Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Dân Việt tiếp tục giảm lạc quan về nền kinh tế

Dân Việt tiếp tục giảm lạc quan về nền kinh tế
HÀ NỘI (NV) - Chỉ số về niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam (Consumer Confidence Index - CCI) giảm thêm 4.9 điểm (từ 138.6 xuống còn 133.7). Ðó là kết quả cuộc khảo sát do ANZ và Roy Morgan thực hiện. Tháng trước, một cuộc khảo sát khác do Nielsen - công ty chuyên về thông tin, đo lường toàn cầu, thực hiện và công bố, cho biết, trong quý 2 vừa qua, CCI của Việt Nam giảm từ 112 điểm xuống 104 điểm. Ðó là mức giảm cao nhất khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Diễn biến của CCI Việt Nam trong giai đoạn gần đây. (Hình: ANZ và Roy Morgan)
Theo kết quả cuộc khảo sát do ANZ và Roy Morgan thực hiện thì so với tháng 7, trong tháng 8, 2015, CCI của Việt Nam tiếp tục sụt giảm ở tất cả các khía cạnh được thăm dò.

Về “tình hình tài chính cá nhân,” tháng trước, còn có 34% người tiêu dùng cho rằng “tốt hơn năm ngoái” nhưng tháng này, tỷ lệ đó tụt xuống chỉ còn 31%. Tỷ lệ người tiêu dùng cho rằng “tình hình tài chính cá nhân” của họ “xấu hơn năm ngoái” đã tăng từ 21% hồi tháng 7 lên 22% trong tháng này. Tương tự, tỷ lệ người tiêu dùng cho rằng “tình hình tài chính cá nhân” của họ sẽ “tốt hơn trong năm tới” đã giảm từ 63% hồi tháng 7, xuống còn 58% vào tháng này.

Tỷ lệ người tiêu dùng cho rằng “tình hình tài chính của Việt Nam” sẽ “tốt trong 12 tháng tới” đã giảm từ 50% vào tháng 7, xuống còn 46% trong tháng này.

Ðáng lưu ý là chỉ trong vòng một tháng, tỷ lệ người tiêu dùng cho rằng “tình hình tài chính của Việt Nam” sẽ “tốt trong vòng 5 năm tới” đã giảm đến 9% (từ 64% xuống còn 55%) - mức thấp nhất từ trước đến nay.

CCI là chỉ số để đánh giá người tiêu dùng của một quốc gia lạc quan hay bi quan về triển vọng kinh tế. CCI giảm đồng nghĩa với việc người tiêu dùng hạn chế chi tiêu khiến mãi lực giảm. Các doanh nghiệp sẽ chật vật hơn. Nguồn thu cho ngân sách từ thuế sẽ ít hơn. Kinh tế quốc gia vốn đã khó khăn sẽ còn khó khăn hơn.

Theo tiết lộ của ông Vaughan Ryan, tổng giám đốc công ty Nielsen Việt Nam, hồi tháng trước thì tỷ lệ tiết kiệm của người tiêu dùng ở Việt Nam (73%) không chỉ dẫn đầu Ðông Nam Á mà còn cao nhất trên toàn cầu.

Kết quả khảo sát do do Nielsen thực hiện, cho thấy, trong 12 tháng vừa qua, 86% người tiêu dùng Việt Nam tiếp tục điều chỉnh thói quen chi tiêu để tiết kiệm chi phí gia đình, bởi tin rằng kinh tế Việt Nam vẫn còn hết sức khó khăn.

Khoảng 3/5 số người tiêu dùng Việt Nam tham gia cuộc khảo sát vừa kể cho biết họ sẽ tiếp tục cắt giảm chi tiêu cho quần áo, ga và điện. Hơn 50% người tiêu dùng tham gia cuộc khảo sát đã cắt giảm các chi tiêu cho việc giải trí của cả gia đình. Khoảng 50% không thay đổi các thiết bị công nghệ để tiết kiệm tiền.

Vào lúc này, mối bận tâm lớn nhất của người tiêu dùng Việt Nam là tình trạng ổn định của công việc, triển vọng của nền kinh tế, kế đó mới là sức khỏe. Trong vài năm gần đây, bất kể đủ loại nỗ lực kích thích, thị trường Việt Nam vẫn bất động. Mãi lực của các đợt mua sắm lớn như Tết vẫn càng ngày càng thấp.

Cả các chuyên gia kinh tế lẫn báo giới liên tục cảnh báo về tác động của tình trạng kinh tế suy thoái kéo dài khiến dân chúng càng ngày càng nghèo và niềm tin vào sự hồi phục của nền kinh tế càng lúc càng mong manh.

Khi dân chúng thắt chặt chi tiêu thì hàng hóa ứ đọng. Thua lỗ, hết vốn, số lượng doanh nghiệp tiếp tục ngưng hoạt động tiếp tục gia tăng. Những doanh nghiệp còn tồn tại chỉ hoạt động chừng 50% công suất, rất ít doanh nghiệp có ý định tăng quy mô đầu tư, tăng quy mô lao động.

Cũng vì vậy, hệ thống ngân hàng thừa tiền bởi thiếu khách vay. Nhiều ngân hàng than rằng, đã chào mời đủ cách, hạ lãi suất cho vay xuống 7% hoặc 8%/năm (chỉ bằng một nửa so với trước nhưng các doanh nghiệp vẫn không thèm ngó ngàng.

Hồi cuối năm ngoái, tờ Thời báo Kinh Tế Sài Gòn đăng bài “Ngân hàng: Cửa kiếm tiền càng hẹp,” mô tả tình trạng càng ngày càng đáng ngại của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Theo đó, tất cả những viên chức lãnh đạo ngân hàng mà tờ báo này tiếp xúc đều bi quan vì “chưa khi nào lâm vào tình trạng trớ trêu: Ngồi trên đống tiền mà... chết đói.” Giới lãnh đạo các ngân hàng tại Việt Nam tự hỏi nhau “để tiền ở đâu bây giờ?” vì “không có cửa để làm ra tiền vào thời buổi này.”


Cũng vào lúc đó, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo, muốn kinh tế Việt Nam có thêm sức để vượt qua khó khăn thì điều đầu tiên mà chế độ Hà Nội phải làm là khôi phục niềm tin của cả dân chúng lẫn doanh nghiệp vào khả năng điều hành kinh tế của mình. Tuy nhiên hàng loạt chính sách, giải pháp được đề ra từ 2012 đến nay chỉ tạo thêm bất an. (G.Ð)

(Người Việt)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=213454&zoneid=2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét