Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

Học đại học hay chơi chứng khoán?

Học đại học hay chơi chứng khoán?
chẳng nơi nào việc tuyển chọn đại học lại diễn ra lạ lùng như vậy. Thí sinh được nộp, rút, rồi lại nộp. Cứ lẩn quẩn loanh quanh, khiến người ta thấy các em đang cố đậu đại học bằng một số điểm đã có, chứ không phải đang tìm đến ước mơ của mình. 
Học đại học hay chơi chứng khoán?
Mấy tuần qua, báo chí chưa bao giờ “ngã ngũ” trước cuộc đua kỳ thú giữa các em học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông để được một suất học đại học. Khác với mọi năm, năm nay cuộc đua trở nên nhộn nhịp một cách buồn cười.

Nộp đơn đại học như... chơi chứng khoán

Phụ huynh và các em học sinh ngay khi nhận điểm thi tốt nghiệp đã bắt đầu lên các phương án “bủa vây”. Việc lấy điểm tốt nghiệp xét vào đại học sau khi học sinh được biết điểm khiến các em hoang mang, phụ huynh cũng ngồi đứng chẳng yên vì “trong tay có tiền mà chẳng biết có mua được thứ mình mong muốn”. Ai cũng lóng ngóng, nhìn ngang nhìn dọc xem mọi người xung quanh. Hệ thống trực tuyến được cập nhật liên tục như kiểu người ta đang chơi chứng khoán, phải biết “đặt” đúng chỗ và “đầu tư” đúng lúc, mua đúng loại cổ phiếu có thể giúp họ phát tài, hoặc là sẽ trắng tay.

Thay vì các em chọn lựa những ngành học mình thích, mình mong muốn thì nay các em phải “săn” ngành học vừa vặn với số điểm của mình. Nhưng đáng nói là “ngành nào mới vừa”, khi ai cũng không dám nộp, cứ lăm le nộp rồi rút. Nhiều em chia sẻ trên mạng “thôi cứ chờ, giờ chót chắc ăn hẳn nộp”. Có đứa ngay lập tức phản hồi “ai cũng như mày thì khúc cuối số hồ sơ sẽ tăng đột biến, lúc đó trở tay không kịp”. Hóa ra nộp trễ lại dở, thôi thì nộp sớm để có gì kịp trở tay.

Nhưng ngặt nỗi vừa đón xe hàng trăm cây số xuống Sài Gòn nộp hôm trước, hôm sau chưa về đến quê thì nghe tin “số lượng chỉ tiêu đã đạt, điểm cao ngất trời, rớt rồi”. Thế là vừa xuống xe, lùa vội chén cơm với gia đình rồi đi ngay trong đêm xuống lại Sài Gòn rút hồ sơ nộp trường mới. Nhìn cảnh ấy, cứ như kiểu “thí sinh” như những ông “tai to mặt lớn”, phải chật vật chạy ngược chạy xuôi vì lo chuyện trọng đại chốn thị thành. Ấy thế nhưng học sinh rút hồ sơ ở đâu mà cả trăm, cả ngàn đứa ùa về thành phố, thế là chờ cả ngày mà rút chẳng được hồ sơ, đành ngồi gục khóc ngon lành giữa cái chốn Sài Gòn đầy lo toan, bộn bề, ganh đua, và cả sự mệt mỏi đến tột cùng.

Chọn cách khó, cách khổ làm gì?


Nhìn dòng người ngược ngược xuôi xuôi, nộp đơn dự thi mà như chơi chứng khoán, ai nấy cũng xót xa. Có người ở tận miền Trung xa xôi, ra ra vào vào cũng chỉ vì nộp đơn cho con mong nó vào đại học. Người giàu ăn ở đàng hoàng đã phúc, kẻ nghèo lang thang như những gã du mục không biết chốn đến, chỉ trông ngày về. Có người buộc miệng thở than “phải như năm ngoái, coi vậy mà khỏe”.

Năm ngoái thi hai kỳ, nhưng ít ra cả nhà không phải ngược xuôi, nộp nộp rút rút, tốn kém tiền đi lại, thời gian và cả sức khỏe. Cũng chẳng phải đợi chờ mỏi mòn, rồi giật mình nửa đêm canh hệ số điểm đang tăng hay đang giảm, mình xếp hạng bao nhiêu, để rồi thở dài lúc nửa đêm vì ngày mai phải vào đô thành rút hồ sơ, chuyển qua trường khác. Thi hai kỳ thi có mệt một chút, nhưng chẳng phải vất vả đến nỗi này. Bộ Giáo dục gộp hai kỳ thi cho dân khỏe, thành ra khiến dân chật vật hơn.

Nhiều khi nghĩ, sao Bộ Giáo dục không nghĩ đơn giản hơn: đừng quan tâm chuyện tuyển sinh đại học. Cứ tổ chức thi tốt nghiệp ba môn cơ bản như hiện nay thôi, còn chuyện tuyển đầu vào đại học cứ để các trường tự lo. Mỗi trường mỗi cách, nhưng cái chính là các trường tự có cách chọn sinh viên cho mình. Trường muốn thi thì tổ chức thi, trường muốn tuyển thì xét tuyển. Kết quả 12 năm đã có, thi tốt nghiệp cũng hoàn thành, thiếu gì cơ sở để các trường chọn sinh viên.

Nếu Bộ giáo dục lo trường sẽ chọn “ẩu tả”, chọn bừa thì Bộ sai rồi, vì ai lại chọn học sinh kém để vào đào tạo cho tốn công, tốn sức, đầu ra kém không mang lại danh tiếng cho trường. Lo vậy, khác nào “lo bò trắng răng”. Những trường hợp cố tình chọn học viên kém, thì trường quản lý bằng chỉ tiêu đầu vào, dựa trên chất lượng và số lượng cơ sở hạ tầng, giáo viên, phương tiện giảng dạy,... Trường nào chỉ đảm bảo chất lượng đào tào 100 em, thì cho tuyển 100 em. Sau đó Bộ giám sát chuẩn đầu ra của mỗi trường, mắc nối hệ thống doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức nghề nghiệp khác để đánh giá chất lượng đầu ra, từ đó thắt chặt số lượng đầu vào cho phù hợp. Công bố chất lượng sinh viên các trường hàng năm, để trường nào “ăn xổi ở thì” sẽ bị thị trường tẩy chay.

Ngụ ngôn “chơi bài ngửa”

Chuyện thi cử năm nay khiến người ta dễ liên tưởng đến một câu chuyện “ngụ ngôn bài ngửa”. Hiểu nôm na, năm nay các thí sinh “đấu” nhau theo xu hướng “nhìn đối thủ” chứ không còn để ý đến cái mình cần, mình muốn hay mình thích. Việc quá chú trọng đến bằng cấp trong điều kiện biết điểm, được nộp được rút hồ sơ, khiến các bạn trẻ quên đi ước mơ thật sự của mình, để rồi chọn cách an toàn là nộp vào trường điểm thấp để được học đại học, thay vì nộp vào trường mình thích và sẵn sàng tìm nhiều cách khác nhau (cao đẳng, trung cấp nghề,...) để đi đến ước mơ của mình.

Chuyện đó giống như chuyện người ta kéo nhau đi mua bánh mì, dù là bánh mì loại mình không thích, thậm chí không ăn được, nhưng nếu đủ tiền và miễn là một ổ bánh mì thể hiện “đẳng cấp” thì cũng tìm cách mua cho được. Trước đây, các em không biết giá bánh mì, cũng không biết giá bánh bao, bánh chuối,... Các em cũng không biết được mình có chính xác bao nhiêu tiền, nên kim chỉ nam để các em chọn mua bánh chính là “sở thích” và “án chừng năng lực thật sự”. Nhưng giờ các em biết được các em có bao nhiêu tiền, “dại” gì không chọn một ổ bánh mì, miễn sao là bánh mì thì không ai dám chê mình thua kém được.

Nói dông dài thì cũng kết luận ngắn gọn một câu: chẳng nơi nào việc tuyển chọn đại học lại diễn ra lạ lùng như vậy. Thí sinh được nộp, rút, rồi lại nộp. Cứ lẩn quẩn loanh quanh, khiến người ta thấy các em đang cố đậu đại học bằng một số điểm đã có, chứ không phải đang tìm đến ước mơ của mình.

Cao Huy Huân
Theo blog VOA

1 nhận xét:

  1. Hiện tượng trên cho ta thấy trí tuệ của mấy ông lãnh đạo bộ giáo dục đến đâu , tôi nghĩ giáo dục là lĩnh vực quan trọng nhất , nó quyết định trí tuệ , tâm hồn và nhân cách của người Việt , thế mà nền giáo dục rơi vào tay mấy ông này thì toi rồi , tương lai Việt nam sẽ đi về đâu?

    Trả lờiXóa