Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2015

Mục tiêu thực sự là ổn định tỷ giá đến hết 2015

Mục tiêu thực sự là ổn định tỷ giá đến hết 2015
Đỗ Thiên Anh Tuấn (*)TBKTSG) - Động thái giảm trần lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), theo thông điệp chính sách của cơ quan này là nhằm ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ của người dân và doanh nghiệp và xa hơn là giảm đô la hóa nền kinh tế. Nhưng... Thực ra, tỷ lệ đô la hóa (tính theo tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng) đã giảm đáng kể trong những năm qua, nên không phải là vấn đề đáng quan ngại chính lúc này.
Với tuyên bố sẽ ổn định tỷ giá ít nhất cho đến hết năm, cộng thêm việc điều chỉnh lãi suất ngoại tệ, cơ quan quản lý muốn tiếp tục bảo vệ và giữ vững giá trị tiền đồng. Ảnh: THÀNH HOA

Thực ra, tỷ lệ đô la hóa (tính theo tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng) đã giảm đáng kể trong những năm qua, từ mức 23,7% năm 2009 xuống còn trên dưới 14% trong một, hai năm nay (IMF 2014), nên không phải là vấn đề đáng quan ngại chính lúc này. Nếu nhìn vào thời điểm đưa ra quy định này, tức trong bối cảnh không gian điều chỉnh tỷ giá gần như không còn, thì chính sách này của NHNN chủ yếu nhằm để “kéo dài sức sống” cho tỷ giá ít nhất đến hết năm 2015.

Chính sách này có thể có một số tác động nhất định đến hành vi của người dân và doanh nghiệp, tùy theo vị thế của họ. Đối với những người nắm giữ ngoại tệ, họ sẽ cân nhắc khả năng chuyển sang tiền đồng, trong khi những người có tiền đồng cũng suy tính kỹ khả năng mua đô la Mỹ vào lúc này. Nếu giả sử NHNN sẽ không điều chỉnh tỷ giá từ nay đến cuối năm, tức việc nắm giữ đô la Mỹ sẽ không có bất cứ khoản lợi vốn (capital gain) nào thêm thì việc giảm trần lãi suất tiền gửi đô la Mỹ cũng có tác động ít nhiều lên hành vi nắm giữ đô la Mỹ của giới đầu tư. Đây cũng chính là mục tiêu kỳ vọng của NHNN, bởi nó giảm áp lực phần nào lên tỷ giá trong ngắn hạn. Trong khi đó, với tư cách là những kênh đầu tư thay thế, chứng khoán và bất động sản sẽ có sự hấp dẫn đôi chút so với tiền gửi ngoại tệ.
Tuy nhiên, nếu thị trường vẫn tiếp tục kỳ vọng rằng tỷ giá sẽ có khả năng tiếp tục được điều chỉnh trong những tháng cuối năm, hay thậm chí có thể chấp nhận qua những tháng đầu năm 2016, hoặc nếu tỷ giá phi chính thức gặp một số đợt sóng mới, đặc biệt khi chúng ta không thể loại trừ khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ điều chỉnh lãi suất ngay trong năm nay, thì mức giảm trần lãi suất tiền gửi đô la Mỹ chỉ vài điểm phần trăm này không có ý nghĩa nhiều. Đó là chưa nói đến khả năng các ngân hàng sẽ cùng với khách hàng kéo dài thêm kỳ hạn của các khoản tiền gửi trước đây nhằm lách quy định thời điểm bắt đầu điều chỉnh lãi suất trần có hiệu lực.
Nếu chính sách này có thể giúp NHNN đạt được mục tiêu ổn định tỷ giá trong năm nay thì cái giá phải trả của nó cũng không phải là không có. Trước hết, việc giảm trần lãi suất tiền gửi có thể tác động kéo theo làm giảm lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay ngoại tệ giảm sẽ càng khuyến khích hành vi vay nợ bằng ngoại tệ của các doanh nghiệp. Mặc dù không phải ai cũng dễ dàng vay ngoại tệ, song thực tế là có muôn vàn cách để lách các quy định vay ngoại tệ của NHNN, chưa kể thời gian qua điều khoản vay ngoại tệ đã được NHNN nới lỏng để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng của mình. Rủi ro sẽ nảy sinh khi các doanh nghiệp vay ngoại tệ nhưng nguồn thu chủ yếu để trả nợ lại không phải là ngoại tệ, khi đó buộc các doanh nghiệp này phải đi mua lại ngoại tệ để trả nợ. Hành vi này không chỉ gây ra rủi ro tỷ giá cho chính doanh nghiệp đó mà nó còn khiến cho áp lực tỷ giá kỳ hạn sẽ tăng lên.
Hạn mức điều chỉnh tỷ giá (theo cam kết) gần như không còn trong khi áp lực điều chỉnh lớn. Chính sách này của NHNN chủ yếu nhằm để “kéo dài sức sống” cho tỷ giá ít nhất đến hết năm 2015.
Nói cách khác, với chính sách giảm trần lãi suất huy động đô la Mỹ của NHNN, tỷ giá giao ngay (spot exchange rate) có thể giảm áp lực đôi chút nhưng lại gây áp lực lên tỷ giá kỳ hạn (forward exchange rate). Thách thức về tỷ giá chỉ tạm thời đẩy qua đến hết năm 2015 để hoàn thành mục tiêu ngắn hạn chứ không hoàn toàn được giải quyết bằng công cụ chính sách tiền tệ kiểu này. Đặc biệt, chính sách này sẽ càng khuyến khích hành vi “chủ ý mắc sai lầm” của các “ông lớn” doanh nghiệp nhà nước như EVN, TKV hay PVN, giúp họ có lý do đổ thừa trách nhiệm cho NHNN và dồn thua lỗ lên vai người dân như chúng ta đã biết thời gian qua.
Ngoài ra, chính sách hành chính như vậy sẽ gây ra một số biến dạng thị trường, làm méo mó hành vi của nhà đầu tư và làm gia tăng chi phí giao dịch của xã hội.
Chưa kể, có giả thuyết chính sách “ngược dòng”, áp trần lãi suất thấp trong khi thế giới đang kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất đô la Mỹ trong nay mai, có khả năng làm các doanh nghiệp hay nhà đầu tư tìm cách chuyển ngoại tệ ra nước ngoài. Các doanh nghiệp xuất khẩu với nguồn thu ngoại tệ có được sẽ tìm cách duy trì nó ở các tài khoản nước ngoài thay vì chuyển ngoại tệ về nước. Cũng có giả thuyết rằng các doanh nghiệp còn có động cơ tạo ra các đơn hàng nhập khẩu “ảo” để tìm cách chuyển ngoại tệ ra ngoài. Kiều hối cũng có thể bị ảnh hưởng đôi chút. Tất nhiên sẽ phải cần thời gian và bằng chứng để kiểm chứng những giả thuyết này, song nếu điều đó là đúng thì áp lực lên cầu ngoại tệ có thể sẽ lấn át cả nguồn cung ngoại tệ giao ngay nhờ giảm trần lãi suất đô la Mỹ, và do vậy không hề giảm áp lực cho tỷ giá như NHNN mong muốn.
Thiết nghĩ, để giải quyết tận gốc bài toán tỷ giá ở Việt Nam thì không còn cách nào khác là phải xóa bỏ tận gốc cái “tội lỗi nguyên căn” của nó chứ những biện pháp như vậy chỉ là “xoa dầu” cho đỡ đau mà thôi.
(*) Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright
TS. Lê Hồng Giang:
Giải pháp gốc là xây dựng niềm tin vào tiền đồng
Chưa nói việc chống đô la hóa đúng hay sai, chính sách này chỉ có thể thành công trong dài hạn khi đồng nội tệ được đa số người dân và doanh nghiệp tin tưởng chứ không phải bằng những biện pháp hành chính như thế này. Để xây dựng niềm tin vào tiền đồng, ngoài chính sách tiền tệ và tỷ giá hợp lý, chính sách tài khóa phải bền vững đảm bảo tỷ lệ nợ công thấp và ổn định, loại trừ rủi ro chính phủ buộc phải phát hành tiền để chi tiêu. Ngoài ra, một thị trường tài chính phát triển với các công cụ quản lý rủi ro lạm phát và tỷ giá cũng giúp doanh nghiệp không cần “tránh bão” bằng cách tích trữ ngoại tệ.
Trong ngắn hạn, giới hạn lãi suất gửi đô la Mỹ, thậm chí áp đặt lãi suất âm hay buộc kết hối 100%, có thể giúp tăng cung ngoại tệ như NHNN hy vọng. Nhưng điều này có thể phản tác dụng khi thị trường nhìn nhận đây là dấu hiệu NHNN đã hết khả năng can thiệp trên thị trường ngoại hối để giữ ổn định tỷ giá từ giờ cho đến cuối năm như đã cam kết. Nếu vậy doanh nghiệp và người dân có thể sẽ chấp nhận gửi ngoại tệ không cần lãi suất, thậm chí giữ ngoại tệ dưới dạng tiền mặt, để đảm bảo nhu cầu thanh khoản cho việc kinh doanh trong những tháng cuối năm. Những doanh nghiệp xuất khẩu và những nhà đầu tư nước ngoài có thể trì hoãn việc chuyển ngoại tệ vào Việt Nam, tương tự như những gì diễn ra ở Trung Quốc thời gian gần đây.
Nếu điều này xảy ra và NHNN vẫn cố gắng duy trì tỷ giá, dự trữ ngoại hối sẽ cạn kiệt và/hoặc các biện pháp hành chính khác sẽ được áp dụng. Nền kinh tế nói chung và cuộc sống người dân sẽ lãnh chịu hậu quả không chỉ trong ngắn hạn.

PGS.TS. Phạm Thế Anh:
Có thể phản tác dụng
Hạ trần lãi suất huy động đô la Mỹ, mục tiêu chính sách của NHNN là muốn chống hiện tượng đô la hóa, muốn các tổ chức và người dân bán đô la Mỹ cho các ngân hàng thương mại thay vì... gửi, để NHNN tăng dự trữ ngoại tệ vì từ giờ đến cuối năm nhiều khả năng nhập khẩu tăng mạnh.
Đây là biện pháp can thiệp hành chính đối với một loại giá cả thị trường, không tuân theo quy luật thị trường, dẫn đến việc làm méo mó các hành vi kinh tế, làm tăng chi phí không chính thức. Không ai muốn và chịu mức lãi suất mới thấp như vậy, trừ khách hàng nhỏ lẻ, những khách hàng lớn sẽ có sức mạnh thương lượng với các ngân hàng thương mại về lãi suất thực, các ngân hàng thương mại sẽ cùng họ bàn cách “lách” quy định. Có thể các ngân hàng sẽ tổ chức các hình thức khuyến mại lãi suất hay ra các sản phẩm phái sinh để nâng lãi suất thực lên.
Biện pháp này cũng tạo ra sự bất bình đẳng giữa các tổ chức, người dân gửi tiền và ngân hàng huy động rồi cho vay lại, họ bị “ép” gửi không lãi suất hay lãi suất thấp để các ngân hàng đem cho vay với lãi suất cao. Vietcombank vừa cho Chính phủ vay 1 tỉ đô la Mỹ với lãi suất 4,8%/năm là một ví dụ.
Ngoài ra, mức lãi suất huy động đô la Mỹ NHNN vừa quy định thấp hơn lãi suất ở nhiều nước. Không ít thì nhiều, dòng ngoại tệ đang ở Việt Nam có nguy cơ bị chuyển ra nước ngoài. Trước nay, nhiều tổ chức nước ngoài có đô la Mỹ nhàn rỗi (ví dụ như lợi nhuận được chia) tạm giữ tiền này trong nước vì lãi suất trong nước cao hơn bên ngoài. Giờ tình hình có thể khác. Lưu ý rằng chính sách lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) là 0,25%/năm và có thể sắp tăng nhưng lãi suất thực ở các ngân hàng thương mại Mỹ cao hơn 0,25%/năm nhiều.
Đồng thời, nó cũng tạo ra một bất hợp lý nữa là làm tăng chi phí phòng ngừa rủi ro đối với những tổ chức đang vay bằng ngoại tệ. Một trong những biện pháp phòng ngừa rủi ro của họ là mua dần đô la Mỹ chờ đến ngày đáo hạn, trong thời gian đó họ gửi tạm vào tài khoản bằng ngoại tệ nhưng giờ việc này không còn được hưởng lãi suất.
Quan trọng nhất, dù lãi suất huy động có thấp thì theo tôi, người dân cũng sẽ khó lòng bán đô la Mỹ vì kỳ vọng mất giá của tiền đồng so với đô la Mỹ vẫn cao. Giá trị của tiền đồng phụ thuộc vào thực lực của nền kinh tế. Giả như có người bán đô la Mỹ thật thì chắc chỉ một tỷ lệ nhỏ gửi tiết kiệm bằng tiền đồng. Số bán để chuyển sang kênh đầu tư khác, như bất động sản, có lẽ nhiều hơn.
Nếu những điều này xảy ra, thì đó chính là sự phản tác dụng của chính sách!
Ở một góc độ khác, với mức trần lãi suất huy động đô la Mỹ mới này, công cụ lãi suất của chính sách tiền tệ đã hết dư địa trong vai trò chống đô la hóa. Nếu sau chính sách này hiện tượng đô la hóa vẫn diễn ra, thâm hụt thương mại cuối năm cao, người có đô la Mỹ không chịu bán cho các ngân hàng mà giữ tại nhà vì phần bù rủi ro không có hoặc không đáng kể,... thì NHNN sẽ còn công cụ nào để sử dụng tiếp cho mục đích của mình? Nâng lãi suất tiền đồng thì doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.
M.L ghi
http://www.thesaigontimes.vn/136359/Muc-tieu-thuc-su-la-on-dinh-ty-gia-den-het-2015.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét