Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Phố Trịnh Công Sơn không nằm ven hồ Tây và bảng lảng mây

Phố Trịnh Công Sơn không nằm ven hồ Tây và bảng lảng mây như nhiều người tưởng
(LĐO) LÊ QUANG VINH - cũng đã có người nhầm rằng, con đường ven hồ Tây ấy (trong đó có tuyến đoạn hiện đã được đặt tên Trịnh Công Sơn) còn được người dân và giới nghệ sĩ gọi bằng hai cái tên lãng mạn là đường Sen Hồ Tây hoặc phố Sâm Cầm Hồ Tây.
Phố Trịnh Công Sơn nhìn từ dôc đê Âu Cơ. Ảnh: LÊ QUANG VINH
Những ngày qua, nhiều báo đưa tin về lễ đặt tên phố Trịnh Công Sơn ở Hà Nội (sẽ diễn ra vào sáng thứ tư 26.8.2015). Trong đó, các báo đều cho hay: Đó là con đường mới mở ven hồ Tây, được nhiều người xem là một trong những con đường lãng mạn và đẹp nhất thủ đô. Đồng thời với nội dung đó là một số bức ảnh kèm theo - chụp phong cảnh đường ven hồ Tây với bảng lảng mây - trời -nước, mù sương. Nhưng đâu phải vậy.


Phố Trịnh Công Sơn - từ lối rẽ phía đường Âu Cơ. Ảnh: L.Q.V.

Phố Trịnh Công Sơn rất gần Công viên Hồ Tây. Ảnh: L.Q.V

Trước hết, phải nhìn nhận rằng, việc quyết định đặt tên phố Trịnh Công Sơn ở Hà Nội là một nghĩa cử đẹp của người dân thủ đô, thông qua các đại biểu Hội đồng Nhân dân TP.Hà Nội, dù mong muốn này đã có từ lâu và vẫn đi sau thành phố Huế và thành phố Đà Nẵng khi những nơi này đã có phố Trịnh Công Sơn. Bởi lẽ, nhạc sĩ họ Trịnh được nhiều người mến mộ. Và Hà Nội cũng thêm phần lấp lánh với “Nhớ mùa thu Hà Nội”, với “Đoản khúc thu Hà Nội”… của Trịnh Công Sơn.

Có lẽ, cũng bởi những ca từ trong “Nhớ mùa thu Hà Nội” như “Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi. Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời. Hà Nội mùa thu đi giữa mọi người. Lòng như thầm hỏi, tôi đang nhớ ai…”, nên nhiều người đã những tưởng, tên nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn hẳn phải được đặt cho một con đường đầy lãng mạn ôm ấp hồ Tây với lao xao, mênh mang nắng-gió-sóng hồ, với dìu dặt-ngát hương của hoa sen Tây Hồ…

Vậy nên, cũng đã có người nhầm rằng, con đường ven hồ Tây ấy (trong đó có tuyến đoạn hiện đã được đặt tên Trịnh Công Sơn) còn được người dân và giới nghệ sĩ gọi bằng hai cái tên lãng mạn là đường Sen Hồ Tây hoặc phố Sâm Cầm Hồ Tây.

Phố Trịnh Công Sơn hiện đã được dựng biển tên. Nếu đi từ ngã ba ngõ 612 đường Lạc Long Quân rẽ phải, độ hơn 100m, rồi rẽ trái, là tới phố Trịnh Công Sơn. Phố dài 900m và rộng 9,5-12,5m, kéo tới điểm giao với dốc đê ở đường Âu Cơ (giáp Trường THPT Phan Chu Trinh).

Theo ông Nguyễn Văn Đặng - 91 tuổi, hiện mưu sinh bằng việc bán trà chén nơi đối diện với phố Trịnh Công Sơn: “Năm 1957, sau khi giải ngũ, tôi về đây xin đất làm nhà. Thời ấy, khu vực ngõ 612 này mấp mé hồ Tây, toàn ruộng trồng rau muống. Tôi làm ở trại cá giống cho đến khi nghỉ hưu. Lúc trước, khu vực này thuộc xã Nhật Tân (huyện Từ Liêm), nay là phường Nhật Tân (quận Tây Hồ)…”.

Thực trạng ở phố Trịnh Công Sơn hiện nay là, nhiều biển cửa hàng vẫn đề nguyên tên ngõ 612 Lạc Long Quân. Phố Trịnh Công Sơn không nằm ven sát hồ Tây như nhiều người lầm tưởng.

Dù vậy, việc đặt tên phố Trịnh Công Sơn cũng là dịp để “Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội, nhớ đến một người…”.

http://laodong.com.vn/van-hoa/pho-trinh-cong-son-khong-nam-ven-ho-tay-va-bang-lang-may-nhu-nhieu-nguoi-tuong-368400.bld

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét