Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2015

Vì sao ngân sách thiếu hụt tạm thời?


Vì sao ngân sách thiếu hụt tạm thời?
Ngọc Lan - (TBKTSG) - Việc Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho ngân sách vay 30.000 tỉ đồng và đề xuất phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) kỳ hạn dưới năm năm (trái với Nghị quyết 78/2014 của Quốc hội) đã cho thấy những quyết định hành chính, thiếu thực tế được ban hành gần một năm trước đang gây ra tác dụng phụ trên thị trường tài chính.

Dù giá dầu sụt giảm mạnh từ tháng 8-2014 nhưng Chính phủ vẫn xây dựng dự toán thu ngân sách dựa trên giá dầu thô 100 đô la/thùng đã khiến ngân sách thêm một nút tắc. Ảnh: TRIỆU TRÙNG ĐIỆP
Không thể cưỡng lại quy luật


Trên trang web của Bộ Tài chính hôm 30-7, ông Huỳnh Quang Hải, tân Thứ trưởng bộ này, đã lên tiếng về việc Bộ Tài chính đề nghị NHNN tạm ứng hoặc cho ngân sách vay khoảng 30.000 tỉ đồng.

“Ngân sách thiếu hụt tạm thời” là từ mà ông Hải dùng để giải thích về chuyện này. Khoản vay này được khẳng định là sẽ hoàn trả ngay trong năm. Như vậy sang năm tới, khi tổng kết tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) 2015, các chỉ tiêu tài chính đã đặt ra vẫn có thể cân đối như dự toán, sau khi bù trừ các khoản thu chi .

Dù Bộ Tài chính làm đúng quy định của luật ngân sách thì trước mắt, sự thật là bộ vẫn phải “vay nóng” NHNN để đáp ứng nhu cầu chi tiêu.

Chuyện ngân sách thiếu thanh khoản tạm thời, đi vay NHNN không phải bây giờ mới xảy ra. Nhưng năm nay, việc đề nghị vay 30.000 tỉ và xin phát hành trái phiếu kỳ hạn dưới năm năm lại trở thành chuyện lớn xuất phát từ Nghị quyết 78/2014 của Quốc hội chỉ cho phép Chính phủ phát hành TPCP kỳ hạn năm năm trở lên kể từ năm 2015, không thực hiện các khoản vay có kỳ hạn ngắn cho bù đắp bội chi và giảm mức vay đảo nợ.

Ngay khi nghị quyết này được thông qua, TBKTSG đã có nhiều bài viết phân tích về sự chưa hợp lý của quy định này, nó can thiệp quá sâu vào các nghiệp vụ chuyên môn kỹ thuật của Bộ Tài chính.

Nếu cứ thực hiện đúng theo quy định của Quốc hội, Bộ Tài chính sẽ rất khó khăn bởi theo thống kê thì năm 2013, kỳ hạn TPCP từ 1-3 năm chiếm 80,3%. Con số này của năm 2014 là 52%. Như vậy, cho dù lượng TPCP phát hành ngắn hạn có giảm đi từ năm 2014 thì trong cơ cấu phát hành, nó vẫn chiếm trên phân nửa tổng khối lượng bán ra. Và trong số 80,3% lượng TPCP ngắn hạn phát hành năm 2013, sẽ có nhiều khoản đến hạn năm nay phải trả. Nhưng nghị quyết của Quốc hội và sự im lặng chấp hành của Bộ Tài chính đã “bẻ lái” dòng chảy vốn trên thị trường tài chính.

Lượng TPCP huy động được sáu tháng đầu năm chỉ bằng 43,3% kế hoạch. Các trái chủ không quan tâm nhiều đến những món vay dài, khiến cho ngân sách không có gì bù đắp, lâm vào cảnh thiếu hụt tạm thời là vì thế.

Lối thoát nào?


Tuy nội dung về TPCP trong Nghị quyết 78 của Quốc hội không sát thực tế song Chính phủ, Bộ Tài chính đã không hề lên tiếng về vấn đề này. Việc chấp hành cứng nhắc nội dung trên đã đưa NSNN đến chỗ thiếu hụt như hiện tại. Thậm chí hồi tháng 5-2015, khi giải trình trước Quốc hội về nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng còn nói rằng, việc Quốc hội yêu cầu dừng phát hành TPCP các kỳ hạn ngắn đã góp phần làm giảm áp lực vay nợ và trả nợ.

Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường tài chính từ đầu năm đến nay đã không chiều lòng Quốc hội và Chính phủ. Sự thiếu hụt ngân sách tạm thời có thể được giải quyết bằng cách vay ngắn hạn NHNN. Nhưng việc phát hành TPCP kỳ hạn dưới năm năm chỉ được thực hiện bằng cách sửa nghị quyết của Quốc hội. Nếu chờ đến kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 mới sửa thì quá trễ. Còn trong dự kiến chương trình các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 9, tháng 10 tới đều chưa có nội dung sửa đổi nghị quyết này.

Cái khó hiện nay là ngân sách không thể trông chờ vào các nguồn khác. Dù giá dầu sụt giảm mạnh từ tháng 8-2014 nhưng Chính phủ vẫn xây dựng dự toán thu ngân sách dựa trên giá dầu thô 100 đô la/thùng, trình ra Quốc hội hồi tháng 10-2014, đã khiến ngân sách thêm một nút tắc. Giá dầu bình quân 6 tháng qua chỉ đạt 60 đô la/thùng, giảm 40 đô la/thùng so với dự toán, khiến mức thu từ dầu sáu tháng qua chỉ đạt 35.900 tỉ đồng, bằng 38,6% so với dự toán. Dự kiến cả năm hụt thu từ dầu là 32.000 tỉ đồng khiến cho Chính phủ quyết định sẽ tăng khai thác dầu thô để lấy số lượng bù hụt giá.

Thu từ nhà đất năm nay cũng khó có thể cải thiện do thị trường bất động sản phục hồi chưa rõ ràng. Còn khoản thu từ cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước và lợi nhuận còn lại sau khi trích quỹ tại các DNNN vẫn còn là ẩn số. Số cổ tức, lợi nhuận này thu về ngân sách năm 2013 là 29.100 tỉ đồng, đủ bù đắp phần thiếu hụt ngân sách cho năm đó (là năm không bị hạn chế phát hành TPCP và nguồn thu từ dầu thô vẫn vượt kế hoạch). Con số này của năm 2014 chưa được công bố, song Bộ Tài chính yêu cầu năm 2015, phải tăng thu cổ tức từ Viettel, Petro Vietnam thêm 25.000-30.000 tỉ đồng, trong khi nộp ngân sách của ngành dầu khí đang giảm tương ứng với mức độ giảm giá dầu.

Và điều quan trọng nhất là khoản thu từ cổ tức này sẽ chỉ về ngân sách nhanh nhất vào cuối quí 1-2016, lúc các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng... công bố báo cáo tài chính lỗ lãi và chuyển tiền về ngân sách.

Như vậy, việc thiếu hụt tạm thời của ngân sách cũng không dễ giải quyết ngay.

http://www.thesaigontimes.vn/134003/Vi-sao-ngan-sach-thieu-hut-tam-thoi.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét