Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Chợ Việt thèm một tiếng rao

Chợ Việt thèm một tiếng rao
Chợ đêm là chỗ người ta tìm đến để có thêm được ít niềm vui, khi ánh mặt trời vừa tắt. Quán xá của chợ đêm là những gian hàng nhỏ san sát, có hấp lực níu chân người. Nhiều gian hàng chỉ bán những món vặt vãnh, những món ăn chẳng cần no bụng, có thể cầm trên tay rồi vừa đi vừa nhìn ngó thiên hạ. Đèn chợ đêm sáng rực một góc trời cùng với tiếng nhạc, tiếng người huyên náo... Tưởng đâu hình ảnh như vậy chỉ quen thấy ở xứ Việt, không ngờ tận trời xa, vẫn có một chợ đêm như vậy, mang lại bao cảm giác bồi hồi khó tả.
Chợ đêm ở khu Phước Lộc Thọ, khi đêm vừa xuống
Cho đỡ nhớ quê
Ngay trước cửa khu thương xá nổi tiếng của người Việt tại bang California nước Mỹ, mà dân trong vùng vẫn hay gọi bằng cái tên quen thuộc là khu Phước Lộc Thọ, từ năm 2011 đến nay, cộng đồng người Việt xin được giấy phép của thành phố Westminster nên đã tổ chức chợ đêm vào ba ngày cuối tuần, suốt trong những tháng mùa hè. Bắt đầu từ 5 giờ chiều, chợ mở cửa đến 11giờ đêm. Không chỉ dân địa phương ghé qua mà rất nhiều du khách từ các nơi khác cũng tò mò tìm tới cho biết một chợ đêm Việt, như muốn nối lại những cảm giác có khi đã nhạt nhòa hơn 40 năm.

Một người bạn trẻ bán nước giải khát cho biết muốn có được một chỗ bán ở đây trong mùa hè không dễ, vốn thì phải có ít nhất 10-15 ngàn USD, đó là chưa nói các gian hàng đều phải có giấy phép nghề kinh doanh ăn uống của nhà hàng, tiệm ăn... nếu không thì chỉ có thể bán hàng lưu niệm các sản phẩm khác. Giới lãnh đạo thành phố rất lo lắng về chuyện vệ sinh nên rà soát, khó khăn trong việc cấp phép. Do đó, việc ăn uống ở chợ đêm ở Phước Lộc Thọ không phải lo ngại như nhiều chợ đêm ở Việt Nam. Sơ sẩy bị khách hàng kiện cáo thì cảnh sát có thể đến rút giấy phép như chơi, ai làm gian hàng cũng phải cẩn thận.



Vừa đi vừa ăn là một cái thú, có người kẹp trên tay hai, ba món cùng lúc

Có không ít các bạn trẻ là sinh viên chọn việc thuê, mượn giấy phép nhà hàng để làm thêm, kiếm chút ít vào mùa hè. Phần lớn các gian hàng của các bạn trẻ này rất dễ nhận ra do phong cách gần gũi và biết cách mời chào. Làm chợ đêm cũng có cái thú vì không khí luôn nhộn nhịp, đèn sáng rực, đã vậy được thưởng thức âm nhạc từ sân khấu của hội chợ với đủ các giọng ca của khách thập phương. Bà Thanh, sinh quán là An Giang, chủ một gian hàng nước sinh tố nói rằng gian hàng của bà là một trong những gian hàng kỳ cựu nhất, có từ năm 2011. Bà thích bán ở chợ đêm chỉ vì “nó giống như ở Việt Nam, đỡ nhớ quê mình”.



Sân khấu ca nhạc dành cho bất kỳ ai có ngẫu hứng

Khi trời sập tối, trên nước Mỹ có muôn vàn chỗ vui chơi, ăn nhậu. Các khu mall, downtown luôn dập dìu người qua lại, các quán ăn Tàu, Mỹ, Nhật, Mễ... rộn rịp người xếp hàng chờ vào. Nhưng để có một chút Việt Nam và “nhớ quê mình”, thì chỉ có chợ đêm. Người Việt đã nửa thế kỷ hội nhập vùng đất này, thành đạt và giàu có cũng nhiều, nhiều thế hệ đã lớn lên... nhưng vẫn giằng co trong tâm thức về một cái riêng, vì vậy mà hôm nay, người ta nhìn thấy nhan nhản quán ăn Việt, siêu thị Việt, dịch vụ Việt... và dấn thêm một bước nữa, là chợ đêm Việt.


Gian hàng của một nhóm bạn trẻ bán đồ ăn vặt, có cả bánh tráng trộn

Nói chuyện “nhớ quê mình”, đi một vòng chợ đêm mới thấy nhiều gian hàng cố gắng dựng lại hình ảnh của chợ búa trong nước. Các món ăn uống thịnh hành trong nước như trà chanh, bánh tráng trộn... đều có cả. Những chiếc bàn con và ghế nhựa được đặt trước một số gian hàng ăn uống, thu hút rất nhiều người ghé qua. Anh Cường, sống ở Florida, ghé chơi cùng gia đình cho biết chợ Việt. Ngồi ngậm ống hút ly nước mía, anh cười “giống Việt Nam ha”. Năm ngoái, 2014, anh mới vừa về thăm quê. Cảm giác của “quê mình” vẫn còn đọng lại trong người nên khi đến chợ đêm này, anh thật sự thích thú.


Uống nước mía xếp hàng

Dù là chợ Việt, nhưng vẫn có chút khác biệt với chợ đêm trong nước. Ở nhiều gian hàng, đám đông trật tự xếp hàng chờ đến phiên mình. Dù khách đến rất đông nhưng không có cảnh chen chúc, không có la lối, chặt chém, hoặc “tiền rách, tiền xu không nhận”. Các bãi xe chung quanh không còn một chỗ, khách đi bộ chia thành từng dòng xuôi ngược ôn hòa. Đặc biệt sân khấu ca nhạc thì luôn có tiếng vỗ tay lịch sự, dù ca sĩ vô danh chỉ xin góp tiếng cho vui.

Hồn ở đâu bây giờ?

Bên cạnh những khác biệt, chợ đêm ở Mỹ hay chợ trong nước giờ cũng khá giống nhau ở một điều là rất ít tiếng rao còn được nghe thấy. Ngay cả miền Nam quen thuộc với vô vàn kiểu rao hàng cũng vắng dần. Nhiều năm nay, đời sống hiện đại với máy ghi âm, loa phát gắn trên xe... du nhập từ miền Bắc, với nhiều loại hàng như keo bẫy chuột cho đến bánh giò, hột vịt lộn... được thu sẵn, lanh lảnh phát trên đường phố khiến mọi thứ cũng trở thành công thức và nhạt nhẽo theo.

Ít có ai nói cho con cháu mình biết rằng tiếng rao là linh hồn của chợ, của người buôn kẻ bán. Cũng như tiếng ru là niệm của tình mẫu tử, mọi thứ vật chất bàng quan được nuôi sống và lớn lên bằng sự huyền ảo trong hơi thở và tiếng hát của con người.

Ít có ai nói cho con cháu mình biết rằng tiếng rao là linh hồn của chợ, của người buôn kẻ bán. Cũng như tiếng ru là niệm của tình mẫu tử, mọi thứ vật chất bàng quan được nuôi sống và lớn lên bằng sự huyền ảo trong hơi thở và tiếng hát của con người. Đến chợ mà không nghe thấy tiếng rao, chỉ nghe thấy tiếng lao nhao mặc cả và giới thiệu trôi chảy thì có khác chi bước vào siêu thị. Ông cha người Việt đã để lại một di sản marketing dân dã và quý báu, chỉ tiếc con cháu không thể gìn giữ.


Các gian hàng đón khách rất nồng nhiệt, chỉ còn thiếu một tiếng rao

Những ngôi chợ ngoài nước Việt yếu ớt linh hồn đã đành, nhưng ngay trong nước, tiếng rao cũng ngày càng vắng dần, như những linh hồn mong manh chỉ còn chờ đến giờ liêu xiêu phiêu bạt. Đi chợ Việt, bỗng bất chợt nao nao, thèm một tiếng rao, như nhớ đến nước Việt thuở nào của những người muôn năm cũ.

Bài và ảnh Tuấn Khanh
http://nguoidothi.vn/vn/news/hon-pho/ky-uc-do-thi/6073/cho-viet-them-mot-tieng-rao.ndt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét