Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

Chi 230 tỷ để người Việt ham đọc sách:Sự thật khó tin

Chi 230 tỷ để người Việt ham đọc sách:Sự thật khó tin
(Người Việt) - Dù có 230 tỷ đồng hay 230 tỷ USD đầu tư vào việc hình thành thói quen đọc sách cho người Việt cũng khó khả thi. Bộ VHTT&DL đang xin ý kiến về dự thảo xây dựng đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015 - 2020, định hướng 2030", với số tiền 230 tỷ đồng. PGS.TS Phạm Thành Nghị - Viện Tâm lý học - Viện Khoa học xã hội VN đã bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này.

Việc đầu tư 230 tỷ đồng để tạo thói quen đọc
 sách cho người dân là không khả quan
Đề án chưa đi vào gốc rễ vấn đề
Sau khi xem đề án của Bộ VHTT&DL, tôi thực sự rất vui mừng về mặt chủ trương. Thế nhưng, việc đọc sách được hình thành trong mỗi người từ khi còn rất nhỏ, chứ không thể ngày một, ngày hai, nó cũng như thói quen của con người. Tất cả đều phải được hình thành từ khi còn rất nhỏ và nơi cội rễ ấy chính là môi trường giáo dục trong gia đình, nhà trường.

Thế nhưng, đối với thói quen đọc sách thì lại khác, nó xuất phát từ nhu cầu kiến thức, khi thiếu một thông tin nào đó thì họ sẽ tìm đến sách để đọc hay khi họ có nhu cầu về giải trí như đọc truyện để giảm căng thẳng. Tất cả đều xuất phát từ nhu cầu, nếu có nhu cầu thì con người mới tìm đến sách, nhu cầu này thường xuyên xuất hiện trong công việc cũng như cuộc sống.

Mỗi tuần một cuốn sách: Giới trí thức lười đọc, nói ai?

Hiện nay, chúng ta không hình thành ở trẻ em từ trong gia đình một thói quen đọc sách, ra cộng đồng thì môi trường công việc cũng không yêu cầu phải đọc sách, nên mỗi cá nhân tự cho mình quyền được ỷ lại, không trau dồi kiến thức.

Để khẳng định rằng, đề án hình thành thói quen đọc sách 230 tỷ đồng, hay 230 tỷ USD thì vẫn không thể làm được nếu như chúng ta không biết hình thành nên nhu cầu đọc sách trong dân.

Đặc biệt, kinh phí này được lên kế hoạch phân chia vào các công việc như tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về ý nghĩa việc đọc sách, trang bị xe ô tô lưu động cho thư viện cấp tỉnh, trang bị sách cho thư viện cấp tỉnh, huyện, xã. Theo tôi, việc đầu tư xe lưu động mang sách đi, mua thêm sách đặt vào các thư viện huyện, xã thì cuối cùng chuyện dân không đọc sách vẫn hoàn không đọc sách, bởi đó không phải là gốc rễ vấn đề.

Tôi xin nhấn mạnh rằng đọc sách chỉ là kỹ thuật hướng dẫn cho trẻ biết cách đọc, còn có muốn đọc hay không lại là nhu cầu riêng của mỗi người, cần phân biệt rõ về điều này.

Để con người có nhu cầu đọc sách, cần phải hoàn thiện 3 việc: thứ nhất,hình thành nhu cầu đọc sách; thứ hai, hình thành kỹ năng đọc sách; thứ balà hình thành cơ sở phục vụ đọc sách. Nếu như chỉ tập trung vào điều kiện, kỹ năng đọc sách, mà chưa hình thành nhu cầu đọc sách thì sẽ hoàn toàn vô tác dụng bởi vì con người làm việc là vì thỏa mãn nhu cầu của họ, nếu như không hình thành nhu cầu, đáp ứng nhu cầu thì sẽ không bao giờ thành công.

Với kế hoạch hiện nay của Bộ VHTT&DL thì mới chỉ đang làm phần ngọn, trong khi phần xây dựng nhu cầu thì lại không được quan tâm, cũng giống như việc chúng ta có nhu cầu về cuộc sống sạch sẽ thì lúc đó trong lúc vệ sinh chúng ta mới không vứt rác ra đường. Nó cũng giống với việc, nếu như con người không muốn đọc sách thì có để sách ở khắp nơi cũng không ai đọc.

Đặc biệt, môi trường lao động hiện nay của chúng ta không khuyến khích con người tìm tòi, mà chỉ khuyến khích làm theo mệnh lệnh, như vậy thì làm sao con người cần tìm hiểu, nghiên cứu cái mới.

Tôi cho rằng mục đích nâng cao thói quen đọc sách trong cộng đồng là việc nên làm, thế nhưng, dự án thì chưa khả thi, bởi vì mua sách, xây dựng thư viện cũng tốt nhưng không giải quyết được vấn đề.

Xã hội phải thay đổi bản chất toàn diện

Theo tôi được biết, hiện nay hệ thống thư viện trên cả nước cũng đã gần như phủ khắp các xã, huyện, tỉnh thành, thế nhưng, trung bình một người Việt mỗi năm đọc chưa đến 1 cuốn sách. Trong khi, những dân tộc ham đọc sách mới là dân tộc phát triển như Nhật Bản, Irsarel, Đức, họ đều là những dân tộc ham đọc sách, họ chăm chú và dành thời gian làm việc trong thư viện rất lâu.

Hay nói ngay đến người Do Thái, họ rất chú trọng đến chuyện học hành và chữ nghĩa của con cái. Hầu hết những người Do Thái, dù là người Chính thống hay người Do Thái bình thường, đều dạy con cái rằng khi gặp nạn, vật đầu tiên và cũng là vật quý giá nhất mà người Do Thái đem theo đầu tiên đó chính là Cuốn kinh thánh, chứ không phải bất cứ vật dụng nào khác.

Cuốn Kinh thánh Do Thái (Hebrew Bible) đối với họ vừa là đức tin, vừa là lịch sử, vừa là nguồn tri thức, giúp họ có tương lai. Xã hội Do Thái là một xã hội đặt trí tuệ vào bậc cao nhất trong thang giá trị. Chính vì vậy, xã hội của họ đã thúc đẩy con người phải tìm tòi, phát triển tri thức, trí tuệ.

Tôi cho rằng sách là thứ bao gồm những kiến thức hình thành trí tuệ, khi một nền văn hóa đánh giá cao trí tuệ thì đọc sách sẽ trở nên có ý nghĩa. Một dân tộc đánh giá cao tiền, quyền lực như Việt Nam hiện nay, sách bán rẻ nhất, người viết sách không sống được bằng nghề, vì xã hội chưa coi trọng tri thức, thì tất nhiên chuyện đọc sách cũng không quan trọng.

Rõ ràng phải hình thành việc sử dụng kiến thức, trong cuộc sống hàng ngày một cách thường xuyên thì lúc đó chúng ta sẽ có nhu cầu đọc sách, nó là yêu cầu bắt buộc tồn tại trong xã hội vừa lao động, giải trí, cũng như giao tiếp với nhau bởi chúng ta cần thông tin, khi đó sách mới trở thành thứ quan trọng.

Dĩ nhiên, sau một thời kỳ khó khăn kéo dài, thì tâm lý chuộng vật chất là điều bình thường. Nhưng cái khó hơn nhiều là xây dựng một nền văn hóa dân tộc có căn cơ, có chiều sâu. Nền văn hóa của một đất nước chắc chắn phải dựa trên nền tảng giáo dục. Nền giáo dục của chúng ta hiện nay, như tất cả chúng ta đều thấy, đang gây bức xúc lớn trong xã hội. Chính nền giáo dục đó đã không xây dựng được một nền văn hóa đọc.Chính vì thế, để làm được thì xã hội phải thay đổi bản chất toàn diện.

Tôi còn nhớ đã từng có một vị chuyên gia nói rằng, trung bình 1 người Việt Nam đọc 3 cuốn sách 1 năm - trong đó có 2,3 cuốn là sách giáo khoa. Như vậy số lượng sách tự chọn chỉ chưa đến 0,7 cuốn/1 người/1năm, điều đáng nói là lượng sách giải trí còn đang chiếm tỉ trọng lớn trong con số 0,7 này. Những dòng sách được lựa chọn nhiều thời gian gần đây như "Ngôn tình", tiểu thuyết tình yêu. Chính những điều này đã cho thấy, xã hội của chúng ta là xã hội hưởng thụ, hướng vào những nhu cầu vật chất tầm thường, những vấn đề sinh học.

Nếu là một xã hội lao động, sáng tạo thì lúc đó sách vở mới có giá trị, mới được tham khảo, còn chúng ta thì đang hướng vào tiêu dùng, thích có nhà lầu, xe hơi hơn là việc hướng đến sự văn minh, sáng tạo và lao động sáng tạo.

Khi bản lĩnh văn hóa yếu ớt, khi không tự mình thẩm định và đặt ra được thang giá trị thì con người rất hay nhầm lẫn và nảy sinh tính a dua, hùa theo số đông. Đó chính là nguyên nhân chính làm cho xã hội tập trung đọc Ngôn tình, những truyện sex trá hình.

Hơn nữa, giới trẻ luôn thích lao vào những cuốn sách kích thích phần bản năng thấp và có thể gây hiệu ứng thỏa mãn tâm sinh lý tức thì, sẽ không mang lại bất kỳ giá trị nào về mặt thẩm mỹ cũng như “nhân học” cho người đọc.

Việt Nam luôn xếp hàng đầu thế giới về tiêu thụ bia rượu, gái mại dâm, số lượng nhà nghỉ cao đến rùng mình, khu phố nào cũng có nhà nghỉ, hãy nhìn chỉ số đó mà thấy xã hội của chúng ta là xã hội tiêu dùng và hưởng thụ, không phải lao động sáng tạo.

Nhà máy xí nghiệp thì ít, nhưng quán ăn là chủ yếu, chỗ nào cũng bia, karaoke, nhà nghỉ....nhưng trường học không được ưu tiên trong khu dân cư.

Đặc biệt, không chỉ có giới trẻ hiện nay văn hóa đọc đã giảm, mà đến giới trí thức cũng không còn nhiều đam mê với việc đọc sách. Các GS, TS cũng chỉ đọc những cuốn sách có liên quan đến những đề tài mình đang nghiên cứu.

Điều này cũng dễ hiểu, nhìn ngay tại các trường ĐH, CĐ hiện nay, theo thống kê gần đây cả nước có khoảng 24.300 tiến sĩ, hàng trăm ngàn thạc sĩ, thuộc diện nhiều nhất khu vực Đông Nam Á (hơn cả Nhật Bản). Tuy nhiên, những công trình khoa học, bài báo khoa học được đăng trên những tạp chí uy tín trên thế giới lại thấp nhất.

Trong 10 năm, trung bình mỗi giảng viên ĐH, CĐ chỉ có được 0,58 sáng kiến khoa học. Họ bằng lòng với những gì đang có, không chịu tìm tòi thêm, không đọc sách, sáng tạo thì lấy đâu ra sáng kiến, để truyền tải cho sinh viên.

Cũng như những câu chuyện chàng trai chưa đầy 18 tuổi giết mấy mạng người, âu cũng là do xã hội vô cảm, thiếu tình người, sự nhân văn, thành ra cướp bóc nhau.

Theo tôi, việc Bộ VHTT&DL cần làm hiện nay: Đầu tiên hình thành nhu cầu đọc sách. Sau khi có nhu cầu thì hình thành kỹ năng đọc sách, tạo điều kiện mua sách vở, khi đó mới giải quyết được vấn đề từ gốc rễ.
Bảo Bảo
http://baodatviet.vn/van-hoa/nguoi-viet/chi-230-ty-de-nguoi-viet-ham-doc-sachsu-that-kho-tin-3282147/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét