắc" để tập trung phát triển kinh tế. Sau gần ba thập niên nắm quyền, quân đội nước này đã có bước đi mang tính lịch sử khi quyết định chuyển giao quyền lực cho phía dân sự vào năm 2010 và chính thức đưa Myanmar bước vào một giai đoạn mới với thế chế dân chủ.
Sự thay đổi ở Myanmar mang lai cục diện mới, và thách thức mới cho khu vực. 
Những cải cách đột phá về chính trị và kinh tế của Tổng thống Thein Sein được thực thi 5 năm qua đã khiến cho các nước láng giềng và kể cả phương Tây kinh ngạc.

Thực trạng nghèo đói với cơ sở hạ tầng lạc hậu cùng các hạn chế trong việc cung cấp các dịch vụ công cơ bản như y tế và giáo dục, kết hợp với các mẫu thuẫn và xung đột lợi ích giữa các nhóm người, các sắc tộc đã và đang khiến Myanmar cần tới sự trợ giúp nhiều hơn từ các tổ chức phát triển quốc tế và các tổ chức phi chính phủ, biến quốc gia này hiện tại đang là điểm đến nhộn nhịp của các tổ chức phát triển.

Vài năm sau đổi mới, kinh tế Myanmar đã có những bước tiến đáng kể. Ví dụ tăng trưởng kinh tế của nước này 3 năm lại đây liên tục đạt hơn 7%/ năm và được xem là nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực.

Thắng lợi của bà Aung San Suu Kyi và Đảng NLD trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua đã nói lên khát khao thay đổi đất nước không chỉ từ người dân mà còn từ những người lãnh đạo đất nước này.

Trưởng đại diện một tổ chức PCP quốc tế tại Yangon, người đã phải chuyển nhà mỗi năm một lần do giá thuê tăng lên nhanh chóng trong mấy năm qua nói vui, “mỗi lần thay đổi chỗ ở, tôi lại gần gũi với người nghèo hơn một chút”.

Khi được hỏi về các tiến bộ của Myanmar, anh chia sẻ: thực ra tuy vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tiềm lực của Myanmar rất mạnh. Hệ thống chính trị nơi đây đã và đang đổi mới tạo điều kiện cho nhiều vấn đề được giải quyết thông suốt.

Kết quả cuộc bầu cử vừa qua tại Myanmar cho thấy cam kết của họ trong việc phục hồi dân chủ và phát triển kinh tế chủ động, trong đó nâng cao sự đoàn kết của nhiều nhóm dân khác nhau vì một mục tiêu thịnh vượng chung cho đất nước.

Nếu họ có thể giữ được các cam kết này cùng việc khai thác và sử dụng một phần tài nguyên dầu mỏ, khí đốt và khoáng vật, thì rất có thể Myanmar sẽ rất nhanh để có thể bấm đèn xi nhan và xin vượt qua một số quốc gia trong khu vực.

Myanmar từng đứng đầu Châu Á về sản xuất và xuất khẩu gạo. Hiện tại sản lượng gạo của Mynamar chỉ đạt hơn 12 triệu tấn/ năm, trong đó 1,3 triệu tấn được xuất khẩu. Nhung với chiến lược mới về thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, nước này đang hy vọng tăng gấp đối sản lượng trong vòng 15 năm tới. Theo nhận định của các tổ chức quốc tế, điều này là hoàn toàn khả thi, một khi Myanmar xóa bỏ cơ chế cấp quota trong sản xuất lúa gạo, mở thêm các trường đào tạo về trồng trọt, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, cho phép đầu tư FDI vào chế biến sau thu hoạch. Nếu họ thành công thì cả 2 vị trí dẫn đầu về xuất khẩu gạo của Thailand và Việt Nam có thể bị soán ngôi.

Là một quốc gia có bề dày lịch sử lâu đời (từ thế kỷ thứ 6) cùng sự đa dạng và phong phú về văn hóa của hơn 100 các dân tộc khác nhau sinh sống. Myanmar sở hữu rất nhiều thắng cảnh đẹp và các kỳ quan như Chùa Vàng Shwedagon, Chùa Đá Vàng, Tảng đá Thiêng hay TP cổ Bagan nơi có gần 2500 ngôi đền, tháp Phật giáo cổ.

Nếu trước năm 2009, số du khách nước ngoài đến đây chỉ tương đương với lượng khách đến Lào (khoảng hơn 500 ngàn người/ năm) thì năm 2013, tính cả người gốc Miến hồi hương thăm quê, số người nước ngoài đến Myanmar đã đạt hơn 2 triệu. Dự báo đến năm 2020, số lượng du khách nước ngoài đến Myanmar sẽ đạt 7 triệu.
Ngoài ra, cộng đồng người Myanmar ở nước ngoài vốn rất đông đảo và có đóng góp tích cực cho tiến trình đổi mới đất nước này. Hiện tại, nhiều người đã trở về làm việc và cộng đồng này được xem như là nhân tố mang lại sự tươi mới cho đất nước.

Bên cạnh đó, nước này cũng đang có nhiều nỗ lực tăng cường hình ảnh và vị thế đất nước bằng cách tham gia một cách tích cực và chủ động vào các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Hướng mọi người đến một tham chiếu chung để cùng nhau hành động có thể là chìa khóa giúp đất nước này thoát ra khỏi các vấn đề về "chia rẽ sâu sắc" để tập trung phát triển kinh tế.

Trần Văn Tuấn
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/273648/myanmar-da-tinh-sau-mot-giac-ngu-dai.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét