Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

Tin được không: 'Giá điện tăng, mọi người đều được lợi'

Đọc cái tiêu đề đã thấy điên rồ, lừa bịp. Xem đến giải thích thì càng thấy bịp bợm. Tưởng Bộ Công thương chỉ có ông Bộ trưởng bị bắt buộc phải trả lời chất vấn mới để lộ ra trình độ thấp kém, hóa ra còn có ông Thứ trưởng liều lĩnh hơn. Đừng có tin lời bịp bợm của ông này: "Giá bán lẻ là một trong những điều khoản thu hút vốn của các nhà đầu tư. Một khi có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất và bán điện thì chi phí sẽ hạ. Khi đó người dân sẽ được hưởng một mức giá cạnh tranh nhất". Ở Việt Nam, giá và thuế chỉ có lên, không có hạ; nếu chi phí hạ (mơ mộng cho vui) thì nhà nước sẽ hái khoản lời này đưa vào ngân sách cho quan chức chia nhau.
Thứ trưởng Công Thương: 'Giá điện tăng, mọi người đều được lợi'
Người phát ngôn Bộ Công Thương cho rằng, việc giá điện bán lẻ tiệm cận thị trường tạo nên sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, khiến chi phí sản xuất giảm. Nhà nước không phải bù lỗ và người dân cũng được hưởng lợi. Giá điện có thể tăng 9,5% / Doanh nghiệp lo gánh thêm chi phí khi điện tăng giá
Đại diện Bộ Công Thương cho rằng giá bán lẻ điện tiệm cận giá thị trường sẽ giúp người dân được hưởng lợi từ sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.

Chủ trì cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 2/2, hầu hết câu hỏi mà Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận được đều xung quanh kế hoạch tăng giá điện, vốn đã được cơ quan điều hành "bật mí" trước đó là sẽ điều chỉnh trong giai đoạn đầu năm 2015.

Không đưa thêm thông tin cụ thể hơn về kế hoạch này, đại diện Bộ Công Thương tiếp tục khẳng định, giá điện sẽ được điều hành theo lộ trình tiến gần hơn tới thị trường, như một số mặt hàng thiết yếu khác. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết việc giá bán hiện còn thấp hơn giá thành là không có lợi cho Chính phủ, doanh nghiệp cũng như người dân.

"Doanh nghiệp trực tiếp sản xuất là Tập đoàn Điện lực (EVN) phải chịu lỗ thì Nhà nước phải bù. Ngay cả các tổ chức quốc tế cũng luôn cảnh báo về giá bán điện của Việt Nam hiện nay", ông nói. Do vậy, vị này cho rằng nếu không thay đổi giá bán chắc chắn không một nhà đầu tư nào muốn đổ tiền vào các dự án điện trong nước.

Nói rõ hơn về việc điều chỉnh tăng giá sẽ "mang lại lợi ích cho mọi người", Thứ trưởng phân tích: "Giá bán lẻ là một trong những điều khoản thu hút vốn của các nhà đầu tư. Một khi có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất và bán điện thì chi phí sẽ hạ. Khi đó người dân sẽ được hưởng một mức giá cạnh tranh nhất".

Ngoài việc có thêm tiền để cân bằng các khoản lỗ, EVN và một số doanh nghiệp trong nước không chịu nhiều áp lực về nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, với giá bán như hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất khối FDI đang được hưởng ưu đãi nhiều nhất và chính Nhà nước phải hỗ trợ để bù giá, ngoài những khoản lỗ của ngành điện hiện có. "Đó chính là sự hưởng lợi của các bên khi tăng giá bán lẻ điện năng", đại diện Bộ Công Thương khẳng định.

Trước mắt, đề giảm tối đa được các chi phí trong sản xuất kinh doanh, cơ quan này đã yêu cầu EVN tìm mọi phương án tăng năng suất lao động, tiết kiệm tối đa điện năng đồng thời tập trung vấn đề quản trị doanh nghiệp.

Nhắc lại thời điểm điều chỉnh, Thứ trưởng Hải cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng, từ nay đến Tết Nguyên đán, giá điện sẽ chưa tăng. Trong tháng 3/2015, dựa trên đánh giá tình hình của EVN cũng như các vấn đề liên quan, Bộ sẽ chính thức trình phương án tăng giá lên Thủ tướng quyết định.

Thành Tâm

http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/thu-truong-cong-thuong-gia-dien-tang-moi-nguoi-deu-duoc-loi-3142515.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét